Cùng chung tay vì một trường học không bạo lực học đường
Nhiều thầy cô giáo là hiệu trưởng nhà trường, rất trăn trở khi nói về vấn nạn học đường đã và đang xảy ra ngày càng nhiều.
Khi xây dựng trường học hạnh phúc, sẽ tiếp tục giảm thiểu và dần đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường.
Học trò trường mầm non Ngọc Lan, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng trải nghiệm làm việc nhỏ có ích.
Trách nhiệm không chỉ từ phía thầy cô giáo, nhà trường, xã hội mà hơn hết là gia đình phải là chân rễ của vấn đề. Tất cả phải chung tay để đồng hành và bảo vệ học sinh, cả phía học sinh bị bạo lực và học sinh có hành vi bạo lực, để chữa lành tổn thương trong tâm hồn các em.
Trong khuôn khổ của hội thảo Thay đổi vì một trường học hạnh phúc do VTV7 và Cục nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức tại Đà Nẵng trong 2 ngày 24 và 25/9, với sự tham gia của 400 hiệu trưởng đến từ 50 tỉnh thành trên toàn quốc, vấn nạn bạo lực học đường đã làm nóng các phiên thảo luận.
“Bạo lực học đường tại Việt Nam mới ở giai đoạn bắt đầu”
Giáo sư Peck Cho (Đại học Korea – Hàn Quốc) – Cố vấn giáo dục của chính phủ Hàn Quốc cho biết, bạo lực học đường ở Việt Nam nếu so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu thì mới đang ở giai đoạn bắt đầu và những năm tiếp theo nó sẽ còn tồi tệ hơn.
Ông nhấn mạnh: Bạo lực học đường hiện nay là vấn nạn đang rất nghiêm trọng. Dựa vào kinh nghiệm của mình, tôi muốn nói là không có giải pháp nào dễ dàng với vấn nạn này. Bạo lực học đường ở Việt Nam nếu so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu thì các bạn mới đang ở giai đoạn bắt đầu và tôi nghĩ những năm tiếp theo nó còn tồi tệ hơn nữa. Vậy nên, thời điểm này chúng ta phải làm ngay bây giờ, hãy làm những điều có thể kể cả những điều nhỏ nhất
Trả lời câu hỏi đến từ đâu và đâu là nguyên nhân, GS Peck Cho phân tích, vấn nạn bạo lực học đường do những tổn thương các trẻ mang đến trường. Những tổn thương ấy có thể xảy đến ngay cả khi các em còn là những đứa trẻ nhỏ. Khi những đứa con trong thời gian phát triển không thể kết nối được với cha mẹ và mất kết nối sâu sắc, mất niềm tin, lo lắng… khi chúng lớn dần lên thì bắt đầu thể hiện những vấn đề liên quan đến rối loạn tổn thương về tâm lý.
Khi những đứa con trong thời gian phát triển không thể kết nối được với cha mẹ và mất kết nối sâu sắc, mất niềm tin, lo lắng… khi chúng lớn dần lên thì bắt đầu thể hiện những vấn đề liên quan đến rối loạn tổn thương về tâm lý.
GS Peck Cho
“Vậy nên, bạo lực học đường không phải vấn nạn ở trường, không phải vấn đề của trường học mà nó là vấn đề quốc gia. Và tất cả những nhà giáo dục chúng ta cần có những kiến thức để thuyết phục được Chính phủ hành động và tất cả mọi người trong xã hội đều phải coi trọng vấn đề này để hành động, vì học sinh và bảo vệ học sinh”, GS Peck Cho nêu rõ.
Video đang HOT
GS Hà Vĩnh Thọ – người sáng lập Học Viện Eurasia vì Hạnh Phúc và An Lạc chia sẻ, khi chúng ta nghe vấn nạn bạo lực học đường, một điều tự nhiên đó là chúng ta thông cảm với nạn nhân và phán xét người bắt nạt đó là phản ứng thường rất tự nhiên.
“Thế nhưng, chúng ta cần phải nhận thức rằng thực chất người đi bắt nạt cũng là người cần được giúp đỡ, bởi vì sự mỏng manh, đau khổ mà người đó đang trải qua được biểu hiện một cách không được khéo léo. Cách mà họ đang biểu hiện là tiếng khóc, tiếng gọi tôi cần được giúp đỡ. Nếu phản ứng bằng cách trách phạt, la mắng hay làm tội với người ức hiếp thì chỉ châm thêm dầu vào lửa, làm sự khổ của các em leo thang” – GS Hà Vĩnh Thọ phân tích.
