Có trường học, thời khóa biểu lớp 6,7 ‘vắng bóng’ môn tích hợp
Tấm gương sáng tự học và sáng tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ bản thân, vượt lên chính mình của thầy cô giáo chắc chắn sẽ được học trò ghi nhận, tự hào.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở trung học cơ sở có một số môn học được gọi là “tích hợp” như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Hoạt động Trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương.
Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau:
” 1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;…”.
Như vậy, để dạy các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Hoạt động Trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương, giáo viên phải có bằng cử nhân bộ môn hoặc bằng cử nhân phù hợp, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Thực tế, khi các môn học mới xuất hiện, không có nhiều sinh viên tốt nghiệp sư phạm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Hoạt động Trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương
Với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT, trong đó quy định giáo viên các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học phải bắt buộc bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Giáo viên được cấp chứng chỉ bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý mới được dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Thực tế, số giáo viên đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý không nhiều, ngay địa phương người viết chỉ có một vài giáo viên chuyển về từ Thành phố Hồ Chí Minh có chứng chỉ này, còn lại không có nhiều giáo viên đáp ứng yêu cầu này.
Thế nhưng, chương trình mới đã và đang thực hiện ở lớp 6 và lớp 7, điều đó có nghĩa không ít cơ sở giáo dục phân công chuyên môn chưa đúng quy định giáo viên phải có bằng cử nhân bộ môn hoặc bằng cử nhân phù hợp có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc có bằng cử nhân và chứng chỉ bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Môn tích hợp bị “xóa” trong thời khóa biểu lớp 6,7
Đầu năm học 2022-2023 các địa phương phải giải bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ, môn thì thừa, môn thì thiếu, cùng với đó các môn “tích hợp” không có giáo viên.
Video đang HOT
Để thuận tiện cho việc tổ chức dạy học, một số cơ sở giáo dục đã “xóa” môn tích hợp ra khỏi chương trình lớp 6, lớp 7 khi phân công chuyên môn giáo viên.
Bạn đọc có thể tham khảo thời khóa biểu lớp 6, lớp 7 của một trường trung học cơ sở sau đây.
Môn tích hợp không có trong thời khóa biểu một số trường. Ảnh minh họa: Nhật Minh
Các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Hoạt động Trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương đã bị “xóa sổ”, thay vào đó là các môn học truyền thống: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, …
Cá nhân người viết cho rằng, việc chia thời khóa biểu để nhiều giáo viên cùng dạy một cuốn sách là điều không có cơ sở giáo dục nào muốn làm bởi như thế, khổ cả thầy và trò.
Thực tế, các kiến thức trình bày trong các sách giáo khoa chỉ mang tính “ghép môn” là chủ yếu, tính “tích hợp” rất ít.
Nên phân công giáo viên dạy theo từng môn học có ưu điểm rõ ràng: kiến thức bộ môn của giáo viên vững vàng, chất lượng truyền thụ sẽ tốt hơn khi phân công cho một giáo viên đơn môn dạy môn tích hợp.
Bên cạnh đó, học sinh học theo môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý rõ ràng, sẽ có thuận lợi khi lên trung học phổ thông, biết rõ từng môn học, thế mạnh của mình, chọn các môn tự chọn cho phù hợp.
Trái ngược với cách sắp xếp chuyên môn “xóa” môn tích hợp trong thời khóa biểu lớp 6,7, nhiều địa phương khác đã động viên thầy cô giáo đơn môn tự học, tự nghiên cứu, phân công giáo viên dạy theo môn tích hợp.
Thực tế hiện nay, chương trình bồi dưỡng giáo viên tích hợp khó mà cung cấp đủ kiến thức, kĩ năng cho giáo viên đơn môn dạy tốt môn tích hợp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho các cơ sở giáo dục sáng tạo thực hiện chương trình 2018 trên cơ sở thực tế của mình, người viết không đánh giá cách phân công chuyên môn nào tốt hơn, cái đó chỉ thực tế mới đánh giá được.
Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thống kê, khảo sát chất lượng các cách phân công chuyên môn, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo cho năm học 2022-2023 càng sớm càng tốt.
Người viết còn nhớ, mở đầu modul 5 trong chương trình bồi dưỡng giáo viên, Thạc sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh đã nói “Mọi đổi mới trong giáo dục đều sẽ thất bại nếu không bắt đầu từ nguồn nhân lực”.
Cá nhân người viết cho rằng, nếu thực hiện chương trình 2018 chúng ta bắt đầu từ đào tạo nguồn nhân lực giáo viên tích hợp, giáo viên ngoại ngữ, giáo viên tin học … thì năm học 2022-2023 đã không phải đau đầu vì thiếu giáo viên môn mới trong chương trình 2018.
