Còn lúng túng trong quản lý dạy thêm, học thêm
Việc bãi bỏ một số điều quan trọng nhất trong quy định về quản lý dạy thêm, học thêm hiện nay tại Thông tư 17 đang khiến các địa phương vô cùng lúng túng vì thiếu hành lang pháp lý để thực hiện.
Học sinh tiểu học tại TP.HCM học thêm sau giờ học – NGỌC DƯƠNG
Nhiều quy định quan trọng hết hiệu lực
Quyết định số 2499 ban hành ngày 26.8.2019 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc công bố hết hiệu lực các điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư 17 ban hành ngày 16.5.2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành quy định về dạy thêm học thêm (DTHT).
Theo đó một loạt quy định quan trọng trong quản lý DTHT đã hết hiệu lực thi hành như: về tổ chức DTHT ngoài nhà trường; yêu cầu đối với người dạy thêm; yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động DTHT; cơ sở vật chất phục vụ DTHT; thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT; hồ sơ cấp giấy phép; trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT; thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động DTHT; đình chỉ hoạt động DTHT.
Lý do Bộ GD-ĐT công bố hết hiệu lực các quy định về DTHT là vì căn cứ pháp lý của quy định này tại khoản 3 điều 74 luật Đầu tư đã hết hiệu lực từ ngày 1.7.2016.
Cụ thể, năm 2016, Quốc hội thông qua luật sửa đổi bổ sung luật Đầu tư, trong đó bổ sung danh mục các ngành nghề có điều kiện, nên DTHT không phải là loại hình kinh doanh có điều kiện. Hoặc theo luật Ban hành những quy phạm pháp luật thì Bộ GD-ĐT không được ban hành những quy định về thủ tục hành chính. Do đó, điều chỉnh Thông tư 17 là nhằm phù hợp với luật pháp hiện hành.
Do chưa có quy định khác thay thế nên việc cấp phép và quản lý DTHT ngoài nhà trường ở tất cả địa phương sau hơn 1 năm qua vẫn “án binh bất động”. Như vậy, với Quyết định 2499, cả nước sẽ ngừng cấp phép dạy thêm. Không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức DTHT ngoài nhà trường.
Ghi nhận thực tế cho thấy nhiều sở GD-ĐT đã có văn bản thông báo về việc dừng tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép DTHT. Các văn bản đều nêu lý do, đến thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về cấp phép DTHT. Đối với trường hợp các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT trước thời điểm nêu trên, vẫn tiếp tục hoạt động.
Video đang HOT
Thực tế cho thấy, việc DTHT thời gian qua chỉ giảm do dịch Covid-19 nhưng không có ai dám chắc những giáo viên, trung tâm chưa được cấp phép dạy thêm này sẽ không còn dạy thêm nữa. Điều này chỉ làm cho việc DTHT vốn đã khó kiểm soát, nay càng khó khăn hơn.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2020 – 2021, nhiều lãnh đạo ngành GD-ĐT cho biết việc bỏ một số điều trong Thông tư 17 khiến các địa phương đang rất lúng túng, chưa biết hướng dẫn quản lý DTHT ra sao… Các địa phương cũng cho rằng nhu cầu DTHT là có thật, do đó Bộ cần sớm có văn bản chỉ đạo về vấn đề này.
Đề xuất dạy thêm là “kinh doanh có điều kiện” bất thành
Bộ GD-ĐT cho biết đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch – Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức DTHT văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Mục đích là để tăng cường công tác quản lý hoạt động này.
Tháng 5.2020, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch – Đầu tư về việc đưa “dịch vụ DTHT văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Văn bản của bộ này đề cập đến kết quả thực hiện tăng cường quản lý việc DTHT và cho rằng việc DTHT là nhu cầu có thực, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng DTHT sai quy định vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Đề nghị này của Bộ GD-ĐT không được chấp nhận. Đến nay, trong văn bản của Bộ GD-ĐT khi trả lời cử tri về vấn đề này cũng thừa nhận: “Công tác quản lý DTHT còn gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân do trong luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của luật Đầu tư năm 2014, không có nội dung về DTHT. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thông tư quy định về DTHT không được quy định các điều kiện về hoạt động, nên không có căn cứ để cấp phép mới cho hoạt động DTHT cũng như xử lý khi có sai phạm trong thời gian qua”.
Quản lý dạy thêm bằng chương trình và cách thức thi cử?
