Con không đi học thêm, phụ huynh vẫn đóng tiền học cả năm
Con không có nhu cầu đi học thêm nhưng để yên tâm, cả năm qua, phụ huynh vẫn đăng ký, đóng tiền học cho con. Chỉ có điều, cháu không đi học và cô giáo vẫn vui vẻ, không ý kiến.
Câu chuyện được một vị phụ huynh ở Gò Vấp, TPHCM chia sẻ tại một tọa đàm về giáo dục. Anh Nguyễn Chí Trung (tên nhân vật được thay đổi) kể, cô giáo con mình bậc tiểu học dạy thêm tại nhà nhưng gia đình không có cho bé đi học. Họ xác định bé học văn hóa ở trường, ngoài giờ học để vui chơi, giải trí hay sinh hoạt các môn năng khiếu, thể thao mà con yêu thích.
Tuy nhiên, để “mua” một sự yên tâm, gia đình vẫn đăng ký, đóng tiền hàng tháng, chỉ có điều… con không đến nhà cô học. Thời gian đầu, anh Trung nói rằng, bố mẹ bận, gia đình kẹt việc nên không đưa đón cháu đi được. Sau đó, cháu không đến lớp cô cũng không hỏi nữa dù vẫn thu tiền hàng tháng.
Cô giáo con anh năm nay không dạy thêm nên gia đình “thoát” được điều này.
Anh Trung cho biết, không chỉ mình mà một người bạn của mình cũng áp dụng cách này. Đăng ký, đóng tiền nhưng tháng nhiều lắm con đi học được 1 – 2 buổi vì thực chất họ không có nhu cầu.
Nhiều phụ huynh còn tiết lộ với nhau, cô dạy thêm, họ không cho con theo học thì âm thầm thực hiện nhiều cách khác với suy nghĩ mong con được “an toàn”. Có phụ huynh hàng tháng đều có quà cáp cho cô, nhiều phụ huynh thì tranh thủ các dịp lễ lạt đi phong bì tìm một sự thông cảm.
Việc dạy thêm học thêm luôn được nói là xuất phát từ nhu cầu của người học. Điều này có nhưng xuất phát từ nhu cầu của dạy cũng không hề ít.
Ở bậc tiểu học, giáo viên thường phàn nàn, đánh vào điểm yếu và cũng là nỗi lo sợ của phụ huynh bằng những nhận xét như con chậm hơn bạn bè, trên lớp theo bài không kịp, cần hỗ trợ thêm… Ở thế của phụ huynh, khi nhận được những phản hồi này thì ai cũng lo lắng, không nhiều người đủ “cứng” để không cho con đi học thêm. Không đi thì cũng ở tâm trạng thon thót.
Video đang HOT
Nhiều phụ huynh, học sinh gánh áp lực “học thêm” từ phía giáo viên (Ảnh minh họa)
Ở bậc lớn hơn, giáo viên có không ít “chiêu” để làm khó học trò. Những em nào không đi học thêm thì thường xuyên bị thầy gọi kiểm tra bài, bị làm khó, hay vào những giờ kiểm tra, chỉ những em nào đi học thêm với thầy mới thoát được “kiếp nạn”.
Như mới đây, ở Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh xảy ra sự việc đề kiểm tra 15 phút tại một lớp của khối 11 giống y chang bài thầy ôn ở lớp dạy thêm. Trước đó, nhiều lần thầy gợi ý, nhiều học trò đã nườm nượp đến chỗ thầy dạy thêm để theo học.
Đây không phải là trường hợp cá biệt, việc học sinh đi học thêm với thầy mới làm được bài kiểm tra, đề kiểm tra ở lớp chính khóa là bài ở lớp học thêm đã từng diễn ra rất nhiều. Học sinh không đi học thêm chẳng những khổ sở vì điểm số mà một khi thầy đã có ý như vậy thì các em cũng “ngạt thở” trong giờ học.
Rất nhiều quy định về dạy thêm, học thêm đã bị chính giáo viên ngó lơ. Như quy định không dạy thêm ở bậc tiểu học nhưng giáo viên tiểu học dạy thêm tại nhà diễn ra nhan nhản khắp nơi. Quy định cấm giáo viên không dạy thêm với học sinh chính khóa nhưng giáo viên “kèo” học sinh trên lớp đến nhà, đến điểm mình dạy thêm diễn ra không ít.
Một chuyên viên phòng chuyên chuyên môn ở Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, người thầy lên lớp có thể có lúc nóng nảy, sai phạm, yếu kém nhưng việc khó chấp nhận nhất là hành vi, thái độ ép học sinh học thêm. Theo ông, đó không chỉ là thiếu đạo đức mà còn là những người bất tài
Người thầy thiếu tâm, thiếu tài nhưng một khi họ muốn thì không thiếu cách để o ép học sinh đi học thêm. Và “nạn nhân” của họ, nhiều phụ huynh, học sinh cũng xoay xở tìm cách để “vượt khó”, có người chọn cách đóng tiền không đi học như gia đình anh Trung hay cách “bôi trơn” bằng quà cáp, phong bì.
