Công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm: Ai kiểm chứng?
Quy chế tuyển sinh đại học mà Bộ GD&ĐT vừa công bố đưa ra hai chỉ số bắt buộc phải công khai trong mùa tuyển sinh 2018.
Đó là tổng chi phí để đào tạo một sinh viên/năm và tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất. Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, việc này liệu có khả thi?
Khó thực hiện
Theo TS Phạm Thị Ly, chuyên gia về giáo dục đại học (ĐH), trước hết, cần ghi nhận nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong việc tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch thông tin ở cấp trường, là điều giới học thuật đã nhiều lần kêu gọi trước đây.
Tuy vậy, TS Ly cho rằng có vài vấn đề cần làm rõ đối với các chỉ số trên. Thứ nhất, chi phí đào tạo sinh viên được định nghĩa là bao gồm những khoản gì và không bao gồm khoản gì, ai kiểm chứng tính xác thực của những thông tin này?
Thứ hai, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được thu thập bằng phương pháp nào, “có việc làm” được định nghĩa cụ thể ra sao, ai là người thu thập và ai kiểm chứng?
PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc khảo sát bây giờ chỉ cần quan tâm mục đích có việc làm hay không, vì cơ cấu ngành nghề thay đổi nhanh chóng, liên tục. Tất cả kiến thức sau vài năm sẽ lạc hậu nên không nhất thiết phải làm đúng ngành.
“Hiện tại ở Mỹ, gần như 60% phải chuyển đổi công việc sau khi ra trường. Không ai nói trước điều gì. Trường định mở một số ngành để đón đầu hiệp định TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình dương) nhưng khi Tổng thống Donald Trump mới lên quyết định rút Mỹ khỏi TPP thì dừng lại hết, nên khó nói trước được hết”, ông Dũng cho hay.
Trong khi đó, từ năm 2009, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường ĐH phải thực hiện 3 công khai (chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, thu chi tài chính).
Trên website của mình, các trường đều công bố 3 chỉ số này. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, dù công bố 3 công khai, nhiều trường đưa lên số liệu “ma”, không ai kiểm chứng được. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường công bố thêm 2 chỉ số nữa, theo TS Phạm Thị Ly, là rất khó khả thi.
Sinh viên trường Đại học Thương mại. Ảnh: Hồng Vĩnh/Tiền Phong.
Video đang HOT
“E là yêu cầu này khó thực hiện được với những thông tin đáng tin cậy, vì hiện chưa có cơ chế nào kiểm chứng. Nếu những thông tin trên không thể kiểm chứng, có khi nó còn tạo ra tác dụng ngược”, TS Phạm Thị Ly nói.
Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục khác khẳng định mục tiêu trước mắt của các trường ĐH hiện nay, kể cả trường công lẫn tư, trường top trên và phía dưới vẫn là tìm mọi cách để thu hút được thí sinh có năng lực đến với mình. Vì vậy, sẽ rất khó để có thể yêu cầu các trường “nói thật”. Bởi với quy định học phí như hiện nay, các trường phải dựa vào số lượng sinh viên để có nguồn thu.
Cần cơ quan giám sát độc lập
Chia sẻ về chủ trương này của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng việc phải công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp là điều mà xã hội và sinh viên quan tâm sau khi ra trường. Do đó, các trường phải có nghĩa vụ công bố chỉ số này để người học biết.
Tuy nhiên, PGS cho biết từ kinh nghiệm của trường, công tác điều tra không thể dựa vào doanh nghiệp mà dựa vào hội cựu sinh viên.
“Trường có thành lập hội cựu sinh viên và chủ yếu điều tra khi sinh viên về nhận bằng sau 3 tháng tốt nghiệp hoặc gửi qua kênh email. Một năm, trường có một ngày hội cựu sinh viên trước lễ 20/11. Đây là dịp để trưởng khảo sát tỷ lệ có việc làm của người học”, ông Dũng cho hay.
Mặc dù vậy, theo PGS Dũng, không nên để các trường ĐH tự điều tra, khảo sát mà phải có cơ quan độc lập vừa làm công việc dự báo nguồn nhân lực, vừa khảo sát thực trạng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.
“Còn bây giờ, có trường ĐH tư thục hô 100% sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm thì tôi không tin”, ông Dũng nói.
PGS cũng khẳng định công tác dự báo của chúng ta còn kém. Phương pháp thống kê cũng rất quan trọng. Ví dụ, có trường ĐH chỉ minh chứng những sinh viên có việc làm, còn những người chưa có việc thì không đưa vào khảo sát.
TS Phạm Thị Ly cho hay những biện pháp “quản lý” dựa trên nguyên tắc áp đặt thay vì nhằm vào động lực nội tại của các trường, đều sẽ nảy sinh cách làm đối phó.
Đã có câu nói phổ biến ở các trường: “Bộ có chính sách, ta có đối sách”. “Đối sách” ở đây tức là cách thức đối phó. Tất cả những chính sách chưa hợp lý đều chứa sẵn các khe hở để lách.
Theo TS Ly, vấn đề là tư duy làm chính sách. Cho đến nay, những người làm chính sách mới chỉ chú trọng tới mối quan hệ hai chiều “cơ quan quản lý – đối tượng bị quản lý” tức bộ/cơ quan chủ quản và các trường, mà ít khi nghĩ tới vai trò của bên thứ ba. Đó là các tổ chức kiểm định độc lập (xin nhấn mạnh hai chữ độc lập), các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cũng như giảng viên/nhân viên/sinh viên của trường.
“Trách nhiệm giải trình có thể được áp đặt từ trên xuống bằng các chỉ thị, mệnh lệnh, quy định, nhưng nếu việc bảo đảm cho trách nhiệm giải trình được thực hiện chỉ dựa trên những cơ chế áp đặt ấy mà không có sự tham gia của các tổ chức, cơ quan, cá nhân có lợi ích liên quan và có khả năng chất vấn nhà trường, thì cũng khó mà có thực chất”, TS Phạm Thị Ly khẳng định.
Thứ nhất là chi phí đào tạo sinh viên được định nghĩa là bao gồm những khoản gì và không bao gồm khoản gì, ai kiểm chứng tính xác thực của những thông tin này?
Thứ hai, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được thu thập bằng phương pháp nào, “có việc làm” được định nghĩa cụ thể ra sao, ai là người thu thập và ai kiểm chứng?
Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong
Thoát cảnh thất nghiệp, sinh viên phải làm gì?
"Giỏi thực hành, sinh viên sẽ có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn và chủ động tách mình ra khỏi nhóm 20.000 người thất nghiệp", trưởng nhóm ĐH Giao thông Vận tải cho hay.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ trao giải Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2016 tại Đại học Giao thông Vận tải, Hà Nội.
Năm 2016, sinh viên các trường ĐH đã gửi về Bộ 279 đề tài thuộc 6 lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Y Dược, Khoa học Nông nghiệp, Khoa học Xã hội và Khoa học Nhân văn.
Qua hai vòng đánh giá với sự tham gia của gần 200 lượt giám khảo, 8 đề tài đã được trao giải nhất và 38 đề tài được trao giải nhì.
Nhóm sinh viên khoa Điện - Điện tử, ĐH Giao thông Vận tải nhận giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2016.
Trong 8 nhóm thí sinh đạt giải nhất, gây ấn tượng hơn cả là nhóm đề tài: "Nghiên cứu và xây dựng hệ điều khiển cho mô hình máy công cụ điều khiển số công nghệ cao" của nhóm sinh viên ĐH Giao thông Vận tải do Nguyễn Văn Hinh cùng các sinh viên khoa Điện - Điện tử thực hiện.
Trưởng nhóm Nguyễn Văn Hinh cho hay: "Nhóm nghiên cứu khoa học của ĐH Giao thông vận tải lựa chọn đề tài với mục đích đặt ra là có thể xây dựng một máy công nghệ cao cỡ nhỏ, có đủ chức năng cơ bản của một máy công nghệ cao thông thường để phục vụ mục đích học tập và nghiên cứu của sinh viên.
