COVID-19 tới 6h sáng 5/1: Phát hiện biến thể mới khác xa Omicron; Mỹ kỷ lục trên 1 triệu ca mới/ngày
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 1,9 triệu ca nhiễm mới. Pháp phát hiện biến thể mới khác xa Omicron trong khi Mỹ dẫn đầu thế giới về cả ca nhiễm và tử vong mới sau khi lập kỷ lục trên 1 triệu ca nhiễm/ngày.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 5/1 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 295.184.052 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.472.190 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.929.317 và 5.666 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 255.944.582 người, 33.747.283 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 93.031 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 441.739 ca; Pháp đứng thứ hai với 271.686 ca; tiếp theo là Anh (218.724 ca). Mỹ cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.504 người chết trong ngày; tiếp theo là Nga (834 ca) và Ba Lan (433 ca tử vong).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 57.839.124 người, trong đó có 850.977 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 35.011.990 ca nhiễm, bao gồm 482.017 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.323.837 ca bệnh và 619.384 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 90,85 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 85,22 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 68,31 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 40,11 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 9,94 triệu ca và châu Đại Dương trên 712.000 ca nhiễm.
Đười ươi Borneo được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Vườn thú Buin ở Chile ngày 28/12/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Pháp phát hiện biến thể mới khác xa Omicron
Các nhà khoa học Pháp đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 chứa 46 đột biến, khiến biến thể này có khả năng né tránh vaccine tốt hơn và dễ lây lan hơn chủng gốc (nhưng hiện nay vẫn chưa vượt qua được Omicron). Hiện có 12 ca nhiễm biến thể mới này ở gần thành phố Marseille, trong đó ca đầu tiên là người từng du lịch đến Cameroon.
Biến thể mới được các nhà khoa học tại IHU Mediterranee Infection phát hiện vào ngày 10/12/2021 ở Pháp, chưa được phát hiện ở nước nào khác và chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên. Hiện có ít dấu hiệu cho thấy biến thể mới sẽ vượt Omicron trở thành biến thể chủ đạo trong đại dịch. Omicron đang gây ra hơn 60% số ca nhiễm tại Pháp.
Giáo sư Philippe Colson, người đứng đầu nhóm phát hiện biến thể mới, cho biết nhóm đã tạm gọi đây là “biến thể IHU” và đã thông báo về phát hiện này trên trang y khoa medRxiv. Nhóm đã trình hai trình tự gien mới. Tên khoa học của biến thể này là B.1.640.2.
Các nhà khoa học cho biết biến thể này có sự khác biệt về gene so với biến thể B.1.640, từng được phát hiện ở CHDC Congo hồi tháng 9/2021. Các xét nghiệm cho thấy biến thể này mang đột biến E484K, giúp chúng né tránh vaccine tốt hơn. Ngoài ra, biến thể này có đột biến N501Y – lần đầu tiên phát hiện trong biến thể Alpha – khiến chúng lây lan nhanh hơn.
Hình ảnh từ kính hiển vi virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ: Kỷ lục hơn 1 triệu ca mắc mới trong một ngày
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu cập nhật của Đại học Johns Hopkins cho biết ngày 3/1 Mỹ ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc mới COVID-19, trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 được ví như một “cơn sóng thần” càn quét mọi lĩnh vực trong đời sống hằng ngày ở nước này.
Biến thể Omicron lây lan mạnh khiến số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tại Mỹ tăng lên các mức kỷ lục và cao hơn bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào khác trên thế giới. Số ca mắc mới ghi nhận ngày 3/1 cao gần gấp đôi mức kỷ lục 590.000 ca vừa ghi nhận 4 ngày trước đó ở Mỹ – vốn đã cao gấp đôi so với tuần trước đó.
Số ca mắc mới Mỹ ghi nhận ngày 3/1 cũng cao hơn gấp đôi so với số ca mắc mới ghi nhận theo ngày tại bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào khác ở bất kỳ thời điểm nào kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây 2 năm. Cho đến nay, số ca mắc mới cao nhất ngoài Mỹ được ghi nhận trong đợt bùng phát làn sóng dịch do virus Delta gây ra tại Ấn Độ, với 414.000 ca ghi nhận hôm 7/5/2021.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại British Columbia, Canada, ngày 18/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Mặc dù số ca mắc mới gia tăng chưa dẫn đến tình trạng số ca bệnh nặng và tử vong tăng mạnh ở Mỹ, nhưng cả nước đã cảm nhận tác động khi có thêm người mắc bệnh phải tự cách ly tại nhà. Hệ lụy là nhiều chuyến bay bị hủy bỏ; các trường học, văn phòng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa; các bệnh viện quá tải và các chuỗi cung ứng tắc nghẽn.
Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ tháng 9/2021
Trong khi đó, Bộ Y tế Ấn Độ ngày 4/1 thông báo nước này ghi nhận 37.379 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 34,96 triệu ca. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất tại Ấn Độ kể từ đầu tháng 9/2021 khi biến thể Omicron lấn át Delta trở thành biến thể trội tại nhiều địa phương ở quốc gia Nam Á này, trong đó có thủ đô New Delhi.
Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 124 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 482.017 ca.
Cùng ngày, chính quyền thành phố New Delhi (Ấn Độ) thông báo sẽ áp đặt biện pháp phong tỏa tại khu vực này vào cuối tuần nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Phó Thủ hiến New Delhi Manish Sisodia nói rõ giới chức trách đã chuẩn bị kỹ nhằm đối phó với mọi kịch bản dịch bệnh. Theo biện pháp mới, tất cả người dân New Delhi, trừ những lao động trong lĩnh vực thiết yếu, sẽ không được ra khỏi nhà từ tối thứ Sáu đến sáng thứ Hai. Tuần trước, New Delhi đã đóng cửa phòng tập và rạp chiếu phim, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Video đang HOT
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho hành khách tại một nhà ga ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 1/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Vùng Vịnh đối mặt với làn sóng lây nhiễm mạnh
Làn sóng lây lan dịch bệnh COVID-19 đang tăng mạnh tại một số quốc gia vùng Vịnh, trong đó số ca mắc mới trong 2 ngày qua tại Saudi Arabia đã tăng hơn 2 lần, lên hơn 2.500 trường hợp. Cả 6 quốc gia vùng Vịnh đều xác nhận có ca nhiễm biến thể Omicron.
Saudi Arabia là quốc gia lớn nhất khu vực với dân số khoảng 30 triệu người, trong ngày 4/1 đã ghi nhận 2.585 ca mắc COVID-19, so với khoảng 1.000 ca công bố hôm 2/1. Trong khi đó, nước láng giềng Qatar ghi nhận 1.695 ca mắc mới trong ngày 4/1, cao nhất kể từ mùa Hè năm 2021. Những ngày qua, người dân Qatar đã xếp hàng dài tại các điểm chờ xét nghiệm kháng nguyên (PCR) và từ tháng 1/2022, nước này cũng tái áp dụng quy định học trực tuyến đối với học sinh.
Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng ghi nhận số ca mắc mới hàng ngày vượt mốc 2.500 từ hôm 2/1. Hiện UAE đang đăng cai tổ chức triển lãm thế giới trong tháng cao điểm của mùa du lịch. Kuwait trong ngày 4/1 ghi nhận 1.492 ca mắc mới, tương đương mức độ dịch hồi tháng 7/2021. Bahrain từ tháng 5/2021 đã đạt đỉnh dịch với khoảng 3.000 ca/ngày sau đó giảm xuống còn khoảng 100 ca/ngày từ tháng 7 cùng năm. Đến ngày 4/1/2022, Bahrain này ghi nhận gần 900 ca mắc mới. Nước này từ tháng 12/2021 cũng đã hạn chế các hoạt động không thiết yếu đối với những người đã được tiêm chủng vaccine đầy đủ.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tây Ban Nha cho phép học sinh, sinh viên trở lại trường
Học sinh, sinh viên tại Tây Ban Nha sẽ quay trở lại học trực tiếp trong học kỳ mới bắt đầu từ ngày 10/1 tới, bất chấp việc biến thể Omicron làm gia tăng số ca mắc tại nước này. Việc học trực tiếp này đi kèm theo các quy định bắt buộc như đeo khẩu trang trong thời gian tại trường, các lớp học phải đảm bảo thông gió. Chính quyền địa phương sẽ nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên do một số người mắc bệnh.
Tây Ban Nha liên tục ghi nhận mức cao mới về số ca mắc kể từ khi biến thể Omicron được phát hiện khoảng 2 tháng trước, làm gia tăng quan ngại về việc học sinh không thể trở lại trường học sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Biến thể này chiếm khoảng 43% số ca mắc tại Tây Ban Nha vào thời điểm trước Giáng sinh.
Hành khách trên tàu du lịch Aida Nova có xét nghiệm âm tính với COVID-19 được sơ tán tại cảng Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 3/1/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tới nay, hơn 90% người trưởng thành tại Tây Ban Nha đã tiêm đủ liều vaccine, trong khi đó khoảng 33% trong tổng số trẻ từ 5-11 tuổi đã tiêm mũi vaccine đầu tiên.
Australia tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh
Ngày 4/1, Australia ghi nhận 47.799 ca mắc mới COVID-19, tăng gần 33% so với mức kỷ lục ghi nhận một ngày trước đó. Mặc dù chỉ ghi nhận thêm 4 ca tử vong vì COVID-19, song số ca nhập viện đang có chiều hướng tăng mạnh và lên tới mức cao chưa từng thấy kể từ khi dịch bùng phát. Trong đó, bang đông dân nhất là New South Wales ghi nhận 1.344 người cần điều trị tại bệnh viện. Tại bang Victoria đông dân thứ hai, 25% số xét nghiệm tại các cơ sở của chính quyền cho kết quả dương tính. Bang này ghi nhận 14.020 ca mắc mới trong cùng ngày, gấp đôi con số ngày 3/1. Gần như toàn bộ bệnh nhân đang được điều trị tích cực đều chưa tiêm vaccine.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Mặc dù gia tăng số ca nhiễm do biến thể Omicron, tỷ lệ tiêm đủ hai mũi vaccine lên tới 92% giúp Australia hạn chế đáng kể số ca tử vong so với những đợt dịch trước. Tới nay, Australia đã ghi nhận tổng cộng 547.160 ca mắc và 2.270 ca tử vong vì COVID-19.
Israel xác định hiệu quả vượt trội của mũi tiêm tăng cường thứ 4
Là nước đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm bổ sung vaccine mũi 4 nhằm bảo vệ người dân trước sự lây lan của biến thể Omicron, Israel công bố kết quả sơ bộ cho thấy mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 này giúp làm tăng gấp 5 lần lượng kháng thể trong 1 tuần sau khi tiêm.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 4/1 đã công bố thông tin trên dựa trên báo cáo sơ bộ cuộc thử nghiệm tiêm mũi tăng cường thứ 4 cho đội ngũ nhân viên y tế trên cả nước. Ông nêu rõ: “Số lượng kháng thể đã tăng gấp 5 lần ở người tiêm mũi thứ 4″. Theo ông, điều này có nghĩa là mũi tiêm tăng cường thứ 4 có khả năng đáng kể ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm mới, số ca cần nhập viện điều trị hoặc có triệu chứng nặng.
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân ở Tel Aviv, Israel. Ảnh: Reuters
Với tỷ lệ tiêm bổ sung mũi 3 khá cao giúp giảm mạnh số ca nặng, Chính phủ Israel đang trông chờ vào mũi 4 như một vũ khí chủ chốt giúp quốc gia Trung Đông này vượt qua dịch COVID-19 một cách nhẹ nhàng nhất có thể.
