Cơn gió mát cho môn Lịch sử
Việc đưa môn Lịch sử vào danh sách những môn thi chính thức trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 được giáo viên bộ môn này đánh giá là tạo nên “làn gió mát” cho việc dạy và học.
Cùng với thái độ của học sinh, phương pháp học, phương pháp dạy Lịch sử cũng đang được thay đổi để thích ứng với yêu cầu đánh giá của kỳ thi này vào năm 2017.
Chuyển biến tốt khi Lịch sử là môn thi bắt buộc
Nhận định về tình trạng dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay, GS Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng sách giáo khoa cũng như giờ giảng của không ít giáo viên Lịch sử lâu nay đã trở nên buồn chán, cứng nhắc.
Quan niệm khá phổ biến là học sử chỉ cần học thuộc đã biến bao học sinh thành những “con vẹt”, mà những “con vẹt” này cũng không nhắc lại đúng những điều cần thiết.
“Hàng chục năm qua, môn Sử đã chịu hậu quả tai hại của chủ trương thi và không thi, thi luân phiên giữa Sử và Địa hoặc chỉ được coi là môn thay thế cho Ngoại ngữ khiến vị trí môn học suy giảm dần” – GS Vũ Dương Ninh nhấn mạnh.
Môn Lịch sử hấp dẫn hơn khi được tích hợp qua các hoạt động ngoại khóa.
Với việc đưa Lịch sử thành một trong 8 môn thi chính thức trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 (dù vẫn là tự chọn trong hai bài thi tổ hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên), nhiều giáo viên đánh giá rằng, có một “làn gió mát” thổi vào việc dạy và học môn Lịch sử.
Một giáo viên Lịch sử trường THPT Phan Huy Chú cho biết: “Nhiều năm dạy ở bậc phổ thông, tôi vẫn thấy các em không phải là không yêu Sử nhưng vì phải ưu tiên dành nhiều thời gian cho các môn học khác để thi ĐH nên không chọn môn này để thi.
Tuy nhiên, với ý thức về tầm quan trọng của môn học này, tổ chuyên môn của trường vẫn luôn có biện pháp để kéo các em đến với môn học. Các em được hướng dẫn tự khai thác, xử lý thông tin trong và ngoài sách giáo khoa để biết vận dụng kiến thức làm bài thi, dù đó là tự luận hay trắc nghiệm.
Hiện nay, với vai trò của môn thi chính thức, động lực dạy và học của cả học sinh cũng như giáo viên đều tăng lên”.
Cũng theo giáo viên này, để thi trắc nghiệm môn Lịch sử, việc đầu tiên học sinh cần thay đổi là đọc kỹ sách giáo khoa. Vì phần lớn kiến thức trong bài thi đều lấy từ sách giáo khoa, các em cần chủ động hơn trong việc khai thác và xử lý thông tin trong sách giáo khoa.
Bài thi trắc nghiệm, ngoài những câu hỏi về kiểm tra kiến thức, cần có một số câu hỏi yêu cầu suy luận, phân tích khi đáp án đưa ra khá giống nhau theo kiểu 50/50.
Đổi mới cả cách thi lẫn sách giáo khoa
Nhấn mạnh việc bắt buộc phải thay đổi trong thi môn Lịch sử, GS Vũ Dương Ninh cho rằng môn Lịch sử được kết hợp với Địa lý là phù hợp như cách tổ hợp trong bài thi Khoa học xã hội.
“Đề thi dài dòng, thời lượng 180 phút là không phù hợp, cần thu gọn hơn. Bên cạnh đó, đề thi Địa thường dễ kiếm điểm nên nhiều học sinh chọn môn này. Cần làm sao để đề thi Sử cũng có sức hấp dẫn như vậy thì mới được nhiều học sinh lựa chọn học và thi môn này” – GS Vũ Dương Ninh phân tích.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, việc học vẹt không đem lại hiệu quả, nhiều học sinh thi Sử nhưng lẫn lộn về nhân vật lịch sử, về địa điểm, về nội dung các sự kiện quan trọng là hiện tượng khá phổ biến, có khi sai lầm ở mức không thể chấp nhận được.
