Cố vấn của ông Trump tiết lộ kế hoạch chấm dứt xung đột Nga – Ukraine
Kế hoạch nêu rõ, Nga sẽ được cảnh báo rằng bất kỳ hành động từ chối đàm phán nào sẽ dẫn tới việc Mỹ tăng cường hỗ trợ Ukraine.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN
Hai cố vấn hàng đầu của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Keith Kellogg và Fred Fleitz, đã trình bày kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, theo tờ Pravda (Ukraine) ngày 25/6.
Kế hoạch này được phát triển bởi Keith Kellogg và Fred Flaitz, người từng là Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời chính quyền Trump.
Kế hoạch nêu rõ nếu đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump có thể ngừng cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine nếu Kiev từ chối đàm phán. Ngược lại, Nga sẽ được cảnh báo rằng bất kỳ hành động từ chối đàm phán nào sẽ dẫn tới việc Mỹ tăng cường ủng hộ Ukraine.
Các yếu tố chính của kế hoạch đã được trình bày trong một tài liệu nghiên cứu được công bố rộng rãi do Viện Chính sách nước Mỹ trên hết, một tổ chức tư vấn thân thiện với ông Trump, nơi ông Kellogg và Fleitz giữ các vị trí lãnh đạo, phát hành.
Ông Kellogg cho rằng nếu ông Trump thắng cử, việc nhanh chóng đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán là vô cùng quan trọng.
Video đang HOT
“Chúng tôi sẽ nói với phía Ukraine rằng họ phải ngồi vào bàn đàm phán, và nếu họ không ngồi vào bàn đàm phán, sự hỗ trợ từ Mỹ sẽ chấm dứt. Chúng tôi cũng sẽ nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin: Moskva nên ngồi vào bàn đàm phán, nếu không chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine mọi thứ họ cần”, ông Kellogg nói.
Theo đề xuất của họ, Moskva cũng có thể buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, nhằm trì hoãn việc Ukraine trở thành thành viên NATO.
Ông Kellogg và Fleitz lưu ý, để đạt được hòa bình lâu dài ở Ukraine, cần có những đảm bảo an ninh bổ sung cho Ukraine. Ông Flejts nói thêm rằng “trang bị tận răng cho Ukraine” có thể là yếu tố then chốt của việc này.
Theo ông Fleitz, ông Trump đã đọc chiến lược của họ và phản ứng tích cực với nó. Tuy nhiên, người phát ngôn của ông Trump, Stephen Chung, nói rằng chỉ những tuyên bố của chính cựu tổng thống Mỹ hoặc các thành viên được ủy quyền trong chiến dịch tranh cử của ông mới được coi là chính thức.
Truyền thông trước đó đưa tin ông Trump được cho là đang nỗ lực thúc đẩy Ukraine nhượng bộ lãnh thổ với Nga để chấm dứt giao tranh.
Bản thân ông Trump thường khoe rằng ông có thể đàm phán một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine trong vòng 24 giờ nếu đắc cử, nhưng liên tục từ chối làm rõ một cách công khai làm thế nào có thể thực hiện điều này.
Tương quan lực lượng giữa các đảng phái trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu
Mặc dù chủ đề của chiến dịch tranh cử ở mỗi quốc gia là khác nhau, nhưng vấn đề nổi bật vẫn là quốc phòng và an ninh, liên quan chủ yếu đến nhu cầu phản ứng mạnh mẽ hơn của EU trước cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Một họp của Nghị viện châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN
Vào ngày 6 - 9/6 tới, hơn 400 triệu cử tri châu Âu ở 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ bầu 720 nhà lập pháp cho Nghị viện châu Âu (EP) khóa mới. Theo số liệu công bố vào đầu tháng 5 năm nay dựa trên các cuộc thăm dò bầu cử ở châu Âu, Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu đang dẫn đầu và có thể giành được 183 ghế trong Nghị viện châu Âu (EP) tiếp theo.
Trong những tháng gần đây, EPP đã nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng, đứng đầu trong các cuộc thăm dò ở nhiều quốc gia thành viên EU như ở Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha, Romania, Hy Lạp và Phần Lan. Ở vị trí thứ hai là phe trung tả - Liên minh Tiến bộ của nhóm Xã hội và Dân chủ (SD), với kết quả dự kiến là 140 ghế.
Vị trí thứ ba đang được cạnh tranh bởi nhóm trung dung Renew Europe (Phục hưng châu Âu - RE) với 86 ghế trong EP, khối Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) - 86 ghế và nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID) - 84 ghế. ID ghi nhận sự phục hồi nhẹ sau khi tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò sụt giảm vào tháng 3 năm nay nhưng đây vẫn là nhóm có thứ hạng cao nhất trong các nghiên cứu ở Pháp, Hà Lan và Áo. Các đảng cánh tả hiện yếu nhất trong các cuộc thăm dò: Đảng Xanh/Liên minh Tự do châu Âu (G/EFA) có thể chỉ còn 48 ghế, trong khi GUE/NGL (LEFT) cánh tả - 44 ghế. Trong những tháng gần đây, cả hai đảng đều ghi nhận sự sụt giảm một số ghế.
