Công an đối mặt với các cuộc chiến sinh tử
Siêu lợi nhuận nên tội phạm ma túy không từ thủ đoạn nào, kể cả nổ súng vào cảnh sát ma túy.
Sảnh tầng một, trụ sở Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04) ở quận Thanh Xuân, Hà Nội dành một vị trí trang trọng để ghi danh các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy.
Dũng cãm hy sinh, không sợ hãi
Trên tấm bảng vàng đã có tên 24 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt giữa thời bình này. Có những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ, còn chưa kịp dẫn bạn gái về nhà giới thiệu với cha mẹ. có những chiến sĩ biết mình sắp được làm cha mà không kịp nhìn mặt con lúc con chào đời… Cuộc chiến quá ác liệt đã mang các anh đi mãi không về, chưa kể hàng trăm chiến sĩ bị thương trong quá trình làm nhiệm vụ.
Tấm bảng vàng ấy sẽ điền thêm tên của Thiếu tá Vi Văn Nhất, cán bộ Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, một chiều hè tháng 6-2019, lực lượng phòng, chống ma túy đón nhận tin buồn: Thiếu tá Vi Văn Nhất hy sinh khi truy bắt các đối tượng vận chuyển ma túy qua biên giới, hai chiến sĩ khác bị thương rất nặng vì trúng đạn của nhóm buôn “cái chết trắng”… Giữa thời bình nhưng máu vẫn đổ, nước mắt vẫn rơi.
Viết đơn xung phong về Cục CSĐT tội phạm về ma túy từ những ngày đầu mới thành lập (năm 1997), Đại tá Nguyễn Đức Thính, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04), đã tham gia điều tra, khám phá hàng trăm vụ án cho hay: Rất nguy hiểm.
Ông từng nhiều lần cải trang thành dân chơi để thâm nhập vào các đường dây, ổ, nhóm ma túy để phá án mà theo ông là chỉ cần sơ sẩy là mất mạng. “Tôi đã từng nhiều lần bị họ chĩa súng vào đầu vì nghi ngờ, chỉ cần mất bình tĩnh là xong! Những lúc ấy trinh sát phải khéo léo, bản lĩnh để xử lý mọi tình huống” – Đại tá Thính kể.
Ông cũng tham gia các vụ triệt phá băng nhóm tội phạm ma túy ở Hang Kia, Pà Cò (Hòa Bình), Lóng Luông (Sơn La) mà những người buôn bán ma túy biết rằng sẽ đối mặt với bản án rất nghiêm khắc nếu bị bắt nên điên cuồng chống trả bằng vũ khí nóng. “Chúng nã đạn điên cuồng về lực lượng chức năng. Trong một trận chiến giữa đêm khuya, chiến sĩ Đỗ Mạnh Linh đã bị các đối tượng bắn trọng thương và hy sinh, khoảng cách giữa tôi và anh ấy chỉ vài bước chân” – ông kể.
Chuyện cảnh sát ma túy uống thuốc chống phơi nhiễm xảy ra như cơm bữa. Đại tá Thính cũng không ngoại lệ. “Trong một lần truy bắt tội phạm ma túy, nghi phạm tìm cách uống thuốc tự tử. Để lấy lời khai, mở rộng vụ án, tôi nhanh chóng dùng tay bóp miệng để ngăn lại. Nghi can nhiễm HIV cắn tay chảy máu, phải uống thuốc chống phơi nhiễm” – ông kể.
Một lãnh đạo Cục C04 cho biết thực tế không ít cán bộ đến rồi xin đi vì không thể chịu nổi áp lực, những cuộc băng rừng hàng chục cây số trong trời mưa rét, những cuộc đấu súng sống còn và những chuyến công tác biền biệt. “Cảnh sát ma túy vừa khổ vừa đối mặt với quá nhiều hiểm nguy nên nhiều người xin chuyển đi…” – vị này nói.
“Những mất mát hy sinh không gì có thể đong đếm nhưng những hy sinh ấy không những không thể làm cán bộ, chiến sĩ lực lượng phòng, chống ma túy nhụt chí hay sợ hãi mà còn khiến chúng tôi mạnh mẽ hơn và có thêm quyết tâm đến cùng với tội phạm ma túy” – một trinh sát trẻ Cục C04 nói thay những chiến sĩ trẻ mới ra trường lựa chọn công tác trong lực lượng này.
Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng C04 (bìa trái), cùng các lãnh đạo kiểm tra số ma túy bắt giữ trong một chuyên án. Ảnh: HB
Tại trụ sở C04 dành một vị trí trang trọng ghi danh các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Ảnh: HB
Video đang HOT
Phá những chuyên án, thu hàng tấn ma túy
Nếu như những năm trước đây, vật chứng thu giữ được trong các chuyên án chỉ vài bánh heroin, vài chục, thậm chí vài trăm viên ma túy tổng hợp thì giờ đây vật chứng thu giữ được tính bằng tạ, bằng tấn, đủ thấy mức độ liều lĩnh, manh động của loại tội phạm này. Trước đây, những vụ án thu giữ tang vật lớn chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía bắc, còn hiện tại nó trải rộng ra khắp nước.
Sau khi lực lượng công an triệt phá sào huyệt ma túy ở Lóng Luông (Sơn La) thì trinh sát liên tục thu giữ những tạ, những tấn ở các tỉnh bắc miền Trung, miền Nam.
Sau vụ thu giữ hơn 6 tạ ma túy đá tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, lực lượng chức năng liên tiếp triệt phá những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn: Gần 900 bánh heroin, nửa tấn ketamin ở TP.HCM; 0,7 tấn ma túy đá ở Nghệ An…
Không những ma túy “khủng” thành phẩm bị bắt giữ trên đường mà nhiều “công xưởng” cũng bị phát hiện. Mới đây nhất, ngày 6-8, tại một nhà xưởng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đồng An Viên ở thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà (Kon Tum), Cục CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp với các đơn vị triệt phá xưởng sản xuất ma túy tổng hợp do người nước ngoài cầm đầu. Theo đánh giá bước đầu, với lượng tiền chất hóa chất thu giữ được, “công xưởng” có thể cho ra lò hơn 1 tấn ma túy tổng hợp. Đây được đánh giá là đường dây sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất từ trước đến nay bị ngăn chặn.
Theo thống kê, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2019, khoảng 7 tấn ma túy các loại đã được lực lượng chức năng chặn bắt, thu giữ. Con số này đã gấp hai lần so với cả năm 2018! Điều đó cho thấy tội phạm về ma túy, đặc biệt là tội phạm về sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp tăng nhanh, quy mô ngày càng lớn.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Theo Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng C04, để khám phá thành công một chuyên án, trinh sát phải kiên trì theo dõi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trời. Các trinh sát phải dầu dãi nắng mưa, đeo bám, nắm quy luật trước khi phá dỡ.
“Nếu để lọt một bánh heroin vào Việt Nam thì có vài người phải đi tù, thậm chí có đối tượng tử hình. Với lượng ma túy một năm vào Việt Nam như vậy thì có bao gia đình có người đi tù, bao người án tử hình. Chúng tôi không coi con số, thành tích là thi đua, mà phải làm thế nào để ngăn chặn ma túy và tội phạm ma túy. Chúng ta phải xóa bỏ điều kiện nảy sinh tội phạm” – ông các nói.
Ông cũng cho hay cuộc chiến với tội phạm ma túy rất cam go.Trong cùng một thời điểm, lực lượng chuyên trách quân số mỏng chỉ có thể dồn sức, căng mình đấu tranh ở một vài điểm nóng, khó có thể dàn quân đánh mạnh trong cả nước bởi “bóp chỗ này lại phình chỗ kia”.
Ma túy mang lại siêu lợi nhuận nên không thể lơ là trong phòng ngừa xã hội mà phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Tuyên truyền là biện pháp then chốt trong phòng ngừa nhưng hạn chế là còn dàn trải, cần đi vào chiều sâu; nâng cao nhận thức cho người dân (chú trọng đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới, học sinh, sinh viên) về kiến thức, pháp luật, tác hại của ma túy và phát động toàn dân tích cực tham gia phòng chống, cam kết “không sử dụng và không vi phạm pháp luật về ma túy”, tố giác tội phạm nhằm xây dựng môi trường xã hội lành mạnh; tuyên truyền cá biệt đối với các đối tượng có biểu hiện nghi vấn. Song hành vẫn là phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị lôi kéo phạm tội.