Nguyên nhân theo GS Vũ Dương Ninh là do chúng ta đã quá tham khi muốn nhồi nhét nhiều kiến thức lịch sử cả thế giới lẫn Việt Nam vào đầu óc con trẻ, kết quả là kiến thức không đọng lại bao nhiêu sau khi học sinh tốt nghiệp THPT.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ – nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, người đã tham gia nghiên cứu về chương trình và sách giáo khoa Lịch sử – đã nêu mục tiêu, định hướng, mô hình dự kiến của sách giáo khoa mới. Chương trình sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp sâu ở bậc tiểu học, mở rộng tích hợp ở THCS và THPT, giảm tối đa sự trùng lặp không cần thiết ở các cấp học.
Ở cấp tiểu học, thay vì hình thức học thông sử hiện hành, chương trình sẽ chuyển sang biên soạn các câu chuyện nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ hiểu; chủ đề của những câu chuyện này bám sát sự kiện lịch sử chính thống.
Ở cấp THCS, môn lịch sử sẽ học theo thông sử từ cổ đại đến hiện đại nhằm giúp học sinh nắm được hệ thống kiến thức cơ bản nhất của lịch sử thế giới và dân tộc.
Học sinh THPT được yêu cầu hiểu sâu hơn về khoa học lịch sử nên sẽ học theo các chuyên đề, chủ đề dựa trên tiến trình lịch sử từ cổ đại đến hiện đại, theo các mạch chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa…
Điểm quan trọng cần đổi mới trong việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa Lịch sử mới, theo GS Vũ Dương Ninh là phải tuân thủ phương châm “thà ít mà tốt”, tức là làm sao đó để học sinh có thể học không nhiều nhưng vẫn hiểu được, nhớ được và ham thích lịch sử, như thế thì hiệu quả học tập sẽ tốt hơn so với hiện nay.
Ths. Nguyễn Thị Phương Thanh, khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội: Đầu tư tốt cơ sở vật chất, môn Lịch sử sẽ hấp dẫn
Trong giáo dục phổ thông, tất cả các môn học đều có vị trí và chức năng riêng, đều góp phần phát triển toàn diện học sinh. Đặc biệt trong giáo dục hiện đại, mục tiêu đào tạo con người trước hết là phát triển năng lực, trong đó môn Lịch sử không chỉ trang bị cho học sinh vốn kiến thức về lịch sử dân tộc, lịch sử nhân loại mà còn bồi dưỡng nhân cách, phát triển tư duy, hình thành văn hóa ứng xử cho học sinh.
Mục tiêu của môn Lịch sử không dừng lại ở kiến thức mà làm thế nào để những kiến thức đó thấm sâu vào nhận thức của học sinh, biến thành hiểu biết của chính các em một cách hứng thú. Do đó, phương pháp dạy học của mỗi giáo viên rất quan trọng, thầy giáo dạy hay học sinh mới yêu thích môn học.
Khi các em say mê môn học sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức và đánh giá của xã hội, gia đình, nhà trường về vị trí, vai trò môn Lịch sử ở trường phổ thông.
Để làm được điều này, các trường học cần chú trọng nâng cao cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho giáo viên dễ dàng thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, thiết kế những bài giảng lịch sử sinh động, tái hiện bức tranh quá khứ lịch sử chân thực.
Để môn Lịch sử thực sự hấp dẫn, các thầy cô cần được trang bị máy tính, máy chiếu, mạng Internet, tivi, dàn âm thanh, phòng thực hành bộ môn có sơ đồ, sa bàn, mô hình…
Ths. Nguyễn Trà My, ĐH Sư phạm TP.HCM: Học sinh sẽ không thờ ơ khi lịch sử gắn với đời sống văn hóa
Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông hiện nay còn quá ít nội dung về văn hóa, lối sống, những sinh hoạt qua các thời kỳ lịch sử. Đây là một phần lý do các bài học lịch sử bị đánh giá là khô khan, nặng nề, không tạo hứng thú học tập cho người học và cả người dạy.
Việc tăng cường giảng dạy mảng sinh hoạt văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng vì không chỉ đem lại những kiến thức bổ ích cho người học mà còn làm tăng hứng thú học tập cho học sinh, khơi dậy lòng đam mê môn Lịch sử.
Tiết học sẽ sinh động hơn nếu các em được tìm hiểu chính những gì rất đời thường, gắn bó với cuộc sống của các em thông qua những nét văn hóa trong quá khứ.
