Củng cố niềm tin nhà đầu tư giữa khủng hoảng
Diễn biến của dịch COVID-19 vẫn đang hết sức phức tạp và tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư cũng đang chịu nhiều tác động, vì thế, việc tăng cường củng cố niềm tin cho nhà đầu tư càng phải được chú trọng và phát huy.
Niềm tin nhà đầu tư ảnh hưởng mạnh đến diễn biến thị trường. Ảnh: ST.
Tác động mạnh
Nhìn chung, các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch COVID-19 sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt là nếu tình trạng bệnh dịch kéo dài. Đặc biệt, theo các chuyên gia, đầu tư quốc tế sẽ chịu tác động mạnh, bởi cộng với các rủi ro địa chính trị, dịch bệnh sẽ khiến cho môi trường chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu càng trở nên bất trắc, thúc đẩy tâm lý phòng vệ, co lại, làm suy yếu động lực đầu tư. Đặc biệt, tại Việt Nam, báo cáo đánh giá tác động từ dịch COVID-19 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định, các nhà đầu tư mới có thể dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thậm chí, nhiều dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.
Minh chứng cho nhận định trên, số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính từ đầu năm tới ngày 20/2/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 6,47 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, cả nước có 500 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng theo Cục Đầu tư nước ngoài, nếu không tính các dự án lớn trên tỷ USD (dự án đầu tư mới 4 tỷ USD tại Bạc Liêu năm 2020 và trường hợp góp vốn, mua cổ phần của Beerco vào Beverage năm 2019) thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong hai tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 53,4% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượt dự án đăng ký mới cũng như điều chỉnh mở rộng quy mô dự án đều giảm (97,3% và 85,8% so với cùng kỳ).
“Ngoài yếu tố ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết thì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra đang diễn biến phức tạp cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài”, Cục Đầu tư nước ngoài lý giải.
Với thị trường tài chính – tiền tệ trong nước, đã có nhiều diễn biến cho thấy sự ảnh hưởng rất lớn từ tâm lý nhà đầu tư. Như tại thị trường chứng khoán, hiện chỉ số VN-Index đã lùi xuống sát 900 điểm. Tâm lý thị trường dễ tổn thương trong thời điểm hiện tại, nên việc chỉ số biến động theo hướng giảm là dễ hiểu. Đặc biệt, liên quan tới thị trường tiền tệ, những ngày qua, tâm lý nhà đầu tư cũng ảnh hưởng trực tiếp tới giá vàng và giá USD. Trong ngày giao dịch đầu tuần (24/2), giá vàng SJC đã “phi nước đại” lên tới gần 3 triệu đồng mỗi lượng, đẩy giá bán ra tại các thương hiệu vàng lên tới gần 50 triệu đồng/lượng. Nhưng sang đến ngày hôm sau, người mua vàng hôm trước đã lỗ tới gần 3 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia cho rằng, giá vàng tăng giảm mạnh là do những giới đầu cơ tranh thủ thổi giá, đẩy sóng kiếm lời trên thị trường vàng. Đặc biệt, trong lúc này tâm lý của người mua vàng đang rất hoang mang, tạo thành thâm lý “đám đông”, giới đầu cơ lợi dụng điều đó để đẩy giá lên.
Nắm bắt tâm lý
Một trong những kiến nghị quan trọng luôn được các nhà nghiên cứu đề xuất để ổn định kinh tế vĩ mô là phải có các biện pháp để trấn an tâm lý, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư với môi trường kinh doanh. Bởi theo các chuyên gia, tâm lý các nhà đầu tư luôn chi phối rất lớn đến mức độ ổn định của thị trường, nhất là với thị trường tài chính thì tâm lý nhà đầu tư luôn tiềm ẩn yếu tố bất ổn rất cao, là nhân tố chủ chốt gây ra các cuộc khủng hoảng thị trường.
Video đang HOT
Thực tế là hiện Việt Nam vẫn đang làm khá tốt công tác tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Nhờ những biện pháp quyết liệt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất đã được điều hành theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và biến động của lạm phát, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng vẫn đang liên tục cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ điều kiện kinh doanh, đưa ra những ưu đãi với nhà đầu tư… Vì thế, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng như số lượng và giá trị các dự án FDI đã tăng đều qua các năm, tiến tới các con số cao kỷ lục… Do đó, những tác động từ khủng hoảng địa chính trị và dịch bệnh nêu trên chỉ mang tính thời điểm, về lâu về dài, công cuộc củng cố niềm tin nhà đầu tư vẫn phải luôn tiếp diễn bằng nhiều hình thức.
