Còn 2 ngày nữa là khai giảng năm học nhưng nhiều HS ở Gia Lai vẫn chưa có SGK
Trước tình trạng thiếu sách giáo khoa cho học sinh cận nghèo, người dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương dự kiến sẽ trích ngân sách để mua cho các em.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ khai giảng năm học mới 2022-2023, nhưng nhiều học sinh ở các vùng khó của Gia Lai vẫn đang “khát” sách giáo khoa, vở viết.
Bên cạnh việc thiếu đội ngũ giáo viên nghiêm trọng thì sách giáo khoa cũng đang là vấn đề nan giải với ngành giáo dục Gia Lai.
Vừa thiếu giáo viên vừa thiếu sách giáo khoa
Theo tìm hiểu thì hầu hết tại trường tiểu học và trung học cơ sở của một số huyện như Đức Cơ, Mang Yang… của Gia Lai đều xảy ra tình trạng thiếu sách vở.
Nhiều học sinh vùng khó ở Gia Lai đang thiếu sách giáo khoa khi năm học mới đã cận kề. Ảnh: MT
Nguyên nhân là chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng, sách giáo khoa ở các khối lớp 3 và lớp 7 thay đổi khiến phụ huynh phải bỏ tiền ra mua sách mới. Việc thiếu sách xảy ra chủ yếu ở các khối lớp như: 1, 2, 3, 6 và 7.
Video đang HOT
“Với hơn 44,5% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhiều trường lớp ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế còn khó khăn nên phụ huynh không có tiền để mua sách vở mới cho các em.
Nếu như trước đây, học sinh có thể sử dụng lại sách giáo khoa cũ của các anh, chị học trước thì nay không còn dùng được nữa. Với học sinh nghèo ở Tây Nguyên thì mỗi lần đổi sách là một lần các em phải đứng trước nguy cơ bỏ học giữa chừng vì thiếu thốn đủ bề”, cô Phạm Thị Huệ – một giáo viên tiểu học ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) chia sẻ.
Tại huyện Đức Cơ, nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở cũng đang nỗ lực để tìm kiếm nguồn sách giáo khoa cho học sinh.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện này thì có nhiều trường đang thiếu nhiều sách giáo khoa như: Trường Tiểu học Lê Văn Tám thiếu 60 bộ sách lớp 1, 70 bộ sách lớp 2 và 85 bộ sách lớp 3;
Trường Tiểu học Võ Văn Kiệt thiếu 30 bộ lớp 1, 30 bộ lớp 2 và 40 lớp 3; Trường Tiểu học Lương Thế Vinh thiếu 60 bộ sách lớp 1, 50 bộ sách lớp 2 và 50 bộ sách lớp 3…
Ngoài ra, nhiều trường tiểu học khác như: Kpă Klơng, Đinh Núp, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quốc Tuấn (huyện Đức Cơ) cũng đang trong tình trạng tương tự.
“Hiện các trường trên địa bàn còn thiếu khoảng 205 bộ sách lớp 1; khoảng 220 bộ sách lớp 2 và 235 bộ sách lớp 3 (bộ Cánh diều) và khoảng 70 bộ sách (bộ Kết nối tri thức và cuộc sống) ở các khối lớp 1, 2, 3.
Ngoài sách giáo khoa thì dụng cụ dạy học, vở bài tập, cặp sách, đồng phục cho học sinh… cũng rất thiếu thốn. Lý do là phụ huynh khó khăn không kham nổi các khoản chi phí đầu năm học, trong khi phía nhà trường cũng như ngành giáo dục cũng không có nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ”, đại diện Phòng Giáo dục Đức Cơ cho hay.
Tương tự, tại xã Lơ Pang (huyện Mang Yang) cũng đang thiếu gần 200 bộ sách giáo khoa, chủ yếu là ở khối lớp 3, 7.
“Theo quy định thì Nhà nước sẽ hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo nhưng đối với các hộ cận nghèo, khó khăn thì không thuộc diện được nhận. Do đó, rất nhiều học sinh thiếu sách giáo khoa để đi học”, ông Lê Lợi – Bí thư Đảng ủy xã Lơ Pang (huyện Mang Yang, Gia Lai) cho hay.
Tìm cách xoay xở
Ông Vũ Mạnh Định – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ (Gia Lai) xác nhận tình trạng thiếu thốn sách giáo khoa cho học sinh ở các trường học.
“Không chỉ thiếu sách giáo khoa cho các học sinh vùng khó mà địa phương còn đang thiếu đội ngũ giáo viên. Về giải pháp trước mắt thì sẽ tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa để mua sắm trang thiết bị, sách giáo khoa cho các em.
Trường hợp nếu căng thẳng quá thì huyện cũng tính toán sẽ trích một phần ngân sách để mua sách cho các học sinh hộ cận nghèo, vùng khó khăn”.
Cũng theo ông Định, để đáp ứng đội ngũ giáo viên cho năm học mới, huyện Đức Cơ sẽ tiến hành tuyển dụng thêm giáo viên trên cơ sở tổng số chỉ tiêu được giao. Đồng thời, sáp nhập các điểm trường, trường lẻ để có đủ giáo viên đứng lớp.
Còn tại huyện Mang Yang, chính quyền địa phương cũng đang tính toán phương án sử dụng nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ cho các xã khó khăn (150.000 đồng/học sinh) để mua sách giáo khoa cho các em. Ngoài ra, sẽ vận động xin sách cũ còn sử dụng được để cấp cho các học sinh cận nghèo, hộ khó khăn.
Ông Lê Duy Định – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, hiện các phòng đang thống kê lại số lượng học sinh thiếu sách để sở có phương án xin kinh phí hoặc kêu gọi nguồn xã hội hóa, giúp các em có sách học tập.
Mục tiêu của ngành giáo dục địa phương là đảm bảo đội ngũ giáo viên cũng như sách giáo khoa cho năm học mới 2022-2023.
Bước vào năm học mới 2022-2023, Gia Lai là một trong những địa phương thiếu giáo viên với khoảng 3.721 giáo viên ở các cấp học. Trong đó, thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non và Tiểu học. Theo phân bổ mới đây của Trung ương thì Gia Lai được giao tổng cộng 1.244 biên chế giáo viên (cao nhất khu vực Tây Nguyên), gồm: 574 chỉ tiêu cho bậc mầm non, 339 chỉ tiêu bậc tiểu học, 237 chỉ tiêu bậc trung học cơ sở và 94 chỉ tiêu bậc trung học phổ thông.
Thiếu sách giáo khoa lớp 10 trước thềm năm học mới
Trước ngày khai giảng, tình trạng thiếu sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là sách lớp 10 đã diễn ra.
Ngày 29/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn gửi Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thực hiện một số hoạt động đầu năm học 2022 - 2023, trong đó có nhiệm vụ "bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học". Tuy nhiên, trước ngày khai giảng, tình trạng thiếu sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là sách lớp 10 vẫn diễn ra.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên chương trình GDPT mới được áp dụng ở cả 3 cấp học với các lớp 3, 7 và 10.
Lý giải cho hiện tượng này, đại diện đơn vị xuất bản cho rằng, căn nguyên của việc chậm cung ứng sách giáo khoa là do quá trình chọn sách giáo khoa của các địa phương năm nay diễn ra muộn hơn so với mọi năm. Quy trình tổ chức lựa chọn môn học năm nay nhiều xáo động và quá cấp tập cũng là một nguyên nhân tác động.
Lường trước tình huống sách không kịp về mà kế hoạch dạy học không thể tạm dừng để chờ đợi, hiện nhiều nhà trường đang khuyến khích các giáo viên xây dựng giáo án điện tử để dù phải học chay chưa có sách, học sinh cũng có thể theo kịp chương trình.
Sau 3 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngày 5/9 tới đây, thầy trò cả nước mới có thể quay lại không khí khai giảng bình thường như những học năm học trước. Ngày vui ấy sẽ trọn vẹn hơn nếu hành trang tới trường của các em kịp thời có đủ sách giáo khoa.
Triển khai chương trình giáo dục mới thế nào khi còn thiếu giáo viên? Thiếu giáo viên trước thềm năm học mới, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp tạm thời Chỉ còn 3 ngày nữa, năm học 2022 - 2023 sẽ chính thức bắt đầu. Công tác chuẩn bị cho năm học mới cơ bản đã được các địa phương...