Công tội cần phải rõ ràng khi thực hiện tự chủ đại học
Nếu sau khi sơ kết, cơ quan chức năng đề xuất được Quốc hội ban hành một luật riêng về hoạt động tự chủ thì sẽ là tốt nhất.
LTS: Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập từ khi ban hành đến nay đã được 7 năm.
Trong 7 năm qua, đã có 23 trường đại học công lập làm đề án, được Chính phủ ban hành từng quyết định phê duyệt đề án riêng để các trường thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (mà chúng ta quen gọi là thí điểm tự chủ đại học). Nhìn những bước phát triển của 23 cơ sở giáo dục đại học này khá rõ ràng. Tác động tích cực của hoạt động thí điểm tự chủ đại học là điều ai cũng thấy.
Dự kiến trong thời gian tới Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động thí điểm tự chủ, p hóng viên có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Phạm Thanh Phong – Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Văn Lang, nguyên Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng về vấn đề tự chủ đại học và việc sơ kết.
Theo ông hoạt động thí điểm đổi mới cơ chế và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập của Chính phủ, hay hoạt động tự chủ đại học thời gian qua có những đặc điểm gì?
Phó giáo sư Phạm Thanh Phong: Đặc điểm rõ ràng nhất, ai cũng có thể nhìn thấy là hoạt động thí điểm tự chủ đã mang đến sinh khí mới cho cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam; nhất là bộ phận giáo dục đại học công lập.
Từ khi có các bảng xếp hạng đại học thế giới cho đến đầu năm 2019, không có đại học nào của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng của Tổ chức xếp hạng đại học thế giới ở Thượng Hải (ARWU) – tổ chức xếp hạng đại học được xem là khó nhất. Cuối năm đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng – một trong các đại học thí điểm tự chủ mà lúc đó tôi đang công tác được ARWU xếp TOP 1000 đại học tốt nhất thế giới. Năm 2020, Trường được ARWU xếp TOP 800 (thăng 200 bậc) và đến năm 2021, ARWU đã xếp Trường Đại học Tôn Đức Thắng vào TOP 700, tăng thêm 100 bậc nữa.
Phó giáo sư Phạm Thanh Phong (ảnh: NVCC)
Như vậy, tại Việt Nam, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là đại học đầu tiên nằm trong TOP 1000 của bảng này.
Khi nhìn vào các bảng xếp hạng, như báo chí nêu, ở bảng nào Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng có tên, từ THE, URAP…
Một trường học được hình thành và phát triển mới hơn 24 năm, mà đã được các bảng xếp hạng uy tín của thế giới xếp đứng đầu Việt Nam và đứng thứ hạng TOP 1/3 phía trên của các bảng về tổng thể và về ngành đào tạo.
Đặc biệt, trong hơn 24 năm xây dựng này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng không nhận ngân sách nhà nước đầu tư điều kiện bảo đảm hoạt động và chi thường xuyên như các đại học công lập khác mà vươn lên nhanh chưa từng thấy để đứng số 1 Việt Nam về mọi phương diện và thuộc TOP 100, 400, 500 của thế giới; ngang hàng với các đại học lâu đời, giàu có ở các nước tư bản phát triển thì nguyên nhân chủ chốt chỉ là cơ chế thí điểm và người đứng đầu.
Đây là đặc điểm quan trọng nhất cho thấy việc thí điểm đổi mới cơ chế và hiệu quả hoạt động của các đại học công lập của Chính phủ ban hành tháng 10/2014 là hoàn toàn đúng đắn.
Đi vào chi tiết, tôi nêu ra các thuận lợi mà thí điểm tự chủ đã mang lại:
Hệ thống quản trị đại học buộc phải minh bạch, rõ ràng; do đó dễ thích ứng với các thay đổi. Hội đồng trường trực tiếp quản lý, có mặt ngay tại cơ sở khiến các quyết định quản trị thường là kịp thời và có tính phù hợp thực tiễn cao hơn hẳn cơ chế bộ chủ quản.
Những nhà quản lý tài năng có nhiều cơ hội thi thố năng lực của mình.
