Cô nữ sinh vùng cao có niềm đam mê đặc biệt với môn Địa lý
Bất cứ ai khi đến Trường THPT Lâm Bình, hỏi em Lý Thị Minh (học sinh lớp 12C1) thầy cô, bạn bè ai cũng biết. Bởi Minh là tấm gương sáng về ý chí vượt khó, vươn lên trong học tập suốt 3 năm qua.
Em Lý Thị Minh mặc áo xanh (giữa), đang cùng các bạn trong lớp thảo luận nhóm.
Nhà Minh ở Khau Cau, xã Phúc Yên cách trường 30 km đường đi học qua nhiều đèo cao (xã 135 thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của huyện) nên em phải ở trọ tại khu ký túc của trường.
Gia đình em thuộc hộ nghèo, bố mẹ đều làm nông nghiệp, dưới em còn có hai em trai nên hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn. Nhưng Minh không vì thế mà nhụt ý chí vươn lên trong học tập và các hoạt động.
Suốt 3 năm học THPT, em luôn là học sinh tiên tiến, đặc biệt Minh đạt 04 giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lí (Giải 3 học sinh giỏi dành cho học sinh lớp 10 năm học 2017 – 2018 và 2 giải khuyến khích dành cho khối 11 và 12 năm học 2018 – 2019; năm học 2019 – 2020 em đạt giải Ba.
Để có được thành tích đáng nể đó là cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện, học tập không ngừng nghỉ của cô nữ sinh này.
Lúc học trên lớp, Minh luôn tập trung lắng nghe lời thầy cô giảng, nghiên cứu sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo để có thể nắm được những kiến thức trọng tâm của bài học, áp dụng vào làm bài tập. Bài nào khó, Minh thường tìm đến các thầy cô hỏi cho đến khi thật hiểu mới thôi.
Ngoài giờ học, Minh thường cùng các bạn nghiên cứu những bài tập khó, đọc những trang sách hay.
Không chỉ học tập tốt, Minh còn là một đoàn viên tiêu biểu trong các hoạt động Đoàn. Từ kinh nghiệm nhiều năm tham gia hoạt động Đội ở cấp THCS, lên THPT em tiếp tục tích cực tham gia hoạt động Đoàn và câu lạc bộ văn nghệ của trường.
Minh đã từng bước khẳng định mình qua các hoạt động phong trào, luôn là một cán sự lớp gương mẫu, nhiệt tình, có trách nhiệm, và hoàn thành tốt mọi công việc được giao.
Video đang HOT
Minh học đều các môn học, nhưng em chia sẻ, môn học em yêu thích nhất là Địa lí bởi học Địa lí giúp em hiểu biết rộng hơn, sâu hơn về các vùng, miền trên đất nước Việt Nam thân yêu; hiểu hơn về các vùng đất, các quốc gia trên thế giới.
Nói về kinh nghiệm học tốt môn Địa lí, Minh cho biết: Trước hết phải nắm vững những kiến thức cơ bản và giải quyết tất cả các bài tập có trong sách giáo khoa; đặc biệt là các bài tập về vẽ biểu đồ,.. đồng thời tìm kiếm các tài liệu liên quan khác về bài học, môn học để củng cố kiến thức; tìm các bài tập khó để rèn luyện; học theo sơ đồ tư duy, học theo bản đồ…
Lý Thị Minh mặc áo xanh ngoài cùng bên phải.
Năm học 2019 – 2020 là một năm quan trọng đối với Minh và các bạn khối 12 với kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và thi cao đẳng, đại học sắp tới. Nhưng cũng lại là một năm học với nhiều thành tích đáng tự hào, đặc biệt ngày 25-26/10/2019 vừa qua, Minh vinh dự được nhận Bằng khen của Ban chấp hành Đoàn Tỉnh Tuyên Quang trao tặng trong Liên hoan thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác Tỉnh Tuyên Quang năm 2019.