“Giảm cung, giảm cầu và giảm hại là ba trụ cột chính trong công tác phòng, chống ma túy, nếu chỉ tập trung đấu tranh sẽ không thể “hạ nhiệt” hiệu quả, bởi giải pháp bền vững còn phải chú trọng phòng ngừa, kêu gọi toàn xã hội tích cực chung tay” – cục trưởng C04 nói.
Nguy cơ tiềm ẩn về ma túy rất lớn
Cuộc chiến chống ma túy vẫn còn dai dẳng bởi mặc dù kết quả bắt giữ tăng cao nhưng nguy cơ tiềm ẩn còn nhiều, một số đường dây lớn chưa được bóc gỡ triệt để, biên giới trải dài, hiểm trở; lực lượng chuyên trách đấu tranh mỏng, thiếu trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại nên kiểm soát rất khó khăn.
Với đặc thù tội phạm ẩn và xu hướng hình thành nhiều đường dây, ổ, nhóm ma túy xuyên quốc gia có tổ chức chặt chẽ, manh động hơn, tính chất quốc tế hóa cao đòi hỏi lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo chính xác để chủ động trấn áp.
Cuộc chiến chống ma túy rất gian khổ, ác liệt, không chỉ của một ngành công an mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, từng gia đình…
Nếu như không phát hiện được lượng ma túy đó thì chúng ta hình dung xem nó sẽ gây tác hại như thế nào đến đời sống của xã hội, đến từng gia đình và thế hệ trẻ của chúng ta.
Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN
phát biểu tại diễn đàn Quốc hội ngày 4-9
Các chuyên án lớn của ngành công an năm 2019
Phá đường dây tín dụng đen lớn nhất Việt Nam
Tháng 2, Công an TP Thanh Hóa phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ công an tỉnh thực hiện bắt giữ 18 người liên quan đến đường dây cho vay lãi nặng thuộc Tập đoàn Tài chính Tín Nghĩa.
Liên tiếp các vụ ma túy cực khủng
Tháng 3, C04 phối hợp với các đơn vị phá chuyên án mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Lào về TP.HCM, thu giữ 300 kg ma túy đá trong kho hàng ở quận Bình Tân, TP.HCM.
Cũng trong tháng 3, Tổ công tác 363 cùng CSGT An Sương phát hiện 895 bánh heroin trên ô tô.
Tháng 5, Bộ Công an cùng nhiều đơn vị liên quan bắt kho hàng tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, thu giữ gần 500 kg ma túy đá.
Phá đường dây tổ chức đánh bạc 30.000 tỉ
Tháng 4, hơn 30 tổ công tác của Bộ Công an triệt phá đường dây đánh bạc xuyên quốc gia mà quy mô là có tới hàng trăm ngàn tài khoản của người chơi với lượng tiền cá cược lên tới 30.000 tỉ đồng.
Tháng 7, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ triệt phá nhóm người Trung Quốc hoạt động phạm tội sử dụng công nghệ cao tại TP Hải Phòng.
Phát hiện vụ xăng giả Trịnh Sướng
Tháng 5, Bộ Công an phối hợp cùng công an nhiều tỉnh, thành triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả có quy mô đặc biệt lớn do đại gia Trịnh Sướng cầm đầu.
Hiện công an đang tiếp tục điều tra.
T.PHAN
HOÀNG BẢO
Theo PLO
Vụ xăng giả đại gia Trịnh Sướng: Trách nhiệm không phải của riêng Bộ Công Thương
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh cho biết, ngay khi xảy ra vụ đường dây sản xuất xăng giả của đại gia Trịnh Sướng, Bộ cho kiểm tra và phát hiện một số vấn đề.
Chiều 15/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu tiếp tục tiến hành chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) chất vấn việc xử lý trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành, ngành chức năng thế nào khi để xảy ra nhiều vụ làm hàng giả như xăng dầu của đại gia Trịnh Sướng. Hai Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ Công Thương cùng tham gia trả lời câu hỏi trên.
