Công tác xã hội trong trường học: Gỡ “nút thắt” cho học trò
Bên cạnh việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh, mô hình công tác xã hội (CTXH) trường học hỗ trợ giảm thiểu vấn đề bạo lực học đường, góp phần xây dựng trường học an toàn, thân thiện.
Công tác xã hội trong trường học được nhiều nhà trường quan tâm trong thời gian gần đây.
Huy động các nguồn lực để hỗ trợ học sinh
Trường THCS Phương Trung (huyện Thanh Oai) là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả mô hình CTXH trường học của thành phố Hà Nội. Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn, sinh hoạt ngoại khóa, diễn đàn trẻ em… nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ giáo viên về vai trò, tầm quan trọng của CTXH trong trường học. Các thầy cô thường nắm bắt tình hình học sinh qua bạn học. Nhờ các đầu mối này, giáo viên dễ dàng phát hiện khi học sinh trong lớp có vấn đề bất thường.
Ngoài ra, kinh nghiệm của Trường THCS Phương Trung cho thấy một kênh rất hiệu quả để có thể phát hiện sớm các vấn đề của học sinh là qua Confession – học sinh được đăng tải ẩn danh nên các em có thể thoải mái và thẳng thắn hơn trong việc chia sẻ. Nhờ đó, hoạt động phát hiện, phòng ngừa và can thiệp sớm có thể triển khai hiệu quả.
Cô Nguyễn Thị Chính – Hiệu trưởng Trường THCS Phương Trung – cho biết: Vẫn còn khoảng trống về các hoạt động can thiệp, trợ giúp trong trường học. Điều này rất cần có các tổ chức hoạt động chuyên nghiệp để hỗ trợ học sinh, giúp các em được hòa nhập trong môi trường giáo dục một cách tốt nhất.
Trong nhiều trường hợp, khả năng phát hiện, phòng ngừa, can thiệp và phát triển của trường học nói chung và giáo viên nói riêng sẽ tốt hơn gia đình, bởi không phải gia đình nào cũng có đủ hiểu biết, năng lực và nguồn lực để hiểu và hỗ trợ con em mình khi gặp vướng mắc trong cuộc sống. Bên cạnh đó, do truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, các trường học với uy tín của mình cũng khá thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ học sinh.
Có thể kể đến trường hợp em N.V.D do hoàn cảnh gia đình khó khăn muốn bỏ học, các thầy cô đã hỗ trợ, tư vấn và cùng em tìm cách tháo gỡ. Còn em L.A.M có tâm lý sợ đi học vì bị bạn bắt nạt, các thầy cô đã tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết.
Video đang HOT
N.V.D, cựu học sinh Trường THCS Phương Trung, chia sẻ: “Thời gian học tại trường, các thầy cô giáo đã hỗ trợ em rất nhiều. Đặc biệt là trong thời gian gia đình em có sự cố, em muốn nghỉ học, nhưng nhờ các thầy cô hỗ trợ tư vấn tâm lý, chỉ bảo những đường đi, lối bước, em đã vững vàng hơn trong cuộc sống. Sau khi ra trường, em theo học trường nghề và hiện có thu nhập ổn định. Em biết ơn các thầy cô rất nhiều”.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận, chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, xã hội càng phát triển, đời sống xã hội cũng càng trở nên phức tạp và trong nhiều tình huống, các vấn đề xã hội này sẽ được học sinh mang theo vào trường học, trở thành rào cản khiến các em khó có thể tiếp thu được lợi ích của tiến trình giáo dục.
Khảo sát việc triển khai hoạt động CTXH tại trường học rất hữu ích trong việc hỗ trợ các học sinh gặp khó khăn, giúp các em có thể vượt qua các rào cản để có thể tiếp thu được các lợi ích của tiến trình giáo dục. Như nhận xét của thầy cô, để học sinh có thể theo học trên lớp, giáo dục có thể đạt được hiệu quả mong muốn thì việc dạy học là không đủ.
