Cung đường tử thần của những kẻ buôn người
Vụ lực lượng an ninh Ai Cập bắn nhầm du khách khiến ít nhất 12 du khách thiệt mạng xảy ra cách đây vài ngày khiến không ít người bàng hoàng. Nhưng thực tế cho thấy đây là một thực trạng đã diễn ra từ lâu trên tuyến đường vận chuyển người và buôn lậu đầy tai tiếng ở quốc gia Bắc Phi này.
Ốc đảo Siwa trở thành điểm dừng chân không thể thiếu trên tuyến đường buôn lậu vượt biên.
Tuyến đường buôn người trên sa mạc
Có ít nhất 2 nạn nhân thiệt mạng là du khách mang quốc tịch Mexico – Bộ Ngoại giao Mexico cho hay. Một tuyên bố của cơ quan này nói rằng, những người này bị bắn chết trong tình huống “chưa được làm rõ”. Ngoài ra còn có 10 người khác bị thương, trong đó có 5 người Mexico. Tất cả đã được đưa vào bệnh viện.
Sự việc nghiêm trọng xảy ra tại khu vực sa mạc phía Tây của Ai Cập, nơi mà chính quyền gần như bất lực trong việc ngăn chặn các tổ chức phiến quân từ Libya vượt biên giới tràn vào nước này.
Vùng sa mạc phía Tây của Ai Cập, được tính từ sông Nile trải dọc từ Bắc xuống Nam, chiếm đến 90% diện tích của nước này. Không chỉ có cát và cát bao phủ, trên vùng sa mạc có vô số các ốc đảo nhỏ mà từ xa xưa đã được người ta đặt cho cái tên “những hòn đảo thiêng” và được xem như những điểm dừng chân tuyệt hảo trên tuyến đường này.
Ốc đảo nằm xa nhất trong số này có tên Siwa, cách sông Nile khoảng 640 km và cách bờ biển Địa Trung Hải khoảng 320 km, được bao quanh bởi hàng nghìn km vuông sa mạc. Từng được coi như trạm trung chuyển của các đoàn lữ hành trong nhiều thế kỷ qua, giờ Siwa cũng được người dân xem như một điểm dừng chân không thể thiếu trên tuyến đường sang Libya.
Các thương nhân, người hành hương hay quân đội cũng thường xuyên sử dụng nguồn cung cấp nước, hoa quả từ ốc đảo Siwa khi phải băng qua một trong những vùng sa mạc khắc nghiệt nhất của Sahara. Du khách nổi tiếng nhất từng đặt chân đến ốc đảo này có lẽ là Alexander Đại đế từ hồi thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên.
Nhân công Ai Cập bất chấp nguy hiểm để đến Libya kiếm việc làm mong thoát cảnh nghèo khó. (Nguồn: BBC)
Nhân công Ai Cập đổ xô đến Libya
Thế nhưng, sau làn sóng biến động chính trị quét qua Libya hồi năm 2011, ốc đảo Siwa đã bắt đầu đón nhận một kiểu du khách hoàn toàn mới. Do tình hình bất ổn đã khiến người ta không thể vượt qua biên giới ở cửa khẩu Sallum, nên Siwa – chỉ cách biên giới hai nước có 60 km – đã trở thành điểm dừng chân cuối cùng cho những người Ai Cập muốn rời bỏ quê hương để tìm việc làm có mức lương cao hơn ở quốc gia giàu dầu mỏ Libya.
Video đang HOT
Bất chấp nhiều cảnh báo của Chính phủ về tình hình bất ổn ở Libya, dòng người di cư từ Ai Cập đến Libya vẫn không giảm, và số người chết cũng tăng dần trong những hành trình vượt biên. Vào thời điểm cuối năm 2013, tức 2 năm sau cái chết của Đại tá Muammar Gaddafi, người ta ước tính rằng có khoảng từ 700.000 – 1,5 triệu nhân công Ai Cập đến Libya.
Đa phần những người này đều phải trải qua một hành trình dài trên sa mạc để đến ốc đảo Siwa, sau đó phải nhờ đến đoàn xe của một người tên là Mohamed, tài xế 44 tuổi đã giành gần trọn cuộc đời mình để vận chuyển người qua biên giới.