Anh: Đa phần ca nhập viện không quá nghiêm trọng
Ngày 4/1, Quốc vụ khanh phụ trách vaccine và y tế công cộng Anh, bà Maggie Throup, cho biết các bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại nước này nhìn chung có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với các trường hợp trước đây, do đó chưa cần áp đặt thêm các biện pháp hạn chế trong giai đoạn này.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Sky News, bà Maggie khẳng định ở thời điểm hiện nay, đa phần các trường hợp nhập viện vì COVID-19 đều có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Bà cũng cho biết thêm rằng “Kế hoạch B” được Thủ tướng Anh đưa ra trong tháng 12 vừa qua đang được triển khai. Ngoài ra, bà nhấn mạnh số ca phải nhập viện chỉ bằng 50% so với cách đây một năm và điều này là minh chứng cho thấy hiệu quả của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại London, Anh ngày 19/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhật Bản sẵn sàng ứng phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 sau đợt nghỉ dài có chiều hướng gia tăng phức tạp, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã chỉ thị tăng cường các biện pháp sẵn sàng ứng phó với làn sóng lây lan COVID-19 mới.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ngày 4/1 công bố báo cáo cho biết các địa phương trong cả nước đã ghi nhận 1.151 ca mắc COVID-19 mới, lần đầu vượt mốc 1.000 ca/ngày kể từ ngày 6/10/2021. Trong đó, thủ đô Tokyo ghi nhận 151 ca, trong đó có 8 ca được xác nhận đã nhiễm biến thể Omicron mà không rõ nguồn lây. Tính từ ngày 25 đến ngày 30/12/2021, Nhật Bản đã ghi nhận 150 ca mắc biến thể Omicron, trong đó có ca nghi nhiễm tại cộng đồng.
Trước tình hình trên, trong phát biểu mới nhất ngày 4/1, Thủ tướng Kishida Fumio đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương sẵn sàng ứng phó với làn sóng dịch tiếp theo, nhất là biến thể Omicron. Theo đó, các địa phương cần tăng cường hơn nữa các khâu phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị sớm, sẵn sàng chuyển trạng thái khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
COVID-19 tới 6 giờ ngày 25/12: Thế giới trên 5,4 triệu người tử vong; Nhiều nước rút ngắn thời gian tiêm mũi vaccine tăng cường
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 666.891 trường hợp mắc COVID-19 và 5.064 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 279 triệu ca, trong đó trên 5,4 triệu người không qua khỏi.
Người dân chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại London, Anh ngày 19/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 25/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 279.178.370 ca, trong đó có 5.406.109 người tử vong.
Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch tái bùng phát dịch bệnh với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, khiến số ca mắc mới và tử vong tăng mạnh trở lại.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại, những vùng dịch "nóng nhất" nằm ở châu Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới, biến thể Omicron dự kiến sẽ chiếm chủ đạo số ca mắc tại châu Âu trong tháng tới.
Người dân trên phố ở London, Anh ngày 23/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Anh là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 90.000 ca), Anh cũng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021 chứng kiến trên 100.000 ca/ngày, trong khi Nga có có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 1.000 ca.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 249.600.000 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 24 triệu ca và trên 89.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 24/12, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 94 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ "zero COVID-19" sang "sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình "bình thường mới" ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một "trận sóng thần" COVID-19 mới.
Người dân chụp ảnh chào đón Năm mới trên Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, ngày 20/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch với hơn 52 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 835.000 ca tử vong. Do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng tới phi hành đoàn và nhiều nhân viên của các hãng hàng không, ngày 23/12, các hãng United Airlines và Delta Air Lines của Mỹ đã thông báo hủy hơn 200 chuyến bay vào dịp Giáng sinh. Hiện số ca nhiễm biến thể Omicron tại Mỹ đang có nguy cơ khiến các bệnh viện và nhân viên y tế rơi vào tình trạng quá tải. Biến thể này đã được ghi nhận trong hơn 90% số ca nhiễm mới ở nhiều khu vực tại Mỹ.
Trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 rất dễ lây lan, một số chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần xem xét lại các lựa chọn khẩu trang của bạn - đặc biệt nếu bạn vẫn đang sử dụng khẩu trang vải.
Trả lời phỏng vấn kênh CNN, Tiến sĩ Leana Wen - bác sĩ cấp cứu và là giáo sư thỉnh giảng về chính sách và quản lý y tế tại trường Đại học George Washington - cho biết: "Khẩu trang vải chỉ đơn thuần là đồ trang trí trên khuôn mặt. Chúng không thể ngăn ngừa được biến thể Omicron. Đây là điều mà các nhà khoa học và các quan chức y tế cộng đồng đã nói tới trong nhiều tháng qua. Chúng ta cần phải đeo ít nhất một chiếc khẩu trang phẫu thuật ba lớp, còn được gọi là khẩu trang dùng một lần, có thể tìm mua ở hầu hết các hiệu thuốc và một số cửa hàng tạp hóa và bán lẻ. Bạn có thể đeo khẩu trang vải bên ngoài, nhưng đừng chỉ đeo duy nhất loại khẩu trang vải đó".
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Toronto, Canada, ngày 20/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Ở quốc gia láng giềng Canada, ngày 24/12, tỉnh Ontario đông dân nhất của nước này đã ghi nhận 5.790 ca mắc mới COVID-19, phá kỷ lục số ca mắc mới theo ngày ghi nhận trước đó. Trước diễn biến dịch phức tạp, chính quyền tỉnh đã áp đặt một số biện pháp kiểm dịch có hiệu lực từ ngày 26/12/221 đến ngày 23/1/2022. Theo đó, hầu hết các hoạt động kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa.
Tại châu Á, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã phát hiện ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng. Cho đến nay, Hong Kong đã ghi nhận 34 ca nhiễm Omicron, nhưng tất cả là ca có lịch sử ra nước ngoài và phần lớn được phát hiện nhiễm khi nhập cảnh hoặc trong thời gian cách ly.
Ở Nhật Bản, thủ đô Tokyo đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng. Chính quyền thành phố cho biết bệnh nhân là một bác sĩ và không có lịch sử du lịch nước ngoài trong thời gian gần đây. Hiện chưa rõ nguồn lây bệnh. Ngoài trường hợp trên, chính quyền thành phố còn ghi nhận thêm 3 ca nhiễm biến thể Omicron và những người này đều vừa đi du lịch nước ngoài về.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/ TTXVN
Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới trong ngày 24/12 đã giảm xuống dưới 7.000 ca ngày thứ hai liên tiếp, nhờ hiệu quả của các biện pháp kiểm soát. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh nặng lại tăng lên mức cao kỷ lục. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số bệnh nhân bị bệnh nặng ở mức 1.084 người, phá vỡ mức cao kỷ lục trước đó là 1.083 người ghi nhận ngày 23/12. Nhà chức trách cho biết Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 16 ca nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số trường hợp nhiễm biến thể này lên 262 ca.
Ở châu Âu, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi người dân đi tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19, cho rằng đây sẽ là món quà "tuyệt vời" dành tặng đất nước trong bối cảnh số ca mắc mới mỗi ngày tại nước này đang tăng vọt. Người đứng đầu Chính phủ Anh đưa ra lời kêu gọi này khi thừa nhận rằng nước Anh chưa vượt qua đại dịch. Ngày 23/12, nước này ghi nhận con số kỷ lục là gần 120.000 ca mắc mới.
Litva yêu cầu nghị sĩ phải có giấy thông hành y tế khi vào tòa nhà quốc hội. Quy định này có hiệu lực kể từ tháng 1/2022. Theo đó, chỉ những nghị sĩ đã tiêm phòng đầy đủ, hoặc đã khỏi COVID-19 trong thời gian gần đây hoặc có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ mới có thể vào tòa nhà quốc hội. Nước này cũng yêu cầu người dân xuất trình giấy thông hành y tế tại các điểm vào cửa các trung tâm thương mại, nhà hàng hoặc các tiệm làm đẹp.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Ljubljana, Slovenia, ngày 14/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Chính phủ Slovenia quyết định hủy tổ chức các sự kiện đón mừng Năm mới ngoài trời nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đây là năm thứ hai liên tiếp các sự kiện này bị hủy. Quyết định nêu rõ các nhà hàng có thể phục vụ bữa tối mừng Năm mới, nhưng khách hàng phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm COVID-19 âm tính được thực hiện tối đa 12 giờ trước đó.
Giá trị của các xét nghiệm COVID-19 cũng đã được rút ngắn từ 72 giờ xuống còn 48 giờ. Đối với tiệc đón mừng Giáng sinh và Năm mới mang tính cá nhân, chỉ cho phép tối đa 3 hộ gia đình khác nhau tham gia cùng lúc và tất cả những người trên 6 tuổi nên làm xét nghiệm trước đó.
Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nước đã tăng cường tiêm chủng vaccine. Cơ quan cố vấn y tế của Pháp Haute Autorite de Sante (HAS) đã khuyến nghị rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành xuống còn 3 tháng thay vì 5 tháng như hiện nay. HAS cũng khuyến nghị mở rộng đối tượng được tiêm mũi tăng cường sang cả thanh thiếu niên, nhóm cũng có nguy cơ cao mắc COVID-19.
Ủy ban Tiêm phòng quốc gia Áo cho biết nước này sẽ tiêm mũi thứ 4 cho các nhân viên y tế và những người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu khác. Trong khi đó, ngày 24/12, Bhutan đã trở thành nước đầu tiên ở khu vực Nam Á triển khai tiêm mũi thứ ba khi các cơ sở y tế của nước này bắt đầu tiêm liều tăng cường cho những người cao tuổi và các nhóm người ưu tiên khác.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Ekurhuleni, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Nam Phi, giới chức y tế thông báo kể từ ngày 24/12 sẽ bắt đầu tiêm mũi tăng cường sử dụng vaccine của Johnson & Johnson (J&J) cho người dân. Nước này cũng quyết định chuyển chiến lược ứng phó COVID-19 từ ngăn chặn sang giảm thiểu.
Theo đó, những người dân nước này sẽ không cần phải cách ly hay xét nghiệm, nếu họ không biểu hiện triệu chứng của bệnh COVID-19 sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh này. Tuy nhiên, họ nên theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân trong 5-7 ngày và tránh tham dự các sự kiện quy mô lớn. Bộ trên nêu rõ chỉ những người đã có biểu hiện triệu chứng bệnh mới cần phải xét nghiệm.
Họ sẽ phải cách ly trong 8 ngày, trong khi thời gian cách ly đối với các trường hợp bệnh nặng là 10 ngày. Những người này sẽ cách ly tại nhà, do các cơ sở cách ly khác sẽ được dỡ bỏ. Công tác truy vết tiếp xúc cũng sẽ không cần thiết thực hiện, ngay cả khi bùng phát các ổ dịch.
Các chú voi đội mũ ông già Noel, đeo khẩu trang phân phát quà cho các em học sinh trong bữa tiệc Giáng sinh ở Ayutthaya, Thái Lan, ngày 24/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 24.174 ca mắc mới COVID-19 và 368 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện nay vượt 14.702.958 trường hợp và 302.098 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam.
Hành khách lên xe buýt tại Singapore trong chương trình Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL), ngày 29/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 5 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.
Việt Nam ngày 24/12 tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với trên 16.100 ca mắc mới và 235 ca tử vong. Đây cũng là số ca tử vong trong ngày cao nhất ở châu Á trong 24 giờ qua.
Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng bắt đầu xu thế giảm so với vài tuần gần đây. "Xứ sở chùa Phật Ngọc" trong ngày 24/12 ghi nhận thêm trên 2.600 ca bệnh mới và 27 người tử vong. Ngày 24/12, nhà chức trách Thái Lan đã ghi nhận ổ dịch đầu tiên trong cộng đồng liên quan đến biến thể Omicron tại tỉnh Kalasin, Đông Bắc nước này. Hiện có 21 ca nhiễm mới liên quan đến ổ dịch tại Kalasin. Ổ dịch này bắt nguồn từ một cặp đôi du khách tới từ Bỉ qua chương trình Test & Go của Thái Lan, theo đó miễn cách ly đối với các du khách đã tiêm phòng COVID-19.N
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Sinovac cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia ngày 17/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 8 bệnh nhân mới và chỉ 1 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, "Xứ sở chùa tháp" đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, số ca mắc mới tại Lào đang có chiều hướng chững lại và đi ngang, tổng số ca bệnh đã vượt 100.000. Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên.
Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
COVID-19 tới 6 giờ ngày 21/12: Nhiều nước siết chặt phòng dịch trước Giáng sinh; WHO đưa ra đánh giá mới về biến thể Omicron Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 501.372 trường hợp mắc COVID-19 và 3.722 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 275 triệu ca, trong đó trên 5,37 triệu người không qua khỏi. Người dân mua sắm chuẩn bị cho Giáng Sinh tại London, Anh, ngày 18/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Theo số liệu thống kê của trang...