Chủ đề trong chiến dịch tranh cử
Mặc dù chủ đề của chiến dịch tranh cử ở mỗi quốc gia là khác nhau, nhưng vấn đề nổi bật vẫn là an ninh, liên quan chủ yếu đến nhu cầu phản ứng mạnh mẽ hơn của EU trước cuộc xung đột Nga - Ukraine, như: tăng cường đầu tư vào năng lực quốc phòng của châu Âu. Trước sự phản đối của nông dân châu Âu, chiến dịch tranh cử cũng đặt ra vấn đề biến đổi khí hậu và liên quan đến việc hoàn tất về gói di cư (phản ứng của EU trước những thách thức về di cư). Vì vậy, các nhóm cánh tả đang tìm cách chuyển trọng tâm của chiến dịch sang các vấn đề xã hội, chẳng hạn như chi phí sinh hoạt và nhu cầu nhà ở ngày càng tăng.
Tại đại hội EPP vào tháng 3 vừa qua ở Bucharest, nhu cầu đoàn kết hơn nữa của EU với Ukraine và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng EU đã được nhấn mạnh. Chương trình trước bầu cử của nhóm đảng này cũng bao gồm nhu cầu tạo ra một thị trường quốc phòng châu Âu thống nhất, phát triển các dự án trong PESCO (cấu trúc thường trực về quốc phòng) và bổ nhiệm vị trí ủy viên quốc phòng trong Ủy ban châu Âu mới. Về lâu dài, nhóm đảng này đề xuất thành lập Liên minh Phòng thủ châu Âu, bao gồm các lực lượng trên bộ, trên biển, trên không và không gian mạng.
Các đảng khác cũng đề cập đến vấn đề tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Nhu cầu hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn ở EU là điểm mấu chốt trong bài phát biểu về tương lai của châu Âu, được đưa ra vào tháng 4 năm nay ở Sorbonne của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thuộc nhóm đảng Phục hưng châu Âu - RE). Ông Macron nhận thấy sự cần thiết phải đưa ra cái gọi là trái phiếu quốc phòng, bao gồm việc phát hành nợ chung của châu Âu để trang trải chi tiêu quân sự.
Trong khi đó, các nhà xã hội (SD) thận trọng với ý tưởng này và trong tuyên ngôn tranh cử, họ chỉ ra nhu cầu chi tiêu có mục tiêu và thông minh hơn, mua sắm chung các sản phẩm quốc phòng, hợp tác tình báo chặt chẽ hơn và hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực an ninh mạng và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.
Về phần mình, ECR cũng xác định việc tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu, hợp tác giữa EU và NATO cũng như đầu tư vào công nghệ và an ninh là những ưu tiên.
Ngoài ra, sự chỉ trích đối với Thỏa thuận Xanh châu Âu là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của phe cánh hữu. Nhóm Bản sắc và Dân chủ gọi đó là chính sách sai lầm và mang tính tư tưởng của các quan chức Brussels. Trong tuyên ngôn tranh cử, ECR thông báo rằng nó sẽ được thay thế bằng "một chiến lược khí hậu bền vững hơn, phù hợp với đặc thù của từng quốc gia, trong đó đặt phúc lợi kinh tế xã hội lên hàng đầu và không bỏ qua mối quan ngại của nông dân, ngư dân, người dân và doanh nghiệp".
Bất chấp sự sụt giảm trong các cuộc thăm dò, Thỏa thuận Xanh châu Âu được bảo vệ bởi cánh tả và Đảng Xanh, nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án này đối với sự phát triển kinh tế của châu Âu và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Do sự khác biệt về lợi ích quốc gia, vấn đề di cư ít diễn ra trong các chiến dịch tranh cử của các đảng chính trị châu Âu. Theo truyền thống, các nhóm cánh hữu nhấn mạnh đến việc bảo vệ biên giới và hợp tác với các nước thứ ba để đưa người di cư trở về. Tuy nhiên, Cánh tả và Đảng Xanh chỉ trích những hạn chế về thủ tục biên giới vốn là một phần của hiệp ước di cư, chủ yếu chú ý đến các vấn đề nhân quyền.
Tóm lại, diễn biến của chiến dịch bầu cử đang có lợi cho EPP, những người đã củng cố vị thế dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước bầu cử trong những tháng gần đây và có cơ hội thực sự giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu trong tháng 6 này. Tuy nhiên, bất chấp lợi thế rõ ràng từ các cuộc thăm dò của EPP và sự vận động mạnh mẽ của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen trong chiến dịch tái tranh cử, vị trí Chủ tịch EC mới sẽ được xác định bằng các cuộc đàm phán giữa nguyên thủ quốc gia và chính phủ, có tính đến kết quả của cuộc bầu cử EP và các vấn đề khác, chẳng hạn như nhu cầu duy trì sự cân bằng về mặt địa lý khi bổ nhiệm các vị trí cao nhất trong EU. Các đối thủ của Chủ tịch Ursula von der Leyen không hẳn là những ứng cử viên hàng đầu của các nhóm đảng khác mà là các chính trị gia cùng phe với bà. Các ứng cử viên cạnh tranh bao gồm: Tổng thống Romania Klaus Iohannis, Thủ tướng Croatia Andrei Plenkovic và cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi.
Tiết lộ về 'lằn ranh đỏ' khiến NATO can thiệp trực tiếp vào xung đột Ukraine Các thành viên NATO được cho là đã bí mật vạch ra 2 kịch bản có thể khiến liên minh này can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột Ukraine. Theo Sputnik, trong ngày 5/5, tờ La Repubblica của Italia đã trích dẫn một tài liệu mật của NATO, tiết lộ rằng liên minh quân sự này "đã thiết lập 2 lằn ranh...