“Cứ nhìn thấy ảnh của Chủ tịch, tim tôi lại đau nhói…”
Có một nguyên thủ thân tình, gần gũi trong lòng những người làm báo được may mắn phục vụ ông. Có một Chủ tịch nước làm việc không ngừng nghỉ nhưng vẫn luôn quan tâm đến những người xung quanh mình bằng những cử chỉ tinh tế, giản dị, đời thường. Nhà báo Nhan Hữu Sáng – phóng viên ảnh chuyên trách cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chia sẻ với báo Nhà báo và Công luận rất nhiều những câu chuyện xúc động về ông.
Một nguyên thủ thân tình, gần gũi
Trò chuyện với nhà báo Nhan Hữu Sáng (Phóng viên ảnh chuyên trách của Chủ tịch nước Trần Đại Quang – Phó Trưởng ban Ban Biên tập Ảnh – TTXVN) thật khó để cầm lòng khi người được phỏng vấn cứ nói được vài câu lại nghẹn ngào… Chúng tôi luôn tránh nói về nỗi đau, chỉ tâm tình về kỷ niệm nhưng điều ấy dường như vẫn không thể xoa dịu được những nỗi buồn thương, tiếc nuối. “Mấy hôm nay, cứ mở máy tính ra, nhìn thấy hình ảnh Chủ tịch, tim tôi lại đau nhói…” – nhà báo Nhan Hữu Sáng chia sẻ. May mắn được trở thành phóng viên chuyên trách cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ buổi đầu nhậm chức cho đến tận ngày làm việc cuối cùng của ông, với anh đây là quãng thời gian vô cùng ý nghĩa trong gần 20 năm trong nghề. Nhưng quả thực, đến bây giờ anh vẫn không tin nổi, vẫn còn thấy bàng hoàng, cảm giác như vừa mất đi một người thân trong gia đình mình vậy.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang xem lại các bức hình chụp cho ông dịp Xuân Mậu Tuất 2018 vừa qua. (Ảnh: TTXVN)
Có quá nhiều kỷ niệm trong suốt hơn 2 năm qua nhưng đọng lại với nhà báo Nhan Hữu Sáng vẫn là hình ảnh một Chủ tịch nước thân tình, gần gũi, rất quan tâm, coi trọng báo chí, một vị lãnh đạo sâu sắc, tinh tế từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống, công việc. Anh kể: Trước khi gặp Chủ tịch nước, tôi và nhiều đồng nghiệp có phần e dè, ngần ngại vì đều nghĩ rằng ông là người nghiêm khắc, khó gần, điều này cũng hết sức dễ hiểu bởi trước khi là Chủ tịch nước, ông đang là vị Đại tướng oai hùng, là Tư lệnh của lực lượng công an nhân dân. Nhưng khi tiếp xúc rồi thì mới thấy, những lo lắng ấy dường như tan biến bởi sự chân tình, giản dị trong từng hành động. Chủ tịch còn bảo chúng tôi, chỗ làm việc thì xưng hô là Chủ tịch, còn khi bình thường cứ gọi là chú – cháu cho thân mật…
Nhà báo Nhan Hữu Sáng còn nhớ cái ngày đầu tiên anh nhận nhiệm vụ phóng viên ảnh chụp chính cho buổi nhậm chức của Chủ tịch, ngày 2/4/2016. Anh kể lại: Sau buổi nhậm chức đó, Chủ tịch gọi tôi và bảo “cháu đi sang đây với chú một lát nhé”. Tôi đi theo Chủ tịch sang Phủ Chủ tịch, đến nơi đã có rất nhiều quan khách, những người thân, họ hàng đến để chụp ảnh kỷ niệm với ông. Lần đầu tiên phục vụ đã được tín nhiệm nên cảm xúc lúc đó với tôi thực sự rất ấm áp, rất đặc biệt.
Video đang HOT
Vài hôm sau, Chủ tịch gọi tôi sang phòng, nhờ tôi chọn giúp những bức ảnh gia đình thật đẹp để ông tặng và treo trong nhà. Điều đáng nhớ là, trong số những bức ảnh ấy có một bức ảnh thiếu vắng một người trong dòng họ, Chủ tịch cẩn thận xem kỹ và đề nghị tôi ghép thêm cho đầy đủ rồi mới được in ra. Những việc rất nhỏ như vậy, cũng khiến tôi cảm nhận được ông là người sống rất tình cảm, gần gũi, ân tình.
