CTHĐ chức danh GS không nhất thiết là Bộ trưởng
Hiện có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc phong chức danh GS, PGS năm 2017, tiêu chí “kỳ lạ” hoặc Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước có nhất thiết phải là Bộ trưởng bộ GD&ĐT. Bàn về vấn đề này, PV có cuộc trao đổi với một số chuyên gia có tâm huyết với ngành giáo dục.
GS. Phạm Tất Dong.
ông Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định GS, PGS là những người thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho đất nước, là nhà giáo có trình độ cao nhất thuộc lĩnh vực nào đó. Họ mẫu mực, có lương tâm và đạo đức với nghề. Họ có quyền cao quý không gì sánh bằng là được đào tạo tiến sĩ, được phụ trách học thuật để có thể đứng ngang hàng với thế giới, đứng đầu các trường phái khoa học.
“Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng bộ GD&ĐT, có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Như vậy, có nghĩa chức năng của Hội đồng là thay Nhà nước công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đối với chức danh GS, PGS. Dựa vào chức năng này, có thể khẳng định Chủ tịch Hội đồng chức danh này không nhất thiết phải là Bộ trưởng bộ GD&ĐT”, ông Dong nêu quan điểm.
Trước câu hỏi của PV về việc “Nếu không là Bộ trưởng bộ GD&ĐT thì những ai có thể thay thế nhiệm vụ đó?”, ông Dong nói: “Chức danh này thuộc về lĩnh vực giáo dục nên xưa nay thường do Bộ trưởng bộ GD&ĐT làm Chủ tịch Hội đồng.
Nhưng chúng ta cũng có thể ủy nhiệm cho 1 Giáo sư, Viện sĩ nào đó. Người đó không phải nhất thiết là Giáo sư, mà chỉ là người có đủ năng lực đại diện cho Nhà nước để ký quyết định đó. Người ký quyết định là người làm công tác quản lý, thay mặt Nhà nước để phong chức danh, không có nghĩa họ phải làm chức danh này. Một số quốc gia khác, người không làm nhà giáo hay bác sĩ vẫn là Bộ trưởng bộ GD&ĐT, bộ Y tế…”.
Cũng theo GS. TSKH Phạm Tất Dong, nếu GS chỉ làm công tác quản lý sẽ rất lãng phí và không đúng với ý nghĩa của GS. PGS. “Bộ trưởng cũng không nhất thiết phải có chức danh GS bởi Bộ trưởng chỉ làm công tác quản lý, không giảng dạy. Bản thân tôi, hiện tôi vẫn làm công tác giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh, khi dừng lại việc đó tôi sẽ trả lại chức danh Giáo sư”, ông nói.
Video đang HOT
Ngoài ra, ông cũng đưa ý kiến đóng góp: “Theo tôi, bổ nhiệm chức danh GS phải gắn liền với nơi đào tạo, vùng miền cần họ để đạt hiệu quả cao nhất cho việc cống hiến. Ngoài ra, GS nên được kiểm định 5 năm một lần. Nếu không còn đào tạo hay giảng dạy, GS nên dành lại chức danh đó cho người khác”.
Bên cạnh đó, theo ông Dong, đã là GS thì không có nghĩa là dừng học tập, trau dồi kiến thức. Bởi lẽ kiến thức là vô hạn, sẽ cập nhật theo thời gian, nếu không thì GS cũng thành người lạc hâu.
“Tôi cũng thấy rằng, xung quanh việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS còn nhiều điều đáng suy ngẫm. Bởi đâu đó, vẫn có những chuyện tiêu cực, thậm chí có người sau khi đã bầu còn nói “rất suy nghĩ” về phiếu bầu đó, tại sao vậy?
Vì người mình bầu là lãnh đạo của mình. Chính vì thế, bên cạnh việc tranh luận về chất lượng các GS, PGS thì chúng ta cũng cần đòi hỏi sự công tâm và có trình độ ở các Hội đồng chức danh Nhà nước”, ông nói.
Nói về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Thông thường chức danh GS được phong trong quá trình giảng dạy là chính, phục vụ các trường đại học. Họ là những người có quá trình nghiên cứu, có nhiều thành tích xuất sắc. Ở góc độ quản lý, là Bộ trưởng mà là GS thì một điều rất tốt. Bởi đã được thử thách, khẳng định ở nhiều vị trí với vai trò là nhà nghiên cứu khoa học cũng như quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, nếu đã làm Bộ trưởng mà chưa có học hàm GS, PGS thì không nhất thiết phải đạt được điều đó. Bởi như vậy sẽ ảnh hưởng tới thời gian và công việc làm quản lý. Chúng ta cần ở một người Bộ trưởng là khả năng lãnh đạo, quản lý tốt chứ không phải là một người có học vị cao mà thiếu đi khả năng quản lý”.
Đồng quan điểm, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư Phạm Hà Nội) kể về kinh nghiệm nhiều năm công tác ở nước ngoài của mình: “Ở Mỹ, GS không đòi hỏi phải có bằng ngoại ngữ, miễn là làm tốt công việc nghiên cứu và giảng dạy. Tức là khi làm GS có một sự tập trung rất lớn về chuyên môn. Chính vì vậy có nhiều GS không thể làm tốt quản lý. Tôi đã từng du học và thấy rằng khá nhiều GS ở nước ngoài nắm không tốt những vấn đề trong cuộc sống, bởi vì họ tập trung hết công sức của mình cho nghiên cứu khoa học. Để họ làm quản lý sẽ gây ra hậu quả”.