Tìm đúng người, được hỗ trợ đúng phương pháp
Học sinh hiện nay gặp nhiều vấn đề, thách thức trong cuộc sống khiến việc học tập của các em bị ảnh hưởng. Nhiều trường hợp cần hỗ trợ vật chất, tinh thần để có thể theo học trên lớp. Với trường hợp đặc biệt khó khăn, hoặc là con em của các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, nhà trường còn phải giúp phòng ngừa, ngăn chặn học sinh không bỏ học đi lao động sớm, sa vào tệ nạn xã hội.
Cô Nguyễn Thanh Nga, giáo viên trường THCS tại TPHCM, chia sẻ: Thông tư 33 hướng dẫn CTXH trong trường học đã có sức lan tỏa rộng rãi đến các trường học. Học sinh biết tìm đến đúng người và được hỗ trợ đúng phương pháp.
Nếu như trước kia, các hoạt động được thực hiện tự phát và “bản năng”, do đó khi các em gặp khó khăn thì không biết nên tìm đến đầu mối hỗ trợ ở đâu, và ngược lại, khi các em tìm đến thầy cô được hỗ trợ một cách có hệ thống chứ không phải rời rạc và theo kinh nghiệm như trước kia.
Khẳng định vai trò của CTXH trong trường học, ông Doãn Hồng Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) – thông tin: Thời gian qua, các đơn vị trường học đã phối hợp tốt với Đoàn Thanh niên, Tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm lớp, nhân viên y tế làm đầu mối tham mưu triển khai CTXH tại nhà trường.
Bên cạnh đó, các nhà trường đã thành lập các câu lạc bộ, tổ, nhóm làm CTXH với nòng cốt là các đoàn viên, đội viên trong trường, lớp để trợ giúp các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được tham gia một cách bình đẳng hoạt động giáo dục tại trường học và cộng đồng; hướng dẫn các đoàn viên, đội viên phát huy vai trò tự quản, chủ động tích cực tham gia hoạt động CTXH trong trường học.
Ngoài ra, các sở GD&ĐT còn phối hợp với cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương và nhà trường cũng như gia đình học sinh để tổ chức tuyên truyền, giáo dục để phòng ngừa, hạn chế nguy cơ người học rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động hỗ trợ phát triển, hòa nhập cộng đồng cho học sinh sau can thiệp hoặc học sinh, giáo viên, phụ huynh có nhu cầu hỗ trợ phát triển, hòa nhập cộng đồng và kết nối nguồn lực từ cộng đồng tham gia, phối hợp cùng các đơn vị trên địa bàn thúc đẩy hoạt động CTXH trong trường học.
Ông Đoàn Việt Dũng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai – chia sẻ: Mô hình công tác xã hội giúp địa phương nắm rõ nhu cầu hỗ trợ của các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để trợ giúp kịp thời. Đưa mô hình công tác xã hội vào trường học đã góp phần nâng cao nhận thức của học sinh và giáo viên trong các vấn đề xã hội, tác động tích cực tới chất lượng giáo dục toàn diện.
Học sinh chuyên Vĩnh Phúc được hỗ trợ 2,2 triệu đồng từ năm tới
Đó là một trong những chính sách đặc thù mà HĐND tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông qua để hỗ trợ đối với học sinh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
HĐND tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù đối với Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, chính sách đối với học sinh tham gia đội tuyển; chuyên gia, giáo viên tham gia bồi dưỡng đội dự tuyển làm nguồn, đội tuyển chính thức của tỉnh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực, quốc tế giai đoạn 2022-2025.
Theo Nghị quyết này, học sinh được tuyển vào lớp chuyên của Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc sẽ được hỗ trợ một lần với mức 2,2 triệu đồng để tự trang bị học phẩm và trang thiết bị sinh hoạt cá nhân. Bên cạnh đó, miễn tiền phòng ở ký túc xá, hỗ trợ tiền điện, nước theo định mức đối với học sinh các lớp chuyên ở nội trú, bán trú trong thời gian học tập tại trường.
Các học sinh các lớp chuyên của Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc thi đạt một trong các chứng chỉ đánh giá năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế: TOEIC, TOEFL, IELTS, CAMBRIDGE tương đương trình độ B1 (tương đương bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam) trở lên sẽ được hỗ trợ một lần lệ phí. Mức hỗ trợ theo lệ phí thi thực tế nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/học sinh.
Ngoài ra, học sinh các lớp chuyên thi đạt cả 3 chứng chỉ tin học theo chuẩn quốc tế: MOS Word, MOS Excel và MOS PowerPoint cũng được hỗ trợ một lần lệ phí thi thực tế nhưng tối đa không quá 3 triệu đồng /học sinh.
Đối với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp dạy môn chuyên tại các lớp chuyên để bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được hỗ trợ 10 triệu đồng/lớp chuyên/năm học để mua tài liệu, học liệu chuyên sâu.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trao thưởng cho các học sinh đạt giải quốc tế năm 2021.
Đối với giáo viên là viên chức dạy môn chuyên tại các trường THPT chuyên trên cả nước (không quá 45 tuổi) được tuyển dụng về giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, có cam kết công tác từ 10 năm trở lên, đã có học sinh đoạt giải khu vực, giải quốc tế thì được hỗ trợ mức 500 triệu đồng, đã có học sinh đoạt giải Nhất quốc gia thì được hỗ trợ một lần mức 350 triệu đồng.
Giáo viên là viên chức dạy môn chuyên tại các trường THPT chuyên trên cả nước (không quá 40 tuổi) có một trong các chứng chỉ TOEIC, TOEFL, IELTS, CAMBRIDGE tương đương trình độ B1 (tương đương bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam) trở lên thuộc đối tượng: Tốt nghiệp ĐH chính quy loại xuất sắc, loại giỏi, đã đạt từ giải Ba cấp quốc gia trở lên các môn văn hóa, khoa học kỹ thuật, được tuyển dụng về giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc và có cam kết công tác từ 10 năm trở lên, được hỗ trợ một lần với mức tiền 300 triệu đồng.
Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại xuất sắc, loại giỏi, đã từng đạt giải Ba quốc gia trở lên các môn văn hóa, khoa học kỹ thuật được tuyển dụng vào dạy môn chuyên tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc và có cam kết công tác lâu dài tại trường từ 10 năm trở lên, được hỗ trợ một lần với mức 150 triệu đồng.
Nghị quyết này cũng quy định chính sách đối với các học sinh trên địa bàn tham gia đội tuyển chọn học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực, quốc tế.
Cụ thể, đối với học sinh tham gia đội tuyển chính thức của tỉnh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian ôn thi tập trung theo mức 250.000 đồng/học sinh/ngày. Thời gian hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá 60 ngày.
Học sinh tham gia đội tuyển của tỉnh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp khu vực, quốc tế, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc tế được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian ôn thi tập trung theo mức 350.000 đồng/học sinh/ngày. Thời gian hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá 40 ngày.
Học sinh tham dự thi học sinh giỏi cấp khu vực, quốc tế, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc tế được hỗ trợ tiền tài liệu, bồi dưỡng tiếng Anh, sinh hoạt phí trong những ngày tham gia tập huấn theo mức 500.000 đồng/học sinh/ngày. Thời gian hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá 60 ngày,...
Làm gì để phụ huynh yên tâm cho con đến trường mùa dịch? Học trực tuyến kéo dài ngoài việc kém hiệu quả còn khiến học sinh đứng trước nhiều nguy cơ tổn thương về tâm lý. Tuy nhiên, việc quay lại trường học trực tiếp cũng gặp nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi số ca nhiễm hàng ngày tăng cao, xuất hiện biến thể mới. Việc phải suy tính giữa...