Theo Mohamed, hầu hết thu nhập của những “tài xế sa mạc” như ông đến từ việc buôn lậu các loại hàng hóa từ Libya đến Ai Cập. Các mặt hàng rất đa dạng, từ thuốc lá, thuốc men, thực phẩm cho đến súng đạn. Người này còn thêm rằng súng giờ có giá rẻ đến nỗi hộ gia đình nào cũng sở hữu một khẩu.
Ngoài việc buôn lậu ra thì việc vận chuyển nhân công di cư từ Ai Cập đến Libya cũng mang lại thu nhập không nhỏ. Hiện nay để có thể đi qua cửa khẩu Sallum, một nhân công cần có thị thực, giấy tờ tùy thân, giấy đăng ký và quan trọng nhất là tiền để hối lộ. Bởi vậy, họ chọn tuyến đường đơn giản và bí mật hơn.
Bị phát hiện…là chết
Hành trình bí mật này không hề dài, chỉ khoảng 90 km là đến điểm trả khách, nhưng lại là tuyến đường nguy hiểm nhất.
Kể từ khi ông Abdul Fattah al-Sisi được chỉ định làm Tổng thống Ai Cập năm 2014, Chính phủ đã rất mạnh tay truy quét buôn lậu trên các tuyến đường vận chuyển gần biên giới. Những mối đe dọa về phiến quân băng qua biên giới tràn vào Ai Cập, hay lo ngại về việc vũ khí tuồn vào từ Libya…đã khiến cho lực lượng an ninh nước này buộc phải có một cách tiếp cận không nhân nhượng.
“Khi Chính phủ tuyên bố kiểm soát chặt tuyến đường này và lực lượng an ninh bắt đầu nổ súng một cách không nhân nhượng, đã có rất nhiều người bị chết” – Mohamed cho hay – “Khi tài xế không chịu dừng xe, binh sỹ sẽ bắn anh ta ngay mà không cần hỏi thêm. Nếu họ gặp bạn trên sa mạc, họ có thể bắn ngay dù cho bạn không mang súng”.
Hồi tháng 2 năm nay, tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đăng tải đoạn băng hành quyết 21 con tin người Ai Cập ở Libya, khiến cho dòng người Ai Cập tìm đến Libya giảm mạnh. Tuy nhiên, đến giờ số người tìm cách vượt biên lại tăng, do nỗi sợ hãi IS không thể chiến thắng được khao khát thoát khỏi cuộc sống vô cùng nghèo khó của một bộ phận không nhỏ người dân Ai Cập.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), vùng Thượng Ai Cập là khu vực tập trung 40% dân số của nước này, nhưng lại là khu vực tập trung 60% dân số sống ở mức nghèo khó và 80% dân số sống ở mức dưới nghèo khó. Có đến 1/3 dân số Ai Cập ở dưới độ tuổi 30, nhưng số người trẻ tuổi trong tình trạng thất nghiệp.
Libya đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhân công di cư từ Ai Cập kể từ khi công nghiệp dầu khí bùng nổ trong những năm 1970. Quốc gia này vẫn sẽ duy trì vị thế “thiên đường sống” như vậy nếu tình trạng sống của người dân Ai Cập còn chưa được cải thiện – bất chấp nhiều mối nguy hiểm rình rập trên hành trình vượt biên.
Theo Linh Chi
Đại đoàn kết
Khủng hoảng nhập cư ở châu Âu - Đi tìm sự đồng thuận
Năm 2015 đang chứng kiến một châu Âu "oằn mình", lúng túng, bất đồng trong giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư được coi là lớn nhất từ trước đến nay. Giải quyết cuộc khủng hoảng này như thế nào trong khi châu Âu đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nội bộ đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Giải quyết khủng hoảng nhập cư vào châu Âu đang rất cần sự đồng thuận cao. (Ảnh AP)
Kể từ cuối năm 2014 và đặc biệt, từ đầu năm 2015 đến nay, hàng trăm nghìn người tị nạn, bằng đủ loại phương tiện, chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông đã tràn vào châu Âu qua cửa ngõ Italy và Hy Lạp, gây ra một cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu.