“Vậy nên, chúng ta phải luôn luôn giữ trong đầu kẻ bị bạo hành hay kẻ ức hiếp cả hai đều là nạn nhân, đều cần được hỗ trợ. Và thầy cô giáo chính là người đầu tiên, để các em có thể san sẻ và cũng là người đầu tiên đứng ra bảo vệ các em” – GS Hà Vĩnh Thọ nói.
Cô và trò trường mầm non Ngọc Lan, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng trong giờ học kỹ năng.
Xây dựng trường học hạnh phúc, đẩy lùi bạo lực học đường
GS Hà Vĩnh Thọ nhấn mạnh “Bạo lực học đường nó không diễn ra ở tầm một cá nhân mà mang tính hệ thống cấu trúc… Vậy nên việc chúng ta tạo ra một hệ sinh thái hạnh phúc đó là học sinh giáo viên, nhà trường quản lý nhà trường và cả chính quyền nữa thì đó là cách duy nhất để có thể giải quyết gốc rễ vấn đề và các thầy cô là hạt giống của hệ sinh thái đó”.
Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo này, nhiều thầy cô giáo đều trăn trở trước vấn nạn học đường, không chỉ từ phía học sinh với học sinh, mà còn cả thầy cô giáo với học sinh. Vấn đề đặt ra là cần tìm được “mầm mống” của vấn nạn này. Chỉ bằng cách thay đổi cách tiếp cận, thay đổi môi trường giáo dục dạy-học trong nhà trường bằng cách xây dựng trường học hạnh phúc, nơi người thầy và học sinh được rút ngắn khoảng cách, sẻ chia và thấu hiểu nhiều hơn.
Thầy giáo Hà Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Ân Nghĩa (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) thẳng thắn nói rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường hiện nay mà một trong những lý do khá lớn là do hoàn cảnh gia đình, bố mẹ ly hôn, việc quản lý của ông bà, cha mẹ khó khăn. Học sinh có tâm lý lứa tuổi mới lớn, dễ đi theo bạn bè. Cùng với việc thời gian gần đây, mạng xã hội Facebook, Tiktok phát triển như vũ bão. Nhiều bạn trẻ thấy người khác đăng tải hình ảnh, clip đánh nhau nên cũng muốn bắt chước, thể hiện mình.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường hiện nay mà một trong những lý do khá lớn là do hoàn cảnh gia đình, bố mẹ ly hôn, việc quản lý của ông bà, cha mẹ khó khăn. Học sinh có tâm lý lứa tuổi mới lớn, dễ đi theo bạn bè. Cùng với việc thời gian gần đây, mạng xã hội Facebook, Tiktok phát triển như vũ bão.
Thầy giáo Hà Anh Tuấn
“Để hạn chế tối đa bạo lực học đường, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, kết hợp với các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Đội thiếu niên tiền phong, hội cha mẹ học sinh tuyên truyền nhằm hạn chế nạn bạo lực học đường” – thầy Tuấn nói.
“Hiện toàn trường có gần 1.400 học sinh, chúng tôi có đội sao đỏ từng khối lớp theo sát và từ lớp 3 trở lên. Mỗi khối lớp như vậy sẽ thành lập các chi đội khoảng 3 em. Trường lập ra đường dây nóng, khi có hiện tượng, biểu hiện bạo lực học đường sẽ gọi ngay vào số điện thoại này hoặc trực tiếp giáo viên chủ nhiệm”, thầy Tuấn cho biết.
Thông qua hội thảo lần này, thầy Tuấn cũng mong muốn áp dụng nhiều ý tưởng trường học hạnh phúc vào nhà trường để giảm bớt về bạo lực học đường trong nhà trường. Trường tạo ra nhiều hoạt động để gắn kết giữa giáo viên và học sinh; học sinh và học sinh nhằm hướng đến trường học hạnh phúc.
Trong khi đó, cô giáo Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng phức tạp trên các trường học. Nguyên nhân kể đến do học sinh mọi lứa tuổi tiếp xúc công nghệ sớm, thiếu sự quan tâm sâu sát của phụ huynh. Trong khi đó học sinh chưa nhận thức được các hành vi của mình.
“Hiện nay trường không xảy ra các vụ nổi cộm rõ vấn đề bạo lực học đường mà vấn đề học sinh lớp 4, 5 thì có những hành vi xô đẩy học trò và chen lấn và khi học sinh quay sang không có phản ứng liền như xin lỗi thì đấy cũng là biểu hiện của bạo lực học đường trong nhà trường” – cô Yến nói.
“Phía nhà trường là bậc giáo dục tiểu học, chúng tôi mong rằng những cách tiếp cận xây dựng trường học hạnh phúc, thân thiện, sẽ từng bước giúp các em học sinh chăm ngoan, vâng lời. Cũng hy vọng phía phụ huynh cùng nhà trường sát sao trong việc quản lý, chăm sóc các em, để cùng chia sẻ, phối hợp để ngăn chặn vấn đề bạo lực học đường”, cô Yến đề xuất.
