Con em chúng ta có thực sự giỏi khi giấy khen phủ kín lớp học?
Hình ảnh lặp lại như mọi năm đó là ngập tràn giấy khen tại các lớp học, trường học mà phụ huynh đăng lên mạng xã hội để “khoe”. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có đúng học sinh ngày càng học giỏi hay chuyện “lạm phát” giấy khen vẫng đang tồn tại nơi trường học?
Hình ảnh gây tranh cãi trên mạng xã hội trong lớp chỉ có 1 học sinh không có giấy khen (Ảnh đã được làm mờ gương mặt học sinh so với bản gốc). Ảnh: TL
Giấy khen phủ kín lớp học
Cộng đồng mạng đang chia sẻ, xôn xao bàn luận về một bức ảnh chụp tại một lớp học tiểu học, điều đặc biệt trong bức ảnh đó là cả lớp học tất cả đều có giấy khen, chỉ duy nhất một học sinh không được. Nam sinh ngồi bàn đầu không có tấm giấy khen, nét mặt có vẻ buồn bã. Hiện tại, chưa xác minh được nguồn gốc bức ảnh chụp ở trường nào, lớp nào, địa phương nào. Cũng chưa thể khẳng định, em học sinh không được giấy khen hay đây liệu có phải là hình ảnh được cắt ghép không.
Tuy nhiên đây không phải lần đầu xảy ra những chuyện tương tự. Năm học trước (2018 – 2019) tại một lớp học của một trường THCS (ở TP Vũng Tàu)- nơi có 42/43 học sinh giỏi trong một lớp, chỉ duy nhất một học sinh tiên tiến, cũng nhận được chú ý của dư luận.
Thời điểm hiện tại, nhiều trường học đã tổ chức bế giảng năm học 2019 – 2020, một năm học đặc biệt khi kéo dài tới tận 15/7 mới kết thúc, tức chậm hơn so với các năm trước khoảng 2 tháng. Một năm học mà học sinh nhiều nơi được nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài cả 3 tháng, học sinh học qua hướng dẫn của giáo viên, sử dụng phần mềm, ứng dụng học trực tuyến và học trên truyền hình. Dù gần như cả học kỳ II là học trực tuyến, song nhiều nơi đánh giá năm học vẫn thành công, học sinh đầy đủ kiến thức và số lượng học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến không nhiều thay đổi so với năm học trước. Kết thúc năm học, nhiều phụ huynh hân hoan khi con có giấy khen, nhưng cũng không ít phụ huynh ngậm ngùi khi con không có giấy khen.
Phụ huynh Lê Thanh Thảo (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con học tiểu học tâm sự: “Tôi vừa đi họp phụ huynh xong, cô giáo vui mừng thông báo dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, học sinh nghỉ nhiều, chuyển sang học online, làm phiếu bài tập… song kết quả cũng rất tốt, cả lớp đảm bảo kiến thức, hoàn thành tốt các môn học. Cả lớp chỉ có vài bạn không được giấy khen, còn lại là được nhận giấy khen (toàn diện hoặc từng môn). Tôi chỉ nghĩ giấy khen là để khích lệ là chính, song nếu vài bạn không được thì rõ ràng chưa đúng thực chất, cả lớp nhận giấy khen, bố mẹ vui mừng mà chỉ vài bạn không có dễ bị tổn thương khi trao quà, giấy khen, chụp ảnh”.
Video đang HOT
“Tôi cảm thấy không vui khi con được giấy khen, cũng chẳng buồn nếu con không được giấy khen vì tôi muốn con đi học được thoải mái vừa học vừa chơi và không cần hình thức danh hiệu. Thú thực, con năm nào cũng được giấy khen đến mức con cũng không vui sướng bởi con nhận ra trong lớp bạn nào cũng được và trong đó có cả những bạn học trung bình vẫn được “linh động” có giấy khen. Bên cạnh đó, tôi cũng không đồng tình với một số giáo viên, ban phụ huynh có sự phân biệt học sinh có giấy khen và không có giấy khen bằng cách đưa tất cả các con lên chụp ảnh, những bạn không được ngồi dưới buồn bã. Những học sinh trung bình không có quà, không có sự động viên, khích lệ nào”, phụ huynh Việt Cường (Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Chỉ là bệnh thành tích?
Theo ghi nhận, hiện nay không chỉ việc “hào phóng” ban phát giấy khen học sinh sau một năm học, tại nhiều trường học ở thành phố cũng tổ chức rất nhiều cuộc thi, câu lạc bộ và có chấm thi, tổ chức trao giải, giấy chứng nhận cho học sinh để phụ huynh “mát mặt” đăng lên mạng xã hội để khoe. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng thúc ép con đi thi các cuộc thi để cốt có giải, cộng điểm trong chuyển cấp khiến học sinh dù không muốn vẫn cứ phải đi thi, kết quả không được như mong muốn lại thành áp lực, chán nản… Nhắc đến chuyện danh hiệu, giấy khen, không ít phụ huynh ngao ngán trước thực trạng “bệnh thành tích” hiện nay.
