Có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT khi Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội?
Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vào 3 ngày 8,9 và 10/8 sắp tới đã và đang khiến nhiều phụ huynh, giáo viên ở Đà Nẵng lo ngại.
Sáng 30/7, Bộ Y tế công bố thêm 9 ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng tại Đà Nẵng và Hà Nội, trong đó Đà Nẵng 8 ca. Như vậy, từ ngày 25/7 đến thời điểm này, TP Đà Nẵng phát hiện 35 ca mắc Covid-19. Các địa phương bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, cấm tập trung đông người. Các thành phố Hội An, Đà Nẵng thực hiện Chỉ thị 16 ở mức cao nhất.
Vì vậy, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vào 3 ngày 8,9 và 10/8 sắp tới đã và đang khiến nhiều phụ huynh, giáo viên lo ngại; các thầy cô giáo được phân công tham gia kỳ thi cũng rất nhiều tâm trạng lo lắng. Liệu kỳ thi có đạt kết quả như các nhà quản lý giáo dục đặt ra, cần phải được suy xét thận trọng. Nhiều người đề nghị các cấp thẩm quyền nên xem xét và đưa ra phương án hợp lý nhất lúc nào.
Nếu vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, Đà Nẵng sẽ có 11.000 học sinh tập trung tại các điểm thi.
Anh Nguyễn Văn Thông, ở K139/H59/9, đường Trần Quang Khải, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban Đại diện phụ huynh lớp 12/4, trường THPT Tôn Thất Tùng, TP Đà Nẵng rất lo lắng khi có con dự thi tốt nghiệp kỳ thi THPT sắp tới. Anh Thông cho biết, anh và gia đình tuân thủ việc thực hiện cách ly xã hội, cả gia đình hầu không ra khỏi nhà khi không cần thiết. Anh Thông khẳng định, vì sự an toàn của con em, nếu ngành giáo dục vẫn tổ chức thi thì anh nộp đơn xin cho con nghỉ thi để năm sau thi lại.
“Nếu thi mà xảy ra chuyện gì cũng lo lắng. Nếu trường bắt thi, tôi cũng cho con tôi nghỉ một kỳ thi này để thi lại. Hiện tôi không cho con ra đường, mình cũng không ra đường, chấp nhận thêm một thời gian dài hết dịch rồi tính tiếp. Đề nghị cho các cháu tạm ngưng đến trường, tạm ngưng thi” – anh Thông cho biết.
Theo phương án thi tốt nghiệp THPT mà ngành Giáo dục và Đào tạo vừa công bố thì thí sinh và cán bộ coi thi được chia thành 4 nhóm đối tượng: F0, F1, F2 và các đối đối tượng khác. Đối với thí sinh dương tính với SARS-CoV-2 phải cách ly và điều trị nên không thể dự thi; được xem xét đặc cách công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo quy định hiện hành. Thí sinh thuộc diện F1, phải cách ly tập trung được bố trí thi tại điểm thi dự phòng.
Thí sinh thuộc diện F2: Nếu số lượng dưới 20 thí sinh/điểm thi, thí sinh thi tại phòng thi dự phòng của điểm thi. Nếu số lượng trên 20 thí sinh/điểm thi: được chuyển về thi tại điểm thi dự phòng theo quận, huyện. Đối với những thí sinh khác, việc tổ chức kỳ thi diễn ra bình thường theo đúng Quy chế, đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong trường học.
Ảnh minh họa
Hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng, nghe thì dễ nhưng rất khó thực hiện. Để thực hiện an toàn cho phương án này thì quá phức tạp đối với những người tổ chức kỳ thi. Từ cán bộ coi thi đến giáo viên, thí sinh và cả phụ huynh học sinh sẽ không ai an tâm khi tập trung đông người trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, chưa truy vết được F0.
Anh Lê Thiện Trinh, ở nhà số 163, đường Nguyễn Đức Cảnh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng có con học lớp 12 cho rằng, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trong phạm vi cả nước. Hai thành phố lớn là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có ca dương tính với SARS-CoV-2. Dịch bệnh cũng đã lây lan cho cả bác sĩ, nhân viên y tế nên việc cho các em học sinh tập trung đông như vậy rất khó đảm bảo an toàn. Trong phòng thi, các em có thể ngồi giãn cách nhưng sau khi thi, các em túa ra bàn tán thì rất dễ lây lan dịch bệnh.
“Vấn đề là mất an toàn cho các em học sinh, cả giám thị, cả hệ thống và gây áp lực cho xã hội. Vậy trong giai đoạn này tốt nhất là xét tốt nghiệp hoặc tổ chức trong 1 thời điểm khác. Phải kể đến yếu tố tâm lý, khi các em thi trong điều kiện như Đà Nẵng sẽ bị ảnh hưởng. Mỗi tỉnh, mỗi vùng có sự ảnh hưởng khác nhau. Như vậy ở góc độ nào đó sẽ công bằng cho các em. Thực ra việc đánh giá ở kỳ thi nào cũng mang tính tương đối. Vì vậy, có thể xét tốt nghiệp cho các em” – anh Lê Thiện Trinh đặt vấn đề.
Không chỉ học sinh mà rất nhiều giáo viên và một số người có trách nhiệm ở địa phương cũng bày tỏ lo lắng khi được điều động đi coi thi tốt nghiệp trong thời điểm hiện nay. Một giáo viên tại TP Đà Nẵng cho rằng, nếu để 11.000 học sinh với chừng đó phụ huynh tập trung trong lúc này thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Được biết, việc vận chuyển, sao lưu đề thi trong năm nay cũng hết sức khó khăn, nếu kỳ thi tốt nghiệp vẫn diễn ra như kế hoạch. Những năm trước, các tỉnh miền Trung đều đến Đà Nẵng để nhận đề thi. Năm nay, do tình hình dịch bệnh, tất cả các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung đều phải đến thành phố Huế để nhận đề thi từ sân bay Phú Bài.
