Coi lại quy trình chọn sách giáo khoa
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đã đề nghị như vậy xung quanh câu chuyện sách giáo khoa (SGK) lớp 1 còn chưa được cơ quan chức năng giải quyết ngã ngũ.
Các em học sinh đọc sách tham khảo tại một nhà sách trên đường Trường Sa, Q.3, TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG
“Trước đây chúng ta chỉ có duy nhất 1 chương trình, 1 bộ SGK. Bây giờ để chống độc quyền, thị trường có nhiều bộ SGK để các nhà giáo chọn lựa bộ sách tốt nhất cho học sinh của mình. Tuy nhiên, trên thực tế có bộ sách không đạt chất lượng vẫn được nhà trường chọn lựa. Vậy là do đâu? Tôi cho rằng: đó là do quy định chọn SGK” – TS Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhận định.
“Rất may năm nay trường tôi không chọn bộ SGK lớp 1 có ngữ liệu môn tiếng Việt gây nhiều tranh cãi và khó khăn cho học sinh. Nhưng tôi tự đặt câu hỏi rằng: Tại sao cuốn sách có nội dung như thế mà lọt qua cửa thẩm định với những nhà giáo thâm niên, những chuyên gia đầu ngành về môn tiếng Việt? Có phải do sự nể nang nhau hay còn có lý do tiêu cực khác?”
Cô H. (hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM)
Thị trường cho ra thị trường
Theo ông Minh, khi cả nước dùng chung 1 bộ SGK thì nhiều người cho rằng người dân bị Nhà nước ép mua bộ sách đó. Thời nay, việc chọn sách giao về cho các trường tiểu học, ban giám hiệu các trường được ví như những “ông nhà nước nhỏ”. Bởi họ có quyền định đoạt bộ sách nào được sử dụng chính trong trường của mình.
“Từ những lý do trên có thể kết luận ngay rằng để tránh những sai sót trong SGK, phải để cho quy luật thị trường được phát huy tối đa: sách tốt, nội dung hay sẽ được nhiều người mua và sử dụng; sách kém chất lượng sẽ bị quay lưng. Chỉ có vậy nhà làm sách mới dụng công nhiều hơn và cạnh tranh lành mạnh để cho ra đời những bộ sách hay” – ông Minh nói.
Tương tự, ThS Lê Ngọc Điệp – nguyên trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM – cũng cho rằng để tránh tình trạng sai sót như SGK môn tiếng Việt lớp 1 năm nay, việc đầu tiên cần thay đổi chính là quy trình, quy định chọn SGK.
“Việc chọn sách phải được giao cho giáo viên đứng lớp quyết định chứ không phải cả một ban bệ như hiện nay, nhưng có khi việc quyết định sử dụng bộ sách nào lại là quyền của người khác chứ không phải giáo viên. Và cũng không loại trừ tình trạng có trường chọn SGK vì lý do tế nhị khó nói ra, chứ không phải căn cứ vào nội dung – hình thức của quyển sách” – ông Điệp nói.
Video đang HOT
Theo ông Điệp, hiện nay chúng ta đã có chương trình chuẩn, giáo viên có thể sử dụng cả 5 bộ sách đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt để giảng dạy (ví dụ bài 1 họ sử dụng bộ sách A, nhưng với bài 2 sử dụng bộ sách B), các nhà quản lý cũng nên quản lý theo chương trình và chuẩn kiến thức – kỹ năng, chứ không nên quản lý theo nội dung SGK.
Ông Điệp cho biết thêm: “Trước đây, nước ta cũng từng có giai đoạn tồn tại nhiều bộ SGK cùng lúc và có bộ SGK không thể “đứng” được trên thị trường vì chất lượng kém. Bây giờ nếu thực hiện được điều này, chắc chắn các nhà làm SGK phải chú trọng đến nội dung của sách nhiều hơn”.