Cô giáo Đồng Thị Thúy, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Trần Văn Thọ (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), chia sẻ: Tại trường chưa xảy ra vụ việc bạo lực học đường nào nhưng khi chứng kiến các vụ việc bạo lực học đường trên các phương tiện thông tin, báo chí, bản thân là một nhà giáo, một quản lý, tôi rất buồn.
“Để xây dựng một môi trường giáo dục-dạy học hạnh phúc, tôi nghĩ mình sẽ vận dụng những điều được chia sẻ từ hội thảo này để có thể làm một điều gì đó, thay đổi, truyền tải đến thầy cô giáo để dạy cho các em học sinh phải biết yêu thương đoàn kết lẫn nhau. Thầy cô giáo cần tôn trọng học sinh và ngược lại” – cô Thúy chia sẻ.
Giải 'bài toán' bạo lực học đường
Vấn nạn bạo lực học đường có thể coi là khoảng trống đáng buồn trong văn hóa ứng xử ở môi trường sư phạm vốn lâu nay vẫn được nhìn nhận là rất nhân văn và thân thiện.
Dù chỉ là 'con sâu làm rầu nồi canh' song những hệ lụy nó đem tới khiến xã hội phải băn khoăn, trăn trở. Thực tế cho thấy, chỉ khi có sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội mới có thể hình thành môi trường văn hóa học đường bền vững, an toàn.
Vẫn còn nhức nhối
Thời gian gần đây, vấn nạn bạo lực học đường lại bắt đầu "nóng" lên sau nhiều vụ việc đánh nhau gây bức xúc trong dư luận. Đơn cử, khi năm học mới bắt đầu chưa bao lâu, hai học sinh lớp 7, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Tây Sơn (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bị đánh hội đồng phải nhập viện cấp cứu.
Gia đình, nhà trường và xã hội cần quyết liệt, chung tay hành động để ngăn chặn bạo lực học đường nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh cho học sinh.
Trước đó, một nữ sinh Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế) cũng bị một nhóm học sinh đánh một cách tàn nhẫn sau khi đến trường tập các nghi thức chuẩn bị cho Lễ Khai giảng năm học mới. Trong khi nữ sinh này bị đánh thì có 4 bạn học sinh đứng xem. Đồng thời, có một người trong nhóm đã quay lại clip. Qua đoạn clip cho thấy, nữ sinh này liên tục bị một nữ sinh trong trang phục quần xanh áo trắng dùng tay đánh đập, dùng chân đạp mạnh vào người. Chưa dừng lại ở đó, nữ sinh này còn bị túm tóc, giật và kéo lê xung quanh khu vực đất trống...
Hay như tại Hà Tĩnh, một học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở Phan Huy Chú (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị nhóm bạn cùng trường xé áo, đánh đập giữa đường, mặc cho nữ sinh này liên tiếp van xin. Những sự việc liên tiếp xảy ra đã khiến dư luận bức xúc, phụ huynh lo lắng. Vấn đề quản lý, giáo dục học sinh trong và ngoài nhà trường một lần nữa lại được xới xáo.
Theo chị Nguyễn Thị Hoa (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội), những vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây cho thấy tính chất rất nghiêm trọng, đáng báo động. Đặc biệt, ở một số vụ việc, các em không những không can ngăn, mà còn vô tư quay và phát tán clip bạo lực lên mạng Internet. Điều này cho thấy sự lệch lạc trong suy nghĩ, hành động của học sinh hiện nay, cần được giáo dục, chấn chỉnh kịp thời.
"Với vai trò là một phụ huynh, tôi nhận thấy các bên liên quan và xã hội cần nhanh chóng vào cuộc, có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường học tập, vui chơi lành mạnh để đáp ứng sự phát triển về thể chất và tinh thần cho học sinh", anh Phạm Tiến Nhiệm (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ.
Luật sư Đào Văn Tài (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), có thể thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung và các văn bản chỉ đạo phòng chống bạo lực học đường của ngành Giáo dục nói riêng đã chặt chẽ và kịp thời, tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục trong toàn quốc đảm bảo an ninh trường học. Tuy nhiên, thời gian qua, có một số hiện tượng cá biệt bạo lực xảy ra trong và ngoài trường học, gây tâm lý bức xúc trong dư luận xã hội.