Trong bối dịch bệnh, cách ly toàn thành phố Đà Nẵng như hiện nay, việc vận chuyển đề thi sẽ vô cùng khó khăn, phức tạp, phải xin phép Bộ Công an, Cảnh sát Giao thông, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các tỉnh và phải vượt qua rất nhiều hàng rào kiểm soát gắt gao mới có thể vận chuyển đề thi an toàn. Thầy Trịnh Viết Lợi, giáo viên trường THPT Nguyễn Dục, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam mong muốn, Ngành Giáo dục nên xem xét có phương án xét tốt nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
“Nếu đảm bảo nguồn cho tuyển sinh Đại học thì nên xét tốt nghiệp trong điều kiện tình trạng bệnh dịch đang phức tạp. Căn cứ vào điểm trung bình năm của các em để xét loại tốt nghiệp vẫn được. Ví dụ như điểm trên 8 phẩy thì xét tốt nghiệp loại giỏi, trên 6,5 thì loại khá còn dưới thì xếp loại trung bình” – thầy Trịnh Viết Lợi cho biết.
Một số cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục đã nghỉ hưu cho rằng, lúc này mọi thứ đều phải coi trọng mạng sống con người. Hôm nay, khi Bộ Y tế công bố 9 ca mắc mới, nghĩa là nếu không có thêm ca nào nữa cũng phải đến 14 ngày sau mới tạm ổn. Vì vậy, ngay từ hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét và có thể đình chỉ ngay kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay.
Luồng ý kiến này cho rằng, có thể đưa ra phương án: một là xét tốt nghiệp trong năm nay, miễn trước Tết Nguyên đán là được. Còn việc thi Đại học, Cao đẳng, có thể thi tuyển sau hoặc lấy kết quả học tập để xét tuyển. Ngoài ra, các trường Đại học chất lượng cao thì tổ chức thi sau, còn trường Đại học top trung bình thì xét tuyển để các trường, phụ huynh yên tâm phòng chống dịch./.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng sẽ phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt...
Ngày 28.7, Sở GD-ĐT Đà Nẵng thông báo thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Đà Nẵng phải tuân thủ việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn...
Sở GD-ĐT Đà Nẵng yêu cầu học sinh tham gi kỳ thi THPT phải đeo khẩu trang và đo thân nhiệt - ẢNH: AN QUÂN
Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã gửi công văn khẩn đến các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trưởng các điểm thi tốt nghiệp THPT về việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an toàn cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Cụ thể, Sở GD-ĐT yêu cầu huy động tối đa các kênh thông tin, bảo đảm 100% phụ huynh, học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được khuyến cáo, nhắc nhở, dặn dò về công tác tuân thủ phòng chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng.
Yêu cầu của Sở GD-ĐT ghi rõ "Từ ngày 28.7 cho đến khi học sinh tham dự kỳ thi, gia đình và học sinh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.Đà Nẵng về giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, giữ gìn sức khỏe, thực hành tốt các hành vi phòng, chống Covid-19 theo khuyến cáo của ngành y tế. Học sinh có kế hoạch tự ôn tập hợp lý, chuẩn bị tâm thế tốt nhất để dự thi".
Bộ GD-ĐT thông báo vẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch Covid-19
Về việc nhận giấy báo dự thi, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường, các trung tâm giáo dục thường xuyên thông báo và tổ chức phát giấy báo dự thi cho học sinh bảo đảm các yêu cầu sau: Cán bộ, giáo viên thực hiện nhiệm vụ phát giấy báo dự thi phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, bảo đảm khoảng cách an toàn khi tiếp xúc học sinh.
Đặc biệt, học sinh phải đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt trước khi làm việc với bộ phận phát giấy báo dự thi; giữ khoảng cách an toàn giữa các học sinh đang chờ để được nhận giấy báo dự thi. Các trường, trung tâm thực hiện việc đánh dấu vị trí, bố trí nhân viên nhắc nhở học sinh giữ khoảng cách; xây dựng khung thời gian nhận giấy báo dự thi giữa các lớp để tránh việc tập trung đông người.
Ngoài những vật dụng được mang vào phòng thi theo quy định, học sinh cần mang theo bình nước uống cá nhân (bình nhựa hoặc thủy tinh trong suốt, không dán nhãn), khẩu trang (1 cái để đeo và 1 đến 2 cái để dự phòng).
Trong thời gian học quy chế thi và dự thi, 100% thí sinh dự thi phải được đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào phòng học quy chế, phòng thi. Bảo đảm giãn cách trong quá trình cán bộ coi thi gọi thí sinh vào phòng thi. Thí sinh đứng giữ khoảng cách an toàn, gỡ khẩu trang để cán bộ coi thi kiểm tra, sau đó đeo khẩu trang để vào phòng thi.
Các điểm thi phải đánh dấu vị trí đứng của thí sinh và cán bộ coi thi để làm thủ tục vào phòng thi. Thí sinh đeo khẩu trang từ nhà đến điểm thi, trong suốt buổi thi và từ điểm thi về nhà. Sở GD-ĐT Đà Nẵng đề nghị phụ huynh đưa con em đến điểm thi đứng cách cổng điểm thi 50 m, nhanh chóng rời khỏi khu vực điểm thi; thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội theo quy định...
Thí sinh mắc COVID-19 sẽ xét tuyển đại học như thế nào? Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng lan rộng ra ngoài phạm vi thành phố Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã yêu cầu các địa phương phân loại thí sinh để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vậy những thí sinh F0 (bị mắc COVID-19) được miễn thi tốt nghiệp THPT thì sẽ...