Cực chẳng đã mới dạy thêm!
Nhiều giáo viên khẳng định dạy thêm không có gì xấu hay trái đạo lý, vấn đề là không được ép học sinh
Chiều 14-4, tiếp xúc phóng viên Báo Người Lao Động, cô giáo Bùi Thị Hiền (giáo viên Trường Tiểu học Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), người vừa bị Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An phạt 10 triêu đồng vào ngày 9-4 vì dạy thêm, nói: “Mẹ tôi bị bệnh ung thư nhiều năm, vừa mất. Kinh tế gia đình rất khó khăn trong khi lương giáo viên không đủ sống nên tôi mới mở lớp dạy thêm. Tưởng kiếm được ít tiền trang trải cuộc sống, ai ngờ vi phạm. Hoàn cảnh khó khăn, giờ bị phạt một lúc 10 triệu đồng, số tiền lớn quá, tôi xin giảm mức phạt nhưng không được. Bị phạt rồi sắp tới còn bị kỷ luật nữa. Vất vả, chỉ muốn sống bằng nghề của mình mà sao khó khăn quá”.
Học sinh học thêm tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP HCM) chiều 11-4 Ảnh: Tấn Thạnh
Lớp học của cô Hiền dạy tại trường là lớp 4, còn dạy thêm ở nhà là lớp 5, các em theo học thêm phần lớn không phải học sinh của Trường Tiểu học Trung Đô. “Các em theo học là hoàn toàn tự nguyện. Nhiều gia đình buổi tối không có điều kiện dạy học, trông giữ con nên gửi tới nhà tôi để học. Mình vừa dạy vừa trông các cháu cho phụ huynh” – cô Hiền nói rõ thêm.
Bà Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Đô, cho biết việc cô Hiền dạy thêm là không đúng. Tuy nhiên, đời sống một số giáo viên của trường còn vất vả nên họ mở lớp dạy thêm để kiếm thu nhập. “Nếu đời sống bảo đảm, tôi nghĩ các cô sẽ không vi phạm” – bà Liên nhận định.
Giáo viên Huỳnh Hải Yến, Trường THCS thị trấn Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) – một trong số trường hợp bị xử phạt về dạy thêm – cho rằng chuyện dạy thêm không phải tội tình gì đáng xấu hổ. Học sinh có nhu cầu bồi dưỡng thêm kiến thức vì trong xã hội cũng có người tiếp thu nhanh hoặc tiếp thu chậm. Quan trọng là mình dạy thêm theo ý nguyện của các em, không ép buộc là được. “Truyền đạt kiến thức, giáo dục các em trở thành người có ích cho xã hội, sao phải cấm?” – giáo viên Yến đặt vấn đề.
Theo giáo viên Võ Thị Hải Yến, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Ngãi), dạy thêm không chỉ để kiếm tiền. Cái quan trọng là để các em nâng cao kiến thức hơn. Không lẽ đem kiến thức truyền đạt cho các em là trái với đạo lý? “Tôi không dạy thêm nhưng việc dạy thêm của các thầy cô khác tôi thấy hoàn toàn là có ích cho thế hệ trẻ, cho những em muốn mở mang kiến thức của mình. Quan trọng là không vì dạy thêm để vụ lợi là được. Phải trên tinh thần tự nguyện, hài hòa đôi bên” – giáo viên Yến chia sẻ.
Video đang HOT
Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên cho biết từ cuối năm học 2012-2013 đến nay đã kỷ luật 11 giáo viên vi phạm dạy thêm. Phú Yên từng được xem là tỉnh làm mạnh tay trong chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Cụ thể đã ban hành quyết định về việc dạy thêm, học thêm, quy định nghiêm ngặt về đối tượng được dạy thêm, giờ và mức thu học phí. Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên lập đoàn công tác nhằm phát hiện, bắt quả tang giáo viên dạy thêm trái quy định.
Trong khi đó, một giáo viên bị kỷ luật vì vi phạm dạy thêm ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên bức xúc: “Họ rình mò, bắt dạy thêm như bắt trộm. Chúng tôi chỉ muốn tốt cho các em nên mới dạy thêm. Có tội gì mà đối xử như thế?”.
Theo TNO
Phạt dạy thêm là chỉ "xử" phần ngọn!