Trước đây người dân ăn uống, giải trí như thế nào, các dân tộc sinh hoạt khác nhau ra sao, điều gì dẫn đến hàng loạt thay đổi trong đời sống người dân khi chuyển từ xe đạp sang xe máy, ô tô, khi nào có radio, tivi, khi nào chuyển từ áo dài sang váy, sơ mi, quần tây…
Với liều lượng cân đối, nội dung văn hóa trong môn Lịch sử sẽ khiến học sinh gần gũi và cảm nhận được những nét đẹp văn hóa trong lịch sử dân tộc và thế giới.
Theo Vinh Hương / An Ninh Thủ Đô
60% học sinh không vào đại học sẽ đi đâu?
Đó là bài toán cần giải trong quá trình phân luồng sau THPT.
Thực tế, dù học sinh lựa chọn không vào ĐH, CĐ ngày càng tăng, các trường đào tạo nghề thuộc khối trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) vẫn đang bí đầu vào như đã xảy ra từ nhiều năm nay.
Thí sinh đi đâu?
Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học, cao đẳng không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, Giám đốc Sở GD&ĐT các địa phương có cùng băn khoăn là không hiểu số thí sinh không vào đại học đi đâu khi mà lượng học sinh đăng ký vào học nghề vẫn tiếp tục giảm so với năm trước.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh - ông Ngô Văn Hợi - cho biết Sở này có 23 cơ sở đào tạo TCCN với quy mô hơn 7.000 học viên, giảm mạnh so với năm học trước. Đặc biệt, với mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2020 phải phân luồng 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào đào tạo nghề nhưng hiện tỉnh này mới đạt trên 15%.
Các trường trung cấp chuyên nghiệp phải tự nâng cao năng lực để thu hút học viên.
Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết các trường TCCN của Hà Nội cũng chỉ tuyển được hơn 50% chỉ tiêu được giao, trong đó có tới trên 25% trường không tuyển sinh được.
Tương tự, ông Thái Văn Tài - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk - phản ánh việc tuyển sinh TCCN rất kém, hết năm 2015 chỉ đạt 53,2% chỉ tiêu. Số học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề cũng chỉ đạt 18%.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hải Phòng - băn khoăn đào tạo nghề bậc TCCN chiếm vai trò quan trọng trong đổi mới giáo dục nhưng trong khi chỉ có 40% học sinh tốt nghiệp THPT vào ĐH thì số học sinh còn lại đi đâu khi mà lượng học sinh vào TCCN vẫn giảm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà nhấn mạnh cần có sự đột phá đổi mới cho giáo dục chuyên nghiệp nếu không tình trạng chết yểu với nhiều trường TCCN sẽ đúng như dự đoán.
Cử nhân quay ra học nghề
Trong khi học sinh tốt nghiệp THPT không mặn mà với học nghề thì tình trạng cử nhân tốt nghiệp ĐH, CĐ lại quay ra học nghề càng cho thấy sự yếu kém trong phân luồng.
Điều này được ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - thừa nhận khi phản ánh hiện có tình trạng ùn tắc trong đào tạo, gây lãng phí cho xã hội. Số liệu ông Thái Huy Vinh đưa ra là 24.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ chưa tìm được việc làm. Trong số đó đã có nhiều cử nhân lại quay ra học nghề.
Để khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường hướng nghiệp, dạy nghề. Tỉnh này có trên 40.000 học sinh tốt nghiệp THCS, hơn 30.000 học sinh vào THPT, hơn 10.000 học sinh đã vào nghề.
Để thu hút học sinh vào học nghề, ông Thái Huy Vinh cho biết đã có sự hợp tác giữa các bên, cam kết việc làm sau đào tạo nghề như xuất khẩu lao động, làm việc tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm kinh tế hộ gia đình...
Tương tự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh - Phúc Hoàng Văn Bình - cho biết tỉnh này đã thực hiện kiên quyết khâu phân luồng sau THCS với tỷ lệ là 70-30 giữa học tiếp THPT và TCCN.
