Con muốn tự tử, cha mẹ nên làm gì?
Theo một số chuyên gia tâm lý, những trẻ có ý định tự tử hay hành động bất thường như khóc nhiều, ở một mình, xa lánh mọi người. Cha mẹ nên chú ý những diễn biến tâm lý của con.
TS tâm lý Nguyễn Thị Minh – giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia – cho biết, trong quá trình tham vấn, chị thường gặp học sinh có ý định tự tử vì áp lực bài vở, gia đình không hạnh phúc. Các em thấy cuộc sống vô nghĩa, nặng nề nên muốn giải thoát.
Một số bạn khác có nhận thức hời hợt rằng “chết là hết”, nhưng không biết sẽ nảy sinh những vấn đề mới, như để lại sự dằn vặt cả cuộc đời cha mẹ.
Những dòng đầu tiên trong bức thư tuyệt mệnh của Thùy Trang (16 tuổi, Bình Phước). Nữ sinh tự tử vì kết quả học tập không như kỳ vọng. Ảnh: Người Lao Động.
Biểu hiện của học sinh có ý định tự tử
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên tâm lý Đại học Sư phạm TP HCM kể lại, một nữ sinh đã gửi lời cảm ơn anh vì nếu không có những tư vấn kịp thời, bạn ấy đã tự tử vì thất tình. Gần gũi với đời sống giới trẻ, câu chuyện này đã trở thành một trong những kỷ niệm đáng nhớ của thầy giáo trẻ.
TS Khắc Hiếu nhắn nhủ: “Bạn chỉ có một cuộc đời để sống, mà sống thì tất yếu phải có gió ngược. Đừng bật rễ một cách dễ dàng, sống một cách yếu ớt và chết một cách hèn nhát. Khi bế tắc, muốn tự tử, đừng bao giờ hỏi: Tôi đã mất gì? Hãy tự hỏi: Tôi vẫn còn gì?”.
Từ những kinh nghiệm trong quá trình tư vấn tâm lý, TS Nguyễn Thị Minh cho hay, học sinh có ý định tự tử thường biểu hiện căng thẳng, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, đau đầu, mệt mỏi, trí nhớ giảm, ít giao thiệp hoặc giao thiệp quá nhiều. Đó là những cảnh báo rối nhiễu dễ dàng nhận biết.
Tuy nhiên, một số học sinh khác lại nuôi dưỡng ý định tự tử bằng cách hủy hoại cơ thể để trải nghiệm những cơn đau đớn như tự rạch tay, chân.
Còn TS Vũ Thu Hương – giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội – nhận định: Thực tế, các em có ý định tự tử thường tự phát, nhưng không nhiều người dám hành động. Biểu hiện của bạn trẻ đang bế tắc là khóc nhiều, muốn ở một mình, có thái độ lạ với mọi người, đặc biệt là bạn bè. Nhiều em khi tự tử đã gọi cho bạn hoặc người thân thiết để chào vĩnh biệt.
Đây là những biểu hiện dễ nhận thấy, các bậc phụ huynh nên chú ý để theo dõi diễn biến tâm lý của con mình.
Nói yêu thương thay vì trách móc
Video đang HOT
“Ta luôn chăm chú vào thất bại, thổi phồng lên và tưởng tượng cuộc đời mình đã mất hết tất cả. Thực ra, ta chỉ mất đi một phần rất nhỏ mà thôi. Tay chân vẫn còn. Sự sống vẫn còn. Cơ hội vẫn còn. Thời gian vẫn còn. Người thân vẫn còn. Khi tất cả những thứ khác đã mất thì tương lai vẫn còn”.
TS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
Theo TS Hương, nếu cha mẹ phát hiện trẻ có ý định tự tử, để ngăn chặn kịp thời, điều cần thiết là ở bên con ngay lập tức. Thay vì trách móc, cha mẹ hãy nói chuyện để con bỏ ý định xấu.
Điều các em cần là lời khẳng định: Bố mẹ yêu con, dù thế nào cũng yêu quý con. Khi trẻ bình tâm trở lại, phụ huynh nên đưa con đi nghỉ, đề cập nguyên nhân tự tử với thái độ thoải mái, theo hướng tích cực để định hướng. Đặc biệt, người lớn cần nói cho con biết rằng, còn nhiều điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước.
“Ví dụ, nếu con tâm sự vì học không giỏi, cha mẹ cần nói rõ: Học hành chỉ là một góc nhỏ của con người thôi. Con học chưa tốt nhưng là đứa trẻ ngoan và cha mẹ rất hài lòng”, nữ TS nói.