"Bản chất của hoạt động dạy thêm, học thêm không xấu. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều giáo viên đã bằng cách này, cách khác o ép, bắt học sinh phải đi học thêm để có thu nhập", bạn đọc Vô Thường viết.
Ngay sau khi Báo Người Lao Động thông tin về việc cô giáo ở Nghệ An bị phạt 10 triệu đồng vì dạy thêm và loạt bài đi kèm, trong đó có bài viết "Nhà giáo hay tội phạm" của cô Hoàng Thị Thu Hiền (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM), hàng trăm bạn đọc đã gửi ý kiến bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề dạy thêm, học thêm ở nước ta hiện nay.
Cấm dạy thêm - biểu hiện vô văn hóa?
Đa số các ý kiến của bạn đọc đều cho rằng dạy thêm, học thêm là việc làm không xấu, hoàn toàn chính đáng và phải thừa nhận rằng nó đang tồn tại như điều hiển nhiên. Do vậy, việc cấm dạy thêm, học thêm là việc làm không hợp lý. Bạn đọc Tuan Hai viết: "Cấm dạy thêm là thể hiện sự bất lực, yếu kém của các cơ quan quản lý... Đừng không quản được là cấm, rồi làm riết róng, thô bạo, bắt giáo dạy thêm như bắt trộm thì không nên. Thậm chí, đấy là một biểu hiện vô văn hóa".
Học sinh học thêm tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP HCM) chiều 11-4 Ảnh: Tấn Thạnh
Bạn Trần Hữu Long nhận xét: "Cấm thể hiện sự bất lực và không có định hướng của cả hệ thống giáo dục mà chính các vị đề ra. Quy định cấm dạy thêm đã xúc phạm đến nghề giáo, nền giáo dục nước nhà".
Đồng tình với quan điểm trên, bạn Nguyễn Duy Phương cũng cho rằng nhà nước không nên cấm dạy thêm. "Tuy nhiên, phải kiểm tra các thầy cô giáo khi lên lớp liệu có những biểu hiệu trù dập học sinh không đi học thêm, ưu ái cho những học sinh đi học thêm hay không. Bài kiểm tra hôm sau thì hôm trước đã cho các học sinh làm rồi là không được".
Là một phụ huynh thường xuyên đưa con đi học thêm, bạn đọc tên Trang viết: "Tôi cũng không tán thành chuyện dạy, học thêm nhưng đừng đổ hết lỗi lên đầu thầy cô, giáo về chuyện này. Nếu thầy cô được quan tâm tốt, tiền lương khá hơn, đảm bảo cuộc sống thì tôi tin chắc chẳng ai còn dạy thêm. Phần lớn họ dạy thêm để kiếm thêm thu nhập bằng sự lao động chân chính, bằng mồ hôi đổ ra. Tôi nghĩ chúng ta nên có cái nhìn thoáng hơn cho các thầy cô trong vấn đề này".
Lương không đủ tiêu đâu chỉ có giáo viên
Bên cạnh những ý kiến đứng về phía người giáo viên dạy thêm, cũng có ý kiến phản biện bài viết của cô Thu Hiền.
"Cấm dạy thêm là đúng, để giáo viên tập trung truyền đạt kiến thức trong giờ học chính tại trường. Theo tình hình hiện nay, học thêm lại là việc học chính. Giáo viên đã mở lời để các cháu học thêm thì phụ huynh nào dám không theo?", bạn đọc Le Giang bức xúc.
Bạn đọc Sao Mai cho rằng ngày xưa, học sinh không học thêm vẫn giỏi, thầy cô không dạy thêm vẫn đủ sống dù đồng lương rất khiêm tốn. Nhiều bạn đọc cho rằng nếu lương giáo viên có tăng lên chục lần thì vẫn luôn còn người dạy thêm ở những môn thi tốt nghiệp THPT, ĐH. "Bây giờ, đa số học sinh học thêm để đối phó nhiều hơn nhu cầu cô Hiền ơi! Học sinh cấp 2-3, học thêm đã đành, lớp mẫu giáo đến 1, 2, 3 cũng học thêm thì cô nghĩ sao?"