Ông Nguyễn Tùng Lâm – thành viên tổ tư vấn cho Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục – cho rằng việc chọn lựa SGK bản chất là của giáo viên và các nhà trường. Dù là thực hiện theo luật nào, quy trình chọn sách cũng cần đi lên từ giáo viên đứng lớp, từ các nhà trường. Việc chọn sách vừa qua có bất ổn, các trường chọn sách nhưng giáo viên chưa được tiếp cận đầy đủ, chưa nghiên cứu kỹ sách dẫn tới những “hạt sạn” của SGK khi dạy học mới biết. Vấn đề này cần phải xem lại để rút kinh nghiệm cho việc chọn SGK lớp 2, lớp 6 tránh những bất cập, tiêu cực, nhất là khi việc chọn sách sắp tới do UBND cấp tỉnh quyết định.
Ai dám thay đổi ngữ liệu bài dạy?
Với vai trò là người quản lý cấp trường, cô H. – hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM – đề nghị để bộ SGK lớp 2 mới không rơi vào tình trạng “dậy sóng” như bộ SGK lớp 1, Hội đồng thẩm định SGK hãy làm việc công tâm và khách quan.
Theo cô H., dù Bộ GD-ĐT đã thay đổi Hội đồng thẩm định SGK nhưng cần bổ sung thêm biện pháp chế tài: nếu hội đồng thẩm định sách không làm tròn nhiệm vụ của mình, để SGK có những sai sót không thể chấp nhận được thì phải bị phạt để làm gương cho các hội đồng thẩm định khác, vì sắp tới chúng ta có hàng loạt bộ SGK mới ở các khối lớp.
Trong khi đó, một giáo viên lớp 1 ở nội thành TP.HCM còn phản ảnh: “Khi phát hiện SGK có nhiều ngữ liệu không phù hợp, một số nhà quản lý cấp cao phát biểu trên báo rằng giáo viên có thể thay thế ngữ liệu bài học. Nhưng thực tế không dễ dàng như vậy vì nhiều người đã quá quen với suy nghĩ “SGK là pháp lệnh”, trong đó có cả cán bộ quản lý. Bây giờ SGK không còn là pháp lệnh nữa nhưng giáo viên chúng tôi vẫn không dám thay đổi ngữ liệu bài học vì sợ sai, sợ hiệu trưởng, hiệu phó, khối trưởng chuyên môn bắt lỗi…”.
Chưa kể việc thay đổi ngữ liệu bài học, theo giáo viên này, là không hề đơn giản vì muốn thay đổi phải in bài cho 46 học sinh trong lớp để các em nhìn vào đó mà học, không nhìn vào SGK nữa. “Thế nên tôi vẫn đề nghị nội dung SGK phải chuẩn, phải hay, chứ không thể làm qua loa rồi sửa đổi” – giáo viên này nói.
TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – cũng cho rằng tuy Bộ GD-ĐT nói đã trao quyền chủ động cho giáo viên, giáo viên có thể chủ động thay đổi ngữ liệu nếu ngữ liệu trong SGK không phù hợp nhưng thực tế hầu hết các giáo viên đều lúng túng, khó khăn trong khi dạy học. Theo bà Hương, với một chương trình hoàn toàn mới như vậy, giáo viên rất cần những hướng dẫn cụ thể và thiết thực hơn. Không chỉ SGK có vấn đề ở khâu biên soạn, thẩm định, mà khâu tập huấn cũng chưa tốt để họ có thể chủ động như mong muốn của Bộ GD-ĐT.
Thực nghiệm tốt mới tránh sai sót
TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng khâu thực nghiệm SGK lớp 1 vừa rồi có bất cập. Cụ thể, việc thực nghiệm cần phải triển khai trong 1-2 năm. Nhưng trên thực tế các đơn vị biên soạn chỉ thực nghiệm 1-2 tháng. Đây là việc cần khắc phục trong quá trình biên soạn, thẩm định SGK các lớp tiếp theo. “Nếu thực nghiệm nghiêm túc trước khi áp dụng thì dù có xảy ra sự cố, việc chỉnh sửa cũng dễ dàng, tránh tốn kém, lãng phí” – bà Hương nói.
Không chỉ sách giáo khoa có “sạn”, tình trạng phụ huynh hoa mắt với sách tham khảo cũng cần được giải quyết – Ảnh: MAI THƯƠNG
Nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng cần triển khai dạy thực nghiệm rộng rãi 6-8 tháng để có đánh giá cụ thể từ phía các cơ sở giáo dục, học sinh và giáo viên.
