Cục Hàng hải Việt Nam: Ách tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái đã giảm nhiệt
Liên quan đến việc giải tỏa áp lực hàng hóa tại cảng Cát Lái, trao đổi với phóng viên TTXVN sáng 5/8, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ( Bộ Giao thông vận tải) cho biết, với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan, đến thời điểm này tình hình ách tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái đã giảm nhiệt.
Các xe container vận chuyển hàng hóa vào cảng Cát Lái. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN
Cụ thể, sau khi tiếp nhận báo cáo của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (Tân Cảng Sài Gòn), thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã gấp rút họp trực tuyến với Tân Cảng Sài Gòn và các đơn vị có liên quan để bàn các phương án, giải pháp xử lý các vướng mắc hiện hữu.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cho hay, hiện ông đang có mặt tại TP Hồ Chí Minh để trực tiếp xử lý các vướng mắc. Cục Hàng hải Việt Nam đang triển khai 3 nhóm giải pháp tháo gỡ. Thứ nhất là, giao Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh phối hợp với doanh nghiệp khai thác cảng rà soát, làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để giúp họ sớm nhận hàng, tăng năng lực giải phóng hàng ra khỏi cảng.
Nhóm giải pháp thứ hai là giao Tân Cảng Sài Gòn chủ động điều chỉnh việc chất xếp, chất container giữa các khu vực bãi container hàng nhập, container hàng xuất, container rỗng phù hợp để tăng khả năng tiếp nhận cho container hàng nhập. Từ đó, nâng tối đa khả năng xếp dỡ container trên bãi; điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng…
Nhóm giải pháp thứ ba là yêu cầu tạm thời ngừng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, cảng Tân Cảng Hiệp Phước về cảng Tân Cảng Cát Lái. Chủ hàng sẽ nhận hàng trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc cảng Tân cảng Hiệp Phước, các ICD (cảng cạn), các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp.
“Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại TP Hồ Chí Minh để trực tiếp chỉ đạo, điều hành các giải pháp, đảm bảo duy trì hoạt động của cảng Cát Lái và các bến cảng khác tại khu vực. Cùng đó, cung cấp đường dây nóng tiếp nhận 24/24 các thông tin của các doanh nghiệp đang có hàng tồn bãi tại cảng Cát Lái nhằm hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Sang cho hay.
Sau 3 ngày triển khai các nhóm giải pháp trên (từ ngày 2 – 4/8/2021), Sở chỉ huy tiền phương của Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp với Tân Cảng Sài Gòn rà soát được gần 200 doanh nghiệp có lượng hàng nhập tồn tại bến cảng Cát Lái số lượng nhiều. Qua đó, nắm được kế hoạch sản xuất của từng doanh nghiệp, dự kiến kế hoạch rút hàng và các vướng mắc liên quan. Trên cơ sở đó, 15 doanh nghiệp khó khăn nhất được lựa chọn họp trực tuyến hàng ngày với cơ quan chức năng bàn các giải pháp tháo gỡ.
“Xác định nguyên nhân của việc hàng hóa, đặc biệt là hàng nhập tại cảng Cát Lái tăng cao là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong khu vực phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động, Cục Hàng hải Việt Nam đã có công văn đề nghị UBND các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Long An xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp đóng trên địa bàn có thể nhận hàng, giảm áp lực cho cảng Cát Lái”, ông Nguyễn Xuân Sang thông tin.
Video đang HOT
Đối với nhóm giải pháp thứ hai là điều chỉnh chất xếp container giữa các khu vực bãi container hàng nhập, theo báo cáo, hàng loạt công việc đã được Tân Cảng Sài Gòn cấp bách triển khai. Cụ thể, thông báo đến khách hàng, hãng tàu hạn chế hoặc không tiếp nhận hàng từ các cơ sở cảng Cái Mép, Hiệp Phước về cảng Cát Lái. Cùng đó, làm việc và thuyết phục khách hàng điều chỉnh “cảng đích” (nơi nhận hàng trực tiếp) về cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT), Cảng Tân Cảng Cái Mép – Thị Vải (TCTT) và cảng Tân Cảng Hiệp Phước đối với container của các tàu cập cảng TCIT/TCTT.
Tân Cảng Sài Gòn cũng lên kế hoạch và thực hiện chuyển container hàng nhập tồn lâu ngày (trên 90 ngày) đi cảng Tân Cảng Hiệp Phước để lấy thêm chỗ chứa container hàng nhập tại cảng Cát Lái; nghiên cứu ban hành chính sách giảm giá để khuyến khích chủ hàng đến nhận hàng sớm tại Cát Lái và Hiệp Phước.