Nhân sự giỏi có điều kiện làm việc tốt hơn, chế độ đãi ngộ cao hơn; tính chuẩn hóa và minh bạch của sản phẩm đầu ra như quốc tế; vì thế, kích thích được lòng tự trọng và sự say mê sáng tạo của chuyên gia giỏi; thu hút được nhân tài khắp trong và ngoài nước.
Giải phóng các nguồn lực tiềm tàng bên trong đại học.
Sử dụng kinh phí và cơ sở vật chất, trang bị hiệu quả hơn nhiều so với cách quản lý hành chính trường học bao nhiêu năm qua.
Có điều kiện để liên tục nâng cao chất lượng giáo dục, quốc tế hóa; và chất lượng đội ngũ.
Nhưng hoạt động thí điểm đã qua cũng có một số hạn chế:
Tâm lý không muốn buông bỏ quyền hành của các cơ quan quản lý trực tiếp đã đưa đến tình trạng tự chủ nửa vời, không thực chất. Hội đồng trường trở thành không thực quyền, trái với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 19-NQ/TW và các nghị quyết liên quan.
Thiếu hẳn hành lang pháp lý đủ mạnh để phân định rõ vai trò từng chủ thể trong thực hiện tự chủ đại học nên cơ quan quản lý trực tiếp quản lý trường tự chủ không giống nhau. Nơi mà bộ chủ quản thực hiện đúng chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước về tự chủ đại học thì trường được tự làm hầu hết các việc. Nơi mà bộ chủ quản không muốn buông quyền lực và quyền lợi thì lại còn siết chặt hơn, thậm chí can thiệp thô bạo vào quyền tự chủ.
Thiếu nhất quán trong các văn bản hướng dẫn khiến trong phạm vi tự chủ hạn hẹp, nhiều trường cũng không dám làm vì sợ trách nhiệm; sợ bị cơ quan quản lý tùy tiện thổi còi.
Video đang HOT
Các nghị định hướng dẫn thi hành luật thiếu sự thảo luận liên ngành kỹ, khiến nhiều nghị định siết lại quyền tự chủ và mâu thuẩn với nghị định chuyên ngành, làm trầm trọng thêm tình trạng tự chủ nửa vời. Văn bản thì mở, văn bản khác thì buộc lại.
Ông có thể nói rõ hơn hành lang pháp lý hiện hành kể từ Nghị quyết 77/NQ-CP đến nay đã ổn chưa? Nếu chưa, xin ông cho biết lý do vì sao và giải pháp cần như thế nào?
Phó giáo sư Phạm Thanh Phong: Thẳng thắn nhìn nhận là chưa vì những hạn chế tôi đã nói ở phần trên. Hiện có quá nhiều rủi ro khi thực hiện tự chủ, thí dụ điển hình là câu chuyện của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có công rất lớn khi dám làm những chuyện chưa có ai trong hệ thống đại học Việt Nam làm, để đưa một đại học vô danh lên vũ đài đại học quốc tế. Vậy mà người đứng đầu ngôi trường này đã bị kỷ luật.
Rõ ràng hành xử như thế là trái với Nghị quyết 19-NQ/TW; trái với chủ trương của Bộ chính trị tại Kết luận 14 và nhất là khiến cho không còn ai muốn làm như Trường Đại học Tôn Đức Thắng nữa.
Một vấn đề khác, đó là tôi có cảm giác các cơ quan quản lý giáo dục đại học Việt Nam đưa ra các quyết định quản trị xuất phát từ dư luận xã hội, nhằm thỏa mãn dư luận hơn là từ các nghiên cứu căn cơ, bài bản. Dẫn đến chính sách quản trị đại học thay vì có nội dung khuyến khích tự chủ, thì ngược lại trở thành không nhất quán làm cho các trường đại học chùn bước, không dám đột phá.
Nói về giải pháp thì cần nhiều, nhưng quan trọng nhất vẫn là con người. Nếu bỏ qua được các quan điểm hẹp hòi, ích kỷ, lợi ích cục bộ, và thực sự vì dân vì nước thì dù các quy định pháp luật chưa có, hoặc thiếu, chúng ta vẫn thực hiện được tự chủ đại học mà không gặp bất kỳ rủi ro nào. Người làm sẽ mạnh dạn làm. Người kiểm tra-thanh tra phải nhìn vào kết quả cụ thể để đánh giá chứ không giáo điều và/hoặc vì lợi ích nhóm mà tìm cách xử lý người làm tự chủ.
Tháng 12/1981, đồng chí Nguyễn Văn Linh một lần nữa được Đảng phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã luôn nhấn mạnh: “Đổi mới là một cuộc cách mạng, một cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, rất khó khăn, lâu dài, phức tạp”. Vào thời kỳ của đồng chí Nguyễn Văn Linh, đổi mới chắc chắn còn khó khăn, lâu dài, phức tạp hơn nhiều. Nhưng nếu sau đúng 40 năm, đổi mới vẫn còn tiếp tục khó khăn, lâu dài, phức tạp như thế, thì sẽ ai muốn đổi mới, dám đổi mới nữa!.
Dự kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp tổ chức hội nghị sơ kết về thực hiện thí điểm tự chủ đại học. Ông có nhận xét gì về việc này?
Phó giáo sư Phạm Thanh Phong: Vào năm 2020, khi Đảng bộ, Bí thư Đảng bộ Trường Đại học Tôn Đức Thắng bị kiểm điểm và cáo buộc quản lý dự án đầu tư, đấu thầu không đúng luật hiện hành để kỷ luật cách chức, Trường Đại học Tôn Đức Thắng chúng tôi đã mong chờ Chính phủ, Bộ tổ chức sơ kết hoạt động thí điểm tự chủ để đưa ra cái nhìn công tâm về những gì được và chưa được của Nhà trường; căn cứ trên quyết định cho phép thí điểm của Thủ tướng để đánh giá xem trường đã làm đúng hay sai so với đề án và quyết định này, nhằm giúp trường tự bảo vệ trước các cáo buộc trên.
Hơn 1 năm sau, khi mọi chuyện của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã kết thúc; với việc Trường thì đi lên đẳng cấp quốc tế, người đứng đầu thì bị cách chức mới tổ chức sơ kết đương nhiên là quá chậm. Nhưng muộn còn hơn không!.
Như trên tôi đã trình bày, hiện nay điều quan trọng nhất mà chúng ta chưa vượt qua được đó là thái độ dám chịu trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền. Nếu chúng ta nghĩ đến việc nào có lợi cho dân cho nước thì cương quyết làm dù nhỏ nhất, việc nào không có lợi cho dân cho nước thì nhất quyết không làm thì rõ ràng việc đúng sai của hoạt động tự chủ ở các trường thí điểm là rất dễ nhận ra. Quá trình tổng kết, sơ kết nếu không đứng trên tinh thần và quan điểm này, thì sẽ không ích gì cho dân, cho nước và hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Để việc sơ kết hoạt động thí điểm tự chủ đại học thực sự có chất lượng, đóng góp hữu ích cho tiến trình tự chủ đại học sắp đến theo đúng chủ trương của Đảng và nhà nước, nội dung sơ kết nên và cần có những gì thưa ông?
Phó giáo sư Phạm Thanh Phong: 3 nội dung cốt lõi mà hoạt động sơ kết nên và cần phải đặt ra là:
Thứ nhất, tính pháp lý của các văn bản mà cấp có thẩm quyền cho phép một cơ sở giáo dục đại học thực hiện hoạt động thí điểm tự chủ.
Điều này rất quan trọng bởi trường hợp Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho thấy rằng khi cơ quan kiểm tra đem các luật hiện hành ra để buộc lỗi lãnh đạo trường tổ chức triển khai dự án đầu tư sai qui trình, sai thủ tục của luật đầu tư, luật đấu thầu…Nhà trường đã viện dẫn quyền hạn được cho thí điểm, cho làm thử từ quyết định phê duyệt đề án của Thủ tướng; và cho rằng đây là đạo luật riêng dành cho Trường. Trường ưu tiên áp dụng theo đạo luật cá biệt này chứ không phải áp dụng luật chung.
Nhưng cơ quan kiểm tra vẫn cứ khăng khăng thí điểm gì thì cũng phải theo luật. Thế là Đảng ủy bị kỷ luật, Hiệu trưởng bị kỷ luật.
Vấn đề ở đây là quyết định thí điểm mà Thủ tướng cho phép làm có giá trị pháp lý không? Giá trị hay thẩm quyền đến đâu? Và khi quyết định này có nội hàm khác luật, thì ưu tiên áp dụng luật chung hay áp dụng theo quyết định?
Không có nội dung hoặc chủ thể nào làm rõ việc này vào thời điểm đó nên Trường Đại học Tôn Đức Thắng làm theo quyết định của Thủ tướng cho phép thì bị kỷ luật.
Trong trường hợp này, chủ thể/cơ quan tham mưu cũng như ban hành Quyết định 158/QĐ-TTg phê duyệt đề án cho phép Trường Đại học Tôn Đức Thắng thí điểm cơ chế tự chủ cần có tiếng nói bảo vệ đề án đã được phê duyệt, bảo vệ chủ trương của Đảng về tự chủ đại học, dù chậm còn hơn không.
Thứ hai, thí điểm tự chủ là gì?
Nội dung này cũng phải được hoạt động sơ kết làm rõ. Hiện nay việc này nằm trong nội dung từng đề án. Tùy từng điều kiện cụ thể, tùy sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước ít hay nhiều, nội hàm tự chủ của từng đại học (theo từng đề án) có khác nhau.
Thời gian từ tháng 10/2014 đến tháng 12/2021 là hơn 7 năm. Thời gian này và thực tiễn ở 23 đại học được thí điểm cũng đã đủ để có một luật riêng về hoạt động tự chủ đại học. Nếu sau khi sơ kết, cơ quan chức năng đề xuất được Quốc hội ban hành một luật riêng về hoạt động tự chủ thì sẽ là tốt nhất.
Còn nếu chưa được như vậy, thì sau sơ kết, cơ quan tổ chức sơ kết cần đề đạt Chính phủ tùy vào mức độ thành công của từng đại học trong số 23 trường (và kể cả những trường có thể đăng ký hoạt động tự chủ đại học) hướng dẫn để từng trường đề xuất đề án tự chủ mới, với sự định nghĩa rõ hơn, tốt hơn về hoạt động tự chủ và nội hàm đăng ký làm tự chủ ở cấp độ cao hơn trong giai đoạn 5 năm kế tiếp trên cơ sở thực tiễn của trường.
Thứ ba, cần giải quyết rốt ráo thẩm quyền tự chủ-tự chịu trách nhiệm bên trong và bên ngoài:
Như đã đề cập ở trên, việc làm rõ này (trong đề án và quyết định phê duyệt đề án tự chủ mới nếu có) bởi một văn bản pháp lý cấp Bộ trở lên là rất quan trọng. Các trường tự chủ luôn cần sự xác định:
Khi có sự mâu thuẩn nội dung qui định pháp luật giữa đề án, quyết định phê duyệt của Thủ tướng với các luật lệ khác trong quá trình thí điểm tự chủ, thì ưu tiên áp dụng theo qui định pháp luật nào (bởi luật là do Quốc hội ban hành; văn bản qui định pháp lý khác là do Chính phủ ban hành; tập hợp 2 loại hình trên đều là văn bản qui phạm pháp luật)? Không làm rõ điều này, thì hoạt động tự chủ không thể tiến lên được.
Cần có văn bản pháp qui hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Đảng về nội dung “Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học”. Đã là cơ quan quyền lực cao nhất của trường, thì không có cơ quan nào cao hơn hội đồng này đối với mọi hoạt động của trường đại học. Muốn thế, cần thực hiện đúng Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ: “xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản”.
Để hoạt động tự chủ đại học thực sự trở thành thực tiễn không thể đảo ngược, ông có kiến nghị gì với Đảng và Nhà nước?
Phó giáo sư Phạm Thanh Phong: Từ bài học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và thực tiễn ở một số đại học thí điểm tự chủ khác mà tôi có theo dõi, để tự chủ đại học thành công, tôi đề nghị Đảng và Nhà nước cần:
Một là, ủng hộ những người đi tiên phong, vì lợi ích của dân của nước để họ dám nghĩ, dám làm.
Như trên tôi cắt nghĩa, không có những văn bản chỉ đạo cụ thể thì những thế lực lợi ích hoàn toàn có thể phớt lờ; dựa vào các văn bản cũ để hạn chế hoạt động thí điểm vì quyền lợi cục bộ. Dẫn đến hoạt động tự chủ có thể bị dìm ngấm ngầm và thui chột.
Đảng đã có Kết luận 14 để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, mang đến hiệu quả kinh tế, xã hội thực sự. Nhưng từ kết luận này mà Chính phủ và bộ/ngành không có văn bản triển khai cụ thể, thì vẫn không thắng được các thế lực bảo thủ, thậm chí lợi ích nhóm. Rồi họ cũng sẽ viện dẫn các văn bản này nọ, để can thiệp vào quyền tự chủ của các trường; rồi lại kỷ luật, thay thế người đứng đầu mà họ không thích; rồi hoạt động tự chủ lại sẽ thua cuộc.
Hai là, hoàn chỉnh các văn bản về tự chủ đại học, tránh sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa các luật.
Đây là việc làm lâu dài và khó khăn; nhưng rất cần kiên trì tiếp tục nếu Đảng và nhà nước quyết tâm ủng hộ, để tiến trình tự chủ đại học (nhằm bảo đảm nền kinh tế phát triển ổn định trong dài hạn và đất nước sớm công nghiệp hóa) là không thể đảo ngược. Có 2 điều cần làm đồng thời:
Thứ nhất, quá trình làm luật muốn tránh chồng chéo thì từ sự phối hợp làm luật giữa các bộ phận chức năng, đến sự tham gia của những đối tượng nhân dân, tổ chức sẽ chịu ảnh hưởng từ luật sắp ban hành phải hết sức kỹ lưỡng, đồng bộ và đặc biệt là tôn trọng ý kiến khác biệt. Điều này không thể dễ dàng mà có được. Nó đòi hỏi tính chuyên nghiệp, sự tận tụy vì dân và cái tâm đặt mình vào vị trí người sẽ thi hành luật để soạn thảo.
Có như thế luật mới có tuổi thọ lâu dài, không phải sửa đi-sửa lại. Rõ ràng đây là việc lâu dài, khó khăn nhưng phải đi vì có đi mới có đến.
Thứ hai, trong thời gian chờ đạt được điều trên; cần qui định rõ các quyết định thí điểm tự chủ, hoặc quyết định phê duyệt đề án tự chủ giai đoạn 2 của các đại học (nếu có) là một đạo luật riêng và các đại học có toàn quyền thực hiện đúng theo quyết định này. Cơ quan kiểm tra, thanh tra phải căn cứ vào đạo luật này khi tiến hành kiểm tra-thanh tra. Có như thế, hoạt động tự chủ mới không dừng lại.
Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư Phạm Thanh Phong.
PGS Đỗ Văn Dũng: nhiều trường tự chủ còn sống trong những mối âu lo
Chủ trương bỏ cơ quan chủ quản không có nghĩa là buông lỏng quản lý mà giao quyền cho một chủ thể khác, đó là Hội đồng trường.
Trên thế giới, tự chủ đại học được xem là yếu tố cơ bản, cần thiết trong quản trị đại học. Việc tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường đã tạo động lực, sự linh hoạt, năng động của các trường đại học trong quá trình sáng tạo ra tri thức, dẫn dắt xã hội phát triển, đồng thời cũng làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tự chủ của các trường đại học hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều trường tự chủ còn sống trong những mối âu lo
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP liên quan đến tự chủ đại học đã tạo điều kiện, cơ chế cho các trường phát triển vươn lên, đặc biệt là sự phát triển của 23 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho rằng cần xóa bỏ cơ quan chủ quản mới có tự chủ thực sự. (Ảnh: NEU)
Tuy nhiên, tự chủ đại học hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ.
Thứ nhất, hiện nay một số văn bản luật và dưới luật chưa theo kịp tinh thần tự chủ của Luật số 34, chính điều này làm cho những người lãnh đạo trong các trường tự chủ luôn luôn sống trong những mối lo âu.
Hệ thống pháp luật còn chồng chéo nhau, khi các đoàn kiểm toán, thanh tra về làm việc với các trường, nếu áp dụng theo luật này thì làm đúng, nhưng áp dụng theo luật khác lại sai. Các văn bản dưới luật cũng mâu thuẫn nhau, đây chính là khó khăn lớn nhất đối với các trường đại học khi bước vào con đường tự chủ.
Chính vì vậy, mong muốn hiện nay của các trường là cần phải có hệ thống hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để việc thực hiện tự chủ đi vào thực tiễn.
Thứ hai, sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý trực tiếp (cơ quan chủ quản) vào công việc của các trường khiến trường đại học chưa thể có tự chủ thực sự.
Đối với trường đại học công lập đã tự chủ, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, cần giao toàn quyền cho Hội đồng trường quyết định, bởi Hội đồng trường là đại diện cho chủ sở hữu và các bên liên quan.
"Nhưng thực tế thì vẫn có sự can thiệp của cơ quan chủ quản. Cụ thể như vấn đề về tổ chức nhân sự, hiện nay nhiều trường đại học không thể bổ nhiệm Hiệu trưởng, như Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh,...
Đã tự chủ thì cần phải xóa bỏ cơ quan chủ quản. Tại sao giao trách nhiệm cho Hội đồng trường, Hội đồng trường tổ chức bỏ phiếu, có quyết định bổ nhiệm cán bộ nhưng cuối cùng vẫn phải chờ Bộ trưởng công nhận?
Sự tồn tại, sự áp đặt của cơ quan chủ quản đã cản trở rất nhiều đến sự phát triển của trường đại học, suốt nhiều tháng liền một trường đại học không có người "cầm trịch" thì mọi việc đều trì trệ. Điều này làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống cơ sở giáo dục đó, ảnh hưởng đến hàng ngàn cán bộ, giảng viên, viên chức, hàng ngàn sinh viên, thậm chí có thể làm 'sụp đổ' thương hiệu mà trường xây dựng bấy lâu nay. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước những hệ lụy này?"
Rõ ràng, còn tồn tại cơ quan chủ quản thì chúng ta đang quay về với cơ chế xin - cho", Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng khẳng định.
Về khía cạnh tài chính tài sản, bất cập tồn tại là trường đại học được giao quyền tự chủ nhưng lại không được giao đất đai, tài sản.
Ví dụ, khi có khu đất trống, nhà trường không thể cho thuê; khi có doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư xây dựng cho trường phòng thí nghiệm để hợp tác đào tạo nghiên cứu khoa học, nhà trường cũng không thể quyết.
Theo thầy Dũng, chúng ta cần phải học tập mô hình tự chủ ở Hàn Quốc, trường đại học khi đã tự chủ được liên kết với các doanh nghiệp trở thành những tập đoàn giáo dục. Các doanh nghiệp được phép xây dựng, đầu tư cho trường đại học, tận dụng "chất xám" để tạo nên những sản phẩm chất lượng cao.
Với mô hình hợp tác này, trường đại học cũng sẽ giải quyết được bài toán kinh phí đầu tư, từ đó có thể giảm học phí cho sinh viên, điều này rất có lợi cho người học. Muốn vậy, đòi hỏi cơ chế phải mở rộng hơn, tạo điều kiện để các trường được tự chủ, tự quyết định công việc và cơ hội phát triển cho mình.
Thứ ba, tự chủ không có nghĩa là Nhà nước cắt giảm đầu tư cho trường đại học.
Thầy Dũng phân tích: "Chúng ta vẫn nói cắt giảm chi thường xuyên, còn chi đầu tư Nhà nước vẫn hỗ trợ. Nhưng thực tế các trường tự chủ đang đứng trước bài toán nan giải về tài chính, buộc trường phải tăng học phí lên cao.
Lẽ ra khi trường không nhận kinh phí chi thường xuyên thì Nhà nước nên chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên này thành nguồn kinh phí chi đầu tư cho trường đại học, để các trường đầu tư xây phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất và giảm được áp lực học phí lên người học".
Bỏ cơ quan chủ quản không có nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện, có các chủ trương, chính sách, mở rộng hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Đặc biệt, sau khi Luật số 34/2018/QH14 cùng với Nghị định 99 (Nghị định số 99/2019/NĐ-CP) hướng dẫn thi hành Luật được ban hành, "nút thắt" về hành lang pháp lý thực hiện tự chủ giáo dục đại học đã được mở, các cơ sở giáo dục đại học chủ động thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình với các bên liên quan khi đảm bảo các điều kiện tự chủ giáo dục đại học đã được luật định.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền cho rằng, tự chủ đại học đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng còn nhiều khó khăn, lúng túng. (Ảnh: Trường Đại học Vinh)
Dù đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng thực tế hiện nay, việc thực hiện tự chủ đại học vẫn còn đó những lúng túng, khó khăn, thiếu thống nhất, hiệu quả còn hạn chế.
Cụ thể, Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung (Luật số 34/2018/QH14) đã mở ra hành lang pháp lý quan trọng cho phép các trường đại học triển khai thực hiện quyền tự chủ. Tuy nhiên, do sự thiếu đồng bộ trong hệ thống hành lang pháp lý của Nhà nước đã phần nào gây cản trở tiến trình tự chủ ở các trường đại học.
Ví dụ, ngoài Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý sử dụng tài sản công,... Điều đáng nói là hệ thống hành lang pháp lý này chưa đồng bộ nên dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong các hoạt động của trường đại học liên quan đến đầu tư, mua sắm, liên doanh, liên kết,...
Trong lĩnh vực nhân sự, Luật Viên chức và các nghị định liên quan còn có một số nội dung cũng chưa đồng bộ với Luật Giáo dục đại học.
"Một nút thắt khá quan trọng cần tháo gỡ trong quá trình triển khai tự chủ đại học đó là cắt giảm và tiến tới xóa bỏ cơ quan chủ quản đối với cơ sở giáo dục đại học.
Chủ trương bỏ cơ quan chủ quản không có nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước mà chuyển giao quyền quản lý nhà nước cho một chủ thể khác, đó là Hội đồng trường. Hội đồng trường vì vậy cần phải có thực quyền theo Luật định.
Trong thực tế triển khai, việc giải quyết mối quan hệ giữa các thiết chế Đảng ủy - Hội đồng trường - Hiệu trưởng đang đặt ra không ít những thách thức, khó khăn và vướng mắc. Giải quyết mối quan hệ giữa ba thiết chế lãnh đạo (Đảng ủy), quản trị (Hội đồng trường) và quản lý (Hiệu trưởng) trên cơ sở làm rõ, luật hóa về vị trí, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của từng thiết chế là đòi hỏi hết sức cấp thiết hiện nay, cần được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành quan tâm nhiều hơn" thầy Hiền cho biết.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền, ngoài những vướng mắc về cơ chế, một lý do quan trọng khác là do các trường đại học chưa đủ năng lực và chưa thực sự sẵn sàng bước vào con đường tự chủ.
Thực tế cho thấy, còn nhiều trường đại học chưa mạnh dạn thực thi sự tự chủ, thay vì chủ động thúc đẩy tự chủ, chấp nhận đương đầu với các thách thức, vượt qua nó để mở rộng sáng tạo, tăng cường chất lượng quản trị, phát huy hiệu quả các nguồn lực, phát triển chất lượng đào tạo, nghiên cứu thì vẫn mang tâm lý e dè, bởi thói quen "bao cấp" vào sự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước, vẫn muốn tận dụng những ưu thế của trường công để được hỗ trợ ngân sách trong chi thường xuyên và chi đầu tư.
Tóm lại,tự chủ đại học mở ra rất nhiều cơ hội để các trường đại học phấn đấu tự khẳng định mình, tăng năng lực cạnh tranh để hội nhập với giáo dục đại học của khu vực và quốc tế. Vấn đề đặt ra cho tự chủ đại học hiện nay là cần sớm giải quyết dứt điểm các "điểm nghẽn" còn tồn tại nói trên.
Tự chủ giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn. Bài 1: Chuyển đổi, nâng cấp các cơ sở giáo dục đại học GDĐH của Việt Nam có những bứt phá, nhiều cơ sở bước vào giai đoạn chuyển đổi, nâng cấp. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi, nâng cấp hàng loạt này có thật sự là động lực để giúp các trường đại học phát huy tính tự chủ, nâng cao uy tín, chất lượng đào tạo? LTS: Từ khi có Nghị quyết 29-NQ/TW về...