Cụ thể, trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh đã chỉ ra sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng Ban 389 Quốc gia tại địa phương không kịp thời và hiệu quả, đặc biệt là trong việc tìm ra kẽ hở của luật pháp và kiểm soát chất lượng của các sản phẩm trên thị trường.
Bộ trưởng Công Thương - Trần Tuấn Anh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, xăng dầu là mặt hàng trọng yếu. Do vậy, các lực lượng kiểm soát tại địa phương đã được yêu cầu phối hợp cùng Ban chỉ đạo 389 để kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay khi xảy ra vụ đường dây sản xuất xăng giả của đại gia Trịnh Sướng, Bộ Công Thương cho kiểm tra và phát hiện một số vấn đề.
Cụ thể, Bộ trưởng Công Thương chỉ rõ, đó là việc không có sự phối hợp kịp thời hiệu quả của các lực lượng quản lý thị trường, lực lượng khoa học công nghệ với Ban 389 (ban chỉ đạo đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả và gian lận thương mại) tại địa phương để phát hiện kịp thời những mặt hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc đến quy định trong Luật tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Theo đó, Bộ Khoa học Công nghệ có nhiệm vụ chỉ đạo để kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, thực hiện những quy định cụ thể liên quan đến quy chuẩn của các mặt hàng xăng, dầu và dung môi trong pha chế.
"Quản lý thị trường có trách nhiệm thực hiện các kế hoạch kiểm tra về chất lượng xăng, dầu trên địa bàn cũng như lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, bộ trưởng cho rằng không có đủ điều kiện để phát hiện ra những hành vi được tổ chức một cách quy mô, tinh vi. Ngay cả việc phối hợp cũng không đảm bảo thực hiện được hết trên toàn bộ địa bàn do sự yếu kém của lực lượng địa bàn", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và cho rằng, chính do còn yếu kém các lực lượng đã không đủ điều kiện, trình độ để kiểm nghiệm, đánh giá để phát hiện những sai phạm của các đối tượng khi đưa lượng lớn xăng giả như vậy vào thị trường.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi công an tổ chức điều tra vụ điều chế xăng giả, Bộ Công Thương đã chỉ đạo để chấn chỉnh kịp thời hoạt động kiểm soát chất lượng xăng dầu tại các địa phương, trong đó có các lực lượng như Sở KHCN, quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 tại địa phương. Bộ cũng yêu cầu tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường một cách chặt chẽ, hiệu quả hơn.
"Kế hoạch đảm bảo chất lượng xăng dầu ở tại địa bàn, địa phương phải được làm chặt hơn nữa với trách nhiệm của các lực lượng có liên quan, bao gồm Bộ Khoa học Công Nghệ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và các địa phương", Bộ trưởng Công Thương nói.
Thông tin thêm về việc trên, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đồng tình với đánh giá Bộ trưởng Công Thương đưa ra.
Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, việc sản xuất hàng giả, hàng nhái đang có những diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, nhất là bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý, kiểm soát.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhận định, việc sản xuất hàng giả, hàng nhái rất phức tạp trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh như hiện nay.
"Sau một thời gian điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án buôn bán xăng giả thuộc doanh nghiệp của ông Trịnh Sướng. Vụ sản xuất xăng giả này đã diễn ra nhiều năm, có nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan, phạm vi cung cấp xăng giả rất rộng bao gồm các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên và đã lan ra một số địa phương phía Bắc. Quá trình điều tra vụ án cũng giúp cơ quan công an giải đáp được một số vấn đề, ví dụ như tại sao có tình trạng một số ôtô, xe máy đang lưu thông trên đường lại bốc cháy.Việc này cũng giúp các lực lượng có thêm kiến thức, kỹ năng để ngăn chặn các tội phạm trong lĩnh vực này." - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Hải Ninh
Theo kienthuc
Bộ Công an, Công Thương thông tin vụ ông Trịnh Sướng Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết từ vụ xăng giả của ông Trịnh Sướng đã giải đáp được tại sao các ô tô, xe máy đang đi trên đường tự nhiên bốc cháy thời gian qua. Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) chất vấn việc xử lý trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành, ngành chức năng như thế nào...