Công ty vàng Phước Sơn xin tận thu quặng chì trong bùn thải, một doanh nghiệp yêu cầu ngăn chặn
Trước việc Công ty TNHH vàng Phước Sơn đề nghị xem xét cho thu hồi chì trong bùn thải ở hồ chứa quặng đuôi sau tuyển, một doanh nghiệp đã gửi đơn đề nghị các ngành chức năng Quảng Nam ngăn chặn việc này.
Hồ chứa quặng duôi sau tuyển vàng hay còn gọi đập thải của mỏ vàng Phước Sơn – Ảnh: LÊ TRUNG
Ngày 14-1, Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản Công nghiệp 6666 đã gửi đơn đến tỉnh, Sở Tài nguyên – môi trường Quảng Nam đề nghị ngăn chặn Công ty TNHH vàng Phước Sơn tận thu, chế biến xái quặng (bùn thải sau khi đã thu hồi vàng) từ đập thải nhà máy vàng Phước Sơn.
Theo đó, năm 2013, công ty này được tỉnh cho phép đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền chế biến tận thu kim loại vàng tại thôn 4, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn. Thời gian hoạt động là 18 năm và được gia hạn theo quy định.
Tháng 9-2013, công ty ký hợp đồng tận thu đuôi quặng thải trong thời gian 10 năm với công ty vàng Phước Sơn. Từ năm 2017- 2020, công ty vàng Phước Sơn tạm dừng hoạt động để tái cơ cấu, chuyển đổi cổ đông, công ty 6666 cũng phải tạm dừng hoạt động.
Năm 2020, công ty vàng Phước Sơn hoạt động lại, công ty 6666 nhiều lần gửi văn bản xin vận chuyển xái quặng từ nhà máy vàng về nhà xưởng riêng theo hợp đồng nhưng chưa được giải quyết.
Tháng 10-2021 công ty gửi văn bản đề nghị Sở Tài nguyên – môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam can thiệp, tháo gỡ vướng mắc nhưng chưa nhận được phản hồi.
Video đang HOT
Mới đây, công ty vàng Phước Sơn có công văn gửi Bộ Tài nguyên – môi trường, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam đề nghị xem xét, cho phép làm thủ tục thu hồi quặng chì trong các hồ chứa quặng đuôi sau tuyển (hay còn gọi đập thải – PV) của mỏ vàng ở xã Phước Đức.
Để có cơ sở tham mưu Bộ Tài nguyên – môi trường về đề nghị của công ty, tổng cục đề nghị các cơ quan trên nghiên cứu, tham gia ý kiến về các vấn đề liên quan gửi về tổng cục trước ngày 14-1 để tổng hợp, báo cáo bộ xem xét, giải quyết.
Ông Trương Quốc Sỹ – giám đốc công ty 6666 – cho rằng Công ty vàng Phước Sơn xin phép tận thu chế biến xái quặng từ đập thải nhà máy vàng là không thực hiện theo đúng các điều khoản trong hợp đồng mà hai bên đã ký kết.
Theo ông Sỹ, sau khi ký hợp đồng với Công ty vàng Phước Sơn, công ty ông phải bỏ ra hơn 47 tỉ đồng đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Dù vậy, từ năm 2017 đến nay, công ty ông gặp rất nhiều khó khăn do phải dừng hoạt động.
Công ty mong tỉnh, Sở Tài nguyên – môi trường xem xét, có biện pháp ngăn chặn Công ty vàng Phước Sơn thực hiện các thủ tục tận thu chế biến xái quặng từ đập thải của nhà máy vàng này. Vì cùng một lúc không thể cho phép hai công ty cùng tận thu xái quặng tại một địa điểm, như vậy sẽ gây thiệt hại lớn cho công ty 6666.
“Đồng thời xem xét, tạo điều kiện và can thiệp để công ty vàng Phước Sơn đồng ý cho công ty 6666 được vận chuyển xái quặng từ đập thải về chế biến, tận thu kim loại và xử lý môi trường để công ty hoạt động trở lại, vực dậy, vượt qua khó khăn trong giai đoạn này” – ông Sỹ đề nghị.
Trả lời Tuổi Trẻ Online việc Tổng cục đề nghị tỉnh nghiên cứu, tham gia ý kiến về các vấn đề liên quan gửi về tổng cục trước ngày 14-1 và công ty 6666 gửi đơn trên, tỉnh đã tham gia ý kiến, quan điểm sao, ông Trần Văn Tân – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết chưa nghe cấp dưới báo cáo.
Công ty vàng Phước Sơn xin tận thu quặng chì trong gần 50.000 tấn bùn thải
Công ty TNHH Vàng Phước Sơn có công văn gửi Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam đề nghị xem xét, cho phép làm thủ tục thu hồi khoáng sản đi kèm tại mỏ vàng Đăk Sa (xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam).
Khu vực bãi thải của mỏ vàng Đăk Sa của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn - Ảnh: LÊ TRUNG
Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam vừa có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Tổng cục Môi trường và Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia về việc thu hồi khoáng sản đi kèm của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn.
Trước đó tổng cục nhận được công văn của công ty trên về việc xem xét, cho phép thu hồi khoáng sản đi kèm tại mỏ vàng Đăk Sa thuộc dự án khai thác quặng vàng tại khu vực huyện Phước Sơn. Công ty đề nghị cho phép thu hồi quặng chì trong các hồ chứa quặng đuôi sau tuyển của mỏ vàng Đăk Sa.
Để có cơ sở tham mưu Bộ Tài nguyên và môi trường về đề nghị của công ty, tổng cục đề nghị các cơ quan trên nghiên cứu, tham gia ý kiến về các vấn đề liên quan gửi về tổng cục trước ngày 14-1 để tổng hợp, báo cáo bộ xem xét, giải quyết.
Trước đó tại công văn số 551 của công ty trên có nêu, sau thời gian dài hoạt động, hồ 2B hiện tại của mỏ vàng đã chứa một lượng bùn thải có dung tích khoảng 20.000 đến 25.000m 3, tương ứng khoảng 40.000 đến 50.000 tấn bùn thải.
Bùn thải ở đây không còn giá trị thu hồi vàng do khối lượng vàng nằm trong cấp hạt cực mịn. Tuy nhiên, trong bùn thải này có hàm lượng chì tương đối cao. Công ty đã tiến hành một số mẫu thí nghiệm về bùn thải này tại các vị trí khác nhau thì hàm lượng chì trong bùn thải này dao động từ 4 - 7%.
Khu vực mỏ vàng Đăk Sa - Ảnh: LÊ TRUNG
Mẫu tổng hợp chung cho toàn hồ thải có kết quả hàm lượng chì chiếm khoảng 5,5%. Trong khi đó, đối với các mỏ khai thác lộ thiên hiện nay hàm lượng chì chỉ chiếm từ 3 - 5%.
Với tiềm năng trên, công ty có kế hoạch thu hồi chì trong bùn thải ngâm chiết chứa tại hồ 2B hiện tại và đang xây mới tại mỏ vàng Đăk Sa.
Về công nghệ thu hồi chì, công ty cho rằng đây là bùn thải của quá trình hòa tách cyanide nên toàn bộ quặng cỡ hạt khá mịn, cỡ hạt này rất thích hợp cho quá trình tuyển nổi. Do đó, sẽ lựa chọn có giai đoạn tuyển nổi để nâng cao hàm lượng chì.
Dự kiến vàng và bạc sẽ thu hồi cùng với tinh quặng chì. Công ty đã tiến hành thí nghiệm tuyển nổi mẫu bùn thải của hồ 2B theo sơ đồ tuyển nổi chọn riêng trực tiếp tinh quặng chì. Kết quả cho thấy hiệu quả tuyển nổi chì khá tốt, tuyển thô đã có thể nâng hàm lượng tinh quặng chì lên 16,2% với thực thu trên 72%.
Từ kết quả thí nghiệm tuyển thô có thể khẳng định khả năng thu hồi sản phẩm chì trong bùn thải là rất tốt.
Tuy nhiên, trong quặng thải này chứa rất nhiều bùn mịn gây khó khăn cho quá trình tuyển nổi. Nên trước khi đưa bùn thải vào tuyển nổi sẽ được tuyển sơ bộ bằng phương pháp tuyển trọng lực.
Công ty nhận thấy việc tận thu khoáng sản đi kèm qua thu hồi chì trong bùn thải tại mỏ vàng Đăk Sa là một phương án rất thiết thực, mang lại nhiều lợi ích, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và tận thu năng lượng từ chất thải, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường và tiết kiệm chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Chính quyền địa phương nơi có mỏ vàng này cho hay chưa biết gì về việc công ty trên xin tận thu chì trong bùn thải, tuy nhiên lo lắng khi số lượng bùn thải trên sau khi được tuyển lấy quặng thì sẽ thải ra đâu.
Kết nối phiên giao dịch việc làm trực tuyến 7 tỉnh, thành phố Ngày 16/12, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các tỉnh, thành khác. Phiên giao dịch việc làm trực tuyến có sự tham gia của 116 đơn vị tuyển dụng gần 18.000 vị trí. Phỏng vấn tuyển lao động theo hình thức trực tuyến. Tiếp nối kết quả đã đạt...