Ở đây, đồng tiền không phải để mua đồ dùng, vật chất mà là để “mua” sự an toàn, yên tâm. Điều này để lại hậu quả về sự đổ vỡ về niềm tin trong giáo dục, về nhân cách con người.
Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường không xét hoàn thành nhiệm vụ đối với giáo viên tham gia dạy thêm sai quy định. Nếu vậy, giáo viên sẽ không được xét chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03, khoản thu nhập khá cao ở riêng TPHCM.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Sở GD-ĐT TPHCM giải thích dạy thêm trong nhà trường nhiều nhất 18 tiết/tuần
Học sinh được học thêm trong nhà trường không quá 18 tiết/tuần cho 6 ngày, tính cả giờ học chính khóa, nhiều nhất không quá 8 tiết/1 ngày.
Trao đổi với Dân trí về nội dung học sinh học thêm trong nhà trường nhiều nhất là 18 tiết/tuần, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM giải thích: giờ chính khóa của các trường trung học là 30 tiết, cho 6 ngày, tính ra 5 tiết/ngày.
Sở đề xuất được phép học thêm nhiều nhất là 18 tiết tuần, tính ra nhiều nhất 3 tiết/tuần trên cơ sở tổng một ngày giáo viên học sinh làm việc nhiều nhất không quá 8 tiết/ngày.
Học sinh ở TPHCM học thêm trong nhà trường không quá 18 tiết/tuần (ảnh minh họa)
Con số đưa ra để tránh quá tải cho giáo viên và học sinh. Theo ông Hiếu, có thể sẽ có những điều chỉnh nhưng việc dạy thêm - học thêm trong nhà trường phải đảm bảo nguyên tắc không gây quá tải cho học sinh. Việc tổ chức dạy và học phải làm sao đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh và học sinh.
Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cũng trao đổi thêm, chỉ các trường 1 buổi, chưa đủ điều kiện tổ chức 2 buổi mới được dạy thêm. Hiện nay, bậc THPT tại TPHCM đã khoảng hơn 80% số trường, THCS là hơn 70% số trường thực hiện 2 buổi này.
Sở cũng sẽ kiểm tra các trường đủ điều kiện tổ chức 2 buổi/ngày đều phải thực hiện. Để tránh tình trạng có trường đủ điều kiện tổ chức 2 buổi/ngày mà không thực hiện, để dạy thêm.
Tơ trình mới đây gửi UBND TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất, mỗi học sinh học thêm không quá 6 tiết/môn học/tuần và không quá 18 tiết/tuần. Mỗi lớp học thêm không quá 45 em.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng nhấn mạnh, trừ giáo viên tiểu học thì tất cả giáo viên đều được quyền dạy thêm. Nhưng phải dạy thêm ở nơi có đăng ký hoạt động dạy thêm. Dù hoạt động dạy thêm học thêm giờ không cấp phép nữa nhưng phải có đăng ký với Sở Kế hoạch Đầu tư.
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cũng lưu ý, giáo viên ở đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, không được dạy thêm học sinh chính khóa của mình nếu chưa được hiệu trưởng cho phép.
Học sinh muốn học ông thầy đó thì giáo viên phải báo cáo với hiệu trưởng, phải được hiệu trưởng ký duyệt. Giáo viên dạy học sinh chính khóa mà không báo cáo, chưa được phép của hiệu trưởng là trách nhiệm của giáo viên.
Đối với giáo viên dạy thêm tại nhà, ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay, có thể giáo viên tham gia dạy cùng một tổ chức, nhóm nào đó do người khác đủ điều kiện đứng ra đăng ký.
Riêng với giáo viên tiểu học dạy thêm tại nhà, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, đều sai quy định.
"Trước đây quy định 21 về dạy thêm học thêm của thành phố, Sở GD-ĐT TPHCM có tham mưu một nội dung nhỏ là dạy kèm. Giống như gia sư vậy, vài phụ huynh mong muốn giáo viên dạy kèm cho 3 - 4 trẻ, giáo viên cũng có nhu cầu thì theo tôi, quy định nên cho phép", ông Hiếu nêu quan điểm.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Xác suất thống kê cho học sinh lớp 2: Mức độ làm quen, không "đáng sợ"! Một điểm trong nhưng điêm đáng chú ý trong xây dưng chương trinh phô thông mơi, là xác suất và thống kê sẽ được đưa vào giảng dạy từ lớp 2 cho đến lớp 12. Chinh thông tin nay đa khiên không it phu huynh có con đang hoặc chuẩn bị học tiểu học quan tâm và băn khoăn. Xac suât thông kê...