Con gái chị bán hoa quả giỏi tiếng Anh nhờ học trên mạng từ 4 tuổi
Kinh tế gia đình không khá giả, để con được học tiếng Anh, vợ chồng anh Hoàng đã cho con tiếp cận internet từ rất sớm.
Cô bé Võ Thị Khánh Ly (SN 2008, Tân Kỳ, Nghệ An) từng gây sốt trên mạng khi video em trò chuyện bằng tiếng Anh và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài được chia sẻ rộng rãi.
Tại phố đi bộ Hà Nội, vào các tối cuối tuần, Ly từng khiến nhiều người chú ý khi hướng dẫn người nước ngoài nói tiếng Việt. Người xem rất ấn tượng trước khả năng nói tiếng Anh, sự tự tin của cô bé xinh xắn này.
Khánh Ly là con gái của anh Võ Tá Hoàng (giáo viên môn Tin học ở Tân Kỳ, Nghệ An) và chị Nguyễn Thị Hiền.
Nhà xa trường, anh Hoàng phải ở lại ký túc xá suốt nhiều năm nay. Chị Hiền từng tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Đà Nẵng.
Sau khi kết hôn, chị chuyển về quê dạy hợp đồng với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Nhiều năm trước, thấy không thể bám trụ với nghề, chị nghỉ dạy.
Cuộc sống nhiều khó khăn nhưng họ quyết tâm đầu tư cho con được học tập đầy đủ với mong ước thay đổi tương lai.
Anh Hoàng chia sẻ, từ lúc còn nhỏ, Khánh Ly đã được bố mẹ cho tiếp xúc với tiếng Anh. ‘Khi con khoảng 4 tuổi, vợ chồng tôi đã cho con xem các video chọn lọc bằng tiếng Anh trên YouTube. Đó là các đoạn hội thoại ngắn, bài hát phù hợp lứa tuổi và dễ hiểu’, anh nói.
Sau đó, vợ chồng anh cho con xuống TP Vinh theo học tại trung tâm tiếng Anh. Thời gian này, em vẫn được bố mẹ hướng dẫn xem các video ngắn tại nhà.
Cô bé Khánh Ly học tiếng Anh qua mạng internet. Ảnh: Nguyễn Thảo
Dành nhiều thời gian xem các clip dạy học của người bản ngữ nên khả năng nghe và phát âm của Ly rất tốt.
Video đang HOT
Nhận thấy con gái yêu thích và có năng khiếu về ngôn ngữ nhưng môi trường ở quê không được tiếp xúc, thực hành tiếng Anh với người nước ngoài, anh chị quyết định đưa con ra Hà Nội theo học.
‘Quê mình là vùng miền núi, kinh tế khó khăn lại không có môi trường để con giao tiếp tiếng Anh. Vợ chồng mình nghĩ, nếu không tiếp tục rèn giũa, sớm muộn vốn tiếng Anh của con sẽ dần mai một’, anh Hoàng chia sẻ.
Sau đó, anh Hoàng tiếp tục theo đuổi việc dạy học ở quê, còn vợ anh – chị Hiền, gác lại tất cả mọi việc, theo con lên Hà Nội trọ học. Ở đây, chị làm nghề buôn bán hoa quả. Mỗi sáng, chị phải dậy từ 3h sáng để nhập hàng hóa trên chợ đầu mối Long Biên và làm việc mải miết đến tối mới nghỉ.
Thời gian đầu lên Hà Nội, chị còn cho con đi học tiếng Anh ở một trung tâm lớn nhưng sau thấy mất nhiều thời gian đi lại, cộng với việc bé Ly có khả năng tự học rất tốt nên chị cho cháu nghỉ.
Ngoài giờ học trên lớp và thực hành giao tiếp ở Bờ Hồ, Ly thường xuyên vào các trang dạy tiếng Anh, YouTube để tự học.
Cô bé còn tự quay hoặc nhờ mẹ quay clip em hướng dẫn các bạn nhỏ ở xóm trọ học môn tiếng Anh để up lên YouTube.
Anh Hoàng cho rằng, mạng internet rất quan trọng với việc học tập của con. ‘Gia đình không có điều kiện, khi ở Nghệ An, chúng tôi có thể cho con theo học tại các trung tâm tiếng Anh vì chi phí không quá cao. Tuy nhiên khi ra Hà Nội, chúng tôi không thể cho con theo học ở trung tâm được. Vì vậy con phải dùng mạng internet để học’.
Không chỉ môn tiếng Anh, Khánh Ly còn học tốt các môn học khác. Hiện, em đang theo học chương trình song bằng Cambride tại trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Học kỳ 1 vừa qua, em đạt kết quả giỏi.
Anh Hoàng cũng chia sẻ, khi Khánh Ly học tiểu học, em có nhiều thời gian hơn để vào mạng internet học tập. ‘Quan trọng là con có đam mê ngoại ngữ, đam mê việc học nên sử dụng mạng internet sẽ có hiệu quả. Nếu con không đam mê học, sẽ dễ sa đà vào các nguy cơ khác’, anh Hoàng nói.
Bố của Khánh Ly cũng chia sẻ thêm, anh chị có nguyên tắc và các quy định dành cho con khi sử dụng mạng.
‘Chúng tôi giám sát con bằng việc xem lại lịch sử trình duyệt web để biết con đã sử dụng mạng internet cho việc học hay không.
Ngoài ra, chúng tôi cũng lắp camera để có thể giám sát con qua điện thoại nhằm đảm bảo an toàn cho con khi tham gia mạng. Chúng tôi cũng thường xuyên theo sát các kết quả học của con’, anh chia sẻ thêm.
Để đầu tư cho con gái, đến nay, gia đình anh chị vẫn phải sống ly tán người ra Hà Nội, người ở Nghệ An. Vài tháng, gia đình mới có cơ hội đoàn tụ một lần.
‘Trong tương lai, chúng tôi muốn hướng Ly theo con đường lập trình. Tuy nhiên tất cả đều phụ thuộc vào đam mê và sở thích của con’, người bố quê ở Nghệ An chia sẻ thêm.
Ngọc Trang – Nguyễn Thảo
Trau dồi kỹ năng xin việc
Để tìm được một công việc phù hợp đòi hỏi các bạn trẻ phải trang bị kiến thức chuyên ngành, kiến thức về ngoại ngữ khi còn đi học. Bên cạnh đó, có những kỹ năng giao tiếp cũng tạo cho các bạn những lợi thế nhất định khi xin việc.
Kỹ năng tốt tìm được việc nhanh
Tháng 9-2020, Nguyễn Xuân Vinh, sinh viên ngành Cơ điện tử Trường Đại học Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ, mới tốt nghiệp. Nhưng hiện nay Xuân Vinh đã xin làm nhân viên thực tập tại Công ty Intel Products Việt Nam (TP Hồ Chí Minh).
Vinh cho biết: "Tôi biết đến công ty là do tham gia vào chuyến đi trải nghiệm và tham quan thực tế do Khoa Kỹ thuật cơ khí tổ chức vào tháng 6-2019. Tôi đến nhiều nhà máy công nghệ cao, xưởng chế biến khám phá những công nghệ mới và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Sau khi biết đến Intel, tôi đã xác định đây là môi trường công việc lý tưởng. Sau đó, tôi đã lên kế hoạch chuẩn bị để trở thành nhân viên của Intel".
Đầu tháng 1-2020, Xuân Vinh biết được thông tin công ty đang tuyển nhân viên thực tập nên đã quyết định nộp hồ sơ xin việc. Sau khi qua các vòng phỏng vấn, Vinh đã được nhận vào làm việc ở công ty từ giữa tháng 2. Sau gần 2 tháng làm việc, Xuân Vinh đã có thêm các kiến thức về kỹ thuật, công nghệ mới và từng bước nâng cao khả năng tiếng Anh qua việc trao đổi hằng ngày với các đồng nghiệp.
Từ năm thứ hai đại học, anh Cao Vũ Luân (quản lý tại Trung tâm Giáo trí tiNiWorld, quận Ninh Kiều) đã đi làm thêm tại Trung tâm Giáo trí tiNiWorld. Trong thời gian làm việc, anh Luân luôn học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng từ các anh, chị đi trước. Đồng thời sắp xếp thời gian cân bằng giữa việc học và việc làm.
Sau khi hoàn thành chương trình đại học, anh Luân xin làm việc tại trung tâm, đến nay được 2 năm. Thời gian qua, công việc quản lý giúp anh Luân nhận ra các hạn chế của bản thân để cải thiện và hỗ trợ các nhân viên khắc phục các lỗi mình từng mắc phải khi còn là một nhân viên làm thêm.
