Có nên thành lập trung tâm khảo thí quốc gia ?
Sau năm 2020, các trường ĐH sẽ tuyển sinh ra sao? Có cần thành lập các trung tâm khảo thí để thực hiện việc xét tuyển cho các trường? Đây cũng là vấn đề được đặt ra tại hội thảo.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết sẵn sàng đồng hành với các trường ngoài hệ thống trong việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh đầu vào – ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ ĐH, cùng với việc tự chủ tuyển sinh và tự chủ ĐH, xu hướng sắp tới trong tuyển sinh sẽ có các trường lớn hoặc nhóm trường có thể đứng ra tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, hoặc có các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp đứng ra tổ chức kỳ thi này. Ở VN hiện đang ở giai đoạn đầu của xu hướng này qua kỳ thi đánh giá năng lực ở một số đơn vị như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM hay một số trường đang muốn thành lập các nhóm tuyển sinh chung…
Cũng theo bà Phụng, trước các xu hướng này có ý kiến cho rằng Bộ nên chủ trì một trung tâm khảo thí để hỗ trợ các trường. Tuy nhiên, chủ trương của Bộ chủ yếu hỗ trợ về cơ chế chính sách và kiểm tra giám sát, còn những gì các trường làm được thì không coi là việc của Bộ.
“Tôi cũng đồng ý việc tuyển sinh phụ thuộc vào mục tiêu đào tạo của các trường, cần có đánh giá phù hợp với điều kiện trường mình. Nếu có thể thì các trường, nhóm trường có thể đứng ra tổ chức thực hiện. Hoặc các trường có thế mạnh cũng có thể thành lập trung tâm khảo thí để tổ chức thi cho trường mình và các trường khác”, bà Phụng nói.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng tuyển sinh phải phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường mình. Về kỳ thi đánh giá năng lực, ĐH Quốc gia đi từng bước chậm chạp, năm nay chỉ tối đa 20% và năm tới tối đa 40%. Quy trình tổ chức kỳ thi rất phức tạp, chúng tôi có đo phổ điểm, phổ điểm kỳ thi đánh giá năng lực tương đồng với kết quả thi THPT quốc gia và kết quả học bạ của thí sinh.
Cũng theo ông Quân, ĐH Quốc gia TP.HCM sẵn sàng đồng hành với các trường ngoài hệ thống trong việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh đầu vào. Đề thi cũng có thể hướng đến những tổ hợp nhất định như toán, tiếng Việt, tiếng Anh… để phù hợp xét tuyển thí sinh phù hợp với ngành nghề từng trường. Trong năm tới, kỳ thi sẽ tổ chức vào tuần cuối tháng 3 và chủ yếu tập trung ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Đợt 2 sẽ mở rộng ở nhiều địa phương khác ngay sau khi kỳ thi THPT quốc gia diễn ra.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, trong năm 2019, ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn chủ trương sử dụng 4 phương thức tuyển sinh chính: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐH này dành cho các học sinh giỏi; kết quả thi THPT quốc gia và dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức. Ngoài ra, các trường thành viên có thể xây dựng phương thức riêng, đưa các tiêu chí xét tuyển từ SAT… Phương thức giữ nguyên nhưng chỉ tiêu sẽ có những điều chỉnh, cụ thể là mở rộng tối đa 40% chỉ tiêu xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Các trường không muốn tổ chức thi riêng
Video đang HOT
Nói về chuyện các trường tổ chức thi riêng, tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng nếu để các trường tổ chức các kỳ thi riêng là cực kỳ khó khăn, phức tạp cho xã hội và cho các trường. Ở giai đoạn hiện nay thì Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức kỳ thi làm căn cứ cơ bản để xét tuyển ĐH. Sau này, Bộ GD-ĐT không còn đứng ra tổ chức thì các trường nên ngồi lại với nhau để làm thành các nhóm, chứ không nên làm riêng lẻ, vì có thể gặp nhiều khó khăn. “Về lâu dài, nên có các trung tâm khảo thí của quốc gia, vì đó là hướng rất tốt, có thể tổ chức nhiều đợt thi chứ không tập trung thi 1, 2 đợt. Qua đó, việc thi cử sẽ nhẹ nhàng hơn, áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều”, tiến sĩ Vũ nhận định.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho rằng để các trường xây dựng trung tâm đánh giá năng lực thì quá khó. Ngoài ra, mỗi trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng thì hơi tốn kém và chưa chắc thành công.
Đ.Nguyên – X.Phương
Theo thanhnien
Tuyển sinh đại học năm 2019: Sẽ có điểm sàn các ngành sức khỏe
Nhiều thông tin mới và những chia sẻ hữu ích, có giá trị được các đại biểu đưa ra tại diễn đàn: "Đổi mới tuyển sinh ĐH" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua (10.12).