Mỗi thầy cô đang dạy môn tích hợp là nhân tố quý báu giúp chương trình 2018 thành công, thầy cô hãy là tấm gương sáng tự học và sáng tạo, nâng cao chuyên môn bản thân, vượt lên chính mình, dạy môn “tích hợp” tốt hơn.
Tấm gương sáng tự học và sáng tạo, nâng cao chuyên môn bản thân, vượt lên chính mình, dạy môn tích hợp tốt hơn của thầy cô giáo chắc chắn sẽ được học trò ghi nhận, tự hào.
Tài liệu tham khảo:
Luật Giáo dục 2019
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Thiếu giáo viên vì đâu nên nỗi?
Sau 3 năm thực hiện Chương trình mới, chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn về đội ngũ giáo viên.
Cô trò Hệ thống Giáo dục Lý Thái Tổ (Hà Nội).
Chương trình GDPT 2018 được công bố năm 2018, lộ trình thực hiện từ năm 2020 - 2021 với lớp 1 theo hình thức cuốn chiếu; các văn bản chỉ đạo chuẩn bị điều kiện thực hiện được ban hành sớm. Quỹ thời gian chuẩn bị không nhỏ, nhưng đến nay, sau 3 năm thực hiện, chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn về đội ngũ.
Nhiều bất cập
Phân tích nguyên nhân bất cập trong đội ngũ giáo viên (GV) hiện nay, điều đầu tiên ông Đặng Tự Ân - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam - nhắc đến là biến động quá lớn về quy mô trường/lớp do sắp xếp, cơ cấu lại các trường; hoặc do tăng dân số cơ học tại các thành phố lớn, khu công nghiệp; từ đó dẫn tới thừa/thiếu cục bộ GV tại một số địa phương, khu vực.
Việc bố trí, điều động, phân công GV chưa sát với nhu cầu thực tế của từng trường, địa phương (cấp huyện). Nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo thống nhất của chính quyền cấp tỉnh/thành phố về điều chuyển GV từ nơi thừa sang nơi thiếu trong phạm vi toàn tỉnh...
Cũng theo ông Đặng Tự Ân, nguyên nhân thiếu GV còn bởi việc kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm đồng loạt không tính đến đặc thù của ngành Giáo dục, dẫn đến đạt kết quả thấp. Việc giảm biên chế quá nhiều do tỷ lệ GV cao so với tổng biên chế của cả khối sự nghiệp. Mặt khác, thời gian qua, số lượng GV giảm chủ yếu là do nghỉ chế độ hưu, chuyển công tác, dẫn đến những khó khăn, lúng túng cho cơ sở giáo dục trong sắp xếp khi chỉ được tuyển mới bằng 50% số GV đã giảm, trong khi quy mô phát triển giáo dục liên tục tăng.
Liên quan đến định mức, ông Đặng Tự Ân nhận định chưa quan tâm tới cơ cấu GV khi dạy học theo Chương trình GDPT 2018 và dạy học 2 buổi/ngày ở tiểu học. Từ đó, dẫn đến không có sự thống nhất trong việc sửa đổi định mức học sinh/lớp, GV/lớp cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền. Hạn chế trong việc phân bổ biên chế sự nghiệp giáo dục có trách nhiệm lớn của Bộ Nội vụ.
"Việc tăng biên chế khi thực hiện chương trình mới và học 2 buổi/ngày không được quy định trong Luật Giáo dục, Nghị quyết 88/2014/QH13 mà chỉ quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình GDPT 2018. Bộ Nội vụ cũng chưa giúp ngành Giáo dục tháo gỡ các khó khăn đang gặp phải, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu GV ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho triển khai chương trình, kế hoạch dạy học và bảo đảm chất lượng giáo dục tại địa phương" - ông Đặng Tự Ân cho hay.
Một nguyên nhân khác dẫn đến khó khăn về đội ngũ là Chương trình GDPT 2018 có thêm một số môn học và hoạt động giáo dục mới (Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học trước đây là môn tự chọn, môn Nghệ thuật cấp THPT là môn học mới) nên thiếu toàn bộ GV để dạy các môn học này. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các trường, khoa sư phạm gặp không ít khó khăn khi tuyển sinh. Kết quả tuyển sinh đầu vào thường không đủ chỉ tiêu, điểm chuẩn của một số trường, khoa khá thấp, kinh phí đào tạo hạn hẹp đã phần nào ảnh hưởng đến cơ cấu và chất lượng đào tạo.