Nói về vấn đề này, theo PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Việt Nam đã vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh để trở thành một điểm đến được nhiều nhà đầu tư FDI lựa chọn. Tuy nhiên, để tăng giá trị dòng vốn, Việt Nam cần đổi mới chiến lược thu hút vốn, giải quyết kịp thời những đòi hỏi của nhà đầu tư về tính công khai, minh bạch và chỉnh sửa, bổ sung các chính sách pháp luật. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ cần hình thành các kênh liên lạc để nắm bắt tâm lý nhà đầu tư, công khai kịp thời, minh bạch hơn về thông tin kinh tế xã hội, đặc biệt là hệ thống thông tin tài chính tiền tệ. Các cơ quan quản lý phải tăng cường công tác giám sát thị trường nhằm nhận diện các xu hướng tâm lý đám đông diễn biến phức tạp có nguy cơ gây ra các diễn biến xấu trên thị trường.
Bình Nam
Theo haiquanonline.vn
Ủy thác đầu tư: Không chỉ dựa trên niềm tin
Với cam kết mang lại lợi nhuận từ 30 - 40%/năm cho các nhà đầu tư, dịch vụ ủy thác đầu tư tài chính đã thu hút nhiều người có tiền nhàn rỗi. Thực tế, hình thức đầu tư này giúp thị trường chứng khoán gia tăng dòng tiền, nhưng sự phát triển theo hướng tự phát như hiện nay đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Những ngày gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) xôn xao vụ nhóm 51 nhà đầu tư bị thiệt hại gần 53 tỷ đồng khi ủy thác đầu tư chứng khoán phái sinh cho ông Phan Hoàng Nam - Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Nobel Global. Vụ việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro không những về kỹ thuật, mà còn là đạo đức đầu tư.
Thực tế, đã có nhiều sự việc đáng tiếc diễn ra trước đó, và câu chuyện lần này lặp lại với nhóm nhà đầu tư chưa tham gia nhiều với TTCK.
Cam kết lợi nhuận khủng
Theo đơn tố cáo, các nhà đầu tư này thực hiệnủy thác đầu tư cá nhân cho ông Nam với nội dung thỏa thuận là để đầu tư chứng khoán phái sinh. Tổng số tiền ủy thác do hai bên xác nhận đến thời điểm 12/1/2020 là gần 72 tỷ đồng.
Thời gian ủy thác của từng nhà đầu tư là khác nhau nhưng nằm trong giai đoạn từ tháng 10/2018 - 12/2019. Trong vài tháng đầu ủy thác, các nhà đầu tư vẫn nhận được tiền chia lãi hàng tháng. Tổng số tiền lợi nhuận các nhà đầu tư nhận được theo báo cáo của ông Nam là gần 12 tỷ đồng.
Theo cam kết ban đầu ủy thác chỉ để đầu tư chứng khoán phái sinh, mục tiêu đầu tư đạt khoảng 4%/tháng, chia lợi nhuận khi lãi 5%/tổng vốn, và trường hợp rủi ro tỷ lệ chia lỗ (cắt lỗ) là 20% trên tổng vốn, quá 20% thì ngừng giao dịch.
Đáng chú ý, toàn bộ thỏa thuận giữa ông Nam và nhà đầu tư đều chỉ bằng lời nói, tin nhắn, chứ không thông qua bất cứ một văn bản hay hợp đồng thoả thuận uỷ thác đầu tư nào.
Thực tế, dịch vụ ủy thác đầu tư không còn quá mới mẻ với TTCK, nhất là trong thời kỳ TTCK sôi động. Một số trường hợp ủy thác đầu tư còn được cam kết trả lợi suất cố định.
Phổ biến nhất hiện nay là dịch vụ ủy thác giữa nhà đầu tư và nhà quản lý tài khoản (môi giới), dựa trên phương thức nhận vốn ủy thác của nhà đầu tư theo kỳ hạn. Giá trị ủy thác đầu tư hiện cũng rất đa dạng, từ 200 triệu đồng đến nhiều tỷ đồng.
Chị M.T - một người ủy thác đầu tư cho biết, theo thỏa thuận miệng, môi giới được toàn quyền ra quyết định mua, bán, nắm giữ cổ phiếu và quản lý danh mục đầu tư. Có quý, môi giới kiếm về cho chị lợi nhuận đến 50% vốn, khi chốt lời, chị chia lại cho môi giới 30% trên tổng số lợi nhuận.
Hay như trường hợp của chị T.L, thỏa thuận giữa chị và bên nhận ủy thác là nếu lợi nhuận đầu tư nhỏ hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng (khoảng 7%/năm) thì chị T.L được giữ lại toàn bộ. Trong trường hợp lợi nhuận đầu tư lớn hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, chị T.L chỉ phải trả 30% trên số lợi nhuận đã trừ đi lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Tất nhiên, những cam kết giữa hai bên cũng chỉ là cam kết miệng.
Nếu muốn ủy thác đầu tư, các nhà đầu tư nên "chọn mặt gửi vàng"
Ai chịu rủi ro?
Thực tế, trong bối cảnh TTCK tăng mạnh như các năm 2015, 2016, 2017, việc mang về mức lợi nhuận 30%/năm không quá khó, nhưng khi thị trường đảo chiều, danh mục thua lỗ, nhà đầu tư chính là người chịu thiệt.
Ông Trà Quang Vũ - Chuyên viên môi giới phái sinh, Chứng khoán VPS cho biết: "Trong nghiệp vụ ủy thác đầu tư chứng khoán đã cam kết rất rõ ràng rằng kết quả lời hay lỗ sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào kiến thức và kinh nghiệm của người môi giới hoặc người được ủy thác, nhà đầu tư không kiểm soát được. Do đó, khi bị thua lỗ, người chịu lỗ chính là nhà đầu tư".
Cũng theo chị M.T, sau thời gian đầu kiếm được lợi nhuận trên TTCK, đến khi xu hướng TTCK giảm, chị lại bị lỗ hết số tiền lãi đã kiếm được trước đó, thậm chí âm tới 30% vốn. "Do tôi không có thời gian theo dõi, môi giới không kịp cắt lỗ, nên đành để cổ phiếu trong tài khoản luôn đến giờ", chị nói.
Ngay cả khi hợp đồng ủy thác cam kết trả lợi suất cố định, nhà đầu tư vẫn có rủi ro, nếu người nhận ủy thác không có khả năng chi trả để bù đắp cho khoản lỗ này.
Trong bối cảnh TTCK tăng mạnh như các năm 2015, 2016, 2017, việc mang về mức lợi nhuận 30%/năm không quá khó, nhưng khi thị trường đảo chiều, danh mục thua lỗ, nhà đầu tư chính là người chịu thiệt.
Đến tháng 12/2019, ông Nam thông báo toàn bộ số tiền đầu tư không còn, đã hoàn lại cho nhà đầu tư tổng cộng gần 19 tỷ đồng, vẫn còn nợ 52,778 tỷ đồng. Số tiền này, ông Nam cam kết sẽ hoàn trả lại sau Tết, thậm chí còn bày tỏ muốn đi chạy Grab để có tiền trả lại cho các nhà đầu tư! Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Nam không thực hiện cam kết của mình.
Quay trở lại với sự việc 51 nhà đầu tư kể trên, ông Nam đã không làm theo thỏa thuận khi chỉ dùng 18% tổng giá trị nhận ủy thác vào chứng khoán phái sinh, còn lại hơn 80% rót vào tài khoản đầu tư trên thị trường ngoại hối Forex (mục này không nằm trong thỏa thuận và cũng không báo với các nhà đầu tư).
Đáng chú ý, ngay cả khi bên nhận ủy thác là các công ty thì hiện nay cũng không ít công ty chỉ có vốn điều lệ vài tỷ đồng, năng lực tổ chức kinh doanh yếu kém, thiếu cơ chế kiểm soát. Việc trao vốn cho những công ty như thế này có thể nói là mang lại rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, và có nguy cơ mất khả năng thanh toán, thậm chí là mất vốn.
Do đó, Chuyên gia tài chính - TS., Luật sư Bùi Quang Tín cho rằng, nếu muốn ủy thác khoản tiền nhàn rỗi, các nhà đầu tư nên "chọn mặt gửi vàng" và làm hợp đồng tuân thủ quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho bản thân.
Hoặc tìm đến các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư lớn, chuyên nghiệp như Chứng khoán SSI, HSC, Quỹ đầu tư Vina Capital..., đặc biệt cần hạn chế trong việc uỷ thác cho cá nhân.
Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn
Coronavirus có thể mang lại cơ hội thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam? Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Việt Nam với 2.875 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 16,3 tỷ USD, chiếm 4,4% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Dịch coronavirus ở quốc gia này khó tránh khỏi tác động đến đầu tư vào Việt Nam. TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm tác...