Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo: Những vấn đề phải khắc phục
Thực hiện công tác kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng tại một số trường ĐH-CĐSP, theo Kế hoạch số 225/KH-BGDĐT (ngày 17/4/2018) của Bộ GD&ĐT và Kế hoạch số 677/KH-QLCL của Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD&ĐT. Ngày 7 và 8/5 vừa qua, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT tiếp tục tiến hành công tác kiểm tra tại Trường ĐH Sài Gòn và Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc với Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Theo TS Trần Văn Kiên – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Trưởng đoàn công tác số 3, hoạt động kiểm tra lần này để xác định năng lực đào tạo thực tế của các trường, đánh giá việc công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng chủ yếu của cơ sở đào tạo trước kỳ tuyển sinh.
Qua đó, yêu cầu các cơ sở đào tạo công khai minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường theo đúng thực tế, giúp cho thí sinh và gia đình có căn cứ lựa chọn trường để đăng ký theo học cũng như để cung cấp thông tin cho xã hội biết và giám sát.
TS Trần Văn Kiên- Cục phó Cục đảm bảo chất lượng, trưởng đoàn kiểm tra phòng ốc học tập của sinh viên tại Trường ĐH Sài Gòn
Tại buổi làm việc với Trường ĐH Sài Gòn, báo cáo về các hoạt động đảm bảo chất lượng của nhà trường với Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, bà Lê Chi Lan – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hiện đào tạo 6 khối ngành, nhóm ngành (chưa tính chương trình đào tạo sau ĐH) với tổng số quy mô là 12.261 sinh viên và 1.055 học viên thạc sĩ.
Chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh theo các khối ngành, nhóm ngành của trường năm 2018 là 4.000 sinh viên, nâng tổng quy mô dự kiến của nhà trường lên 13.863 sinh viên năm 2018. Tổng số cán bộ giảng viên cơ hữu của trường là 527 người, trong đó có 14 PGS, 127 TS và 365 thạc sĩ. Số giảng viên thỉnh giảng của trường là 67 với 1 GS, 4 PGS, 15 TS và 43 thạc sĩ…
Kiểm tra thực tế và đối sánh các số liệu nhà trường cung cấp cho thấy, nhà trường hiện có 81 phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng thực tập và nhà đa năng với tổng diện tích 7.252m2; tổng diện tích sàn xây dựng của phòng học, thư viện, trung tâm học liệu… là 32.535m2, đáp ứng quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT về tỷ lệ sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học trên sinh viên.
Tổng diện tích đất thuộc sở hữu của nhà trường ĐH Sài Gòn hiện tại chỉ mới có 59.277 m2, so với quy mô sinh viên rất lớn thì chưa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí 9.7 trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Bộ GD&ĐT. Đoàn kiểm tra đề nghị nhà trường cần tích cực hơn để được bổ sung đất, đảm bảo diện tích đất hoạt động trong thời gian tới.
Đánh giá số giảng viên cơ hữu (bao gồm cả giảng viên môn chung), giảng viên thỉnh giảng sau quy đổi của nhà trường đảm bảo các tiêu chí đảm bảo chất lượng. Tuy vậy, ở hai Khối ngành III và Khối ngành VII (với tổng số 7.598 sinh viên), tổng số giảng viên sau khi quy đổi để tính xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 (tỉ lệ sinh viên/giảng viên) khá tiệm cận so với năng lực giảng dạy theo quy định (25 sinh viên/giảng viên).
Đoàn công tác yêu cầu nhà trường nên có kế hoạch tuyển dụng giảng viên cho 2 khối ngành này, hoặc ổn định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 và các năm tiếp theo.
Video đang HOT
Đoàn trực tiếp xuống công trình đang xây dựng của Trường ĐH Sài Gòn để kiểm tra tổng quy mô, diện tích và tiến độ xây dựng
Trong ngày làm việc với Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã làm việc với Ban giám hiệu, các phòng chức năng của nhà trường về các mặt như: công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và hồ sơ về công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
TS Phan Ngọc Sơn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hiện có 281 GV cơ hữu với 1 GS, 12 PGS, 36 TS và 174 Thạc sĩ. Số GV thỉnh giảng của nhà trường là 31 người (2 TS và 29 ThS) trên tổng quy mô sinh viên đào tạo là 4.873 sinh viên. Chỉ tiêu dự kiến tuyển sinh năm 2018 của trường là 2.565 sinh viên. Tổng diện tích đất nhà trường đang sử dụng là 40.110m2.
Đối chiếu với hồ sơ thực tế, Đoàn kiểm tra nhận thấy nhà trường còn khai thiếu một số hạng mục sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo: Đề án tuyển sinh mới chỉ kê khai 16.612 m2 nhưng thực tế diện tích này của nhà trường là 28.843 m2. Về diện tích đất thuộc sở hữu của nhà trường cũng cần phải điều chỉnh lại cho khớp với số liệu ghi trên sổ đỏ 36.131m2.
Với tổng quy mô thực tế năm 2017 là 4.873 sinh viên thì diện tích sàn xây dựng/ sinh viên đạt 5,92 m2/SV, đáp ứng quy định tại Thông tư số 32/2015/TT-BGD&ĐT (quy định là 2,5 m2/SV). Với tổng quy mô dự kiến năm 2018 là 6.291 sinh viên thì diện tích sàn xây dựng/ sinh viên đạt 4,58 m2/SV, đáp ứng quy định tại Thông tư số 06/2018/TT-BGD&ĐT (quy định là 2,8 m2/SV).
Về tỉ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi của nhà trường, Đoàn kiểm tra nhận thấy ở một vài khối ngành nhà trường đang xác định chưa phù hợp với năng lực thực có. Tính toán quy mô đào tạo theo số giảng viên quy đổi thực tế cho năm 2018, Đoàn công tác nhận thấy năng lực đào tạo theo giảng viên quy đổi Khối ngành VI vượt 4%, Khối ngành VII vượt 15%.
Kiểm tra điều kiện làm việc, phòng ốc của cán bộ phòng Kiểm định chất lượng của Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai
Cụ thể, tổng số giảng viên sau khi quy đổi Khối ngành VI để tính xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 là 21,45. Với quy mô dự kiến Khối ngành VI là 335 SV thì tỉ lệ sinh viên/giảng viên Khối ngành VI đạt 15,62 SV/GV (vượt hơn so với quy định là 15 SV/GV). Tổng số giảng viên sau khi quy đổi Khối ngành VII để tính xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 là 27,83. Với quy mô dự kiến Khối ngành VII là 802 SV thì tỉ lệ sinh viên/giảng viên Khối ngành VII đạt 28,81 SV/GV (vượt hơn so với quy định là 25 SV/GV).
Vì vậy, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT yêu cầu nhà trường xác định lại chỉ tiêu 2 khối ngành này phù hợp với năng lực đào tạo và sớm tuyển dụng giảng viên theo kế hoạch để nâng cao năng lực đào tạo.
Đánh giá sơ bộ về công tác kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng tại 4 trường mà Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã làm việc, TS Trần Văn Kiên – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, trưởng đoàn công tác số 3 cho biết: Sau kiểm tra thực tế, Đoàn nhận thấy điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường về cơ bản được đáp ứng. Tuy nhiên các trường vẫn cần phải bổ sung, hoàn thiện, nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về của xã hội trong thời gian tới.
Điển hình như tại Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, dù là trường còn khá non trẻ (mới đào tạo đại học được 6 năm) nhưng điều kiện cơ sở vật chất, môi trường học tập của sinh viên, không gian trải nghiệm, NCKH của GV và sinh viên là rất tốt.
Chiến lược đào tạo, nâng cao chất đội ngũ của trường 3 năm qua là khá thực tế khi đã cử trên 20 GV đi nước ngoài học ThS, TS. Tỉ lệ sinh viên có việc làm của nhà trường là khá cao (sinh viên năm 3 &4 của trường đã đi thực tập, có lương). Một số ngành có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao như Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (92,63%), Công nghệ thực phẩm (98,46%).
Hay như Trường ĐH Bách Khoa TPHCM (thuộc ĐHQG TPHCM) là một đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Trường không chỉ có rất nhiều chương trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn của các tổ chức quốc tế và khu vực có uy tín như ABET, AUN-QA, CTI, ACBSP… mà còn đạt chuẩn kiểm định cấp cơ sở theo AUN-QA và HCERES.
Kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ thực hành, nghiên cứu học tập của sinh viên
“Những minh chứng cụ thể bằng kết quả kiểm định cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, bằng việc công khai minh bạch về điều kiện đảm bảo chất lượng cho toàn xã hội biết và giám sát cho thấy công tác đảm bảo chất lượng của các trường đang ngày càng được quan tâm và rất đáng ghi nhận”- TS trần Văn Kiên đánh giá.
“Qua công tác kiểm tra, điều chúng tôi nhận thấy là các trường đã ý thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục để từng bước hình thành văn hóa chất lượng bên trong nhà trường” – TS Trần Văn Kiên.
Anh Tú
Theo giaoducthoidai.vn
Kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng Trường ĐH Duy Tân
Ngày 7/5, Đoàn kiểm tra số 2 (Bộ GD&ĐT) đã có cuộc kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).
Các thành viên Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng Trường ĐH Duy Tân.
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Trưởng đoàn Kiểm tra số 2 (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hoạt động kiểm tra lần này nhằm xác định năng lực đào tạo thực tế của trường nhằm công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng chủ yếu trước kỳ tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình trong việc lựa chọn trường để đăng ký theo học và cung cấp thông tin cho xã hội biết và giám sát.
Báo cáo về các điều kiện đảm bảo chất lượng chung của nhà trường, TS. Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Duy Tân cho biết: Tính đến nay, Trường ĐH Duy Tân có 793 giảng viên cơ hữu. Trường có 187 phòng học, 98 phòng thí nghiệm, thực hành, 2 thư viện. 100% phòng học trang bị máy chiếu, máy điều hòa nhiệt độ phục vụ người học. Tổng diện tích sàn xây dựng của nhà trường là 64.167 m2, trong đó diện tích trực tiếp phục vụ đào tạo là 55.167 m2, bình quân diện tích sàn xây dựng/sinh viên là 3,0 m2/sinh viên.
TS. Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Duy Tân báo cáo về các điều kiện đảm bảo chất lượng chung của nhà trường với Đoàn kiểm tra.
Năm học 2017-2018, quy mô đào tạo của trường có 16.675 sinh viên đại học chính quy, 713 học viên, nghiên cứu sinh và 1.499 sinh viên hệ liên thông. Bình quân mỗi năm học số sinh viên bỏ học từ 6%-7% vì kết quả học tập và khó khăn về kinh tế. Có hơn 94% sinh viên có việc làm 6 tháng sau khi tốt nghiệp.
So với năm 2017, năm 2018 chỉ tiêu tuyển sinh của trường không thay đổi và trường chính thức dừng tuyển sinh trình độ cao đăng hệ chính quy và hệ cao đăng nghề. Tháng 1/2017, Trường ĐH Duy Tân được công nhận đạt kiểm định chất lượng bởi Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (CEA-AVU&C).
Sau khi tiến hành kiểm tra, ra soát, đối chiếu, so sánh các thông tin cụ thể, chi tiết và đối chiếu với các quy định hiện hành, TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Trưởng đoàn Kiểm tra số 2 (Bộ GD&ĐT) đánh giá cao công tác kiểm định chất lượng giáo dục và các điều kiện đảm bảo chất lượng của Trường ĐH Duy Tân.
TS. Phạm Như Nghệ, cho hay: Qua kiểm tra thông tin kê khai và kiểm tra thông tin thực tế, Đoàn kiểm tra nhận thấy là một trường đại học tư thục nhưng công tác kiểm định chất lượng giáo dục của Trường ĐH Duy Tân được triển khai từ rất sớm (năm 2007) và đã có kế hoạch đăng ký thực hiện kiểm định, đánh giá ngoài trong thời gian đến.
Số liệu về khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp khá chính xác. Các điều kiện đảm bảo chất lượng cũng được nhà trường thực hiện khá tốt, nhất là về điều kiện tỷ lệ sinh viên/giảng viên, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đảm bảo cho công tác tuyển sinh năm 2018.
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Trưởng đoàn Kiểm tra số 2 (Bộ GD&ĐT) cùng các thành viên trong đoàn làm việc với lãnh đạo và các phòng, ban chức năng ĐH Duy Tân.
Phó Vụ trưởng Phạm Như Nghệ lưu ý nhà trường cần tiếp tục rà soát lại toàn bộ hồ sơ giảng viên, thông tin cụ thể về hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng giảng viên vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia giáo dục đại học.
Các văn bản về công tác kiểm định chất lượng giáo dục của nhà trường cần được thực hiện lưu trữ thống nhất, đảm bảo tính đầy đủ. Các giảng viên có văn bằng đào tạo ở nước ngoài cần tiến hành làm thủ tục công nhận của Cục Quản lý chất lượng. Các văn bằng tốt nghiệp của sinh viên nhà trường cần phải được Hiệu trưởng ký cấp bằng.
Thay mặt lãnh đạo nhà trường, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân tiếp thu những góp ý, khuyến nghị của Đoàn kiểm tra trong công tác đảm bảo chất lượng đối với nhà trường. Nhà trường luôn nhìn nhận rằng, công tác kiểm tra đã giúp trường có sự nhìn nhận khách quan hơn về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, cũng như tình hình hoạt động của mình. Qua đó, nhà trường có những giải pháp, hướng điều chỉnh, thay đổi nhằm khắc phục, bổ sung và kiện toàn các điều kiện hoạt động nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.
Đại Thắng
Theo giaoducthoidai.vn
Hiệu quả từ việc chủ động triển khai công tác kiểm định Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) là một trong những cơ sở đào tạo tại miền Trung được Tổ công tác lựa chọn trong Chương trình kiểm tra. Công tác kiểm tra do Đoàn kiểm tra số 2 (Bộ GD&ĐT) thực hiện, TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ GD ĐH - làm Trưởng đoàn. Báo cáo về các điều kiện...