Theo Người Đưa Tin
ĐBQH Lê Thanh Vân: Bộ trưởng không nên là Giáo sư
"Chỉ có ở Việt Nam, chức danh GS như một tiêu chuẩn "trang trí", "làm đẹp" thêm cho cán bộ lãnh đạo, xuất phát từ thói háo danh, tạo cuộc đua vào chuyện học hàm", ông Lê Thanh Vân thẳng thắn.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân
Vụ phong chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) năm 2017 ầm ĩ suốt thời gian qua đến nay vẫn chưa khép lại. Hiện tại, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước sau khi rà soát 1.226 hồ sơ GS, PGS năm 2017 đã báo cáo Thủ tướng có 94 GS, PGS cần rà soát kỹ do có đơn thư tố cáo và hồ sơ cần xác minh thêm.
Những ứng viên này bị phản ánh là chưa có đủ tiêu chuẩn về giờ giảng, bài báo, công trình nghiên cứu khoa học. Trong số các ứng viên cần rà soát có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Vấn đề mà dư luận đang đặt ra khá nóng bỏng hiện nay là: Bộ trưởng, các vị trí quản lý nhà nước thì có nhất thiết làm GS, PGS?
Trao đổi với SGGPO, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định: "GS là chức danh dành cho GD-ĐT, đã là cán bộ nói chung, tham gia quản lý nhà nước, làm lãnh đạo thì không thể làm giảng viên được. Đặc trưng của GS, PGS là hành nghề GD-ĐT, đó là nhà trường. Còn quan trường chỉ là lãnh đạo, quản lý, đó là anh phải khởi xướng chính sách, tổ chực thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách. Ở đây không có giảng dạy, đào tạo như ở nhà trường".
"Chỉ có ở Việt Nam, chức danh GS như một tiêu chuẩn "trang trí", "làm đẹp" thêm cho cán bộ lãnh đạo, xuất phát từ thói háo danh, tạo cuộc đua vào chuyện học hàm", ông Vân thẳng thắn.
Theo ông, có thể chấp nhận một vị quan chức có bằng tiến sĩ, nhưng không thể chấp nhận một vị quan chức có hàm GS. Vì bản chất của lãnh đạo là quản lý điều hành, không có chuyện giảng dạy - có tính chất kinh viện với cấp dưới. GS, PGS phải là chức danh nghề nghiệp lĩnh vực đào tạo, Bộ trưởng không nên là GS, gốc rễ vấn đề là ở đó".
"Khi nào anh thấy rằng anh phù hợp với công tác giảng dạy thì phải từ chức bên chính quyền và ứng thí vào một trường đại học nào đó để làm GS, PGS. Ngược lại, GS, PGS nào mà thấy mình có thể đảm đương được trách nhiệm quản lý thì khi tham gia cũng nên từ bỏ nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu để tập trung vào công tác quản lý, điều hành", ông Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Theo ông Lê Thanh Vân, chúng ta cũng không cần thiết quy định máy móc rằng chỉ nên phong GS, PGS cho giảng viên trong trường đại học và phải có thời hạn. "Nhưng phải quy định có tính chất điều kiện: khi GS, PGS tham gia chức vụ quản lý trong bộ máy thì anh không tham gia đào tạo nữa, vì chức vụ của anh có thể chi phối việc hướng dẫn và việc xét phong học trò của anh. Cái đó phải ngăn chặn. Còn sau khi thôi làm lãnh đạo thì lại về trường để xét duyệt lại GS, PGS".
Khác với quan điểm của ông Lê Thanh Vân, GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS ngành y cho rằng: Nói Bộ trưởng không có thời gian nghiên cứu cũng không đúng. Vì Bộ trưởng có nhiều người giúp việc, không cần ôm đồm, nên nếu quản lý tốt thì vẫn có thời gian nghiên cứu. Nếu Bộ trưởng làm được thì rất đáng trân trọng.
Riêng với trường hợp Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Phạm Gia Khánh cho rằng: "Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Y tế còn thừa sức làm GS vì thành tích nghiên cứu khoa học của bà đã có từ mấy chục năm trước".
* TS Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp
"Các vị trí Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, Giám đốc Sở, Thứ trưởng, Bộ trưởng mà rảnh thời gian quá (có thời gian làm khoa học, giảng dạy) thì nên từ chức"
* TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT
"Quan chức nói chung, Bộ trưởng nói riêng, không nên làm GS, PGS. Chức danh này chỉ nên dành cho những người giảng dạy tại các cơ sở đại học. Công việc chính của Bộ trưởng là làm hành chính, chính sách. Khi quan chức gắn chức danh GS, dù có thanh minh thế nào cũng thể hiện tính háo danh".
Theo SGGP
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Có 94 ứng viên giáo sư, phó giáo sư chưa đủ điều kiện Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều muộn ngày 1/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chính thức báo cáo Thủ tướng về 1.226 ứng viên giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS), trước mắt có 94 ứng viên chưa đủ điều kiện. Bộ trưởng, Chủ...