Anh Vũ Luân cho biết: "Tôi thuận lợi khi xin việc vì có sẵn kiến thức cơ bản và kỹ năng cần cho công việc hiện tại, được sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp đi trước, được bồi dưỡng để trở thành quản lý. Tuy nhiên, quá trình từ người làm thêm đến quản lý nhân sự, tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy tôi luôn nỗ lực để làm tốt công việc".
Có kế hoạch, chuẩn bị...
Xuân Vinh tự trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng khi còn đi học. Ảnh: CTV
Để chuẩn bị cho công việc ở tương lai, từ khi còn đi học, anh Cao Vũ Luân luôn tích lũy các kỹ năng về soạn thảo văn bản, rèn luyện ngoại ngữ và kỹ năng cập nhật thông tin. Bên cạnh đó, anh Luân cũng quan tâm rèn luyện kỹ năng giao tiếp, xử lý vấn đề, làm việc nhóm thông qua các phương thức là tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, đồng nghiệp hoặc các khóa đào tạo của công ty.
"Chọn lựa nghề nghiệp không phù hợp sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực như thất nghiệp, không phát triển được nghề nghiệp, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức...Vì vậy bạn trẻ cần xác định bản thân mình thích và phù hợp với ngành nghề nào để có mục tiêu cụ thể và bắt đầu một kế hoạch để thực hiện những mục tiêu đó" - anh Vũ Luân chia sẻ.
Nguyễn Xuân Vinh thì rèn luyện nhiều kỹ năng trong suốt quá trình tham gia các hoạt động Đoàn-Hội ở trường, trong đó có kỹ năng về tiếng Anh.
Xuân Vinh kể: "Hôm phỏng vấn lần cuối, tôi là người được gọi đầu tiên. Và sau hơn 30 phút phỏng vấn bằng tiếng Anh, người tuyển dụng nói kết quả sẽ được thông báo trong vòng 7 ngày. Nếu sau 7 ngày tôi không nhận được điện thoại thì tôi không trúng tuyển. Chỉ hai ngày sau tôi đã nhận được cuộc gọi từ công ty thông báo được nhận thử việc".
Theo Xuân Vinh, các bạn trẻ có hai giai đoạn quan trọng trong việc lựa chọn công việc phù hợp. Đó là lúc học THPT và học lên cao hơn. Các sinh viên phải xác định được những công việc yêu thích, phù hợp với khả năng của bản thân để tránh việc đã học được hết 1 năm, 2 năm thậm chí là hơn thế nữa mới nhận ra là mình không phù hợp với ngành đang học.
Theo Khưu Thiện Nhân (27 tuổi, quản lý một phòng tập thể hình ở quận Cái Răng), một số bạn trẻ khi đi xin việc thường có suy nghĩ là làm việc nhẹ, lương cao. Nhưng các nơi tuyển dụng hiện nay đều trả lương theo sức lao động của cá nhân bỏ ra. Chính vì vậy, các bạn trẻ rất dễ hụt hẫng nếu "đứng núi này trông núi nọ".
Từng tuyển dụng nhiều nhân viên, anh Nhân cho rằng các bạn đi xin việc cần chỉn chu về hình thức bên ngoài cũng như trên hồ sơ xin việc; trung thực và chân thành trong các mối quan hệ ở nơi làm... Bên cạnh đó, các bạn cũng cần làm thêm các công việc khi còn đi học để tạo thêm sự phong phú của hồ sơ xin việc.
Anh Nhân cho biết: "Những công việc các bạn làm có thể không quá lâu hoặc quan trọng nhưng những việc đó sẽ giúp người tuyển dụng có thông tin ban đầu về người ứng tuyển, đánh giá cao hơn những người khác. Nhưng quan trọng nhất, khi đi làm rồi bạn sẽ rất tự tin khi bắt đầu xin việc ở một công ty".
Khang Minh
Thi viết 'Tôi chọn nghề' - lần 2: Sau 'gap year', tôi tự tin học nghề Kỳ thi THPT quốc gia trôi qua, tôi nhận được kết quả khó chấp nhận: đã trượt ngành y, trong khi bạn bè cùng trang lứa lại đỗ đạt. Tôi rất buồn, tự dằn vặt bản thân mình và quyết định 'gap year' (tạm dịch là một năm trì hoãn). Tuyết Nhi và ước mơ làm trong ngành nhà hàng - khách sạn...