Sở này tổ chức thường xuyên 4 bên giữa đơn vị đào tạo, doanh nghiệp, các quản lý, các đối tác nước ngoài bàn về đào tạo nghề trong giáo dục chuyên nghiệp, tăng cường ký hợp đồng với doanh nghiệp tạo cơ hội thực hành nghề cho hàng nghìn học sinh.
Về phía nhà trường, ông Phạm Quang Vinh - Hiệu trưởng Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long - cho rằng giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục dạy nghề đang gặp nhiều khó khăn và các trường phải tự chứng minh năng lực với xã hội.
"Trường đã tìm hiểu nhu cầu thực tế của thị trường để mở nhiều mã ngành thậm chí chưa có trong danh mục ngành nghề của Bộ, đem lại 1/2 tổng doanh thu cho trường. Trường cũng phát triển đào tạo ngắn hạn từ nhu cầu doanh nghiệp hoặc từ cá nhân học viên" - ông Phạm Quang Vinh cho biết.
"Nếu trường không chứng minh mình đem lại dịch vụ tốt thì không kết nối với doanh nghiệp được. Trường đã phải xây dựng đội ngũ chuyên gia chỉ rõ hạn chế, tồn tại và giải pháp cải thiện với sản phẩm đào tạo phù hợp chi phí và cam kết chất lượng.
Trường cũng đã thành công trong việc lôi kéo doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, cung cấp chuyên gia, hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo ngành nghề mới... để thu hút được học viên vào trường".
Ông Phạm Đức Khánh - Chủ tịch Hiệp hội các trường CĐ Cộng đồng: Mô hình Cao đẳng cộng đồng sẽ giải quyết nhiều tồn tại.
Hiện nay, mô hình CĐ cộng đồng rất phát triển ở các nước tiên tiến. Trong khi đó, xu hướng của quốc tế và khu vực hiện không tồn tại trường trung cấp chuyên nghiệp để dạy nghề như nước ta hiện nay.
Tôi cho rằng đã đến lúc Nhà nước cần quan tâm, chuyển đổi hệ TCCN sang hệ đào tạo cao đẳng 2 năm. Bản thân chương trình, cách dạy và học của các trường TCCN khá tương xứng với cao đẳng cộng đồng.
Hơn nữa, việc tốt nghiệp THPT sau 2 năm học tiếp chỉ có bằng tốt nghiệp TCCN là không phù hợp và khiến cho hệ đào tạo này kém sức hút với học sinh. Để thu hút học sinh quan tâm tới học nghề nhưng vẫn có đủ bằng cấp để xin việc sau này thì việc chuyển đổi sang mô hình CĐ cộng đồng sẽ giải quyết được những tồn tại lâu nay.
CĐ cộng đồng là mô hình rất hay, vừa phù hợp với dạy nghề, dạy chữ, dạy ngắn hạn... cần nghiên cứu để phát huy, giúp học sinh định hướng nghề từ sớm mà không phải băn khoăn đến bằng cấp.
Ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT: Sớm tiếp cận để thuyết phục học sinh học nghề.
Thách thức lớn nhất mà hiện các trường trung cấp chuyên nghiệp phải đối mặt chính là sự thiếu lòng tin của người dân vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Bởi thực tế, các trường vẫn còn rất nhiều nguồn tuyển với khoảng 250.000 học sinh tốt nghiệp THCS không học THPT, không đi học nghề và THPT không học ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, để tận dụng được nguồn này, không còn cách nào khác các trường phải tìm đến các trường THCS, THPT để "làm quen" với học sinh. Bởi các trường phổ thông không thể đủ giáo viên để làm giúp khâu hướng nghiệp.
Các trường cũng cần thay đổi cấu trúc chương trình. Các môn chung như giáo dục quốc phòng để sau và dạy trước các môn thực hành, kỹ năng để học sinh có hứng thú học, qua đó giữ chân các em...
Theo Duy Anh / An Ninh Thủ Đô
Giáo viên mầm non bỏ việc vì chậm lương Một cán bộ phải quản lý hơn 100 cơ sở mầm non, giáo viên bỏ nghề vì phải chờ lương nhiều tháng là thực trạng tại quận Thủ Đức, TP.HCM. Theo Phòng GD&ĐT quận Thủ Đức, đến tháng 9/2016, quận có 21 trường công lập, 90 trường tư thục, 98 nhóm trẻ độc lập với hơn 26.000 học sinh. Đó là còn chưa...