Việc tuyển dụng nhà giáo theo hướng dẫn của liên Bộ với một quy trình và phương thức chung như các viên chức khác cũng bộc lộ những hạn chế và chưa phù hợp. Theo đó, tuyển dụng vẫn chú trọng kiến thức về quản lý Nhà nước nói chung, phần thi kỹ năng nghề nghiệp chưa được coi trọng đúng mức, kéo theo khó tuyển dụng GV hàng năm.
Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội).
Thiếu đồng bộ
Biên chế sự nghiệp giáo dục hiện nay do 3 cơ quan có thẩm quyền quản lý, bao gồm: Bộ Nội vụ giao, duyệt biên chế; Bộ GD&ĐT quy định danh mục vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc; UBND cấp tỉnh trực tiếp tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức GV.
Ngành Giáo dục không được tham gia sâu vào quá trình tuyển dụng, điều tiết GV cho phù hợp với quy định chức năng, nhiệm vụ. Vì vậy, vấn đề thừa, thiếu GV mầm non, phổ thông trong nhiều năm qua không được giải quyết triệt để, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Bởi vậy, theo các chuyên gia, việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV phải đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, giữa các bộ, ngành liên quan; cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV.
Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Bộ Nội vụ, các địa phương vẫn giữ quyền về phân bổ chỉ tiêu GV, ngân sách, Bộ GD&ĐT không chủ động được về đội ngũ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu GV khó khắc phục. Ngoài ra, tình trạng thừa thiếu GV cục bộ xuất hiện nhiều ở bậc mầm non, tiểu học, THCS. Đội ngũ này phân cấp cho địa phương phân bổ và quản lý. Như vậy, chính quyền địa phương phải nắm rõ tình hình đội ngũ trên địa bàn để chủ động đặt hàng cơ sở đào tạo để sát với nhu cầu.
Báo cáo số 559/BC-UBVHGD15 ngày 22/2/2022 về kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ GV mầm non, phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thực hiện cũng nêu thực trạng thiếu số lượng lớn và tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ ở từng địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, cấp học, môn học; đặc biệt, các môn mới được triển khai theo Chương trình GDPT 2018.
Để xây dựng và thực hiện tốt hơn các chính sách, từ đó phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, một trong những kiến nghị của Đoàn khảo sát là cần có sự thống nhất trong quan điểm giữa 2 Bộ (GD&ĐT, Nội vụ) về cách tính định biên GV và vấn đề thừa, thiếu GV (thiếu so với biên chế được giao; thiếu so với định mức của Bộ GD&ĐT về học sinh/lớp, GV/lớp).
Riêng thiếu GV các môn học mới, vấn đề đào tạo tại các trường sư phạm rất quan trọng. Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho hay: Hiệp hội đã có kiến nghị về một số giải pháp khẩn cấp đối với hệ thống các cơ sở sư phạm.
Theo đó, về phân cấp quản lý, Bộ GD&ĐT xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục và quy định tiêu chuẩn chất lượng các loại GV. Bộ GD&ĐT quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng GV và giao chỉ tiêu đào tạo/bố trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp cho các trường ĐH sư phạm/ĐH giáo dục trọng điểm/Trung ương.
Các trường này được tự chủ trong đào tạo sau ĐH và nghiên cứu khoa học, tập trung đào tạo sau ĐH (đặc biệt đối với các trường trọng điểm); nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng giảng viên cho các trường sư phạm và trường THPT trên phạm vi toàn quốc. UBND cấp tỉnh quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo GV mầm non, tiểu học, THCS cho các trường/khoa sư phạm địa phương. Các trường/khoa sư phạm địa phương tập trung đào tạo, bồi dưỡng GV cho các trường mầm non, tiểu học và THCS trong địa phương theo chỉ tiêu do chính quyền địa phương giao...
Theo ông Đặng Tự Ân, để giáo dục là quốc sách hàng đầu, Chính phủ và các bộ, ngành cần có quan điểm và cách làm ủng hộ Bộ GD&ĐT trên tinh thần lo cho thế hệ hiện tại và mai sau. Không để tái diễn tình trạng thiếu GV, cán bộ quản lý như cảnh "ăn đong" hay "vừa chạy vừa xếp hàng".
Học sinh Hải Phòng hào hứng với trải nghiệm STEM đo chu vi trái đất Vào ngày thu phân 23/9, hơn 600 học sinh lớp 10 THPT Lê Quý Đôn (quận Hải An) tổ chức đo chu vi trái đất. Học sinh thực hành đo chu vi trái đất từ lúc 11h40 ngày 23/9. Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về nhân lực và vật lực để triển khai hiệu quả chương trình GDPT...