Chia sẻ về một phần nguyên nhân vì sao học sinh hiện nay có phần được “ưu ái” hơn trước khi có học bạ “đẹp” và nhận nhiều giấy khen, lãnh đạo một Trường THCS&THPT tại Hà Nội (không nêu tên) cho biết: “Ngoài áp lực về chỉ tiêu phải đạt trong năm học, có một số giáo viên vì “thương” học sinh nên đã có mong muốn học sinh có được điểm cao, xếp loại học lực khá – giỏi để các em có được lợi thế trong các cuộc thi, xét tuyển đầu cấp, thậm chí là vào đại học, cao đẳng. Do đó, cũng nên xóa bỏ cách tuyển sinh dựa trên học bạ, điểm phổ thông để học sinh có cơ hội như nhau trong tuyển sinh”.
Công tác lâu năm trong ngành giáo dục, chỉ ra một thực tế việc “lạm phát giấy khen, danh hiệu” dành cho học sinh ở nhiều trường học hiện nay là “ảo”, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cho biết, một lớp học mà chỉ có một vài em không được tiên tiến, hoặc cả lớp giỏi mà có một hai em chỉ tiên tiến cho thấy không đúng thực chất, kể cả học trường chuyên, lớp chọn. Một lớp học, bao giờ cũng có học sinh giỏi, khá và cả trung bình, khá và giỏi hết là bất thường, biểu hiện của “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục từ lâu nay dù nỗ lực nhưng vẫn chưa xóa được.
Cũng theo vị Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam: “Bệnh thành tích không phải bây giờ, mà đã có từ trước và đến nay càng phổ biến, hàng năm đều tăng số lượng học sinh khá, giỏi. Chất lượng ảo, chưa đúng thực chất còn tạo ra hệ lụy, các em không học tốt thật sự vẫn được khen, thưởng đã mất dần ý chí ham học, phấn đấu”.
Bộ GD&ĐT đang Dự thảo Thông tư quy định Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Dự thảo áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới kế thừa quan điểm “đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh” của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT. Theo đó, công tác đánh giá cần coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. “Không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh”, dự thảo Thông tư quy định.
"Trẻ học không giỏi lớn lên sẽ lãnh đạo bạn học giỏi: Ít lắm!"
Bỗng dưng nhà nhà sợ nhận học giỏi và học kém lại có chuyện để kể. Hiện tượng rộ lên trong những ngày gần đây, khi thời điểm kết thúc năm học cận kề, gợi ra nhiều suy nghĩ trái ngược nhau.
Những hình ảnh cả lớp được nhận giấy khen, chỉ chơ vơ một vài học sinh không có, dù chưa rõ ràng về nguồn gốc nhưng đang thu hút sự bàn tán của các phụ huynh và những người quan tâm tới giáo dục. Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, anh Nguyễn Đức Sơn cho rằng không nên có cái nhìn khiên cưỡng. Dưới đây là ý kiến của anh Sơn.
Có giấy khen không đồng nghĩa học giỏi và chẳng liên quan gì sau này ra đời sẽ thành công. Nhất là nền giáo dục mắc bệnh nan y về cuồng thành tích. Nhưng đừng vì thế mà kết luận tất cả các em có giấy khen đều gà công nghiệp.
Học giỏi không có nghĩa làm giỏi. Nhưng học giỏi thật sự không dễ đâu. Đầy doanh nhân xuất sắc mình biết hồi học sinh học rất giỏi. Không có giấy khen không có nghĩa khi nào cũng kém. Nhưng đừng vì bệnh thành tích của những giấy khen mà bỗng dưng gán đủ thứ hay ho cho người ngồi tay không. Khiên cưỡng hết sức.
Sau này em học kém sẽ làm chủ và đi thuê mấy em học giỏi? Cũng có đầy.
Nhưng mặc nhiên kết luận em không giấy khen sau này sẽ làm chủ nghe buồn cười quá!
Với cá nhân nào đó thì vẫn đúng đấy nhưng tôi không tin số đông học kém ra đời sẽ thành công hơn học giỏi.
Quan điểm cá nhân của một người cấp 1 và cấp 2 học dốt đến trung bình. Chưa bao giờ được bằng khen.
Nhớ lại hồi đó, tôi chẳng bị kỳ thị gì cả. Chỉ có điều vì kém nên tôi luôn có cảm giác tự ti và không vui khi đến lớp.
Tôi ước giá như hồi đó mình đừng học dốt như vậy.
Bỏ qua những chiếc giấy khen. Tôi thích những người học giỏi thật sự. Giỏi thật sự rõ ràng họ thông minh hơn tôi.
Cho dù vào đời có người thành công, có người không.
Phản đối bệnh thành tích tệ hại là đúng rồi. Nhưng vô tình cổ vũ cho những em lười học cũng chẳng hay gì.
Nguy hiểm hơn là các bạn non nớt nghĩ rằng chả cần học đâu lớn lên giỏi là làm ông chủ thôi.
Vĩ nhân thì đúng là không phụ thuộc mấy vào trường học. Nhưng 99.99% nhân loại là người thường mà.
Học giỏi thật sự - nên tự hào. Nhưng đừng mặc định học giỏi sẽ thành công. Học không giỏi, cũng bình thường.
Nhưng đừng mặc định cho trẻ học không giỏi lớn lên sẽ lãnh đạo bọn học giỏi. Ít lắm, trừ khi có tài đặc biệt nào đấy.
"Lạm phát" giấy khen... Có một vấn đề không lớn cũng không nhỏ, chẳng mới mà cũng chưa cũ, nhưng mỗi mùa hè đến lại gây xôn xao với những tranh luận trái chiều, đó là câu chuyện ghi nhận thành tích phấn đấu và rèn luyện của học sinh gắn liền với những tấm giấy khen rực rỡ. Tôi còn nhớ như in những kỷ niệm...