Rồi suốt quá trình được phục vụ ông, sự thân tình, gắn bó mà ông dành cho các phóng viên chúng tôi lại càng sâu sắc hơn, vào những ngày lễ, tết, chưa bao giờ ông quên gửi quà cho gia đình các phóng viên dù bận đến đâu. Thậm chí ông còn luôn nhắc nhở cánh phóng viên chúng tôi, luôn phải quan tâm đến vợ con trong những ngày lễ tết, 20/10, 8/3… bởi đó là hậu phương vững chắc để chúng tôi yên tâm làm việc, cống hiến. Không chỉ Chủ tịch mà phu nhân Chủ tịch cũng vậy, bà luôn quan tâm chúng tôi qua những lời thăm hỏi, động viên, thậm chí năm nào bà cũng nhắn tin chúc mừng chúng tôi vào ngày 21.6 với sự trân trọng. Sự quan tâm của Chủ tịch với phóng viên còn ở những điều rất nhỏ, ở từng bữa ăn trong các chuyến công tác, thậm chí cả những bữa ăn thân mật trong gia đình, chúng tôi đều được mời góp mặt, khi thì ở quê Chủ tịch, khi thì về quê của phu nhân Chủ tịch, khi thì ở nhà riêng.
Tôi vẫn không thể quên được, cái tết đầu tiên Chủ tịch nhậm chức. Hôm đó là chiều 30 tết, tôi đang đi xe máy trên đường thì nhận được cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia nói: “Cháu đang ở đâu đấy, có bận gì không, chú Quang đây!” Tôi bình thản hỏi theo phản xạ tự nhiên: “Dạ, chú Quang nào ạ?”. Rồi ngay lập tức tôi nhận ra giọng Chủ tịch nên vội nói ngay: “Dạ cháu chào Chủ tịch ạ, cháu vừa xong việc rồi, cháu không bận gì ạ”. Ông nói tiếp: “Thế cháu qua Phủ Chủ tịch, có chút việc nhé”. Đó là lần đầu tiên Chủ tịch dùng máy riêng gọi cho tôi.
Tôi vội về nhà mặc quần áo chỉnh tề rồi lập tức qua Phủ Chủ tịch. Đến nơi, Chủ tịch hỏi han tôi và một số đồng nghiệp khác xem đã chuẩn bị tết cho gia đình như thế nào rồi. Sau đó Chủ tịch bảo: “Cô chú có chút quà cho gia đình, chúc mừng năm mới các cháu cùng gia đình nhé”. Chúng tôi ai nấy đều cảm động, không nói lên lời. Chủ tịch còn mừng tuổi sớm mỗi người một đồng tiền may mắn 2 đô có in hình con gà với chữ kí của ông. Chúng tôi trân trọng món quà quý ấy, thấy ấm áp lắm, ai cũng mang về đặt lên ban thờ ngày tết. “Cũng chính bởi tình cảm ấy, mà chúng tôi khi làm việc ai nấy đều rất tận tậm. Bởi đó không chỉ dừng lại là công việc, là nghề mà chúng tôi còn đặt cả tâm hồn mình vào mỗi khoảnh khắc, ở đó còn là tình cảm, sự trân trọng mà phóng viên chúng tôi dành cho Chủ tịch và gia đình ông” – Nhà báo Nhan Hữu Sáng nhấn mạnh.
Người trân trọng từng khoảnh khắc
Trong công việc, hơn 900 ngày trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã làm việc đến những ngày cuối cùng của cuộc đời. Phóng viên ảnh Nhan Sáng đã may mắn có được hàng nghìn bức ảnh chụp Chủ tịch nước trong các chuyến công tác, làm việc cho đến những bức ảnh chụp gia đình. Phần lớn những bức ảnh đẹp nhất, được sử dụng nhiều nhất hiện nay của Chủ tịch nước đều là những bức ảnh do anh chụp. Nhà báo Nhan Hữu Sáng tâm sự: Đối với nhóm phóng viên chuyên trách chúng tôi, chiều 19/9 sẽ mãi mãi là một kỷ niệm đau buồn, bởi đó là ngày hoạt động cuối cùng của Chủ tịch trước khi ông đột ngột từ trần do cạn kiệt sức chống đỡ với căn bệnh hiểm nghèo vào ngày 21/9. “Lần đầu tiên trong quá trình đương nhiệm, tôi thấy Chủ tịch khi phát biểu mà không đứng dậy. Tôi đã chột dạ lo lắng nhưng cũng không nghĩ đến tình huống xấu nhất như thế” – nhà báo Nhan Hữu Sáng nghẹn ngào.
