COVID-19 tới 6h sáng 19/3: WHO tuyên bố đại dịch chưa kết thúc; Hàn Quốc nới lỏng dù dẫn đầu thế giới
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,54 triệu ca mắc COVID-19 và 4.267 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 6.092.066 ca.
WHO tuyên bố đại dịch chưa kết thúc, trong khi Hàn Quốc nới lỏng giãn cách dù liên tục đứng đầu thế giới về ca mắc mới.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 11/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 19/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 467.586.987 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.092.066 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.543.451 và 4.267 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 398.900.371 người, 60.713.967 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 62.811 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 407.017 ca; Đức đứng thứ hai với 284.050 ca; tiếp theo là Việt Nam (163.174 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 524 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ 506 ca và Hàn Quốc với 301 ca.
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.374.595 người, trong đó có 996.697 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.005.914 ca nhiễm, bao gồm 516.381 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 29.573.112 ca bệnh và 656.798 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 169,2 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 130,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 95,98 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 55,57 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,65 triệu ca và châu Đại Dương trên 4,52 triệu ca nhiễm.
Người dân chờ xét nghiệm tại Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
WHO tuyên bố đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc
Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Margaret Harris, tuyên bố đại dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài, viện dẫn số ca mắc mới COVID-19 tăng trong dữ liệu thống kê hằng tuần mới nhất. Phát biểu ngày 18/3 tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, bà Harris khẳng định đại dịch “vẫn chưa kết thúc”, đồng thời cho rằng thế giới “chắc chắn vẫn đang trong giai đoạn xảy ra đại dịch”.
Trước đó, cơ quan y tế của Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng “giai đoạn cấp tính” của đại dịch có thể kết thúc vào cuối năm 2022, song điều này sẽ phụ thuộc vào tốc độ đạt mục tiêu bao phủ vaccine ngừa COVID-19 cho 70% dân số của mỗi nước.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Dayton, Ohio, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo WHO, sau hơn 1 tháng ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm, con số này lại gia tăng trên khắp thế giới trong tuần từ ngày 7-13/3, trong đó một số nước châu Á gồm cả Trung Quốc đang phải áp đặt biện pháp phong tỏa để khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Cụ thể, trong tuần từ ngày 7-13/3, số ca mắc mới COVID-19 đã tăng 8% so với một tuần trước đó, với hơn 11 triệu ca mắc mới, trong khi hơn 43.000 người đã tử vong.
WHO cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới số ca mắc mới trên thế giới gia tăng, trong đó có sự lây lan của biến thể Omicron và dòng phụ BA.2, cùng với việc nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xã hội và y tế.
Hàn Quốc nới lỏng giãn cách dù ca nhiễm đứng đầu thế giới
Ngày 18/3, Hàn Quốc đã quyết định nới lỏng hơn nữa các quy định giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 trong 2 tuần tới, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp đặt ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của các tiểu thương.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 16/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết hướng dẫn về giãn cách xã hội mới được điều chỉnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 21/3 đến 3/4, đồng thời dự báo dịch bệnh có thể đạt đỉnh trong tuần này hoặc muộn nhất là vào tuần tới. Bộ này khẳng định sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đã làm giảm hiệu quả của chiến lược giãn cách xã hội, lưu ý việc điều chỉnh một phần các biện pháp chống dịch giúp giảm bớt khó khăn cho việc kinh doanh của các tiểu thương và sự bất tiện của người dân.
Hàn Quốc đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron với khả năng lây lan nhanh chóng. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 18/3 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 407.017 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 8.657.609 ca. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 301 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi vì COVID-19 lên 11.782 người, tỷ lệ tử vong là 0,14%. Trước đó một ngày, Hàn Quốc đã báo cáo số ca mắc mới kỷ lục 621.328 ca.
Video đang HOT
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại tinrh Aichi, Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN
Đức sửa đổi luật phòng chống lây nhiễm, dỡ bỏ nhiều hạn chế
Với 338 phiếu thuận, 277 phiếu chống và 2 phiếu trắng, ngày 18/3, Quốc hội Đức đã phê chuẩn Luật Phòng, chống lây nhiễm sửa đổi, theo đó hầu hết các biện pháp hạn chế trên cả nước sẽ được dỡ bỏ, trừ những khu vực có chỉ số lây nhiễm cao. Luật mới sẽ thay thế cho các quy định trước đây, vốn sẽ hết hiệu lực từ ngày 20/3.
Ngay sau đó, luật mới cũng đã được Hội đồng Liên bang Đức thông qua. Theo luật mới này, các quy định phòng, chống COVID-19 phần lớn sẽ vận dụng các quy định ở mức cơ bản, trong đó yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang và xét nghiệm vẫn được thực hiện tại các cơ sở dành cho nhóm người dễ bị tổn thương như các nhà dưỡng lão, phòng khám, các cơ sở y tế, ngoại trừ trường học và các cửa hàng. Bên cạnh đó, Đức sẽ vẫn áp dụng một số hạn chế đối với các điểm nóng lây lan dịch bệnh theo quyết định của chính quyền mỗi bang. Một số nơi vẫn được áp dụng quy định chứng minh 3-G (đã khỏi, đã tiêm đủ hoặc vừa xét nghiệm âm tính) hoặc 2-G (đã tiêm đủ hoặc đã khỏi), yêu cầu đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Tuy nhiên, mọi hạn chế về tiếp xúc đều được dỡ bỏ.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Bochum, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach nêu rõ dù đã đạt được nhiều thành tựu trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch, song Đức vẫn chưa thể nói tới “Ngày Tự do”, ám chỉ mọi quy định phòng, chống đại dịch đều được dỡ bỏ.
Hiện tượng suy giảm trí nhớ ở người từng nhiễm COVID-19
Theo một nghiên cứu tiến hành trực tuyến của các nhà khoa học Anh, khoảng 70% trong số 181 người trưởng thành khỏi bệnh COVID-19 cho biết họ gặp vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung vài tháng sau khi mắc bệnh, 75% số người được hỏi ghi nhận các triệu chứng dai dẳng nghiêm trọng đến nỗi họ không thể làm việc và 50% cho rằng các bác sĩ không coi trọng các triệu chứng này của họ.
Trong nghiên cứu “COVID-19 và Nhận thức”, một nhóm chuyên gia do các nhà nghiên cứu Đại học Cambridge dẫn đầu, đã ghi nhận những đặc điểm cơ bản và kết quả đánh giá nhận thức của 181 bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài và 185 người chưa mắc COVID-19. Những người tham gia nghiên cứu đến từ Anh, Ireland, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand và Nam Phi, trong đó 70% là bệnh nhân Anh. Hầu hết những người khỏi COVID-19 đã mắc bệnh ít nhất là 6 tháng trước đó và chỉ có ít người bị nặng đến nỗi phải nhập viện.
Kết quả, trong số 126 người tham gia nghiên cứu mắc hội chứng COVID kéo dài, có tới 77,8% gặp vấn đề về khả năng tập trung, 69% bị sương mù não, 67,5% mắc chứng quên, 59,5% gặp vấn đề về từ và hiện tượng đầu lưỡi (tức là lời nói đến cửa miệng rồi mà vẫn không nhớ nổi), 43,7% gặp khó khăn về nói và viết từ chính xác.
Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 cho trẻ em tại Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Xu hướng sẵn sàng mở cửa trở lại sau đại dịch
Thế giới đã trải qua hơn hai năm hứng chịu các làn sóng của đại dịch COVID-19. Với tỷ lệ bao phủ vaccine được cải thiện, nhiều nước và vùng lãnh thổ đang hướng tới việc sống chung với đại dịch và mở cửa hoàn toàn trở lại. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn chứng kiến số ca nhiễm mới theo ngày gia tăng mạnh và điều này cho thấy đại dịch chưa thể chấm dứt nhanh chóng.
Tại Mỹ, dường như cuộc sống hối hả trở lại. Hai năm sau khi Mỹ thực hiện lệnh phong tỏa đầu tiên, nước này đang tiến tới nối lại các hoạt động như trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Bang này đã áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn bang vào ngày 19/3/2020, thời điểm mà hầu hết mọi người đều nghĩ rằng cuộc sống sẽ nhanh chóng trở lại bình thường. Tuy nhiên, phải 24 tháng sau, người dân California cũng như người dân khác trên lãnh thổ Mỹ mới nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, với những hạn chế được nới lỏng.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 12/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Về phần mình, Anh hướng tới cách tiếp cận “nhẹ nhàng”. Quy định cách ly đối với người mắc COVID-19 -biện pháp phòng dịch cuối cùng tại vùng England của nước Anh – đã hết hiệu lực từ cuối tháng 2. Trước đó, Chính phủ Anh đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang tại những nơi công cộng như cửa hàng, phương tiện giao thông cộng cộng và khuyến cáo người dân làm việc từ xa.
Chính sách kiểm soát dịch của Chính phủ Anh dựa trên tỷ lệ tiêm vaccine của người dân. Tại vùng England, 95% trong số người trên 60 tuổi đã được tiêm mũi tăng cường. Chính nhờ điều này, dù số ca mắc mới gia tăng mạnh tại Anh do biến thể Omicron, song số ca tử vong giảm xuống mức tương đương với mức trong một mùa Đông bình thường.
Trong khi đó, tại Nam Phi, mọi hoạt động xã hội kinh tế đã gần như quay trở lại bình thường. Chính phủ nước này đã dỡ bỏ hầu hết biện pháp phong tỏa từ cuối tháng 12/2021, chấm dứt lệnh giới nghiêm vào ban đêm được thực hiện trong gần 2 năm qua. Cuộc sống và hoạt động đã trở lại bình thường và các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ, song còn một quy định có hiệu lực, cho thấy COVID-19 vẫn tồn tại, đó là đeo khẩu trang tại tất cả khu vực công cộng.
Người dân tại một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Hong Kong, Trung Quốc, ngày 4/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
New Zealand là một trong số quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, nhờ đó cuộc chiến chống dịch bệnh tại nước này đã ghi nhận kết quả tích cực. Hầu hết các biện pháp phòng dịch tại New Zealand đã được dỡ bỏ. Công dân hoặc thường trú nhân New Zealand đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể trở về nước mà không cần cách ly. Du khách đến từ 60 quốc gia đáp ứng đủ điều kiện tương tự và chứng nhân âm tính với virus SARS-CoV-2 có thể nhập cảnh vào nước này.
Tại Canada, trong bối cảnh số ca nhiễm mới trên cả nước giảm mạnh, các địa phương nước này có cách tiếp cận riêng đối với việc đưa cuộc sống trở lại bình thường. Theo đó, kể từ tháng 4, hộ chiếu vaccine, vốn là điều kiện bắt buộc để được đi ăn tại nhà hàng hoặc các khu công cộng trong không gian kín, sẽ được dỡ bỏ tại các tỉnh của Canada. Tuy nhiên, chứng nhận tiêm chủng vẫn là yêu cầu bắt buộc đối với nhân viên tại các cơ sở chăm sóc y tế. Quy định đeo khẩu trang cũng đang dần được nới lỏng, cả trường học.
Người dân ngủ đêm tạm bên ngoài trung tâm y tế Caritas ở Hong Kong, Trung Quốc trong bối cảnh các bệnh viện bị quá tải do số ca mắc COVID-19 tăng đột biến, ngày 16/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Brazil: Bang đông dân nhất cho phép bỏ khẩu trang trong không gian kín
Ngày 17/3, chính quyền Sao Paulo – bang đông dân và giàu có nhất Brazil, đã bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín như trường học, phòng tập thể dục và các cửa hàng. Tuy nhiên, người dân vẫn phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp dịch tễ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 khi tham gia giao thông công cộng, cũng như khi đến bệnh viện hay các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế khác.
Thống đốc bang Sao Paulo Joao Doria cho biết quyết định trên có hiệu lực ngay lập tức. Theo ông, sở dĩ Sao Paulo có thể đạt được bước tiến trên là nhờ chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, số ca nhập viện và tử vong do virus SARS-CoV-2 đã giảm nhanh chóng. Chính quyền bang cũng đã tham vấn Ủy ban Khoa học nhà nước về quyết định trên.
Sao Paulo, với khoảng 46 triệu dân, là bang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 tại Brazil, với 5,1 triệu ca mắc, trong đó có 166.446 trường hợp tử vong.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Iran ngày 16/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Lào: Số ca mắc mới tăng nhanh trở lại
Bộ Y tế Lào ngày 18/3 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.508 ca mắc mới COVID-19, tăng 674 ca so với ngày trước đó. Đây là lần đầu tiên sau 2 tháng, số ca mắc mới COVID-19 tại Lào quay trở lại mức 4 con số, nguyên nhân được cho là sự bùng phát của biến thể Omicron trong thời gian qua.
Tính đến ngày 18/3, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 150.639 ca, trong đó có 643 ca tử vong. Theo Thời báo Viêng Chăn, trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên quan đến biến thể Omicron tăng mạnh, Bộ Y tế Lào đang cân nhắc hủy bỏ các lễ hội Tết truyền thống của nước này trong tháng tới. Bộ này đang đánh giá khả năng ứng phó của các bệnh viện và các nhân viên y tế trước sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19.
Dịch COVID-19 đã khiến Lào phải hủy bỏ các hoạt động tổ chức Tết cổ truyền vào giữa tháng 4/2020 và thu hẹp phần lớn quy mô lễ hội trong năm 2021. Người dân Lào đã trải qua 2 năm đón Năm Mới trong bầu không khí yên tĩnh, khi các đường phố vắng bóng những hoạt động sôi nổi như té nước để chúc phúc mừng Năm Mới.
ADVERTISING
X
Thái Lan ngừng yêu cầu du khách nước ngoài xét nghiệm trước khi đến
Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 18/3 đã quyết định ngừng yêu cầu du khách phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi đến nước này, nhưng vẫn duy trì yêu cầu xét nghiệm COVID-19 sau khi nhập cảnh. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 1/4 tới.
Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết việc chấm dứt yêu cầu xét nghiệm trước khi đến sẽ áp dụng với tất cả du khách đến Thái Lan theo các chương trình “Test & Go” (Xét nghiệm và Lên đường), “Sandbox” (Hộp cát) hoặc Cách ly. Những người nhập cảnh Thái Lan thông qua các chương trình “Test & Go” hoặc Sandbox sẽ được làm xét nghiệm RT-PCR khi đến và được yêu cầu tự làm xét nghiệm kháng nguyên vào ngày thứ 5 sau khi nhập cảnh. Du khách đến theo chương trình cách ly sẽ thực hiện cách ly trong 5 ngày và được xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 5 sau khi đến. CCSA sẽ tiếp tục yêu cầu du khách phải có bảo hiểm với hạn mức chi trả điều trị COVID-19 ít nhất là 20.000 USD, nhưng có khả năng sẽ giảm hạn mức sau đó.
Cũng trong ngày 18/3, CCSA đã thông qua việc gia hạn sắc lệnh tình trạng khẩn cấp để phòng chống COVID-19 thêm 2 tháng cho tới ngày 31/5, đồng thời sửa đổi phân loại các tỉnh theo màu sắc dựa theo tình hình COVID-19.
Về tình hình COVID-19, sáng 18/3, Thái Lan ghi nhận thêm 27.071 ca mắc mới và 80 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay và là ngày có số ca tử vong cao nhất trong làn sóng COVID-19 mới nhất hiện nay. Như vậy, kể từ đầu năm 2020, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.303.169 ca mắc COVID-19, trong đó có 24.075 ca tử vong.
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại trung tâm y tế ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Indonesia có đủ vaccine để đáp ứng nhu cầu của hơn 90% dân số
Thư ký Đội tăng tốc phục hồi kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Lintang Paramitasari cho biết tính đến ngày 17/3, nước này đã nhận được tổng cộng 505.551.435 liều vaccine ngừa COVID-19 từ các nước đối tác thông qua các kênh song phương và đa phương. Số lượng vaccine này có thể đáp ứng 93,6% nhu cầu tiêm đủ hai mũi cơ bản cho tất cả người dân Indonesia.
Ông Lintang nêu rõ vào ngày 11/3 vừa qua, nước này một lần nữa nhận được vaccine do hãng dược Moderna sản xuất thông qua chương trình chia sẻ vaccine COVAX từ Mỹ, với 2.000.880 liều.
Indonesia cũng luôn nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là COVAX AMC EG phấn đấu đạt mục tiêu của WHO về tỷ lệ bao phủ vaccine ở mức 70% dân số vào giữa năm 2022 cho tất cả các quốc gia.
Khả năng tái mắc COVID-19 nhiều lần
Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) công bố báo cáo cho thấy kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chỉ riêng vùng England đã ghi nhận 62 người có 4 lần xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, mỗi lần cách nhau ít nhất 90 ngày. Trong khi đó, dữ liệu thu thập đến ngày 6/3 vừa qua cho thấy 7.640 người khác đã 3 lần mắc COVID-19. Các báo cáo theo dõi số ca mắc COVID-19 và cúm hằng tuần mới nhất của UKHSA cũng ghi nhận 715.154 ca tái nhiễm. Số liệu cho thấy có khả năng nhiều người tái mắc COVID-19 vài năm một lần.
Theo Giáo sư Y khoa Paul Hunter tại Đại học East Anglia, những người đã tái nhiễm nhiều lần có thể đã nhiễm các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ngay cả khi virus ngừng biến đổi ngay bây giờ, khả năng miễn dịch đối với các bệnh lây nhiễm qua đường mũi và họng cũng không tồn tại lâu dài, nên nhiều người có khả năng tái nhiễm theo chu kỳ 2 năm một lần hoặc lâu hơn.
Trả lời phỏng vấn của báo Sky News, Giáo sư Hunter nhận định: “Virus SARS-CoV-2 sẽ là một phần cuộc sống của chúng ta. Nhiều người sẽ có thể tái nhiễm sau vài năm. Thậm chí những thế hệ sau sẽ vẫn có khả năng mắc COVID-19.” Theo Giáo sư Hunter, khả năng miễn dịch với virus sẽ giảm theo thời gian, song vẫn có thể ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nặng nên những đợt dịch COVID-19 tiếp theo sẽ bớt nghiêm trọng hơn. Các chuyên gia cho rằng khả năng tái nhiễm một phần là do di truyền của hệ thống miễn dịch hoặc một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, cản trở hệ miễn dịch hoạt động.
Trong 7 ngày gần nhất, Chính phủ Anh ghi nhận 534.747 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng gần 44% so với tuần trước đó, cùng 740 ca tử vong liên quan COVID-19.
Quốc tế hoan nghênh Triều Tiên và Hàn Quốc nối lại đường dây liên lạc
Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 27/7 mở lại đường dây liên lạc trực tiếp qua biên giới vốn bị ngừng hoạt động từ năm 2020.
Động thái này được cộng đồng quốc tế hoan nghênh và nhận định có tác động tích cực đối với việc thúc đẩy quan hệ liên Triều.
Bà Lee Jong-joo, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo, Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại các đường dây liên lạc trực tiếp. Bà Lee Jong-joo bày tỏ hy vọng quan hệ liên Triều sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
"Sáng nay, lúc 11h04, hai bên đã kết nối điện thoại thành công. Chúng tôi mong rằng việc liên lạc giữa hai miền Triều Tiên sẽ không bị ngưng trệ một lần nữa. Thông qua việc khôi phục các đường dây liên lạc, Hàn Quốc hy vọng hai miền Triều Tiên có thể cùng thảo luận các vấn đề còn dang dở và thực hiện những gì đã được nhất trí".
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp thượng đỉnh. (Ảnh: New York Times)
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng xác nhận Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thống nhất tiến tới khôi phục niềm tin hai bên và thúc đẩy hòa giải bằng cách khôi phục đường dây liên lạc liên Triều.
Cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng hoan nghênh động thái mới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh thông báo việc Triều Tiên và Hàn Quốc mở lại các kênh liên lạc.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Farhan Haq, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói: "Tổng Thư ký hoan nghênh việc hai miền Triều Tiên nối lại các kênh liên lạc liên Triều, cũng như nối lại đường dây nóng quân sự. Tổng Thư ký hoàn toàn ủng hộ nỗ lực không ngừng của các bên hướng tới việc cải thiện mối quan hệ, vì hòa bình bền vững và phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên Bán đảo Triều Tiên".
Bà Jalina Porter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ hoan nghênh việc nối lại đường dây liên lạc trực tiếp giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, gọi đây là "bước đi tích cực". Trong một bức email trả lời hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, bà Jalina Porter khẳng định: "Mỹ ủng hộ đối thoại cũng như tiếp xúc liên Triều".
Theo các nhà phân tích, mặc dù việc Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại liên lạc có thể giúp xoa dịu căng thẳng giữa hai miền, nhưng đây chỉ là một bước tiến nhỏ. Triều Tiên khó có thể hồi sinh các chương trình hợp tác lớn với Hàn Quốc hoặc sớm quay trở lại các cuộc đàm phán hạt nhân do Mỹ dẫn dắt. Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên thay vào đó đang hướng tới cải thiện quan hệ với Hàn Quốc với hy vọng sẽ thuyết phục Mỹ nhượng bộ nếu các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được nối lại.
Sắc vóc của hai "thiên thần lai" Nancy và Somi Cùng sở hữu vẻ đẹp lai Tây sắc sảo và thân hình quyến rũ, hai "bông hồng lai" đình đám của K-pop Somi và Nancy thường bị người hâm mộ đặt lên bàn cân so sánh. Ở Hàn Quốc, người hâm mộ thường ưu ái và có cái nhìn thiện cảm hơn với nhan sắc nhẹ nhàng, tinh khiết thuần châu Á. Tuy...