Nói về mơ ước của mình, cô nữ sinh vùng cao không ngần ngại cho biết mong muốn vào học ngành du lịch, để từ đó có thể truyền cảm hứng về tình yêu quê hương đất nước, yêu các vùng, miền trên đất nước Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đến các vị khách du lịch trong và ngoài nước.
Trần Thị Len trường THPT Lâm Bình, Tuyên Quang
Theo GDTĐ
Cô giáo khiến học trò mê địa lý bằng trò chơi
Học địa lý qua trò chơi là phương pháp được cô Võ Thị Kim Hiệp, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TP.HCM, áp dụng để học trò thích thú với tiết học.
LTS: Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang đòi hỏi giáo viên không ngừng sáng tạo để "dụ dỗ" học sinh tiếp cận kỹ năng, kiến thức. Không ít thầy cô đã có những chuyển biến tích cực, mang lại thích thú cho học sinh.
Tiết ôn tập địa lý để chuẩn bị kiểm tra 1 tiết của lớp 12 chuyên toán Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa diễn ra thật khác lạ. Thay vì học trò ngồi ôn lại các kiến thức đã học thì cả lớp được tham gia một trò chơi mang tên "Ai là người thắng cuộc?".
Lớp học được chia thành năm nhóm. Mỗi nhóm sẽ được giáo viên phát một bộ phiếu kiến thức liên quan đến những nội dung đã học. Các nhóm sẽ chơi ghép các mẫu phiếu có kiến thức địa lý với nhau sao cho đúng. Và đặc biệt nhóm nào chơi đúng nhất, nhanh nhất thì được cộng điểm.
Không khí lớp học trở nên sôi nổi hẳn lên. Các em bàn luận, trao đổi hăng say. Tiết học cứ thế trôi qua nhẹ nhàng, tràn ngập tiếng cười.
Vừa vui nhộn vừa thấm kiến thức
Phương Linh, một học sinh của lớp này, hào hứng kể: "Cô Hiệp áp dụng nhiều phương pháp mới trong tiết dạy. Nhờ vậy, tiết học bớt nhàm chán và trở nên vui nhộn. Qua trò chơi, kiến thức địa lý lại được khắc sâu hơn vì chỉ có nhớ nội dung, tụi em mới tìm được mối liên hệ giữa các phiếu với nhau".
Kim Ngân, một nữ sinh cùng lớp, cho biết thêm: "Cô còn cho tụi em ôn tập bài theo phương pháp kỹ thuật phòng tranh. Trong chương trình lớp 12 có những kiến thức về ngập lụt, hạn hán, bão và lũ quét. Cô sẽ chia lớp thành bốn nhóm. Bốn nhóm sẽ tóm tắt nội dung trên bằng sơ đồ tư duy giống như một bức tranh. Bốn bức tranh được dán ở các vị trí khác nhau trong lớp. Sau đó, cô trộn bốn nhóm ban đầu thành bốn nhóm khác, trong đó các nhóm đều bao gồm thành viên của các nhóm. Các bạn sẽ lần lượt đi tham quan bốn bức tranh. Tới bức tranh nào, các thành viên đã thực hiện sẽ đứng ra thuyết trình".
Trong khi đó, em Hữu Quý lại nói: "Em thích nhất khi nhận được những lời phê có một không hai của cô khi làm bài kiểm tra". Khi đó, cô Hiệp nhận xét bài kiểm tra của học sinh bằng tên những bài hát. "Có bạn vẽ bản đồ quên quần đảo Trường Sa, cô sẽ phê "Gần lắm Trường Sa ơi" và yêu cầu bạn phải đứng trước lớp hát bài này. Còn với những bạn đạt điểm tối đa, cô ghi nhận xét: "Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá" hay "Tổ quốc ơi ta đã nghe lời kêu gọi" hoặc "Tự hào Việt Nam". Nhận những lời phê từ cô, dù điểm thấp nhưng sẽ không ai cảm thấy buồn mà lại có thêm động lực để cố gắng.