Trường hợp cha mẹ không được con tin cậy, TS Nguyễn Thị Minh khuyên, phụ huynh nên liên hệ với những người thân như bạn bè, thầy cô, tìm hiểu lý do để giải tỏa. Tuy nhiên, bố mẹ không nên tiếp cận mối quan hệ của con để quản lý, hù dọa. Hãy đi bên con như một người bảo vệ âm thầm.
Theo TS Minh, từ xưa đến nay, gia đình luôn là cái nôi ươm mầm quan trọng của con người. Vì vậy, sự định hướng của cha mẹ góp phần ảnh hưởng lớn trong nhận thức của con cái.
Cha mẹ không nên áp đặt, hãy hướng con đi theo nhiều đường khác nhau. Ví dụ, nếu không giải được một bài toán, hãy dạy con cần hỏi cha mẹ, bạn bè, thầy cô… Tuyệt đối không nói những câu “không xứng đáng trong gia đình”, sẽ vô tình đẩy trẻ vào ngõ cụt.
TS Vũ Thu Hương lưu ý, đối với trường hợp con tự tử không thành bởi sự can thiệp của những người xung quanh, sau một thời gian, cha mẹ cần cần khuyến khích để con đề cập nguyên nhân, hành động, từ đó tháo gỡ tận gốc rễ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần thay đổi cách giáo dục và cư xử để con cảm nhận được mọi điều tốt đẹp và yêu cuộc sống. Cho các bé tham gia nhiều hoạt động như thể thao, sinh hoạt tập thể, hoạt động xã hội để thấy cuộc đời nhiều ý nghĩa.
Trả lời phỏng vấn Đài KING5, Lauren Davis, chuyên gia người Mỹ về phòng chống tự tử, cho biết: “Tỷ lệ tự tử cao rơi vào thanh thiếu niên ở độ tuổi 12 – 14. Các em trải qua thời kỳ tâm lý bất ổn, dễ suy sụp và lựa chọn cách giải quyết tiêu cực. Nguyên nhân tự tử thường là kết quả học tập không như mong muốn và bị bạn bè bắt nạt hoặc cô lập ở trường. Vì thế, phụ huynh, giáo viên cần quan tâm các em, phát hiện kịp thời những dấu hiệu của ý định tự tử.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ không nên quá chủ quan khi thấy con có kết quả học tập tốt. Nhiều em chịu áp lực lớn từ gia đình, luôn nỗ lực để thành công theo ý bố mẹ. Áp lực tâm lý ngày càng tăng dẫn đến bệnh trầm cảm. Căng thẳng kéo dài, chỉ cần một chuyện nhỏ cũng có thể gây tác động lớn khiến các em tự tử”.
Theo Zing
Hậu quả của việc làm nhục trẻ nơi công cộng
"Việc đánh, xé quần áo của trẻ giữa phố thường bắt nguồn từ sự bất lực của phụ huynh khi không biết đối phó với hành vi xấu của con như thế nào", TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Ngày 18/12, clip được đăng tải trên mạng xã hội, quay cảnh cậu bé gào khóc khi bị người phụ nữ dùng dao rạch nát ống quần. Sau đó, người này liên tục dùng gậy đánh đập cậu bé, dùng dây trói ngang hông, miệng không ngừng quát mắng chết đi, sống làm gì ô nhục...".
Qua tìm hiểu, người phụ nữ này là bà ruột cậu bé. Bố mất sớm, mẹ đi làm xa nên cậu được bà nuôi từ nhỏ. Bà hành xử như vậy sau nhiều lần cháu trốn học đi chơi.
Hình ảnh cắt từ clip.
Clip nhận được hơn 200 lượt chia sẻ và gần 1.000 bình luận. Trong đó, nhiều ý kiến phản đối cách hành xử của người bà. Bạn Nguyễn Thúy Quỳnh viết, "làm ơn tôn trọng con trẻ, hãy dùng những cách dạy bảo có văn hóa, đừng bạo hành hay xúc phạm trẻ".
Đồng tình với ý kiến trên, bạn Thành Huynh bình luận, như vậy không phải dạy con cháu, mà càng đưa bé vào sai lầm. Cháu bỏ học thì thiếu gì cách khuyên dạy, có cần phải làm nhục bé giữa đường vậy không?
"Ai chẳng thương con cháu, gặp trường hợp như vậy cũng bực, nhưng dạy như vậy là sai lầm trong cách giáo dục", bạn Ngọc Hà nêu quan điểm.
Cậu bé bị mẹ lột truồng đánh giữa phố từng gây xôn xao trong năm 2014.