Vẫn ủng hộ việc dạy thêm nhưng bạn Trần Văn Hậu lại phản đối ý kiến cho rằng đồng lương giáo viên hiện quá ít ỏi. "Đừng bình luận về lương giáo viên ít nên dạy thêm cho đủ sống. Ngành nào cũng ít cả và đó không phải là nguyên nhân dẫn đến dạy thêm. Dạy thêm là điều hoàn toàn chính đáng nhưng cần xử lý triệt để, tránh tình trạng dạy chính học trò của mình đang dạy trên lớp".
Bạn đọc Trần Anh Tuấn thẳng thắn: "Nói lương không đủ tiêu đâu chỉ có giáo viên. Công nhân thì sao? Nói không đủ tiêu thì giáo viên vùng sâu vùng xa, nơi biên giới hải đảo thì thế nào? Nói không đủ tiền lương nên dạy thêm là ngụy biện. Không đáng và không đủ tư cách giáo viên. Những giáo viên môn thể dục và một số môn khác họ có dạy thêm được đâu mà họ vẫn sống và giảng dạy với tất cả tấm lòng người giáo viên đấy thôi....".
Giáo dục khập khiễng, tính toán gì cũng chông chênh
Bên cạnh các ý kiến khen, chê quan điểm ủng hộ việc dạy, học thêm, một số bạn đọc có cái nhìn bao quát hơn, cay đắng nhận xét, đồng thời hiến kế giải quyết những tồn tại của nền giáo dục.
Bạn đọc Chanh sắc chán ngán: "Đã từ lâu, giáo dục nước nhà khập khiễng quá nên giờ tính toán gì cũng chông chênh".
Không ủng hộ việc phạt giáo viên dạy, học thêm, bạn đọc Trần Hữu Long hiến kế lâu dài: "Với khối lượng kiến thức, chương trình hiện nay, đa số cha mẹ không thể hướng dẫn cho con (tiểu học). Tôi đồng ý với cô Thu Hiền: Phạt dạy thêm là chỉ làm đầu ngọn mà không làm ở gốc. Dạy thêm, học thêm còn phụ thuộc vào thi cử, sách giáo khoa, cơ chế, tiền lương... Giải quyết được những điều đó, tự khắc vấn đề dạy thêm đi vào quy củ và đúng mực".
"Nên xem lại việc cải cách giáo dục vừa qua đã phù hợp chưa. Nhiều phụ huynh là kỹ sư, bác sĩ nhưng mở bài tập toán của con ra mà cứ loay hoay không biết cách giải thế nào cho đúng vì không hiểu người ra đề muốn hỏi gì. Chính có thể xuất phát từ đây mà việc học thêm dạy thêm hiện nay không thể không có được. Hãy nhìn cách giáo dục của các nước văn minh hiện đại trên thế giới mà áp dụng", bạn đọc Hữu Trí chân thành góp ý.
Cũng lý giải về việc này nhưng bạn đọc Sáu tào lao lại cho rằng việc dạy, học thêm bắt nguồn từ "bệnh thành tích" - chứng bệnh khó chữa của nền giáo dục Việt Nam: "Có cung ắt có cầu. Nếu phụ huynh không o ép con em mình học thêm cho bằng chị bằng anh thì lấy đâu ra học trò để dạy thêm".
Bạn đọc có nickname Người tâm không cho biết ở nhiều nước phương Tây, nhà trường quy định em nào sẽ phải học thêm vì quá yếu, cuối giờ hàng tuần sẽ chỉ định thầy cô dạy thêm. Thông thường, họ không lấy tiền hoặc lấy rất ít tiền tuỳ theo gia cảnh học sinh. Tiền đóng học thêm sẽ có giấy báo về nhà và phụ huynh tới địa phương để nộp, coi như xung vào công quỹ. Tiền bồi dưỡng cho giáo viên sẽ do nhà trường quy định, thường không nhiều. Bạn đọc này bày tỏ thêm quan điểm: "Theo tôi, giáo viên có thể nghèo tiền nhưng không thể thiếu tình nghề giáo. Tôi không đồng ý giáo viên dạy thêm để kiếm thêm thu nhập ngoại trừ dạy miễn phí cho học sinh".
Theo NLĐ
Ninh Bình cụ thể mức trần phí thu dạy thêm, học thêm UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung, một số điều của quy định quản lý về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Theo quy định mới, cấp tiểu học chỉ tổ chức dạy thêm, học thêm đối với lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục, thể thao, rèn luyện kỹ năng sống....