Trên bộ, hàng chục nghìn người mượn con đường Balkan vượt biên giới Serbia vào Hungary, sau đó chạy sang Áo và Đức. Tình hình càng nghiêm trọng hơn vì nhiều người dân Balkan cũng lợi dụng cơ hội, bỏ làng, gia nhập đội quân xin tị nạn.
Liên minh châu Âu đang đứng trước một bài toán nan giải. Hiện 28 nước Liên minh châu Âu vẫn chia rẽ trước thềm hội nghị khẩn cấp các bộ trưởng nội vụ và tư pháp vào ngày 14/9 tới.
Nhiều nước châu Âu đã biến biên giới của mình thành những "pháo đài" với hàng rào dây thép gai và đây được coi là giải pháp trước mắt nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư trong khi chưa tìm được tiếng nói chung trong khối.
Thay vì tốn thời gian và công sức dựng tường rào, các nước châu Âu nên tăng cường tìm kiếm giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng người nhập cư. Cả thế giới đang chờ đợi các quốc gia châu Âu sớm đạt được sự đồng thuận trong chính sách và hành động thực tế nhằm đối phó với làn sóng người nhập cư, hiện được coi là thách thức lớn có nguy cơ đe dọa sự ổn định về kinh tế và xã hội của "lục địa già", trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế vừa mới có dấu hiệu tạm thời lắng dịu.
Tháng 7/2015, Chính phủ Hungary đã gây chấn động cả châu Âu khi khởi công xây dựng một hàng rào cao 4 mét dọc biên giới kéo dài 175 km với Serbia. Serbia chưa phải là thành viên của Liên minh châu Âu và đang trong qua trình đàm phán, trong khi Hungary là thành viên của khối Schengen được tự do đi lại trong Liên minh châu Âu. Zoltán Kovács, người phát ngôn của Chính phủ Hungary nhấn mạnh: "Đây là việc làm cần thiết. Chúng tôi cần làm như vậy để chặn đứng dòng người di cư từ Serbia".
Trước Hungary, Bulgaria vào đầu năm nay cũng thông báo kế hoạch xây tường rào dài hơn 160 km trên đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính phủ Anh gần đây cũng chi 10 triệu USD để dựng lên hai hàng rào dây thép gai bao quanh nhà ga xe lửa Eurotunnel để ngăn người di cư vượt qua đường hầm Channel vào Anh.
Các hàng rào biên giới tương tự cũng đã được dựng lên ở Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Không ít người tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của các hàng rào này trong dài hạn. Bất chấp trở ngại từ các hàng rào thép gai, nhiều người nhập cư vẫn tìm cách vượt qua dù bị đâm gây nhiều thương tích. Rõ ràng, những bức tường trên chẳng làm thay đổi được nguyên nhân sâu xa của việc mất an ninh hay làn sóng người nhập cư.
Việc dựng lên các chướng ngại vật, tăng cường lính gác tại khu vực biên giới hay bỏ tù những người vi phạm vẫn không dập tắt được quyết tâm của những người di cư - những người rời bỏ quê hương vì chiến tranh, loạn lạc hay khó khăn kinh tế để tới châu Âu, nơi họ hy vọng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Những thảm cảnh hàng ngày xảy ra trên Địa Trung Hải đã và đang chứng minh rằng biện pháp đó sẽ thất bại. Tường rào và cảnh sát chống bạo động không phải là câu trả lời, bởi lẽ những người di cư tuyệt vọng sẽ lại đổ về những khu vực biên giới và cảng biển không được bảo vệ.
Trong khi các hàng rào thép gai không phát huy hiệu quả thì căng thẳng lại gia tăng giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu liên quan đến cách giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư.
Khu vực miễn thị thực giữa 22 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (Shengen) đang đứng trước nguy cơ quá tải bởi làn sóng di cư vẫn tiếp tục đổ vào cửa ngõ Hy Lạp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria... Thủ tướng Đức Angela Merken đã tuyên bố "cả hệ thống này (Shengen) đang đứng trước rủi ro nếu Liên minh châu Âu không thể đạt được sự đồng thuận về chính sách cho người tị nạn và nhập cư.
Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak, nhận xét rằng khu vực Schengen đang bị chia rẽ về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng này. Trong khi Đức khẳng định cần nới lỏng quy định nhập cư đối với những người tị nạn đến từ Syria (thậm chí Thủ tướng Đức đã chỉ thị cho xây dựng các cơ sở tại các bang để tiếp nhận người tỵ nạn) thì Áo chỉ trích động thái này, cho rằng điều này càng gia tăng sức ép đối với các nước như Hungary - quốc gia được coi là "điểm quá cảnh" để người di cư có thể tới Đức.
Anh, quốc gia bị chỉ trích không tạo điều kiện cho những người tị nạn đến từ Syria, tiếp tục duy trì lập trường khác biệt với Đức khi không cho phép những người di cư tị nạn. Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng, điều quan trọng nhất là mang lại hòa bình và ổn định tại chính những quốc gia đang có xung đột.
Hy Lạp - nước được coi là cửa ngõ và đang hứng chịu cuộc "khủng hoảng kép (khủng hoảng nợ và khủng hoảng nhập cư) kêu gọi Liên minh châu Âu phải có phản ứng ngay lập tức, đồng thời cho rằng Liên hợp quốc phải can thiệp nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng người nhập cư đang có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Trong khi đó, tại Hungary, quốc gia phải tiếp nhận khoảng 50.000 người di cư trong tháng 8 vừa qua, căng thẳng vẫn tăng khi hàng nghìn người di cư xung đột với cảnh sát khi bị chặn đường vào nhà ga chính ở Budapest, nơi họ sẽ tìm cách nhảy tàu để tới các nước Tây Âu.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng trên, ngày 2/9, các ngoại trưởng Đức, Pháp và Italy đã kêu gọi cải cách tổng thể luật về quyền tị nạn, đồng thời phân bổ công bằng hơn hạn ngạch người nhập cư trên toàn Liên minh châu Âu.
Trong bức thư gửi Đại diện cấp cao phụ trách An ninh và Chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini, các ngoại trưởng ba nước trên đã kêu gọi sự phân bổ công bằng hơn những người nhập cư trên toàn châu Âu, điều này đồng nghĩa với việc các nước nghèo trong Liên minh châu Âu cũng phải có nghĩa vụ tiếp nhận người tị nạn.
Theo công ước Dublin ký năm 1990, những người nhập cư chỉ được phép xin tị nạn tại nước đầu tiên họ đặt chân lên châu Âu, tuy nhiên nhiều nước Bắc Âu cho rằng Italy và Hy Lạp đã không thống kê những người di cư mới đến khiến nhiều người có thể đến các nước châu Âu khác để xin tị nạn.
Liên minh châu Âu có thể dễ dàng sử dụng nguồn lực của mình để giải quyết, sắp xếp và điều chuyển những đối tượng này tới khu vực cần họ, nhưng thay vào đó, chính phủ các nước Liên minh châu Âu lại đổ lỗi cho người di cư, chứ không phải hệ thống đang cướp đi sinh mạng của họ.
Sau vụ việc 71 người di cư chết ngạt trong xe tải ở Áo và các em bé bị chết chìm ngoài khơi Lybia, một số nhà lãnh đạo đang cố gắng áp dụng phương pháp khác. Cá nhân Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi "lòng trắc ẩn và nhân đạo". Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bảo vệ người di cư khi nói rằng: "Sự tự do của dòng người di cư là một trong số các nguyên tắc cơ bản của châu Âu". Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố: "Trách nhiệm của chúng ta đó là đảm bảo quyền của người tị nạn được tôn trọng ở mọi nơi".
Mọi tuyên bố và lời kêu gọi chỉ có thể biến thành hành động khi tìm được một sự đồng thuận mà điều này thì đang thiếu ở châu Âu trong vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay./.
Theo Tô Chu
Đảng Cộng sản Việt Nam
Tòa án Libya tuyên tử hình con trai cố lãnh đạo Gaddafi Một tòa án ở Libya ngày 28/7 đã tuyên án tử hình đối với Saif al-Islam Gaddafi, con trai của vị Tổng thống bị lật đổ Muammar Gaddafi. Saif al-Islam Gaddafi tại tòa. (Ảnh: Telegprah) Saif al-Islam Gaddafi bị kết án phạm các tội ác chiến tranh. Saif là một nhân vật có mối quan hệ với nhiều chính trị gia ở châu...