Trước đó, những hành vi làm nhục trẻ em tại trường học hay trong gia đình cũng xuất hiện. Đa số vụ việc được phát giác nhờ chia sẻ của cộng đồng mạng.
Tháng 4/2015, cho rằng con trai 8 tuổi lấy trộm 100.000 đồng của bà nội đi chơi, một ông bố ở Nghệ An dùng móc áo bằng sắt đánh bầm dập cháu bé, gây thương tích 7%.
Trước đó, mạng xã hội cũng xuất hiện cảnh bố mẹ đánh con giữa nơi đông người, hay cậu bé ở Lạng Sơn bị mẹ lột hết quần áo đánh giữa phố.
Bạo hành vì bất lực
Theo TS Trần Thành Nam, giảng viên Tâm lý học lâm sàng Trẻ em và vị thành niên (ĐH Quốc gia Hà Nội), hành vi đánh, xé quần áo của trẻ vì phát hiện trốn học; hay lột truồng, đánh con giữa phố thường bắt nguồn từ sự bất lực của người lớn.
Bên cạnh đó, phụ huynh cảm thấy bị mất mặt, không kiểm soát được cảm xúc nên có hành vi bùng nổ mà chưa cân nhắc hậu quả. Thậm chí, một số người lớn còn tin rằng việc cho trẻ biết nhục, biết đến tận cùng xấu hổ thì chúng sẽ sợ và không mắc lỗi.
Tuy nhiên, TS Nam cho rằng, những cách ứng xử trên có thể mang lại hậu quả xấu cho trẻ: Trẻ học được một giá trị. Nếu ai đó làm mình xấu hổ hoặc mất mặt, mình có quyền làm nhục họ như cách bố mẹ làm với mình là xé quần áo, đánh trước sự chứng kiến của đám đông.
Bản thân trẻ từng trải nghiệm sự xấu hổ (bị lột quần áo) là một tổn thương. Nếu những việc đó được ghi lại, chia sẻ lên mạng, mỗi lần có người like là một lần đứa trẻ phải trải nghiệm lại sang trấn tâm lý đó. Sự lặp lại sẽ gây tổn thương lòng tự trọng của bé.
Từ cái nhìn định kiến của những người khác, trẻ sẽ gắn nhãn mình là đứa không ra gì, không thể nào khá lên được, mình xứng đáng bị người khác đối xử như vậy vì đến bố mẹ còn làm như thế với mình.
Cách hành xử khi con không nghe lời, trốn học
Từ phân tích trên, TS Trần Thành Nam cho rằng, "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", bố mẹ phải phân tích kỹ việc con không nghe lời hay trốn học do đâu?
Có thể con không nghe lời do chính bố mẹ cũng đưa ra các yêu cầu bất khả thi với hoàn cảnh và năng lực của con. Có thể trẻ trốn học vì môi trường không mang lại được sự chia sẻ và an toàn. Vì vậy, trẻ chuyển sự quan tâm vào những thứ khác như nhóm bạn bè xấu nhưng chấp nhận trẻ.
Nếu ông bà, bố mẹ muốn con cháu có quyết tâm thay đổi và làm những điều mình muốn (như đi học, vâng lời) thì hãy quan tâm, lắng nghe, nhận ra sự tiến bộ và tưởng thưởng xứng đáng (bằng cả những phần thưởng vật chất và tinh thần như thời gian cho nhau, đi chơi cùng nhau...).
Người lớn cũng nên học phương pháp kỷ luật tích cực. Nên thay thế các phương pháp giáo dục con cái dựa trên sự sợ hãi (đánh đập, dọa dẫm) và xấu hổ (lột quần áo ở nơi công cộng; hạ nhục trước mặt người khác) bằng các hình thức kỷ luật như hệ quả logic (con gán nợ cái xe đạp thì phải đi bộ), phạt bằng việc cách ly khỏi cái trẻ muốn (như cấm túc); phạt bằng cách tước quyền lợi (vì con phạm lỗi nên bây giờ với con là không tivi, không ipad và không điện thoại...).
Theo Zing
Trung Quốc điều tra 5 cô giáo mầm non dùng kim đâm trẻ Tháng 12/2015, cảnh sát Trung Quốc bắt giữ 5 giáo viên mầm non để điều tra việc họ đâm kim vào người học sinh. Trước đó, ngày 28/11, một phụ huynh ở thị xã Tứ Bình, thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc, nhanh chóng đưa con trai 3 tuổi đến bệnh viện kiểm tra, sau khi nghe bé kể bị cô giáo mầm...