Để đảm bảo việc quản lý nhà nước về hoạt động DTHT, Bộ GD-ĐT đang soạn thảo thông tư quy định hoạt động DTHT đảm bảo phù hợp với luật Đầu tư và quy định tại luật Giáo dục 2019.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đưa ra những giải pháp đã và sẽ thực hiện để giảm áp lực cho việc DTHT. Trong đó, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng giảm tải các môn văn hóa, tăng thêm giờ học thể dục và hoạt động giáo dục thể chất; giao quyền chủ động, hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt.
Chỉ đạo các nhà trường thực hiện đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá; kiểm tra, đánh giá, thi cử nhẹ nhàng, không nặng về kiểm tra kiến thức mà tập trung đánh giá sự phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định DTHT, nghiêm cấm cắt xén chương trình đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, TP chỉ đạo, quản lý việc DTHT trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm. Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT còn nêu dự kiến sắp tới chương trình DTHT cũng phải được kiểm duyệt, không để tình trạng “trăm hoa đua nở” như hiện nay.
Nghệ An quy định mức thu tối đa dạy học thêm trong trường công lập
HĐND tỉnh Nghệ An vừa thông qua Nghị quyết quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ giáo dục trong cơ sở giáo dục công lập; mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh.
Giờ học tiếng Anh tại Trường Tiểu học Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An
Đây được xem là cơ pháp lý để các cơ sở giáo dục công lập thực hiện việc thu, chi các khoản thu dịch vụ. Tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của nhân dân, khắc phục tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục.
Những năm qua, ngoài các khoản thu theo quy định, ngành giáo dục Nghệ An triển khai thu theo thoả thuận đối với một số khoản như tổ chức dạy thêm, học thêm, triển khai các tiết học tăng cường, các chương trình kỹ năng sống...
Dù đã có hướng dẫn đầy đủ, chi tiết mỗi năm học, song qua đánh giá của Sở GD&ĐT Nghệ An, việc thực hiện các khoản thu theo thoả thuận trong trường công lập vẫn còn lúng túng, chưa đồng bộ. Điều này dẫn đến số lượng và nội dung các khoản thu trong các cơ sở giáo dục khác nhau, mức thu có sự chênh lệch giữa các đơn vị có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng.
Cá biệt ở một số đơn vị còn có biểu hiện của việc "lạm thu", chưa phủ hợp điều kiện kinh tế - xã hội. Trong khi đó, quy trình thực hiện các khoản thu theo thoả thuận trong các cơ sở giáo dục chưa thống nhất gây khó khăo cho công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý.
Các trường tiểu học tại Nghệ An đang thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.
Để khắc phục những hạn chế này, tại phiên họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII đã thông qua Nghi quyết quy định một mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập; mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng áp dụng gồm trẻ mầm non và học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An; các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thuộc tỉnh Nghệ An quản lý.
Cụ thể, mức thu khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục như: tiền dạy học 2 buổi/ngày đối với tiểu học; tiền tổ chức bán trú; dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong dịp hè; tiền tổ chức dạy thêm, học thêm, dạy nghề, thi nghề... đối với trường THCS, THPT; tổ chức hoạt động giáo dục tăng cường như kỹ năng sống, tiếng Anh tăng cường... và các dịch vụ học sinh khác.
Danh mục các khoản thu dịch vụ giáo dục tối đa
Danh mục nội dung khoản thu tuyển sinh đầu các cấp học
Việc thực hiện các khoản thu dịch vụ trên theo nguyên tắc thu đúng, thu đủ; chi đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Trước khi thu phải có dự toán thu, chi từng khoản; phải thỏa thuận với cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện; mức thu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không vượt quá mức thu quy định tại Nghị quyết.
Quy định không áp dụng thu để thuê khoán người nấu ăn đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục đã được hỗ trợ theo quy định như: hỗ trợ nhân viên các trường phổ thông dân tộc bán trú và phổ thông dân tộc nội trú; khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Nghị quyết được thông qua tạo căn cứ pháp lý để các cơ sở giáo dục thực hiện việc thu, chi các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường; cơ chế thu và sử dụng mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học đối với cơ sở giáo dục công lập đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trên từng địa bàn.
Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong giai đoạn mới. Đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của nhân dân, khắc phục tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục.
Nữ sinh tự tử ở An Giang: Những người lái đò đánh chìm khách qua sông Nữ sinh lớp 10 ở An Giang tìm đến cái chết có thể là chuyện hi hữu. Nhưng, những người lái đò tự đánh đắm con thuyền chở tri thức của mình, tiếc thay lại không ít. Em N.T.N.Y., học sinh lớp 10 trường THPT Vĩnh Xương, An Giang, đã tự tử ngay tại trường với mong muốn sau cái chết của mình,...