Theo đó, là thương thảo hợp đồng chuyển một số tàu sang các bến cảng Tân Thuận với tần suất 3 chuyến/tuần; bến cảng Bến Nghé 3 chuyến/tuần; bến cảng container Trung Tâm Sài Gòn (SPCT) đang đàm phán phương án khai thác; điều chỉnh thời gian hạ bãi cảng đối với container hàng khô thông thường tại Cát Lái, tiếp nhận container trước không quá 3 ngày so với thời điểm dự kiến tàu đến cảng; chuyển hơn 6.000 TEUs container rỗng tồn trong cảng ra ngoài kho bãi thuộc Tân Cảng,…
Với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, hàng tồn tại cảng Cát Lái đã giảm. Nếu như trong ngày 3/8, lượng hàng tồn toàn cảng là gần 108.800 TEUs, chiếm 87,7% thì ngày 4/8, lượng hàng tồn giảm còn hơn 106.700 Teus, chiếm 85,1%.
Vào thời điểm thứ 2, 3, 4 tuần trước, lượt tàu vào, rời cảng Cát Lái là 57 tàu thì cùng thời điểm của tuần này, số tàu hoạt động khu vực cảng là 41 tàu, giảm hơn 28%. Hàng nhập cũng giảm hơn 6.300 TEUs so với cùng thời điểm tuần trước. Lượng hàng giảm này đã được chuyển từ Cát Lái về các cảng lân cận và khu vực Cái Mép.
Trong một diễn biến liên quan, Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, đến thời điểm hiện tại, Tân Cảng Sài Gòn cũng đã ban hành chính sách giảm giá nhiều dịch vụ để khuyến khích chủ hàng đến nhận hàng sớm tại Cát Lái, Hiệp Phước nhằm thúc đẩy nhanh việc rút hàng ra khỏi bãi cảng, tạo khoảng trống để tiếp nhận các hàng nhập.
Trước đó, TTXVN đã đưa tin cuối tháng 7/2021, Tân Cảng Sài Gòn đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng về khó khăn trong tổ chức hoạt động cảng Cát Lái.
Theo báo cáo, sau 3 tuần TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19, dung lượng tồn bãi tại cảng Cát Lái luôn chạm mức hết công suất; đặc biệt, dung lượng dành cho hàng nhập luôn trên 100% công suất. Cảng Cát Lái đối mặt nguy cơ tạm ngừng hoạt động để chờ giải phóng hàng.
Vì vậy, trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp và thực tế tình hình, Cục Hàng hải Việt Nam đã nhanh chóng tham mưu Bộ Giao thông vận tải có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và các đơn vị liên quan có cơ chế cho phép Tân Cảng Sài Gòn vận chuyển container hàng nhập khẩu nói chung bao gồm cả container tồn đọng trên 90 ngày về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng và thanh lý hàng tồn đọng tại cảng Tân Cảng Hiệp Phước và các ICD gồm: Tân Cảng Nhơn Trạch, Tân Cảng Long Bình (Đồng Nai), Tân Cảng Sóng Thần (Bình Dương).
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh lập điểm xét nghiệm nhanh và cấp giấy 24/7 tại địa điểm do Tân Cảng Sài Gòn đề xuất để phục vụ đối tượng lái xe có giấy chứng nhận hết hạn hoặc sắp hết hạn ra, vào cảng Cát Lái được thuận tiện, nhanh chóng…
Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng tháo gỡ ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái
Ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trước tình hình ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái.
Các xe container vận chuyển hàng hóa vào cảng Cát Lái. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN.
Lượng hàng hóa, container tồn chạm ngưỡng 100% công suất
Theo Bộ Công Thương, cảng Cát Lái đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Theo Báo cáo của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, sau 3 tuần thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 (tuần 27, 28, 29), sản lượng container xuất nhập tàu, sản lượng container giao nhận bãi, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận hàng liên tục giảm so với cùng kỳ trước đó (so với tuần 24), kéo theo dung lượng tồn bãi cảng Cát Lái tăng cao.
Theo đó, sản lượng container xuất nhập thông qua cảng giảm lần lượt theo các tuần là 0,2%; 18,03% và 5,4%. Sản lượng giao container hàng nhập, nhận container hàng xuất giảm lần lượt 4,78%; 10,48% và 18,13%. Lượt xe ra, vào cảng giảm lần lượt 3,14%; 10,05% và 15,59%. Sản lượng tồn bãi tiệm cận mức tối đa cho phép, đặc biệt sản lượng hàng nhập luôn trên 100% công suất.
Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông bên ngoài cảng Cát Lái làm các doanh nghiệp luôn rơi vào tình cảnh giao nhận hàng không đúng thời gian quy định trong hợp đồng. Năng lực vận chuyển hàng hóa cũng giảm hẳn, thay vì một ngày vận chuyển được từ 13 - 14 container nhưng vì ùn tắc giảm chỉ còn 5 - 7 container.
Ngoài tình trạng ùn ứ giao thông thường trực trên Liên tỉnh lộ 25B, xa lộ Hà Nội..., xe của doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho cảng chỉ được chạy vào ban đêm, do đó chi phí cho một lần vận chuyển hàng cũng tăng lên.
