Công khai điểm thô là không cần thiết (!)
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc công bố dữ liệu điểm thô có thể khiến một số cá nhân lợi dụng không vì mục đích chung của kỳ thi
Dữ liệu kỳ thi THPT quốc gia từ các hội đồng chấm thi đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) gấp rút cập nhật để công bố cho thí sinh (TS).
Không công bố danh sách TS trúng tuyển
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, phổ điểm năm nay cao hơn so với kỳ thi ĐH năm 2014 vì với đề thi năm nay, nếu học sinh làm được 60% kiến thức cơ bản thì cũng tương đương như năm ngoái làm được 100% đề thi tốt nghiệp.
Video đang HOT
Tại cuộc họp sáng 21-7, ông Bùi Văn Ga khẳng định Bộ GD-ĐT sẽ không công bố công khai dữ liệu điểm thô của các thí sinh. Lý giải về việc này, ông Ga cho hay, với việc công bố dữ liệu thô không giúp TS biết mình đậu tốt nghiệp hay có đủ điểm xét tuyển ĐH, CĐ hay không vì còn phụ thuộc vào hội đồng xét tốt nghiệp phổ thông và kết quả rèn luyện tại trường phổ thông. Khi đủ điều kiện mới có thể trúng tuyển chứ không như mọi năm, vì thế việc công bố dữ liệu thô là không cần thiết.
Chấm thi tại Trường ĐH Sài Gòn Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Ga cũng nói thêm việc công bố dữ liệu thô sẽ khiến một số trường sẽ dùng dữ liệu này để gửi giấy báo đối với những TS không có nguyện vọng vào trường mình, rất phản cảm. Cũng có thể có một số cá nhân lợi dụng việc công bố dữ liệu thô này với mục đích khác, không vì mục đích chung của kỳ thi. “Bộ GD-ĐT quyết định quản lý trực tiếp cơ sở dữ liệu này để bảo đảm an toàn, bảo mật tuyệt đối trên hệ thống, không ai được sửa chữa, đụng chạm vào dữ liệu này. Tuy nhiên, các cơ quan báo – đài có thể liên kết với cơ sở dữ liệu này để phổ biến rộng rãi cho TS truy cập cơ sở dữ liệu trên hệ thống của bộ qua mật khẩu, số báo danh. Việc truy cập cơ sở dữ liệu này là hoàn toàn miễn phí và các đơn vị báo chí được quyền nhúng dẫn đường link tra cứu cũng không mất phí” – ông Ga nói.
Liên quan đến các dữ liệu khác của kỳ thi như tỉ lệ TS trúng tuyển cả nước, tỉ lệ tốt nghiệp THPT, tỉ lệ tốt nghiệp ở các địa phương, tỉ lệ tốt nghiệp ở các cụm do ĐH chủ trì, tỉ lệ tốt nghiệp do các Sở GD-ĐT chủ trì, Thứ trưởng Ga cho biết những dữ liệu này sẽ được công bố công khai. Tuy nhiên, sẽ không công bố danh sách các TS trúng tuyển vì mỗi TS đều được cấp 1 mã số báo danh, mật khẩu để biết thông tin của mình. Nếu TS không truy cập được bộ sẽ gửi giấy báo kết quả thi về cho TS.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD-ĐT, nói thêm dữ liệu của hơn 1 triệu TS thì tính bảo mật rất quan trọng. Trước ý kiến của một số báo – đài cho rằng mọi thông tin dữ liệu về kỳ thi quốc gia vừa qua có thể công khai được và điều đó có lợi cho TS, ông Mai Văn Trinh cho rằng Bộ GD-ĐT hoàn toàn công khai, chỉ là chọn hình thức công khai khác. “Tất cả các TS đều có thể biết kết quả thi của mình là công khai. Chúng ta đang đổi mới giáo dục, tính riêng tư của TS là điều quan trọng” – ông Trinh nói.
Cơ hội lớn từ đợt xét tuyển đầu tiên
Để bảo đảm chất lượng tuyển sinh, sau khi có kết quả thi của TS trên toàn quốc, bộ sẽ có quy định về ngưỡng tối thiểu để xét tuyển ĐH, CĐ trước ngày 30-7. Dựa vào ngưỡng này, các trường sẽ thông báo điều kiện xét tuyển vào các ngành khác nhau của trường mình để ngày 1-8 TS bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường. Để tránh những lúng túng trong việc xét tuyển của năm đầu đổi mới tuyển sinh, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, kinh nghiệm của những mùa tuyển sinh 3 chung trước cho thấy phần lớn các trường đều tuyển được đến 70% chỉ tiêu ngay từ đợt tuyển đầu tiên, thậm chí có trường tuyển đủ ngay từ đợt đầu. Vì vậy, TS cần thận trọng trong đợt xét tuyển đầu tiên vì đợt này tỉ lệ ảo rất ít do mỗi TS chỉ nộp đơn xét tuyển vào 1 trường, cho dù có tới 4 nguyện vọng vào trường đó.
“Tôi có lời khuyên là các TS nên suy nghĩ cẩn thận, lựa chọn trường vừa tầm, phù hợp kết quả thi của mình ngay từ lần xét tuyển đầu tiên. Trong đợt xét tuyển bổ sung thứ 2, mỗi TS có tới 3 giấy báo kết quả thi nên số đơn ảo rất lớn, khó cho TS lựa chọn trường và ngành phù hợp” – ông Ga nói.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói thêm: Bộ đã quy định cứ 3 ngày, các trường phải thông báo số liệu nộp hồ sơ xét tuyển. TS sẽ theo dõi những thông tin này trên trang điện tử của trường để biết mình có đỗ hay không, từ đó quyết định rút hồ sơ hay tiếp tục nộp hồ sơ vào trường đó. Tuy nhiên, TS nên hết sức bình tĩnh và cân nhắc lựa chọn trường bởi nếu quyết định thay đổi nguyện vọng thì phải đích thân TS hoặc người nhà rút hồ sơ thì mới lấy được giấy báo kết quả để nộp vào trường khác, như vậy việc rút hồ sơ sẽ phức tạp hơn.
“Việc các trường đưa ra ngưỡng chính xác cũng là để đề cao uy tín của nhà trường và thể hiện tinh thần trách nhiệm của trường với TS và xã hội” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá.
Cảnh giác với việc mời gọi tra cứu điểm thi
Chiều 21-7, Bộ GD-ĐT đã có thông báo cho biết hiện bộ này đang cập nhật dữ liệu kỳ thi THPT quốc gia từ các hội đồng chấm thi nên chưa có dữ liệu để TS tra cứu. Sau khi xử lý dữ liệu, bộ sẽ thông báo trên trang http://thi.moet.gov.vn và trên các trang báo điện tử đã đăng ký kết nối với bộ. Bộ cũng lưu ý hiện có một số thông tin và trang mạng mời gọi tra cứu điểm thi đều không đúng. Bộ GD-ĐT thông báo để TS và nhân dân cảnh giác, đề phòng.
Theo NLĐO