Có thể trở thành kỳ thi quốc gia?
KTĐT – Với những ưu điểm của kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) phục vụ tuyển sinh vào các ngành đào tạo bậc đại học chính quy của Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ cần cải tiến vài điểm là có thể trở thành kỳ thi THPT quốc gia.
Thí sinh thi đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Chất lượng, kinh tế
Đợt 1 của kỳ thi ĐGNL đã kết thúc, nhưng mấy ngày nay, dư luận xã hội, nhất là những người làm giáo dục, bàn luận rất nhiều về một phương thức thi mới lần đầu tiên có trong lịch sử giáo dục Việt Nam diễn ra trên quy mô lớn. Kỳ thi sử dụng phương pháp trắc nghiệm với nguồn dữ liệu 4.000 câu hỏi đã được phân tích và thử nghiệm nhiều lần từ năm 2012, thí sinh (TS) làm bài thi trên máy tính, thi xong biết điểm ngay. Đặc biệt, mỗi TS chỉ thi một buổi, đề thi khác nhau nên tiết kiệm tối đa chi phí và không phao thi.
PGS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh rất ủng hộ kỳ thi ĐGNL, bởi hơn 72% TS đạt điểm trung bình trở lên cho thấy các câu hỏi trong đề rất sát với kiến thức phổ thông. Kỳ thi mang lại hiệu quả về mọi mặt, khác hẳn với kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra vào tháng 7 tới: thi trong 4 ngày, TS phải di chuyển nhiều, chi phí đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi tốn kém. Đồng tình với PGS Cương, TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng khẳng định: “Cách cải tiến tuyển sinh theo hướng hiện đại của ĐHQG Hà Nội rất phù hợp với thực tế. Phương thức thi tạo thuận lợi cho TS và không có tiêu cực. Tôi đánh giá cao sự cố gắng của ĐHQG Hà Nội”.
Đi sâu phân tích cấu trúc bài thi ĐGNL, PGS Nguyễn Phương Nga – Chủ tịch Hội đồng Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục cho biết, với 20% câu hỏi ở cấp độ dễ, 40% câu hỏi cấp độ trung bình và 20% câu hỏi cấp độ khó là hợp lý. Tôi phỏng đoán 20% câu hỏi khó (28 câu) là để phân hóa TS cũng như chọn vào ĐH. Thế nhưng, nhiều người vẫn còn băn khoăn thi trắc nghiệm đưa ra 4 phương án lựa chọn, dẫn đến TS có thể “ăn may” khi khoanh bừa. Về việc này, PGS Nguyễn Kim Sơn phản hồi: “Khoa học kiểm tra đánh giá lý thuyết khảo thí hiện đại đã được làm nhiều chục năm cho thấy, các phương án trắc nghiệm có một xác suất tốt, khẳng định kết quả khách quan”. Với nhiều năm làm Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục của ĐHQG Hà Nội, PGS Nga cũng đồng tình và cho rằng, 4 lựa chọn đáp án cho mỗi câu hỏi là chấp nhận được.
Muốn làm thi quốc gia, nên để 3 năm nữa
Chỉ với 100.000 đồng cho một buổi đi thi, không phải thuê chỗ trọ và các chi phí khác, nhiều chuyên gia đề nghị kỳ thi ĐGNL nên được áp dụng rộng rãi, chuyển thành kỳ thi THPT quốc gia. Bởi đây cũng là cách đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, trước khi trở thành kỳ thi quốc gia, TS Nguyễn Tùng Lâm đề nghị nên đưa cách thi này vào các trường ở vùng sâu, vùng xa thực hiện rồi có đánh giá và kết luận. Trong khi đó, chuyên gia về kiểm định chất lượng – GS.TSKH Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, phương án 1 mà Bộ GD&ĐT chọn cho kỳ thi THPT quốc gia 2015 là lạc hậu, “tình thế”. Do đó, từ kỳ thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội, GS Thiệp mong những năm sau, Bộ sử dụng phương pháp trắc nghiệm thi tổng hợp để làm được đề thi tốt, thời gian rút ngắn và không lo lộ đề. Bởi chất lượng của thi trắc nghiệm phụ thuộc vào đề thi, chất lượng của thi tự luận phụ thuộc vào người chấm. Với mấy triệu bài thi tự luận, Bộ không thể kiếm được đủ người chấm. Vì thế, Bộ phải chia nhỏ từng câu hỏi thành nhiều ý để người chấm căn cứ vào đó tính điểm. Như thế, đề thi tự luận đôi khi hay lại trở thành tồi.
“Khi Bộ triển khai thi THPT quốc gia theo hướng trắc nghiệm, nên bổ sung vào đề thi môn Toán và Ngữ văn một câu hỏi tự luận ngắn để buộc TS suy nghĩ cẩn thận trước khi làm. Bộ có thể tổ chức kỳ thi theo công nghệ mới trên giấy, thay vì thực hiện trên máy tính phải chuẩn bị nhiều máy móc phức tạp, phải tăng ca và dễ bị sự cố kỹ thuật” – GS Thiệp đề nghị. Và với ĐHQG Hà Nội, nên cải tiến hai điểm về công nghệ đánh giá. Thứ nhất là đảm bảo tính tương đương cao về độ khó, dễ giữa các đề thi để tạo ra sự công bằng. Thứ hai, sử dụng cách tính điểm tinh mà nhiều nước đã áp dụng thành công, thay cho điểm thô. Có nghĩa là trong bài thi, từng câu hỏi có mức độ đóng góp khác nhau tạo nên tổng điểm 140 thì điểm của mỗi câu hỏi cũng phải khác nhau, chẳng hạn có câu 0,8 điểm, câu 1 điểm, câu 1,2 điểm… Còn cách tính điểm thô không sát và là mức áp dụng công nghệ thấp.
Rất nhiều chuyên gia đề nghị Bộ đổi mới cách thi, nhưng phải 3 năm nữa – khi chương trình và sách giáo khoa ở phổ thông thay đổi, học sinh được học tích hợp. Như thế kỳ thi sẽ mang đến thành công hơn nếu triển khai ngay từ năm sau.
Theo KTĐT