Cổng trường Thực nghiệm đổ vì… Ngô Bảo Châu?
Ông cha ta luôn răn dạy: “Thất bại là mẹ thành công”. Có lẽ luôn ý thức được như thế, nên tổ tiên chúng ta không chỉ biết chiến thắng thiên tai, chiến thắng ngoại bang mà còn chiến thắng chính bản thân mình.
Oan cho Ngô Bảo Châu
Không rõ trường Thực nghiệm Hà Nội có tên ở Thủ đô từ năm nào, ảnh hưởng của ngôi trường này đến đâu? Mô hình trường này đã có số lượng bao nhiêu trong hệ thống giáo dục phổ thông tại Việt Nam?
Nhưng đêm 12, rạng sáng 13/5 vừa rồi, các bậc phụ huynh chen lấn, mua đơn để con (cháu) được dự thi vào lớp 1 của quí trường, đã xô đổ cổng sắt nhà trường là một…sự kiện mang lại hiệu quả mạnh hơn rất nhiều, nếu so với các video quảng cáo bán hàng trên các phương tiện truyền thông trên đất nước này.
Đến nỗi, GS Hồ Ngọc Đại, người sáng lập trường Thực nghiệm Giảng Võ, phải thốt lên: “Tôi thương phụ huynh quá”.
Tuy vậy cũng cần nói lời cám ơn các đấng phụ huynh ngày hôm ấy, cám ơn cách tổ chức bán “đơn xin dự thi” của Ban Giám hiệu nhà trường vì đã không cần tốn xu nào mà cả nước biết đến nhà trường.
Đã có nhiều ý kiến, nhiều bình luận về sự kiện “cổng sắt trường Thực nghiệm đổ”. Xin không nói thêm nữa.
Nhưng một trong những ý kiến rất được chú ý, đó là tâm lý nhiều vị phụ huynh tin tưởng khi cho rằng, vì GS Ngô Bảo Châu, người đoạt Giải thưởng Fields đã từng là học trò trường này.
Vừa không oan, và vừa oan cho Ngô Bảo Châu quá!
Từ ngày thành lập, trường Thực nghiệm (đến nay vẫn đang thực nghiệm), chắc đã có nhiều trăm, nhiều nghìn học sinh học tại đây. Và trường Thực nghiệm (cũ) rất tự hào có một Ngô Bảo Châu. Nhưng cũng còn những học sinh trung bình, học sinh chưa đạt yêu cầu…thì có lẽ chưa ai thống kê.
Nếu các bậc phụ huynh nghĩ rằng ngôi trường này đã đào tạo được, dù chỉ một NBC và hy vọng, con (cháu) mình cũng sẽ có thể trở thành…nổi tiếng, e rằng…hơi bị nhầm. Tất nhiên, hy vọng chẳng ảnh hưởng đến ai, càng không hề ảnh hưởng đến hòa bình thế giới.
Video đang HOT
Hình như ngay sau khi NBC đoạt Giải Fields, đã có nhiều câu phỏng vấn về “bí quyết thành công”. Không thấy NBC trả lời ” nhờ được học ở trường này, trường kia…”
Vì rằng từ khi có người dạy/người học, từ khi có nhà trường, không ai dám phủ nhận vai trò của nhà trường, không ai dám phủ nhận vai trò của thầy, cô (người dạy). Xã hội càng phát triển với internet thì vai trò của nhà trường, của thầy cô giáo không hề thay đổi. Không cái gì có thể thay thế ông thầy.
Nhưng đóng góp vào thành công của người học, nhà trường, thầy cô giáo chỉ dám nhận một phần rất nhỏ.
Không ai, không ở đâu, có thể đào tạo được nhân tài. Lê Quí Đôn, 3 tuổi đã xuất khẩu ra nhiều vế đối tuyệt vời. Ông được coi là bác học của Việt Nam. Trần Đăng Khoa, 8, 9 tuổi đã có “Góc sân và khoảng trời”. Nhà trường nào, thầy, cô nào đã dạy họ? Câu trả lời là “không”.
Còn nhớ cách đây gần nửa thế kỷ, khi vừa bước chân vào đại học, tại một buổi học, thầy Đoàn Nồng (thân phụ của GS Đoàn Quỳnh, TS Đoàn Hương) đã nói với chúng tôi: “Tôi đến đây, có mặt ở đây, không phải để dạy các em. Tôi chỉ hướng dẫn các em cách học, cách tư duy”.
Chúng tôi quá ngỡ ngàng…và sợ nữa. Ra trường, được giữ lại trường làm giảng viên, rồi được đi học, đi tu nghiệp nước ngoài, chúng tôi càng thấm hiểu câu “nhập môn” của thầy Đoàn Nồng.
Càng học, càng dạy, càng tôn kính thầy. Thầy Đoàn Nồng đã về với tổ tiên lâu rồi, không một danh hiệu, không tấm huân, huy chương nào. Nhưng tấm Huân chương đẹp nhất dành cho thầy là thầy sống mãi trong tim nhiều thế hệ học trò.
Và nhất là cách dạy của thầy, phương pháp dạy của thầy vẫn rất hiện đại đối với bộ môn Giáo học pháp, mặc dù, lúc ấy, điều kiện học chỉ có bảng đen và phấn trắng.
Quá mong muốn cho con cái phải có nhiều thành tích học tập, phải được học ở các trường có tiếng, có “thương hiệu”, các trường chuyên, lớp chọn…liệu đã phải là cách lựa chọn đúng?
Sao nhiều người không tự hỏi hàng năm phần lớn thủ khoa vào các trường đại học chỉ đã học ở các trường phổ thông thường, thậm chí có những trường ở vùng núi, khó khăn.
Rất nhiều thủ khoa, suốt 12 năm học phổ thông, sáng đi học, chiều đi cấy đi cày, hoặc phụ giúp cha mẹ kiếm sống từng ngày? Và tại tất cả các quốc gia phát triển làm gì có hệ thống trường phổ thông chuyên.
GS Ngô Bảo Châu
Giáo dục đang trở nên…méo mó không giống đâu
Giáo dục là cho mọi người. Giáo dục phải là môi trường bình đẳng nhất, dân chủ nhất. Và bản chất của giáo dục là phi lợi nhuận.
Nước ta đang lúng túng trên nhiều lĩnh vực. Giáo dục không phải là ngoại lệ. Quá nhiều loại hình giáo dục. Nhiều mô hình…nhưng chương trình thì nghèo nàn. Sách giáo khoa cho phổ thông thì vẫn đang hy vọng sau 2015 sẽ có bộ sách tốt (?)
Từ ngày “xã hội hóa giáo dục” nhiều người không hoặc không chịu hiểu đúng nghĩa của nhóm từ này, nên giáo dục ở mọi cấp học trở nên méo mó… không giống đâu. Những thành tích học tập, thi thố (người viết không muốn dùng chữ này), chủ yếu do tư chất học trò và kết quả “nuôi gà chọi”
Mỗi năm, dăm ba học sinh đoạt giải quốc tế, đã được tung hô như nhất… quả đất. Tương tự, thỉnh thoảng có một, hai học trò tiểu học có thơ đăng báo, có tranh triển lãm…, báo chí ngợi ca như gặp người ngoài hành tinh
Đến ba cái trò chơi trên tivi như “Tìm kiếm tài năng” cũng làm sôi sùng sục vì ngộ nhận, vì máu háo danh của vài ba vị phụ huynh làm thiên hạ một phen cười vỡ bụng.
Một gia đình chỉ muốn thắng, muốn hơn người khác. Hay một cộng đồng chỉ muốn thắng không biết chấp nhận thất bại, và một một dân tộc chỉ luôn tuyên truyền chiến thắng, còn thất bại thì dấu đi, xóa đi, không bao giờ nhắc đến thì gia đình ấy, cộng đồng ấy, dân tộc ấy rất khó phát triển nếu không muốn nói là thụt lùi, dẫn đến lụi bại.
Ông cha ta luôn răn dạy: “Thất bại là mẹ thành công”. Có lẽ luôn ý thức được như thế, nên tổ tiên chúng ta không chỉ biết chiến thắng thiên tai, chiến thắng ngoại bang mà còn chiến thắng chính bản thân mình.
Nhiều người trong chúng ta mới biết một NBC, Giáo sư, Viện sĩ của Pháp của Mỹ, một NBC đoạt Giải Fields và một NBC từng là học sinh của Trường tiểu học Thực nghiệm Giảng Võ Hà Nội.
Nhưng mấy ai đã biết NBC, “thông minh vốn sẵn tính trời”, hưởng thụ gien của cả ông bà, cha mẹ, và NBC cũng đã từng nhận điểm kém trong học tập, một NBC nhiều đêm trắng miệt mài học tập, nghiên cứu và không phải lúc nào cũng thành công.
Đến hôm nay, nếu có người nghĩ rằng NBC từng học tại Trường Thực nghiệm Giảng Võ nên thành GS,VS, nếu có thầy, cô nào nghĩ rằng vì NBC từng là học trò của mình nên mới có thể đạt được “đỉnh” như thế, thì trái đất này… sẽ là hình vuông.
Đinh Việt Bình
VietnamNet
GS Ngô Bảo Châu viết văn lúc "bí toán"
Trao đổi với PV, GS Ngô Bảo Châu tâm sự, có những lúc "bí toán", anh nảy sinh ý định viết văn. Anh quan niệm việc viết đó như một món quà mình mang đến cho người khác...
Sau khi GS Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields, nhờ truyền thông, dư luận được ngắm chân dung anh dưới nhiều góc độ. Vì vậy nhiều người biết Ngô Bảo Châu có làm thơ (đăng trên blog), trước đó nữa anh đã từng là một cậu học trò yêu văn chương. Tuy nhiên, nhiều người vẫn rất ngạc nhiên khi trên blog Sổ tay Thích Học Toán xuất hiện một số truyện ngắn của anh.
Ngô Bảo Châu chia sẻ: Đối với tôi, sử dụng tiếng Việt để viết toán, viết văn làm thơ luôn là một niềm vui thực sự. Tuy rằng chỉ viết được đoản văn, tập trung vào một chủ đề rất cụ thể, vì viết xong là phải quên đi để làm việc khác, nhưng tôi coi việc viết blog là một công việc nghiêm túc. Chắc ý bạn nói ý định nghiêm túc là viết một cái gì đó có tính dài hơi? Có lẽ quyển sách Ai và Ky cùng viết Nguyễn Phương Văn là một bước đầu tiên đi về hướng đó.
GS Ngô Bảo Châu với cô giáo dạy văn Đặng Thanh Hoa
Ý định nghiêm túc nghĩa là anh muốn trở thành... nhà văn, hoặc nhà thơ?
Đa số những người thích đọc sách đều có một chút tham vọng viết sách, trở thành nhà văn. Có thể coi việc viết blog như một cách luyện chữ để chuẩn bị cho thời điểm mà mình bỏ hết các việc khác để viết văn. Thời điểm đó chưa đến và quả thực là tôi cũng không biết nó có bao giờ đến hay không. Tôi quan niệm rằng viết văn là viết trước hết cho bạn bè, vì đọc văn là một sự chia sẻ giữa người đọc và người viết. Những người chưa là bạn, cũng có thể trở thành bạn qua việc đọc sách.
Với anh thấy phong cách của nhà văn, nhà thơ nào là "hình mẫu" gần gũi với anh nhất?
Từ lúc còn bé, tôi đã rất thích thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Phía sau những câu thơ dí dỏm, nhẹ bỗng là cả một tâm tư mà người đọc có độ nhạy cảm nhất định sẽ nhận ra. Jacques Prévert, Raymond Queneau cũng có một phong cách tương tự.
Anh viết lúc nào vậy? Lúc anh có cảm hứng bất chợt hay lúc "bí toán"? Anh viết có dễ dàng không, có nhanh không?
Đúng là "cảm hứng" văn học thường đến vào những lúc "bí toán". Cảm hứng được tư duy nhào nặn thành một sản phẩm nhiều khi trông rõ xa lạ với hình ảnh ban đầu. Quá trình này có lúc mau, lúc lâu, nhưng có lẽ lúc làm ra sản phẩm là phần thú vị nhất.
Ban đầu anh có nhắc tới Ai và Ky, phải chăng đó chính là cuốn "tiểu thuyết toán hiệp" mà chính anh Nguyễn Phương Văn đã giới thiệu trên blog của anh ấy? Cuốn sách này kể về cái gì vậy?
Ai và Ky là hai nhân vật chính của cuốn "tiểu thuyết toán hiệp". Đây là từ rất đạt của 5xu. Giống như trong truyện kiếm hiệp, sách dựa vào một số dữ kiện lịch sử, ở đây là lịch sử toán học.
Anh sẽ chỉ công bố Ai và Ky trên blog của mình hay có ý định tìm cho nó một "bà đỡ" để in thành sách rồi phát hành?
Ai và Ky sẽ không đăng trên blog, nếu có thì chỉ trích đoạn. Sách sẽ được xuất bản, nhưng cụ thể chi tiết như thế nào thì tôi chưa rõ.
Theo TPO
2010: năm của nhiều giải thưởng quốc tế đáng nhớ Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, trong năm 2010 chúng ta đã dành được một số giải thưởng mang tầm quốc tế đáng nhớ. Cùng Dân trí điểm lại một số giải thưởng làm nức lòng những người quan tâm. GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields Ngày 19/8/2010, hàng triệu trái tim người Việt Nam như vỡ òa khi tên...