Trách nhiệm không của riêng ai
Đi tìm nguyên nhân của bạo lực học đường, luật sư Đào Văn Tài cho rằng có khá nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến 4 nguyên nhân chính. "Thứ nhất là do gia đình, nhà trường và xã hội chưa thực sự truyền tải những nhận thức đúng về giá trị của văn hóa ứng xử giữa người với người; chưa chú trọng đến kỹ năng sống, đạo đức của học sinh, sinh viên.
Thứ hai là do sự chuyển biến tâm lý từ chính bản thân các em, đặc biệt là trong độ tuổi từ 12-17, trong độ tuổi này các em có sự biến đổi tâm lý, muốn khẳng định cái tôi của bản thân. Mặt khác, khả năng kiềm chế của các em trong độ tuổi này khá kém. Thứ ba là do môi trường sống của các em thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, có nhiều đối tượng bỏ học, lang thang chơi bời, nhiều tệ nạn xã hội, tỷ lệ phạm tội cao... Thứ tư là do nhà trường chưa có trách nhiệm và biện pháp xử lý triệt để vấn nạn bạo lực học đường", luật sư Đào Văn Tài chia sẻ.
Để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) cho rằng, cần có những giải pháp mang tính tổng thể. Trước nhất, giáo dục trong gia đình và giáo dục nhà trường, xã hội cần gắn chặt với nhau, giáo dục cho học sinh có ý thức, phát triển nhân cách hài hòa, có giá trị sống, biết yêu thương, tôn trọng, khoan dung.
Bản thân gia đình, nhà trường, xã hội cần nâng cao nhận thức, ý thức cho học sinh và con em mình về những hành động bạo lực và hậu quả của những hành động bạo lực này. Trong đó, gia đình cần chú trọng giáo dục con cái như phê phán những hành vi thô bạo, xử lý nghiêm khắc những hành vi thô bạo, bạo lực từ con trẻ; hình thành cho trẻ về tính quan tâm, giúp đỡ người khác.
Nhà trường cần chú trọng tới việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh; quan tâm tới từng học sinh (đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt) và chủ động trao đổi thông tin với gia đình học sinh; tăng cường hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích... Cùng đó, các nhà trường cần xây dựng nội quy chặt chẽ, phù hợp. Khi học sinh vi phạm, nhà trường chiếu theo nội quy để xử lý, tránh để các em cảm thấy không phục hoặc vô lý. Các hình phạt giúp học sinh nhận thức hậu quả và học cách chịu trách nhiệm cho việc làm của mình... Chỉ khi đồng bộ như vậy, tình trạng bạo lực trong học đường mới được đẩy lùi, từ đó góp phần xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh.
Rõ ràng, "chân kiềng" giáo dục là gia đình - nhà trường - xã hội luôn là nguyên tắc bảo đảm cho mọi hoạt động giáo dục đạt hiệu quả. Và công tác xây dựng môi trường giáo dục thân thiện và có văn hóa, ngoài việc xây dựng các quy tắc rõ ràng, đo đếm được và khả thi thì cần có chế tài, trách nhiệm cụ thể của mỗi cấp quản lý, của nhà giáo, học sinh trong việc thực thi và giám sát.
Phụ huynh học sinh cũng cần cộng đồng trách nhiệm, nghiêm túc tham gia việc thực thi và giám sát để việc xây dựng trường học văn hóa trở thành nhu cầu của chính mỗi đơn vị. Đây cũng chính là giải pháp tích cực để chủ động ngăn ngừa những hành vi tiêu cực trong môi trường học đường hiện nay.
Thời gian qua, công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em, học sinh luôn được Đảng, Nhà nước chỉ đạo sát sao. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn coi công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ chính trị, cốt lõi của ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiều văn bản nhằm thực hiện hiệu quả, đồng bộ về giáo dục và đào tạo; trong đó công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường được đặt lên hàng đầu.
Ở mỗi cơ sở giáo dục, công tác phòng chống bạo lực học đường được lồng ghép với việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, nhất là kỹ năng tự bảo vệ bản thân, giải quyết mâu thuẫn; từ đó tạo ra sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng trong và ngoài nhà trường, tạo nên hiệu quả thực sự của các hoạt động phòng chống bạo lực học đường.
Thông qua việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản của các cấp đã nâng cao năng lực nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh về công tác phòng chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Học sinh và gia đình học sinh an tâm hơn khi môi trường giáo dục ở trong và ngoài nhà trường được đảm bảo an toàn, lành mạnh và thân thiện hơn.
Ninh Bình tăng cường tuyên truyền pháp luật cho nhà giáo, học sinh Phòng GD&ĐT thành phố Ninh Bình đã yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện tốt tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho nhà giáo, học sinh. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh. Theo đó yêu cầu thực hiện một số nội dung như: Tăng cường hoạt động Câu lạc bộ phổ biến kiến thức pháp luật...