Máy có khả năng gia công chi tiết thật trên vật liệu mềm (thấp hơn nhôm). Máy công nghệ cao do nhóm xây dựng có giá thành thấp, các kết cấu cơ khí cũng như toàn bộ hệ thống điều khiển có thể dễ dàng tiếp cận để học tập và nghiên cứu (máy không đóng kín như máy thông thường nên sinh viên có thể quan sát toàn bộ máy, có thể học tập gia công, tìm hiểu và đưa ý tưởng phát triển máy cho cấu trúc cơ khí máy và hệ điều khiển). Đó chính là lý do mà chúng em chọn đề tài này".
Với đề tài này, nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học của ĐH Giao thông Vận tải mong muốn những máy công nghệ cao cỡ nhỏ có thể được nhân rộng tới các trường đại học, để quá trình học tập lý thuyết trên lớp của sinh viên bớt nhàm chán.
Quan trọng hơn là các bạn có thể gắn liền việc thực hành để sau khi sinh viên tốt nghiệp thực sự là những người làm việc có chất lượng bởi họ giỏi lý thuyết, tốt thực hành chứ không phải những người lý thuyết thì đọc vanh vách nhưng khi vận dụng vào làm lại vô cùng dở.
Mô hình "Nghiên cứu và xây dựng hệ điều khiển cho mô hình máy công cụ điều khiển số công nghệ cao".
"Giỏi thực hành sinh viên sẽ có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn và chủ động tách mình ra khỏi nhóm 20.000 sinh viên thất nghiệp.
Khi nhóm nghiên cứu đạt giải nhất NCKH cấp Bộ, chúng em rất vui và hãnh diện. Chúng em cũng thấy rất bất ngờ vì có nhiều nhóm trình bày tốt vòng chung khảo nhưng cũng tin tưởng rằng đề tài của mình là hoàn toàn xứng đáng", Nguyễn Văn Hinh cho hay.
Nhóm nghiên cứu đều là sinh viên khoa Điện - Điện tử, ĐH Giao thông vận tải HN. Vì vậy, khó khăn lớn nhất gặp phải là việc xây dựng kết cấu khung cho máy. Do đây là phần quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng gia công của máy.
Tuy nhiên, nhóm được sự hỗ trợ nhiệt tình từ thầy hướng dẫn là TS Nguyễn Văn Nghĩa. Thầy đã giới thiệu nhóm nghiên cứu tới thầy cô và sinh viên khoa cơ khí để có thể tìm hiểu trực tiếp, dần xây dựng lên khung máy.
Thầy hướng dẫn hỗ trợ nhóm rất nhiều về kiến thức chuyên ngành (Điện - Điện tử) để tìm hiểu các phương án và lựa chọn phương án phù hợp.
Bên cạnh đó, thầy còn hướng dẫn hỗ trợ về kiến thức, hướng dẫn cách tổ chức và thực hiện triển khai công việc. Nhóm có được kết quả bất ngờ như hôm nay một phần công lớn là của thầy.
Là trưởng nhóm, Nguyễn Văn Hinh cho hay: "Em rất mong đề tài sớm được đưa vào ứng dụng trong chương trình giảng dạy ở các trường ĐH và hy vọng vấn đề thực hành trong trường học được quan tâm hơn nữa. Bởi lẽ, mỗi chúng ta đều thừa hiểu tầm quan trọng của việc thực hành trong quá trình dạy và học.
Khó khăn nhất trong học tập đó là việc thực hành những kiến thức lý thuyết được học thì nhiều mà chưa có cái nhìn cụ thể về những điều mình đang học và không tạo được cảm hứng trong học tập nên sẽ hạn chế khả năng học hỏi của sinh viên".
Theo Hoàng Thanh / Infornet
Trường đại học sẽ được đánh giá theo 111 tiêu chí mới Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến trước khi ban hành Thông tư về quy định đánh giá chất lượng đối với các cơ sở giáo dục đại học. Mục đích của Thông tư này là đẩy mạnh công tác kiểm định, nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế, trong bối cảnh hội nhập quốc...