Hiện nay lượng hàng hóa, container tồn bãi ở cảng Cát Lái luôn gần hết công suất, nhất là dung lượng dành cho hàng nhập chạm ngưỡng 100% công suất. Với đặc thù hoạt động của cảng Cát Lái (từ trước đến nay thường xuyên trong tình trạng gần hết công suất), nếu hàng hóa tiếp tục chậm luân chuyển như vậy sẽ làm cho cảng hết sức chứa, phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng bớt hàng trên bãi dẫn đến nguy cơ phải gián đoạn hoạt động như đã xảy ra tại các cảng của Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc trong các đợt dịch vừa qua. Điều này sẽ gây tác động tiêu cực cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam.
Theo Bộ Công Thương, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái phát sinh do nhiều nhà máy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Một số ít doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện "3 tại chỗ", "2 địa điểm, 1 cung đường" nhưng cũng đều phải cắt giảm sản lượng. Tình trạng này dẫn đến việc các doanh nghiệp dừng hoạt động không thể tiếp nhận các container nguyên liệu nhập khẩu, container bị lưu lại cảng nhiều gây ùn tắc tại cảng.
Cùng với đó là tình trạng thiếu nhân lực cho dây chuyền sản xuất tại cảng. Theo Báo cáo của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, để duy trì hoạt động liên tục cho cảng Cát Lái, lượng nhân sự cần thiết phải có mặt tại hiện trường trong ngày (3 ca sản xuất) khoảng 500 người. Tuy nhiên, tác động của dịch COVID-19 (các trường hợp bị F0, F1, cách ly, phong tỏa trong các khu vực; quy định hạn chế đi lại ...) đã làm lực lượng lao động của cảng Cát Lái hiện tại giảm xuống khoảng 50% (chỉ còn 250 người/ngày). Cảng đã linh hoạt cắt giảm tối đa quân số cho mỗi dây chuyền, thay đổi bằng mô hình điều hành tập trung nhưng tình hình thiếu hụt nhân sự, nhất là công nhân xếp dỡ tàu ngày càng trầm trọng.
Bên cạnh đó, cảng Cát Lái đã bố trí mô hình "3 tại chỗ", nhưng do đặc điểm sản xuất của cảng khác với các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất là hoạt động không tập trung trong nhà kín mà phân tán tại nhiều địa điểm ở ngoài trời (trên cầu tàu, bãi hàng, trên các phương tiện cơ giới...) nên mô hình này ít hiệu quả; mặt khác khi tập trung số lượng đông công nhân, người lao động ăn, ở, sinh hoạt cùng một địa điểm lại làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do vậy, năng suất bốc dỡ, giải phóng tàu cũng bị ảnh hưởng.
Đề xuất giải pháp tổng thể
Bộ Công Thương đánh giá, tình hình ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái còn có thể kéo dài và lan sang các cảng khác như Cái Mép, Hải Phòng, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu. Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, làm việc với cảng Cát Lái nói riêng và các cảng biển lớn khác trên cả nước nói chung để khẩn trương đưa ra giải pháp cụ thể như: nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, rà soát và làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để đưa ra phương án thống nhất tháo gỡ vướng mắc sớm nhận hàng.
Đồng thời, phối hợp với các bên điều tiết lượng hàng nhập về cảng Cát Lái, tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, Hiệp Phước về Cát Lái mà các chủ hàng cần nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc Hiệp Phước, các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp của mình. Các chủ hàng, hãng tàu cần hạn chế số chuyến tàu hoặc giãn tiến độ nhập container với hàng nhập của các doanh nghiệp, nhà máy đang giảm quy mô và sản lượng sản xuất.
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu cơ chế cho phép cảng Cát Lái vận chuyển container hàng nhập khẩu nói chung, trong đó có cả loại container tồn đọng trên 90 ngày từ cảng Cát Lái về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng tại các cơ sở của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn là cảng Tân cảng Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh), các ICD Tân cảng Long Bình, ICD Tân cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai), ICD Tân cảng Sóng Thần (Bình Dương). Qua đó giảm tải và tăng năng lực chứa tại cảng Cát Lái, giảm tình trạng ùn tắc hiện nay.
Về phía Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cũng cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo nguyên trạng hàng hóa, nguyên container khi vận chuyển và lưu trữ.
Đồng thời, giao UBND TP Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cảng biển ưu tiên tiêm vaccine chống dịch COVID-19 cho những người công tác tại cảng, kể cả các nhân viên giao nhận, lái xe.
Do tính chất đặc thù của hoạt động tại cảng biển nói chung, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương có cảng biển xem xét phương án khi có ca nhiễm COVID-19 thì một mặt cách ly những đối tượng liên quan, mặt khác vẫn cho phép cảng hoạt động nhằm đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ đã đặt ra "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế".
Đặc biệt, Bộ Công Thương kiến nghị Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn xem xét giảm giá lưu container, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng Cát Lái của các doanh nghiệp đang bị dừng sản xuất do tác động của dịch COVID-19.
Đề xuất 3 nhóm giải pháp giải quyết hàng tồn tại cảng Cát Lái Trước tình trạng hàng tồn kho tại khu vực cảng Cát Lái đang tăng lên mức báo động, ngày 1/8, Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã có văn bản 3107/CHHVN-VTDVHH gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất 3 nhóm giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ vấn đề này. Quang cảnh cảng Cát Lái. Ảnh minh họa:...