Công lý đã được thực thi với Nshimiyimana
Ngày 7/3/2024, 30 năm sau ngày xảy ra vụ diệt chủng ở Rwanda, Văn phòng Cục điều tra liên bang Mỹ ( FBI), thành phố Lake Township, bang Ohio đã bắt giữ một người đàn ông người Mỹ gốc Rwanda là Eric Nshimiye với cáo buộc cố tình làm sai lệch thông tin cá nhân, cố tình cản trở công lý, khai man hồ sơ nhập tịch để che giấu hành vi diệt chủng.
Kết quả điều tra cho thấy trong cuộc nội chiến ở Rwanda, châu Phi năm 1994, Eric Nshimiye đã giết và cưỡng hiếp gần 100 người thuộc chủng tộc Tutsi…
Vụ thảm sát người Tutsi
Tên thật của Eric Nshimiye là Tabaro Nshimiyimana, người Hutu. Khi cuộc nội chiến nổ ra hồi tháng 10/1990 giữa Lực lượng vũ trang Rwanda, chủ yếu là người Hutu và Mặt trận yêu nước Rwanda (RPF) do người Tutsi thành lập thì Eric Nshimiye đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Y khoa Butare. Thời điểm này, Nshimiyimana và bạn cùng lớp là Teganya gia nhập nhóm Interahamwe, trực thuộc Phong trào cách mạng quốc gia vì sự phát triển, là cánh chính trị của Lực lượng vũ trang Rwanda rồi cả hai nhanh chóng trở thành sinh viên nổi tiếng vì đã kích động nạn diệt chủng nhắm vào người Tutsi.
Thi thể chất đống của người Tutsi bị người Hutu thảm sát.
Ngày 6/4/1994, khi máy bay chở Tổng thống Rwanda là ông Juvenal Habyarimana, người Hutu bị bắn hạ ở Kigali, đất nước Rwanda rơi vào vòng xoáy của một trong những cuộc nội chiến sắc tộc tồi tệ nhất lịch sử hiện đại. Các thành viên cộng đồng Hutu chiếm đa số ở Rwanda đã sát hại khoảng 800.000 người Tutsi, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, được thế giới gọi là “100 ngày kinh hoàng”.
Tại Bệnh viện Đại học Y Butare, một trong những nơi diễn ra cuộc thảm sát, các sinh viên người Hutu, trong đó có Nshimiyimana và Teganya xông vào từng phòng bệnh. Tất cả những bệnh nhân người Tutsi đều bị buộc phải ra ngoài rồi bị giết bằng dao, kéo, chày vồ, búa và thậm chí bằng cả những cây nạng. Với những người bệnh nặng không tự đi được, họ bị giết tại giường. Ngay cả bác sĩ, y tá và người nhà của bệnh nhân đi nuôi bệnh cũng bị giết nếu họ là người Tutsi! Myriam, người Tutsi, y tá Bệnh viện Đại học Y Butare sau này đồng ý ra làm chứng trong một phiên điều trần ở tòa án bang Massachusetts, Mỹ, khi Nshimiyimana đã bị bắt cho biết cô bị hắn cưỡng hiếp và cô may mắn thoát chết chỉ vì khi mặc lại chiếc quần dài, Nshimiyimana lúng túng té ngã.
Myriam nói: “Tôi trần truồng chạy vào kho chứa thuốc rồi trốn dưới gầm một chiếc kệ lớn. Tôi thấy bước chân của hắn đi đi lại lại tìm tôi nhưng hắn không nhìn thấy tôi”. Cuộc điều tra do Tòa án hình sự quốc tế về tội ác chiến tranh thực hiện cho thấy chỉ riêng ở Bệnh viện Đại học Y Butare, có khoảng 1.200 người Tutsi đã bị giết. Nyarugenge, công nhân xưởng may bệnh viện, nơi chuyên thực hiện việc may áo blu, quần áo mổ và quần áo cho bệnh nhân, làm chứng trong phiên điều trần: “Tôi khẳng định rằng tôi đã chứng kiến việc Nshimiyimana, sinh viên y khoa năm thứ nhất đánh chết môt cậu bé 14 tuổi và ông trưởng xưởng may bằng cách dùng búa đóng đinh vào đầu họ, cả hai đều là người Tutsi. Tới lúc hắn định giết tôi nhưng khi nghe tôi la lớn bằng tiếng Hutu: “Tôi là người Hutu” thì hắn quay lưng bỏ đi”.
Video đang HOT
Mùa hè năm 1994, khi Mặt trận yêu nước Rwanda (RPF) tổ chức phản công rồi từng bước đánh bại Lực lượng vũ trang Rwanda thì Nshimiyimana trốn sang nước láng giềng Kenya. Tại đây, hắn nộp đơn cho Sứ quán Mỹ ở thủ đô Nairobi xin tị nạn dưới cái tên Nshimiye, nghề nghiệp tài xế taxi với lý do “sẽ bị trả thù khi người Tutsi lên nắm quyền vì tôi là người Hutu”.
Khi được một quan chức phụ trách nhập cư của Đại sứ quán Mỹ phỏng vấn, Nshimiye đã thề rằng “chưa bao giờ phạm tội liên quan đến đạo đức, chưa bao giờ tham gia hoặc hỗ trợ việc đàn áp bất kỳ người nào vì chủng tộc, tôn giáo hoặc quan điểm chính trị”. Viên chức phụ trách nhập cư của Sứ quán Mỹ ở Nairobi thời điểm ấy cho biết do Nshimiye không nằm trong danh sách những kẻ cầm đầu vụ diệt chủng nên hắn được cấp quyền tị nạn.
Eric bị bắt lúc vẫn là công nhân của Goodyear Tire & Rubber Co.
Trước đó, tháng 9/1994, lúc còn ở Kenya, Nshimiye liên lạc với Teganya, bạn học và cũng là kẻ đã cùng Nshimiye tiến hành vụ thảm sát người Tutsi ở Bệnh viện Đại học Y Butare. Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại, Nshimiye đã hướng dẫn Tegany cách trốn sang Kenya và cách khai báo với Sứ quán Mỹ ở Nairobi để xin định cư. Kết quả là giữa năm 1996, Teganya vào Mỹ rồi nhập tịch Mỹ với cái tên Bob Tanya, sống tại thành phố Boston, bang Massachusetts. Các cuộc điều tra của FBI về sau cho thấy cả hai vẫn duy trì liên lạc với nhau qua điện thoại nhưng không gặp nhau.
Ngày 1/12/1995, Nshimiye đến Mỹ, định cư ở quận Stark, thành phố Lake Township, bang Ohio. Tiếp theo hắn lấy vợ – cũng là người Hutu tị nạn rồi năm 2001, hắn nhập quốc tịch Mỹ với cái tên Mỹ “Eric” Nshimiye và xin được việc làm trong công ty sản xuất vỏ xe ôtô Goodyear Tire & Rubber Co. tại thành phố Akron. Hàng xóm của Eric mô tả hắn là “người dễ mến, khi con trai đầu của hắn tốt nghiệp lớp 5 Trường tiểu học North Canton, hắn mời chúng tôi đến dự tiệc tại nhà”.
Bà Cynthia, ở cách nhà Eric 6 căn cho biết con trai bà và con trai Eric cùng những đứa trẻ khác vẫn thường chơi bóng với nhau. Thỉnh thoảng Eric lại sang cắt lá cho vườn cây ở hàng rào nhà bà. Ông Tom Rice, 75 tuổi, bị liệt cả 2 chân ở sát nhà Eric nói: “Có lần thấy tôi đang di chuyển chiếc xe lăn từ cửa ra sân, Eric đã mau mắn chạy đến rồi giúp tôi đẩy chiếc xe xuống mấy bậc tam cấp. Lúc ấy tôi tự nhủ đây chính là người đàn ông của gia đình. Eric không phải là kẻ bạo lực nên lúc nghe tin anh ta bị bắt vì tội diệt chúng, tôi vẫn hy vọng đó chỉ là nhầm lẫn”.
Lưới trời lồng lộng
Tháng 3/2017, Cục Di trú Mỹ nhận được đơn tố giác của nhiều người Tutsi đang định cư tại Mỹ, sống ở thành phố Boston, bang Massachusetts, trong đơn họ khẳng định rằng Bob Tanya chính là Teganya, kẻ đã trực tiếp giết 27 người và hiếp dâm 5 người Tutsi tại Bệnh viện Đại học Y Butare. Ông Kikukino, một trong những người ký đơn tố giác viết: “Tôi nhớ rõ hắn bởi hắn có một vết xăm hình mỏ neo trên bắp tay trái khi hắn vung dao chém chết anh ruột tôi, là bác sĩ ở bệnh viện. Thế nên khi gặp hắn trong một siêu thị ở Boston, tôi nhận ngay ra vì hôm ấy hắn mặc cái áo thun cộc tay dù đã 23 năm”.
Ông Massamna, cũng là người ký đơn tố giác viết: “Tôi và hắn đối diện nhau, mắt hắn trừng trừng nhìn vào mặt tôi rồi chém tôi 2 nhát. Làm sao tôi có thể quên đôi mắt ấy! Khi thấy tôi ngã xuống, hắn nghĩ tôi đã chết nên hắn quay sang chém tiếp những người khác”.
Nhận thấy vụ việc thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ An ninh nội địa (DHS), Cục Di trú chuyển đơn tố giác cho cơ quan này rồi sau đó DHS giao trách nhiệm điều tra cho FBI. Đến tháng 6/2017, Teganya bị bắt. Trong suốt 3 năm tiến hành thẩm vấn, Teganya nhận tội diệt chủng và khai ra đồng phạm là Nshimiyimana cùng một số người khác cũng là sinh viên Đại học Y Butare nhưng trước sau, Teganya vẫn trả lời rằng “từ cuối năm 1994, tôi không còn biết gì về Nshimiyimana nữa”. Điều tra viên Chris Newmann cho biết FBI đã đề nghị bộ phận phụ trách di dân của Sứ quán Mỹ ở Kenya cung cấp danh sách những người Hutu được nhập cư vào Mỹ trong các năm 1995, 1996 để tiến hành sàng lọc.
Ông Chris Newmann nói: “Đối chiếu hồ sơ diệt chủng do Tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh thu thập, trong hơn 14.000 người Hutu đã vào Mỹ, chúng tôi nhận thấy cái tên Eric Nshimiye có vẻ gì đó liên quan đến Nshimiyimana. Công văn của Bộ Ngoại giao Rwanda trả lời chúng tôi cho thấy Nshimiyimana là đối tượng có liên quan đến vụ diệt chủng ở Đại học Y Butare nhưng theo điều tra của cảnh sát Rwanda, Nshimiyimana đã không còn được nhìn thấy ở Rwanda kể từ cuối năm 1994 và vẫn không rõ hắn đang ở chỗ nào”.
Thế rồi phải mất thêm 2 năm nữa, FBI mới xác định Eric Nshimiye là Nshimiyimana, hiện đang sống tại một căn nhà nằm trên đại lộ Billingham, thành phố Lake Township, bang Ohio cùng vợ và 3 con. Vẫn theo ông Chris Newmann: “Tuy nhiên, để củng cố chứng cứ nhằm buộc Eric phải nhận tội diệt chủng, suốt 2 năm sau đó với sự cộng tác của cảnh sát ở nhiều bang có người Tutsi sinh sống, chúng tôi tìm gặp những nạn nhân may mắn sót trong vụ tàn sát diễn ra tại Bệnh viện Đại học Y Butare. Bằng cách cho họ xem ảnh của Eric hiện nay, một số người cho rằng họ không còn nhớ rõ nhưng một số khác chẳng định đó chính là kẻ đã cầm búa đóng đinh lên đầu thân nhân, bạn bè họ”.
Đặc biệt là Myriam, y tá Bệnh viện Đại học Y Butare cho biết khi bị hiếp dâm, cô đã nhìn thấy trên đùi trái của gã, gần nếp gấp ở háng có vết thẹo nhỏ. Cô nói với điều tra viên FBI: “Nếu các ông yêu cầu Eric cởi quần ra và nếu có vết sẹo ấy thì chắc chắn là hắn”.
Với hàng xóm, Eric là “người đàn ông của gia đình”.
Ngày 7/3/2024, Eric lúc này đã 52 tuổi bị bắt và bị di lý về Boston, bang Massachusetts, nơi hắn sẽ được cho đối chất với gã bạn học Teganya. Ngày 27/3, Eric thừa nhận các tội danh “cố tình làm sai lệch thông tin cá nhân, cố tình cản trở công lý, khai man hồ sơ nhập tịch” nhưng không thừa nhận “che giấu hành vi diệt chủng”. Ông Joshua S. Levy, công tố viên Tòa án Boston, bang Massachusetts nói: “Trong gần 30 năm, Eric Nshimiye tức Tabaro Nshimiyimana đã chôn kín sự thật về những tội ác mà ông ta gây ra trong vụ diệt chủng ở Rwanda để tìm chỗ nương thân. Nước Mỹ sẽ không phải là nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ vi phạm nhân quyền và tội phạm chiến tranh”.
Hiện tại, Eric Nshimiye đang phải đối mặt với mức án 25 năm tù vì các tội danh nêu trên trong lúc theo lời công tố viên Joshua S. Levy: “Không một luật sư nào nhận bào chữa cho hắn”. Chưa hết, vì hành vi diệt chủng diễn ra ở Rwanda nên khi mãn hạn tù, nếu Rwanda yêu cầu dẫn độ thì Eric còn phải trở về để ra tòa một lần nữa và kết quả của phiên tòa ấy ai cũng đoán được: Tử hình! Khi biết tin Eric bị bắt, nhiều nhân chứng trong vụ diệt chủng tiếp tục gửi đơn tố giác và một trong những đơn này viết: “Ngày 13/5/1994, Nshimiyimana đi cùng một nhóm Interahamwe, vây bắt khoảng 30 người Tutsi đang ẩn náu trong khu rừng gần trường Đại học. Sau đó giết hết rồi đốt xác”. Một đơn khác viết “Nshimiyimana cho phép các thành viên Interahamwe được tự do hãm hiếp các nữ sinh viên người Tutsi. Có 6 nữ sinh bị giết sau khi bị làm nhục, trong đó đích thân Nshimiyimana giết một người bằng cách đóng đinh vào đầu…”.
Theo các đặc vụ FBI, Nshimiyimana không có biểu hiện gì chứng tỏ sự hối hận mà chỉ luôn miệng nói rằng việc giả mạo nhân thân trong việc xin vào Mỹ là sợ bị trả thù. Với tội danh “khai man hồ sơ nhập tịch để che giấu hành vi diệt chủng” ghi trong biên bản thẩm vấn thì Nshimiyimana dứt khoát không ký nếu điều tra viên không bỏ dòng chữ “che giấu hành vi diệt chủng”. Chỉ đến khi gặp Teganya, lúc này đang đối diện với án tù 20 năm, Nshimiyimana mới chịu cầm bút…
Anh có thể phải chi hàng tỷ USD cho kế hoạch chuyển người di cư đến Rwanda
Theo phóng viên TTXVN tại London, chi phí cho kế hoạch chuyển người nhập cư bất hợp pháp đến Rwanda có thể tăng lên đến 3,9 tỷ bảng (5 tỷ USD) trong vòng 5 năm.
Chính phủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak dự kiến trình dự luật lên Hạ viện trong tuần này.
Người di cư được lực lượng biên phòng Anh áp giải về cảng Dover khi đang tìm cách vượt biên trái phép vào Anh qua Eo biển Manche, ngày 6/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông tin mới được Viện Nghiên cứu Chính sách công (IPPR) có trụ sở tại London công bố ngày 18/3 cho rằng số tiền thực tế mà Anh sẽ phải chi để đưa những người nhập cư bất hợp pháp đến Rwanda có thể lên tới 230.000 bảng cho mỗi người, tùy thuộc vào thời gian họ ở lại quốc gia châu Phi này. Con số này cao hơn rất nhiều so với chi phí ước tính 55.000 bảng/người mà Chính phủ của ông Sunak dự kiến chi cho những người tị nạn này trong 2 năm.
Cũng theo nghiên cứu của IPPR, tổng số tiền nước Anh phải chi để chuyển khoảng 20.000 người nhập cư bất hợp pháp kể từ tháng 7/2023 sẽ là 1,1 tỷ bảng nếu những người này rời khỏi Anh ngay lập tức. Tuy nhiên, chi phí sẽ tăng lên 3,9 tỷ bảng nếu 90% số người vượt biên này ở lại Anh từ 5 năm trở lên. Sau khi Anh thông qua luật không cấp quy chế tị nạn đối với những người nhập cư trái phép vào Anh bằng đường biển vào tháng 7/2023, Chính phủ Anh trong tuần này dự kiến sẽ đệ trình Hạ viện dự luật về việc điều chuyển số người nhập cư trái phép hiện đang ở Anh đến Rwanda. Nếu dự luật được Hạ viện thông qua, chi phí cho kế hoạch trục xuất người nhập cư trái phép của Chính phủ Anh có thể thay đổi tùy theo số người được đưa đến Rwanda và thời gian lưu trú của họ.
Cho đến nay, để triển khai kế hoạch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp đến Anh bằng đường biển, nước này đã đồng ý trả trước cho Rwanda khoản tiền 490 triệu bảng, cùng với 80 triệu bảng cho chi phí thiết lập và thêm 20.000 bảng cho mỗi người tái định cư.
Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng sẽ phải chi gần 151.000 bảng cho việc xử lý hồ sơ và hội nhập cho mỗi người xin tị nạn, đồng thời đóng góp 10.000 bảng để tạo điều kiện cho mỗi người xin tị nạn rời khỏi Rwanda.
Ông Trump cảnh báo hậu quả nếu thất cử tổng thống Ông Donald Trump cảnh báo nếu không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11 tới sẽ có 'cuộc tắm máu' với ngành ô tô và toàn nước Mỹ. Theo hãng tin RT, phát biểu trong cuộc vận động tranh cử tại thành phố Vandalia ở bang Ohio hôm 16/3, ông Trump đã nói về kế hoạch bảo vệ...