Có chung quan điểm, GS Phạm Tất Dong – phó chủ tịch Hội Khuyến học VN – đề xuất việc thực nghiệm cần phải chọn mẫu với số lượng đảm bảo có thể đánh giá chính xác. Cụ thể, các mẫu thực nghiệm phải đại diện của từng vùng miền, từ thành phố tới vùng nông thôn, miền núi và hải đảo. Ngoài ra, thực nghiệm cần phải đa dạng về chất lượng để có sự đánh giá phổ quát và có thời lượng thực nghiệm phù hợp.
ThS Lê Ngọc Điệp góp ý: “Bộ SGK lớp 2, lớp 6 cần phải được giảng dạy thực nghiệm bài bản và khoa học chứ không thể làm gấp gáp, vội vàng như bộ SGK lớp 1 vừa rồi. Tôi nhớ trước đây bộ SGK tiểu học năm 2000 được dạy thử nghiệm trong 2 năm học, ban biên soạn sách phải đi thực tế xuống rất nhiều trường, nghe góp ý của rất nhiều giáo viên rồi về chỉnh sửa xong mới xuất bản. Nếu bộ SGK lớp 1 mà được dạy thực nghiệm như vậy sẽ tránh được những sai sót đáng tiếc ở môn tiếng Việt”.
Thẩm định sách giáo khoa lớp 1 hết bao nhiêu tiền?
Tổng vốn của Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT thực hiện là 80 triệu USD,gồm 77 triệu USD vốn ODA của Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng trong nước. Kinh phí để thẩm định sách giáo khoa lớp 1 là bao nhiêu?
Sau thẩm định, SGK lớp 1 vẫn còn "sạn". Ảnh: Nghiêm Huê
Theo tài liệu mà phóng viên có được, riêng việc thẩm định SGK lớp 1 vừa qua, Bộ GD&ĐT dự toán chi 16,7 tỷ đồng. Năm 2016, liên Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 21 hướng dẫn nội dung và mức chi đặc thù Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, quy định cụ thể mức chi từng nội dung liên quan thẩm định SGK.
Đối với nội dung dạy học thực nghiệm chương trình SGK, thù lao 100.000đồng/tiết/giáo viên tiểu học; 120.000đồng/tiết/giáo viên THCS; 135.000đồng/tiết/giáo viên THPT. Những trường có dạy học thực nghiệm còn được hỗ trợ: thù lao cho người phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu, quản lý học sinh, tổ chức lấy ý kiến góp ý; các khoản chi phí hành chính phát sinh...(chi phí này bằng 5% tổng kinh phí thù lao cho giáo viên dạy thực nghiệm tại trường).
Tuy nhiên, với hạng mục này, do Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn 1 bộ SGK nên không chi như trong thông tư quy định.Nội dung thứ hai là chi thù lao cho thành viên các hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Mức chi cho chủ tịch hội đồng tối đa là 200.000đồng/buổi;chi cho phó chủ tịch, ủy viên, thư ký tối đa là 150.000đồng/buổi. Đối với đọc thẩm định SGK, chi 35.000đồng/tiết/người; đọc thẩm định tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình tối đa là 30.000đồng/tiết/người.
Từ quy định của thông tư, chiếu vào môn tiếng Việt lớp 1 với thời lượng dạy 420 tiết, có thể thấy đối với lớp 1, năm 2019, lần thẩm định đầu tiên, Bộ GD&ĐT nhận được 6 bản thảo mẫu với 15 thành viên hội đồng thẩm định, tổng thù lao chi là 1,323 tỷ đồng.Còn nếu tính 1 bộ SGK đầy đủ với 1 lượt người thẩm định thì số tiền cần chi là 35,525 triệu đồng.
Năm 2019 có 5 bộ SGK trọn vẹn được Bộ GD&ĐT phê duyệt và 1 bộ SGK của GS. Hồ Ngọc Đại bị loại là 6 bộ SGK được thẩm định nên nếu chỉ tính 1 lượt người thẩm định thì kinh phí trả thù lao sẽ là 213,15 triệu đồng. Nhưng do có 9 hội đồng thẩm định, mỗi hội đồng lại có số lượng thành viên khác nhau nên số tiền chi ra là hơn 9,8 tỷ đồng, chiếm hơn 58% kinh phí so với dự toán ban đầu.
Khó giám sát thực nghiệm SGK
Trong Thông tư 21, Dự án có kinh phí cho việc thực nghiệm SGK trong thực tế. "Sạn" trong SGK Tiếng Việt vừa qua không chỉ đặt ra vấn đề thẩm định mà còn đặt ra vấn đề thực nghiệm SGK như thế nào. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, Bộ GD&ĐT chưa có văn bản nào quy định mỗi môn học các NXB phải thực nghiệm thực tế trong thời gian bao lâu mà chỉ quy định có nội dung thực nghiệm trong hồ sơ gửi hội đồng thẩm định SGK quốc gia.
Điều đó có nghĩa việc thực nghiệm như thế nào, thực nghiệm trong bao lâu là do các NXB tự quyết định. Do giao toàn quyền cho các NXB nên bài toán kinh phí sẽ được các NXB ưu tiên hơn là hiệu quả thực nghiệm. Đại diện 1 đơn vị biên soạn, xuất bản trong 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam nói rằng, trước khi được đưa đi thẩm định, sách đã được thực nghiệm tại 10 tỉnh, thành phố trong một năm rưỡi.
Việc thực nghiệm gồm cả nội dung và phương pháp. Tất cả các môn, nhóm chủ biên đều phải xây dựng đề cương năng lực, đề cương chi tiết từng bài dạy sau đó viết thành 1 bài dạy để nhóm thảo luận rồi đưa vào dạy thử. Sau khi giáo viên góp ý sẽ rút kinh nghiệm viết lại rồi dạy thử nghiệm tiếp. Trước đó, GS. Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên SGK Tiếng Việt bộ Cánh Diều,nói rằng, sách của ông được thực nghiệm tại một trường tiểu học ngoại thành Hà Nội.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra đối với SGK Tiếng Việt lớp 1 hiện nay, nhiều chuyên gia nghi ngờ hiệu quả của việc để cho các NXB tự tổ chức thực nghiệm sách trong thực tế. Trong khi đó, chương trình giáo dục hiện hành, trước khi thay sách đại trà, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thực nghiệm trong 2 năm, tiếp thu ý kiến, góp ý, chỉnh sửa.
GS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1, cho rằng, quá trình thực nghiệm SGK lớp 1 vừa qua quá vội vàng. Quá trình này nếu được Bộ GD&ĐT tổ chức sẽ khách quan và tốt hơn. "Khi thẩm định sách, một trong những tiêu chuẩn cứng là vấn đề thực nghiệm. Năm bộ sách đều được tổ chức thực nghiệm, nhưng thời gian chỉ có vài tháng. Khi thẩm định, chúng tôi hỏi rất cặn kẽ thực nghiệm ở đâu, thế nào, nhóm tác giả đều trình bày đầy đủ. Nhưng chúng tôi cũng không thể kiểm tra từng lớp, từng giáo viên, học sinh để xem mức độ đến đâu", GS Chừ nói.
Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT chính thức triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình giáo dục 2018) đối với lớp 1 có nhiều SGK. Năm 2019, Bộ nhận được 49 bản mẫu của 9 môn học đối với lớp 1 để thẩm định. Trong số này, có 45 bản đạt yêu cầu, tương đương 5 bộ SGK lớp 1 đến từ 3 NXB, gồm NXB Giáo dục Việt Nam (4 bộ), NXB Sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm TPHCM (phối hợp biên soạn 1 bộ).
Việc biên soạn sách giáo khoa phải chú ý cân nhắc ngôn từ để cho học sinh cả 3 miền đều hiểu Ngày 14-10, trong khuôn khổ phiên họp thứ 49, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10 của Quốc hội. Một trong những vấn đề được các thành viên UBTVQH quan tâm là những bất cập trong nội dung chương...