Tôi hỏi anh rằng, anh có áp lực không khi chuyên trách cho lãnh đạo cấp cao với quá nhiều công việc như vậy? Nhà báo Nhan Hữu Sáng chân tình chia sẻ: Tất cả những áp lực, bận rộn của công việc đều như tan biến trước sự động viên kịp thời của Chủ tịch nước. Tôi vẫn nhớ câu nói cửa miệng của Chủ tịch trong những chuyến công tác: “Các cậu có đi cùng tớ được không?”. Dù biết đó là nhiệm vụ, biết là chúng tôi nhất định phải đi theo phục vụ nhưng với ông, luôn luôn khiến cho chúng tôi cảm giác đó là sự đồng hành hơn là công việc, đó là sự chân thành hơn là trách nhiệm. Thậm chí, ông sang Nhật chữa bệnh trở về, khi gặp lại chúng tôi, ông còn nói vui: “Chào các chiến hữu, tớ đi công tác về lâu quá không gặp…”.
Trong công việc, chúng tôi được tạo điều kiện hết sức bởi ông là người đặc biệt quan tâm và hiểu về nghề báo. Trong các chuyến công tác, xe đưa Chủ tịch nước đi trước, xe của phóng viên đi sau cùng. Nhưng bao giờ cũng vậy, khi đoàn dừng lại, nhóm phóng viên xuống xe chạy lên trước, vào hết vị trí tác nghiệp thì Chủ tịch mới bước xuống xe và thực hiện các nghi lễ. Chính vì thế, chưa bao giờ chúng tôi bị lỡ các khoảnh khắc của các sự kiện mà Chủ tịch tham gia. Trong nhiều cuộc làm việc quan trọng, Chủ tịch luôn là người dặn dò anh em báo chí nên chọn lọc đưa các vấn đề nào, tránh đưa thông tin nào…
“Thậm chí, có những lúc Chủ tịch còn khiến tôi cảm động, bởi những cử chỉ tinh tế, sự trân trọng sức lao động của phóng viên. Chẳng hạn như trong chuyến đi thăm Lào và Campuchia, bức ảnh của tôi chụp Chủ tịch và phu nhân được treo rất trọng thị trên đường đi. Bắt gặp hình ảnh đó, ngay cả khi trời mưa, Chủ tịch vẫn dừng xe cùng phu nhân đứng cạnh tấm pa nô đó và bảo tôi chụp lại làm kỷ niệm. Chỉ vậy thôi, đủ thấy ông trân trọng và nâng niu những bức ảnh như thế nào, khiến tôi yêu hơn công việc, nghề nghiệp của mình, thấy những khoảnh khắc bấm máy trở nên ý nghĩa vô cùng. Chủ tịch ra đi để lại trong tôi và các phóng viên chuyên trách một sự mát mát lớn, sự trống trải và hụt hẫng. Một trong những điều tiếc nuối của tôi đó là không có một bức ảnh nào chụp riêng giữa hai chú cháu…” – Nhà báo Nhan Hữu Sáng chia sẻ.
Theo Hà Vân (Nhà báo & Công luận)
Lễ truy điệu, đưa tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Sáng nay 27-9, Lễ truy điệu, Lễ đưa tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang diễn ra tại Nhà tang lễ quốc gia ở Hà Nội với sự tham dự của các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước.
7 giờ 30 phút sáng nay, ngày 27-9-2018, Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Sau đó, sẽ tiến hành Lễ đưa tang để đưa linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang về quê hương Chủ tịch nước ở tỉnh Ninh Bình an táng.
Lễ an táng diễn ra từ 15 giờ 30 phút cùng ngày tại quê hương Chủ tịch nước ở xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống nhất TP HCM và tại Hội trường UBND huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp Lễ truy điệu và Lễ an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, TP HCM và huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Lễ Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Nhà tang lễ quốc gia
Chủ tịch nước Trần Đại Quang sinh ngày 12-10-1956; quê quán: xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; thường trú tại nhà số 8, phố Nguỵ Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 26-7-1980; Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá X, XI, XII; Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá XI, XII; Chủ tịch nước (từ tháng 4-2016 đến nay), Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Uỷ viên Thường vụ Quân uỷ Trung ương; Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương; Đại biểu Quốc hội các khoá XIII, XIV; Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã từ trần hồi 10 giờ 5 phút ngày 21-9-2018 (tức ngày 12-8 năm Mậu Tuất), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do bệnh nặng. Tang lễ Chủ tịch nước Trần Đại Quang được tổ chức với nghi thức Quốc tang. Trong 2 ngày Quốc tang (ngày 26 và 27-9-2018), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Báo Người Lao Động tường thuật trực tiếp Lễ truy điệu và Lễ an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Nhóm PV
Theo nld.com.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chủ tịch nước đã có nhiều cống hiến Lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã bắt đầu vào sáng nay (26.9) tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban tổ chức lễ tang đã đọc diễn văn, cho biết: Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù...