Công khai để chặn bớt nạn lạm thu tại các trường học
Mùa tựu trường năm nay, bên cạnh những âu lo mới về sự an toàn của học sinh mùa dịch COVID-19 và các tai nạn liên tiếp xảy ra trong khuôn viên trường học, phụ huynh lại tiếp tục đối diện với mối lo trường kỳ là tình trạng lạm thu, loạn thu tiền trường.
Tệ nạn này tồn tại công khai, kéo dài ở nhiều nơi, tiếng kêu than của phụ huynh nghèo, cận nghèo phải chạy ăn từng bữa như rơi vào chốn thinh không.
Đồng hành với nạn lạm, loạn thu là tình trạng kinh doanh trong trường học cũng ngày càng phát triển, kiểu như biến nhà trường thành “chợ… trường”, bởi đủ kiểu bán mua trá hình. Bán từ vở, bán sách giáo khoa, sách tham khảo, sách hướng dẫn, bán dụng cụ học tập, bán bìa bao, nhãn vở; bán đồng phục, bán logo, bảng tên…
Có không ít trường, đặt bày ra quy định như thể “luật con” trong nhà trường, để biến học trò thành khách hàng bất đắc dĩ. Chẳng hạn, đồng phục học sinh thì bày ra khác kiểu, khác màu, thêm đai, thêm cầu vai…; đặt cả ra quy định đồng phục giày, dép, cặp, mũ; bày luôn ra “đồng phục…vở” (bìa có hình ảnh do trường phối hợp với nhà buôn để in)…
Lễ khai giảng năm học mới tại một trường học ở thành phố Nha Trang, Khánh Hoà. Ảnh: Đại Đoàn kết
Trong sản xuất, kinh doanh thì trẻ em, học sinh là nhóm khách hàng luôn được các nhà sản xuất, kinh doanh quan tâm. Còn ngành giáo dục các cấp và trường học là nơi tập trung, quản lý, có thể tác động, chi phối phân khúc khách hàng đặc biệt này. Trường học, ngành giáo dục các cấp vì thế đã trở thành thị trường, mà các nhà kinh doanh muốn tìm cách “xông vào”.
Video đang HOT
Không ít quyết định, công văn của ngành giáo dục và trường học mang bóng dáng của sự “xông vào” này. Hiện trạng hợp tác, tài trợ biến hóa và phát triển nở rộ trong lĩnh vực giáo dục, trường học ở nhiều nơi từ sau khi có Thông tư 29/2012 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 10.9.2012.
Đến năm 2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành Thông tư 16/2018 ngày 3.8, để thay thế, điều chỉnh, hạn chế những bất cập, khả năng “vượt rào” trong các hoạt động “tài trợ cho các cơ sở giáo dục”, quy định tại thông tư ban hành từ năm 2012. Thế nhưng, cho đến nay, những tiếng kêu của phụ huynh ở không ít nơi về nạn lạm thu, loạn thu đủ kiểu với học sinh vẫn chưa dứt.
Ngay đầu năm học 2020 – 2021, nhiều phụ huynh một số nơi vẫn còn phản ứng gay gắt việc bị lạm thu, bị nhà trường lập lờ bắt buộc mua sách giáo khoa kèm trọn bộ sách tham khảo dành cho học sinh lớp Một theo chương trình giáo dục mới.
Trong nhiều năm, Bộ và Sở Giáo dục và đào tạo nhiều nơi đều có những văn bản chỉ đạo, quy định nhằm ngăn chặn các tình trạng kể trên nhưng đến nay vẫn chưa dứt kêu ca, phản ứng của phụ huynh… Phải chăng, các cấp quản lý giáo dục và đào tạo đã “bó tay”, “hết phép” để xử lý dứt điểm vấn nạn này?
Thực tế cho thấy không hẳn vậy. Tại Khánh Hòa, từ mấy năm qua, nạn loạn quy định đồng phục và nạn bán sách, vở, dụng cụ học tập… ở hầu hết trường học trong toàn tỉnh đã được khống chế hiệu quả. Kể từ năm 2014, Sở Giáo dục và đào tạo Khánh Hòa đã có văn bản quy định cụ thể về đồng phục học sinh: yêu cầu các trường trong toàn tỉnh, trừ các trường ngoài công lập, thực hiện đồng phục học sinh theo kiểu truyền thống (quần hoặc váy màu xanh mực, áo trắng). Và, các đơn vị, trường học không tổ chức các dịch vụ may, bán quần áo học sinh, bán sách giáo khoa…
Khi chuẩn bị năm học 2020 – 2021, Sở Giáo dục và đào tạo Khánh Hòa ban hành văn bản “cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư 55/2011 ngày 22.11.2011 của Bộ Giáo dục và đào tạo”.
Đồng thời, trước khi các trường họp phụ huynh đầu năm học, ngày 11.9.2020, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Võ Hoàn Hải đã có văn bản chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trực thuộc trong toàn tỉnh “niêm yết công khai các khoản thu và phụ thu tại bảng tin, website của đơn vị và thông báo tất cả các khoản thu đến từng phụ huynh học sinh”.
Việc công khai tất cả các khoản thu của học sinh theo quy định, các khoản phụ thu, “thu hộ”…, kể cả các quy định, yêu cầu của nhà trường, của giáo viên từng lớp đối với học sinh liên quan đến tài chính, mua sắm lên trang website nhà trường hay lên trang thông tin của phòng Giáo dục và đào tạo là hoàn toàn có điều kiện thực hiện. Vì hiện nay, hầu như trường nào cũng có website, phòng Giáo dục và đào tạo nào cũng có trang thông tin.
Bắt buộc công khai nội dung thu tiền trong trường học như Khánh Hòa đang làm là một cách góp phần hạn chế, ngăn ngừa việc lợi dụng, lạm thu tiền học sinh tại các trường học. Dù rằng vẫn còn những quan chức, đơn vị tìm cách né tránh thực thi hoặc chỉ thi hành biện pháp công khai trên đây theo kiểu đối phó nhưng đó cũng là một kênh để nhận diện các trường hợp cần phải kiểm tra, xử lý nhằm mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người học. Nếu cách làm tích cực này của Khánh Hòa – và chắc là vài nơi khác nữa chưa thể kể hết – được nhân rộng ra thì nạn lạm thu, loạn thu trong trường học sẽ sớm được khắc phục triệt để.
Loạn sách giáo khoa và lạm thu
Trong khi vấn đề "bia kèm lạc" trong việc bán sách giáo khoa ở nhiều trường chưa kịp lắng xuống, thì vấn đề lạm thu các khoản "phí tự nguyện" lại tiếp tục làm "đau đầu" các phụ huynh.
Đợt họp phụ huynh đầu năm đang diễn ra, và theo phản ánh của nhiều phụ huynh, nội dung chính "không có gì ngoài việc yêu cầu phụ huynh đóng góp một số khoản "tự nguyện" với mức phí hàng triệu đồng"!
Phụ huynh thường yếu thế trong mối quan hệ với nhà trường.
Mới đây thôi, dư luận đã "dậy sóng" trước tình trạng "bán bia kèm lạc" - ám chỉ bán sách tham khảo kèm sách giáo khoa để kiếm lời, chủ yếu do ý thức của giáo viên, hiệu trưởng và đặc biệt là cấp quản lý phía trên. Câu chuyện này đã được đề cập nhiều năm nhưng "đâu lại vào đấy". Đến đầu năm học, phụ huynh vẫn phải mua bộ sách vài chục cuốn theo "gợi ý" của nhà trường. Mà không mua không được, bởi rất nhiều bài học được giáo viên sử dụng ở những sách tham khảo ấy.
Bây giờ lại đến câu chuyện lạm thu. Mặc dù nhiều địa phương đã đưa ra quy định không cho lạm thu, Bộ GD&ĐT cũng quy định rất rõ ràng về các khoản thu, nhưng nhiều trường vẫn không chấp hành. Đơn cử như tại trường tiểu học Lê Quý Đôn (phường 5, TP.Bạc Liêu), phụ huynh học sinh lớp 2 phải nộp cho nhà trường hơn 2 triệu đồng, chưa kể các khoản quỹ lớp, quỹ trường mang tính chất đóng góp do Ban đại diện cha mẹ học sinh thu.
Đây cũng là mức "tự nguyện đóng" đối với phụ huynh ở rất nhiều trường khác trên cả nước. Về hình thức, các khoản phí nói trên là "tự nguyện", bởi nó được Ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất, thậm chí có biểu quyết lấy ý kiến của cha mẹ học sinh tại buổi họp phụ huynh hẳn hoi, nhưng trong thâm tâm, đại đa số phụ huynh đều băn khoăn với câu hỏi "trường thu tiền làm gì mà nhiều thế?", và "lấy đâu ra tiền để đóng cho con?".
Đến đầu năm học, phụ huynh vẫn phải mua bộ sách vài chục cuốn theo "gợi ý" của nhà trường.
Đối với rất nhiều gia đình vùng nông thôn, 2 triệu đồng là số tiền quá lớn. Nó khiến nhiều gia đình thực sự "đuối" khi ngoài khoản đó, họ còn phải lo chi phí nhiều khoản khác để cho con đến trường.
Không khó để nhận ra một sự thật phía sau câu chuyện "bia kèm lạc" trong sách giáo khoa. Đó là rõ ràng những người làm giáo dục kiêm... bán sách đều có hưởng lợi nên họ mới "nhiệt tình" ép học sinh phải mua kèm sách tham khảo. Với vấn đề "lạm thu", thì sự thật còn được phơi bày một cách rõ ràng hơn. Rất nhiều khoản thu do Ban đại diện cha mẹ học sinh thu hộ đã không được sử dụng một cách minh bạch, không đúng mục đích.
Phụ huynh thường yếu thế trong mối quan hệ với nhà trường. Đa số cha mẹ học sinh đều đáp ứng các yêu cầu mua sắm, đóng góp mà giáo viên đưa ra. Số ít có thắc mắc nhưng cũng ngại "đi đến cùng" vì sợ con mình bị trù dập.
Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia giáo dục và nhà giáo lão thành đã lên tiếng đề nghị khi phát hiện trường hợp vi phạm, cơ quan quản lý phải xác định rõ trách nhiệm, cái sai thuộc về ai và có chế tài xử lý mạnh tay. Thậm chí đưa ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ quản lý (cụ thể là trưởng phòng giáo dục hoặc hiệu trưởng) và giáo viên nếu phát hiện cá nhân cố tình làm sai quy định.
Có lẽ, đó cũng là điều mà nhiều phụ huynh đã và đang nghĩ tới, nhưng... không dám nói ra!
Phải chấn chỉnh nhiều vấn đề nóng Năm học mới chỉ bắt đầu được 1 ngày, Bộ GD-ĐT đã phải ra 2 văn bản để yêu cầu các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh những sự vụ tưởng rất cũ là tai nạn trong trường học và lạm thu tiền trường, tiền sách. Tai nạn trong trường học là vấn đề nổi cộm xảy ra ngay trong ngày đầu tiên...