Cô Võ Thị Kim Hiệp bên các học trò của mình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Không quản vất vả để đổi mới
Chia sẻ về mình, cô Hiệp cho biết những phương pháp trên được cô áp dụng để phát triển năng lực của học sinh.
Cô nhận thấy việc học địa lý qua trò chơi trong các tiết ôn tập rất hiệu quả. "Phương pháp này tạo sự mới mẻ, hoạt động vui nhộn thu hút học trò, giảm tâm lý nhàm chán" - cô Hiệp nói.
Không đổi mới thì khó đáp ứng học sinh
Cô Hiệp cho biết nếu dạy theo cách cũ, giáo viên sẽ khỏe hơn. Còn một khi đã chấp nhận đổi mới, giáo viên sẽ cực gấp nhiều lần. "Nhưng hiện nay nếu giáo viên không chịu đổi mới sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu của học sinh" - cô Hiệp nói.
Còn việc áp dụng phương pháp kỹ thuật phòng tranh theo cô Hiệp là để rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông cho tất cả học sinh trong lớp. "Để thực hiện phương pháp này, giáo viên phải năng động và biết quản lý lớp. Đối với những lớp có sĩ số quá đông thay vì học trò di chuyển theo các bức tranh, hãy để các em ngồi tại chỗ và cho bức tranh di chuyển" - cô Hiệp cho biết.
Đề cập đến những lời phê trong các bài kiểm tra, cô Hiệp khẳng định: "Những lời nhận xét rất quan trọng. Nếu giáo viên phê thiếu cẩn trọng sẽ khiến trò tổn thương. Vì thế, tôi nghĩ phải làm sao dù điểm thấp hay cao nhưng khi đọc lời phê, các em sẽ không buồn và thấy được khích lệ".
"Để nghĩ ra những phương pháp trên, bản thân tôi phải học hỏi từ đồng nghiệp. Tôi cũng đọc nhiều phương pháp từ nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình đó, tôi cũng chọn lọc những phương pháp phù hợp. Nó có thể áp dụng cho nhiều lớp, lại có thể sử dụng nhiều năm và không mất nhiều chi phí" - cô Hiệp nói.
Cô Hiệp thừa nhận đổi mới là tốt nhưng cũng phải có điểm dừng để nhìn lại. "Tùy nội dung, tôi mới tổ chức trò chơi. Tùy theo bài học, tôi sẽ áp dụng phương pháp phù hợp" - cô Hiệp cho hay.
Trước câu hỏi điều gì khiến cô hạnh phúc khi làm giáo viên, cô cười bảo: "Đó là khi tôi được nghe học trò thủ thỉ: "Tại sao năm nay con không được học cô nữa? Con thích những tiết địa cô dạy". Chỉ vậy thôi là đủ vui rồi".
Một giáo viên năng động, luôn sáng tạo
Đó là một giáo viên giàu kinh nghiệm. Cô rất năng động và đặc biệt luôn tiếp cận, tìm hiểu và áp dụng các phương pháp học tập tích cực, sáng tạo trong tiết học địa lý như dạy học dự án, ứng dụng thiết kế sơ đồ tư duy, phương pháp trạm - góc, thuyết trình nhóm... Chính điều đó đã làm cho tiết học trở nên sinh động, cuốn hút và hiệu quả; đặc biệt là phát triển các kỹ năng quan trọng cho học sinh trong thời đại công nghệ 4.0.
Đối với đồng nghiệp, cô luôn hòa đồng, vui vẻ; đặc biệt với giáo viên trẻ, cô luôn nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, các phương pháp dạy học tích cực, các bài hay nội dung khó trong bộ môn và phương án ứng xử sư phạm khi giảng dạy bộ môn.
Thầy NGỌC ANH, giáo viên môn địa lý, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa
NGUYỄN QUYÊN
Theo PLO
Người thầy, nhà báo tận tụy Vừa là nhà giáo, vừa là nhà báo, vừa dành thời gian viết văn, ở vai trò nào, PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng luôn nỗ lực hết mình. Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân...