Mỹ và Australia phối hợp phá đường dây ấu dâm liên lục địa
98 người trong một đường dây ấu dâm đã bị bắt giữ cuối tuần qua tại Mỹ và Australia. Đây là kết quả cuộc điều tra kéo dài 2 năm kể từ khi một trong số những nghi phạm có liên quan tới mạng lưới này bắn chết 2 đặc vụ FBI ở Florida.
Từ vụ nổ súng tại Florida năm 2021
Ngày 2/2/2021 có thể xem là một trong những cột mốc đau thương nhất trong lịch sử Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), khi 2 đặc vụ đã thiệt mạng trong lúc lục soát căn hộ một nghi phạm lạm dụng trẻ em ở Florida.
Đấy là một sáng Thứ ba mùa xuân, mặt trời vẫn chưa mọc và một nhóm đặc vụ FBI được giao nhiệm vụ điều tra tội phạm lạm dụng trẻ em trực tuyến lặng lẽ tiếp cận căn hộ Water Terrace ở Sunrise, Florida để thực hiện lệnh khám xét.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ nghi phạm ấu dâm sát hại 2 đặc vụ FBI tại Florida, năm 2021. Ảnh: AP
Không rõ chính xác điều gì đã xảy ra trong những phút sau đó, nhưng một cuộc đấu súng đã nổ ra, khiến những người hàng xóm trong cộng đồng dân cư yên tĩnh này choàng dậy. Nhà chức trách cho biết, nhiều cuộc gọi đến số điện thoại khẩn cấp 911 báo cáo rằng họ nghe thấy những phát súng liên tiếp vang lên ở một căn hộ trong khu Water Terrace.
Khi cảnh sát địa phương đến hiện trường, họ thấy một chiếc xe đặc chủng của lực lượng chống khủng bố SWAT đổ nghiêng ra đường sau khi đâm vào lan can cầu thang dẫn lên thềm nhà. Có vết máu trên sàn bên ngoài căn hộ. Cảnh sát bao vây khu phức hợp, phong tỏa các con đường và khẩn trương điều tra vụ việc.
Trong cuộc họp báo nhanh sau đó, Giám đốc FBI, Christoher Wray cho biết, 2 đặc vụ FBI thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong vụ việc. Theo người đứng đầu FBI, đây là một trong những vụ đụng độ đẫm máu nhất trong lịch sử cơ quan này ở thế kỷ 21. Chưa có đặc vụ FBI nào bị bắn chết trong lúc thi hành công vụ kể từ sau khi 2 đặc vụ FBI thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong vụ đấu súng diễn ra ở ngoại ô Miami, bang Flordia, năm 2008.
Một nguồn tin từ lực lượng thực thi pháp luật cho biết ngôi nhà của nghi phạm ở Florida được trang bị một camera an ninh và thiết bị giám sát này có thể đã được nghi phạm sử dụng để xác định các đặc vụ FBI đang tiếp cận căn nhà trước khi nổ súng vào họ qua khe cửa. Tên này sau cố thủ trong nhà trước khi tự sát bằng súng.
2 đặc vụ hy sinh tại Florida là Daniel Alfin và Laura Schwartzenberger. Còn nghi phạm đã tự sát có tên David Lee Huber, 55 tuổi, làm nghề lập trình viên và đang bị truy nã vì liên quan đến việc phát tán tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em. Người này cho đến cuối tuần qua vừa được xác nhận là thành viên cốt cán của một mạng lưới ấu dâm trực tuyến quốc tế, với những mắt xích nối dài từ Mỹ sang Australia.
Daniel Alfin và Laura Schwartzenberger – hai đặc vụ FBI đã bị sát hại khi lần theo manh mối đường dây ấu dâm liên lục địa. Ảnh: CNN
Cuộc điều tra xuyên lục địa
Đặc vụ Laura Schwartzenberger, 43 tuổi, là một bà mẹ hai con đến từ Colorado và đã làm việc cho FBI từ năm 2005. Bà Schwartzenberger là thành viên của đội điều tra tội phạm bạo lực đối với trẻ em và được chỉ định tham gia “Sáng kiến quốc gia hình ảnh vô tội”, một phần trong chương trình điều tra tội phạm trực tuyến của FBI nhằm chống lại sự phổ biến của các hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng.
Đặc vụ Daniel Alfin, 36 tuổi, đến từ New York và thuộc đội đặc nhiệm “Chống bóc lột trẻ em” tại Miami, bang Florida. Năm 2015, Alfin từng tham gia vụ bắt giữ một người đàn ông ở thành phố Naples, Florida vì tội điều hành trang web khiêu dâm trẻ em có tên Playpen, với hơn 150.000 người dùng trên khắp thế giới.
Trong cái ngày bi thảm 2/2/2021, 2 đặc vụ kể trên đang lần theo manh mối của một đường dây lạm dụng tình dục trẻ em lớn không kém Playpen. Dù nghi phạm sát hại Schwartzenberger và Alfin đã tự kết liễu đời mình, song những gì thu thập được ở hiện trường vẫn đủ để FBI phát triển thành một cuộc điều tra lớn hơn, từ đó dẫn tới việc bóc dỡ một đường dây ấu dâm trực tuyến ở Mỹ và Australia.
Sau 2 năm phá án, cuối tuần qua, các nhà điều tra đã công bố kết quả là một “mẻ lưới” bự với 98 vụ bắt giữ tại cả Mỹ và Australia. Tại cuộc họp báo chung giữa cơ quan thực thi pháp luật 2 nước, bà Nitiana Mann, tùy viên pháp lý của FBI tại Australia cho biết cơ quan này đã thực hiện 79 vụ bắt giữ ở Mỹ, dẫn đến 65 cáo trạng và 43 người bị kết án.
Video đang HOT
Bà Mann nói thêm rằng FBI đã gửi thông tin và bằng chứng liên quan đến đường dây ấu dâm này cho các cơ quan thực thi pháp luật ở nhiều quốc gia khác. “Sự phức tạp và tính ẩn danh của các nền tảng này có nghĩa là không cơ quan hay quốc gia nào có thể đơn độc chống lại các mối đe dọa ấu dâm trực tuyến”, bà Mann nhấn mạnh.
Tại Australia, nơi chuyên án được biết đến với cái tên “Chiến dịch Bakis”, cảnh sát nước này đã bắt giữ 19 nghi phạm, giải cứu 13 trẻ em khỏi tình trạng bị lạm dụng tình dục và sau đó đã đưa 2 trong số các nghi phạm ra xét xử.
Bà Helen Schneider, Chỉ huy trưởng Cảnh sát Australia, cho biết những nghi phạm này là “thành viên của một mạng lưới lạm dụng trẻ em trực tuyến tinh vi về mặt công nghệ”.
Máy tính của một trong số các nghi phạm điều hành đường dây ấu dâm trực tuyến tại Australia. Ảnh: AP
Chiến dịch của cảnh sát Australia bắt đầu vào năm 2022 khi FBI chia sẻ thông tin về các thành viên địa phương của mạng lưới lạm dụng trẻ em trực tuyến đang chia sẻ – và trong một số trường hợp tạo ra – tài liệu ấu dâm.
Theo bà Schneider, đó là một “cuộc điều tra phức tạp”, bởi vì các thành viên của mạng đã sử dụng phần mềm để chia sẻ tệp và trò chuyện ẩn danh trên bảng tin. Một số thành viên của đường dây này đã phạm tội ấu dâm suốt hơn 10 năm, nhiều người trong số đó rất có kinh nghiệm về máy tính và lập trình hoặc làm việc ở lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
Một trong 2 kẻ bị kết án ở Australia là công chức đã thừa nhận 24 tội danh và bị kết án 14 năm tù. Kẻ còn lại là một người điều hành trung tâm cuộc gọi, đã bị kết án 5 năm tù sau khi nhận tội sở hữu khoảng 5 terabyte tài liệu mô tả hành vi lạm dụng trẻ em.
Chống ấu dâm là cuộc chiến toàn cầu
Trao đổi với báo giới, lãnh đạo FBI cho biết điều tra tội phạm đối với trẻ em được coi là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất vì tính chất đáng lo ngại và phản cảm của các vụ án mà cơ quan này phải xử lý.
Bên cạnh đó, trong thập kỷ qua, bọn tội phạm ngày càng tinh vi khi sử dụng các công nghệ tiên tiến như dark web – nơi địa chỉ giao thức internet của người dùng bị che khuất – để qua mặt cảnh sát. FBI dẫn chứng trường hợp tại bang Ohio, nghi phạm bị bắt khi điều hành một trang “web đen” với gần 30.000 thành viên suốt từ năm 2012 đến 2014.
Nhiều diễn đàn trực tuyến có những phần riêng tư chỉ dành cho các thành viên để chia sẻ hình ảnh về những đứa trẻ mà chính họ đã lạm dụng. Một số cuộc điều tra của cảnh sát Mỹ gần đây đã phá vỡ các diễn đàn dark web khổng lồ, bao gồm “Child’s Play” với hơn một triệu tài khoản người dùng.
Những diễn đàn nhơ nhớp như vậy mọc lên như nấm khắp thế giới nhờ những tiến bộ của công nghệ, khiến các lực lượng thực thi pháp luật các nước phải tiến hành nhiều hoạt động phối hợp mới có thể đánh sập.
Mới nhất có thể kể đến việc Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) vừa kết thúc một chiến dịch toàn cầu kéo dài 2 năm có tên “Narsil” nhằm đưa ra trước công lý những tội phạm điều hành mạng lưới trang web lạm dụng tình dục trẻ em để kiếm lợi nhuận từ quảng cáo.
Tiến hành từ tháng 12/2021 đến tháng 7/2023, “Chiến dịch Narsil” của INTERPOL cũng nhắm mục tiêu vào các cơ chế tài chính mà quản trị viên trang web sử dụng để thực hiện các chiến dịch quảng cáo trực tuyến của chúng.
Cảnh sát Argentina kiểm tra máy tính của nghi phạm trong “Chiến dịch Narsil” do INTERPOL khởi xướng. Ảnh: INTERPOL
Trong hơn 2 năm, các lực lượng thành viên của INTERPOL đã làm việc cùng nhau bằng cách sử dụng “danh sách đen” IWOL, chia sẻ thông tin tình báo, xác định chính xác các nghi phạm và phối hợp bắt giữ những kẻ quản lý các trang dark web.
Một trong những manh mối kỹ mà IWOL và thông tin tình báo do cộng đồng cảnh sát toàn cầu cung cấp chỉ dẫn các nhà điều tra tới 2 nghi phạm ở Argentina. Cả hai đều ở độ tuổi ngoài 30 và là chị em ruột, đã bị bộ phận Chống Tội phạm mạng đối với trẻ vị thành niên và Đơn vị Truy tố tội phạm mạng chuyên biệt Argentina (UFECI) bắt giữ tại tỉnh Mendoza của nước này.
14 thiết bị điện tử, một lượng lớn tiền mặt và thẻ tín dụng, đã bị tịch thu tại nhà của bộ đôi kể trên. Hai chị em nghi phạm được cho là đã tạo ra, duy trì và thu lợi bất chính trong hơn một thập kỷ từ các trang web có tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em và các chiến dịch quảng cáo liên quan.
“Với sự phức tạp về công nghệ của vụ án và mức độ nghiệm trọng của loại tội phạm ấu dâm, những vụ bắt giữ kiểu này nêu bật tầm quan trọng của sự hợp tác của cảnh sát xuyên biên giới khu vực, quốc gia và quốc tế”, ông Juan Carlos Hernandez – Cảnh sát trưởng Argentina, đồng thời là đại biểu châu Mỹ trong Ủy ban điều hành INTERPOL – cho biết.
Trong khi đó, đại diện INTERPOL cũng nhấn mạnh rằng, những cuộc điều tra như chiến dịch Narsil sẽ thường xuyên được tiến hành để ngăn chặn và trừng phạt thích đáng những kẻ ấu dâm. “Chiến dịch Narsil gửi một thông điệp mạnh mẽ tới bọn tội phạm kiếm tiền từ các trang web này rằng INTERPOL và liên minh cảnh sát ở 195 quốc gia thành viên biết chúng đang ở đâu, chúng đang làm gì và làm thế nào để tìm ra chúng”, Jurgen Stock, Tổng Thư ký INTERPOL đanh thép tuyên bố.
Không phải đầu tiên, cũng chưa thể là cuối cùng
Thêm một thủ lĩnh cao cấp nữa đã bị "xóa sổ", đó là điều chính Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thừa nhận.
Song, vẫn sẽ là quá lạc quan, để bất cứ nhà phân tích quốc tế nào có thể dự báo rằng "ngày tàn" của tổ chức khủng bố ấy đã cận kề.
Bất chấp mọi thiệt hại trong suốt những năm qua, IS vẫn chưa thể nào bị tận diệt. Bởi lẽ, những mầm mống của nó vẫn có đủ điều kiện để hồi sinh, trong những vòng quay ngày càng bất an mà thế giới đang trải qua.
Một chuỗi những cái tên
Ngày 3/8/2023, trên tài khoản mạng xã hội Telegram, người phát ngôn của IS - Abu Umar al-Muhajir thông báo: Abu al-Hussein al-Husseini al-Qurashi - người được IS lựa chọn làm thủ lĩnh tối cao (caliph), thay thế cho người tiền nhiệm Abu al-Hasan al-Hashimi al-Qurashi (tên thật là Amir Mohammed Said Abd al-Rahman al-Mawla) vào tháng 11/2022 - đã bị tiêu diệt trong cuộc đấu súng với Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm Hồi giáo Thánh chiến nắm giữ quyền lực tại thành trì của phe đối lập ở Tây Bắc Syria.
Sự tồn tại dai dẳng của IS xuất phát từ tình trạng thiếu tập trung quyền lực, từ bất công, từ mâu thuẫn tôn giáo và từ hận thù.
"Thủ lĩnh Qurashi bị giết sau khi HTS cố bắt ông làm con tin. Ông đã chiến đấu với chúng cho đến khi chết vì vết thương", người phát ngôn IS hé lộ, đồng thời cáo buộc HTS đã "bắt tay" và chỉ điểm cho tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.
Thực ra, từ hồi tháng 4/2023, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recepp Tayyip từng tuyên bố về cái chết của Abu al-Hussein al-Husseini al-Qurashi, sau những cuộc truy sát của tình báo Thổ Nhĩ Kỳ. Song, đến tận lúc này, thông tin ấy mới được phía IS xác nhận.
Như vậy, tính đến lúc này, đã có 4 thủ lĩnh tối cao của IS bị truy đuổi và tiêu diệt. Người kế tiếp nắm giữ vị trí này, như các thông tin từ IS, là Abu Hafs al-Hashimi al-Qurashi (phụ danh al-Qurashi thường được gắn thêm vào tên của tất cả các thủ lĩnh tối cao của IS, với hàm ý nối tiếp dòng dõi bộ tộc Quraysh của nhà tiên tri Muhammad - người sáng lập đạo Hồi, nhằm nhấn mạnh và khẳng định tính "chính danh").
Xin nhắc lại: Sau khi trỗi dậy và gieo rắc tang thương, trong vòng vây cũng như sự đồng lòng nhất trí hiếm hoi của cộng đồng quốc tế (đặc biệt là hai cường quốc Nga - Mỹ), IS bắt đầu bị đẩy lùi, bị bao vây và đánh mất dần quyền kiểm soát các lãnh thổ ở Iraq và Syria từ năm 2014.
Kể từ khi mất thành trì cuối cùng tại miền Đông Syria hồi tháng 3/2019, tàn quân IS buộc phải rút vào ẩn náu trong sa mạc, chỉ còn thỉnh thoảng tiến hành tập kích nhằm vào lực lượng người Kurd và chính quyền Syria.
Thủ lĩnh tối cao đầu tiên của IS - Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt trong một chiến dịch đột kích của đặc nhiệm Mỹ tại Idlib (Syria) vào tháng 10/2019. Kế nhiệm hắn, Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi, cũng bị giết tại Idlib vào tháng 2/2022.
Cũng mới ngày 9/7/2023 vừa qua, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ ra tuyên bố cho biết họ đã tiêu diệt Usamah al-Muhajir, một thủ lĩnh IS ở miền Đông Syria, bằng một cuộc không kích.
Abu al-Hussein al-Husseini al-Qurashi - kẻ vừa được xác nhận đã bị tiêu diệt.
Trước đó, cũng theo thông tin từ phía Mỹ, ngày 25/4, lực lượng Taliban đang nắm quyền tại Afghanistan đã tiêu diệt một thành viên IS, chi nhánh IS-K (chân rết của IS tại Afghanistan), kẻ chủ mưu đằng sau vụ tấn công liều chết vào sân bay quốc tế ở Kabul năm 2021, khiến 13 binh sĩ Mỹ và nhiều dân thường thiệt mạng.
Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby, khi ấy, cho biết: "Đối tượng này là một thành viên chủ chốt của IS-K trực tiếp tham gia các hoạt động lên kế hoạch như vụ Abbey Gate (nơi xảy ra vụ nổ ở sân bay Kabul) và giờ thì y không còn có thể lên kế hoạch hoặc tiến hành cuộc tấn công nào nữa".
Cuối tháng 2/2022, theo hãng tin AFP, người phát ngôn Chính phủ Afghanistan, ông Zabihullah Mujahid cho biết Taliban đã tiêu diệt Qari Fateh - "chỉ huy hoạt động và nhóm tình báo" của IS trong khu vực, một chỉ huy hàng đầu của IS, kẻ bị cáo buộc lên kế hoạch tấn công các cơ quan ngoại giao ở thủ đô Kabul.
Rất nhiều những cái tên gây kinh hoàng đã bị gạch chéo. Thế nhưng, nói như chính tướng Michael "Erik" Kurilla, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM): "Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi vẫn cam kết đánh bại IS trên toàn khu vực. IS vẫn là một mối đe dọa, không chỉ đối với khu vực mà còn trên toàn thế giới".
Từ đáy sâu nghèo đói và hận thù
Nhận định của Michael Kurilla cũng chính là sự quan ngại của giới quan sát quốc tế nói chung về khả năng tiêu diệt hoàn toàn những mầm mống hồi sinh của đoàn quân mang lá cờ đen chết chóc ấy.
IS, cũng như chủ nghĩa khủng bố quốc tế nói chung (đặc biệt là các tổ chức khủng bố mang tính chất cực đoan về tôn giáo), không tự nhiên sinh ra, cũng không phải không có lý do mà cứ mãi tiếp tục tồn tại. Chúng thoát thai từ lòng hận thù, từ những mâu thuẫn đối kháng về tín ngưỡng hay tôn giáo hoặc là tâm lý bài phương Tây (điều thực ra lại có căn nguyên sâu xa là sự áp đặt các hệ giá trị Thiên Chúa giáo Ki-tô, cũng như quá trình xúc phạm những tín điều Hồi giáo), từ cả những khoảng cách chênh lệch về mức sống trong xã hội, lẫn những khoảng trống quyền lực - tiền đề của rất nhiều tham vọng, điều đã được thể hiện ngay trong lòng thế giới Arab Hồi giáo Bắc Phi - Trung Đông đầu thập kỷ trước, sau khi cơn bão mang tên "Mùa xuân Arab" quét qua.
Hồi tháng 2/2023 này, sau trận động đất lịch sử tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và một phần Syria, các chuyên gia thuộc giới chức Syria đã lập tức bày tỏ sự lo ngại, về nguy cơ "có "hàng nghìn phần tử cực đoan đang ẩn náu dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và số này đang tìm cách thâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ hoặc tiến hành các vụ tấn công dọc biên giới hai nước". Họ đánh giá rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo đang tạo ra khoảng trống về an ninh đối với khu vực biên giới kéo dài 500 km và đây là cơ hội để các tổ chức khủng bố cực đoan như IS trỗi dậy tập hợp lực lượng.
Trong năm 2022, quân đội Mỹ và các lực lượng đối tác ở Iraq và Syria đã tiến hành 313 chiến dịch truy quét (trong đó 108 cuộc hành quân tảo thanh được tiến hành ở Syria và 191 chiến dịch ở Iraq), tiêu diệt và bắt sống hơn 1.000 tay súng IS. Song, theo thông cáo của CENTCOM, mặc dù IS đã suy yếu đáng kể nhưng tư tưởng của tổ chức cực đoan này chưa được kiểm soát. Chúng vẫn cần phải tiếp tục được "để tâm" trấn áp, thông qua những biện pháp hợp tác. Bởi chắc chắn, IS không ngừng chiêu nạp và tuyển mộ những thành viên mới.
Chưa nhà quan sát quốc tế nào quên, ngày 20/1/2022, IS đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất trong vòng 3 năm kể từ khi bị đẩy bật khỏi các đô thị lớn, với việc tấn công nhà tù Ghwayran ở thành phố Hasakeh, phía Đông Syria nhằm giải thoát thành viên, cuộc giao tranh khiến hơn 370 người thiệt mạng. Một động thái thể hiện rằng IS "đã lấy lại được động lực", theo cách nhìn của ông Damien Ferre, Giám đốc Công ty tư vấn Jihad Analytics.
Và, hiện tại, khi thế giới đang phân cực mạnh mẽ, những điều kiện để tổ chức khủng bố này đẩy mạnh hoạt động lại càng trở nên rõ ràng. Đơn cử, sự thiếu thốn tại những vùng đất nghèo đói của châu Phi (cả vùng Sahel Tây Phi lẫn khu vực Sừng châu Phi phía Đông, với rất nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo đang hình thành, do cả biến đổi khí hậu lẫn bất ổn chính trị) sẽ là "mảnh đất màu mỡ" để IS kích hoạt tâm trạng bất mãn trong xã hội, cài đặt vào đó tâm lý thù hằn và gieo rắc những tư tưởng cực đoan đầy tính chất bạo liệt.
Nhìn vào cách các đoàn công tác của những tổ chức nhân đạo thuộc Liên hợp quốc liên tiếp bị cướp phá ở Sudan, bất cứ ai cũng có thể hình dung được "sức nóng" của những đốm lửa mới manh nha này.
Song, trên tầm cao, mọi chuyện còn có thể trở nên tồi tệ hơn, với những xung đột ngày càng gay gắt giữa cộng đồng Hồi giáo và thế giới phương Tây. Chúng ta đang nói đến làn sóng phẫn nộ lan tỏa khắp các quốc gia Trung Đông và khắp các cộng đồng tín đồ Hồi giáo trên thế giới, khi liên tiếp những sự vụ bị xem là báng bổ Kinh Koran (kể cả đốt bộ kinh thiêng liêng này của Hồi giáo) hiện hữu tại hai quốc gia: Đan Mạch và Thụy Điển.
Thậm chí, ngày 31/7, tại hội nghị trực tuyến của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Iran đã kêu gọi các nước Hồi giáo hạ thấp hoặc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thụy Điển và Đan Mạch nếu những sự vụ ấy tái diễn. Đây thực sự là một bài toán hóc búa đối với hai nước Bắc Âu và thế giới phương Tây nói riêng, khi trước đây họ đã luôn chấp nhận những hành động (bị đánh giá là khiêu khích và phỉ báng) như thế, với sự xác nhận rằng đó quyền tự do cá nhân hợp hiến.
Và, chắc chắn, IS sẽ "tận dụng" lỗ hổng của quyền tự do đó, để tự nuôi lớn mình trở lại bằng những nỗi căm phẫn và trở lại trong hình dạng của những đoàn quân hoặc chỉ là những con "sói đơn độc" điên cuồng.
Vì thế, dù người kế vị thủ lĩnh vừa bị tiêu diệt là ai thì hướng đi ấy vẫn sẽ không thay đổi...
FBI bắn hạ đối tượng từng đe dọa ám sát ông Biden Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã nổ súng tiêu diệt Craig Robertson - đối tượng từng đe dọa ám sát ông Biden và nhiều quan chức Mỹ. Theo CNN, trong ngày 9/8, các đặc vụ FBI đã thực hiện lệnh khám xét và bắt giữ đối với Craig Robertson ở thành phố Salt Lake, bang Utah. Trong quá trình thực hiện...