Nhiều chuyên gia về tuyển sinh của các trường ĐH đã tham gia ý kiến tại buổi tọa đàm - ĐÀO NGỌC THẠCH
Chương trình được trực tiếp tại: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên.
Những điều chỉnh mới
Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GD-ĐT), nói năm 2017 Bộ GD-ĐT đã có thông báo với các trường, cơ bản kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh sẽ giữ ổn định hết năm 2020, đến 2021 có thể thay đổi phù hợp với thực hiện chương trình SGK mới.
Cũng theo bà Phụng, việc đổi mới tuyển sinh những năm gần đây chủ yếu về kỹ thuật giúp các trường và thí sinh chủ động hơn. Ví dụ năm vừa rồi chỉ có đổi mới trong tuyển sinh các ngành sư phạm. "Phương án tuyển sinh 2019 sẽ cơ bản giữ ổn định như 2 năm qua, những thay đổi nếu có sẽ không làm thay đổi quy trình tuyển sinh. Theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Giáo dục ĐH, các ngành sức khỏe có điểm sàn để đảm bảo đầu vào cho khối ngành quan trọng này. Các trường ĐH được tự chủ lựa chọn phương thức tuyển sinh", bà Phụng nói.
Cũng theo bà Phụng, trong tuần này và đầu tuần sau Bộ sẽ tổ chức 3 cuộc tọa đàm tại Thái Nguyên, Đà Nẵng và Cần Thơ để cùng các trường xem xét quá trình tuyển sinh năm vừa qua cần thay đổi và khắc phục những lỗi kỹ thuật nếu có.
Về quy chế, bà Kim Phụng nhấn mạnh, nhìn chung không có sự thay đổi lớn, dự kiến đưa vào quy định các trường dù lấy điểm thi THPT quốc gia dù 1 hay 3 môn cũng phải thực hiện theo các giai đoạn xét tuyển chung. Điều này nhằm tránh tình trạng có những trường thực hiện tuyển sinh trước ảnh hưởng đến tình hình chung cũng như đến việc thay đổi nguyện vọng của thí sinh. Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, khi đã xác nhận nhập học thí sinh phải nộp bản chính giấy xác nhận điểm thi và không được xét tuyển vào bất kỳ trường nào khác. Tránh tình trạng thí sinh vẫn nộp bản photo và một số trường vẫn nhận như các năm trước.
Chỉ tính ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề
Giải đáp băn khoăn các trường, bà Nguyễn Thị Kim Phụng nói điểm sàn với khối ngành sức khỏe trong luật ghi rõ chỉ với những ngành có cấp chứng chỉ hành nghề chứ không phải tất cả các ngành, cụ thể như bác sĩ đa khoa, răng - hàm - mặt, y học cổ truyền, dược sĩ... Các ngành như kỹ thuật y sinh thì không nằm trong trường hợp này. Về khoảng điểm sàn với nhóm ngành sức khỏe, theo bà Phụng, Bộ sẽ cùng các trường tính toán để có mức điểm tối thiểu được cả hệ thống và xã hội chấp nhận.
Trước những băn khoăn của các trường về tuyển sinh sau năm 2021, bà Phụng cho rằng sẽ có lộ trình phù hợp để các bên liên quan đều có thể chấp nhận được. "Tôi lấy một ví dụ để các trường yên tâm, tới tháng 12 này công bố chương trình SGK mới và thực hiện theo các lộ trình từng năm, tới năm 2023 mới áp dụng cho lớp 12. Việc tuyển sinh cũng sẽ có những thay đổi theo lộ trình phù hợp", bà Phụng nói.
Trước câu hỏi của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành về việc có thể tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh các ngành sức khỏe, không bị ràng buộc điểm sàn chung, bà Nguyễn Thị Kim Phụng giải đáp: "Theo luật là hoàn toàn có thể làm được vì khi đó trường đang thể hiện quyền thi tuyển của mình. Nhưng để có kỳ thi đánh giá năng lực thì chỉ riêng việc ra đề thi đảm bảo tính khách quan đã không dễ. Ở đây, quyền tự chủ phải đi liền với trách nhiệm giải trình với thí sinh, phụ huynh và cơ quan quản lý để xã hội hiểu được việc tổ chức thi là vì chất lượng và mục tiêu của trường chứ không nhằm né tránh điểm sàn chung".
Ngưỡng chất lượng đầu vào là cần thiết
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết lãnh đạo trường rất tâm đắc việc giữ ổn định tuyển sinh. Trường sẽ sử dụng kết quả tuyển sinh kỳ thi THPT quốc gia ít nhất trong 3 năm. Năm nay, trường vẫn xét tuyển tổ hợp toán - hóa - sinh vào các ngành của trường. Thạc sĩ Hà chia sẻ: "Chúng tôi cũng tâm đắc quy định cần có điểm sàn dành riêng cho khối ngành sức khỏe. Nhiều năm gần đây trường đều tuyển điểm chuẩn trên điểm sàn. Điều này rất quan trọng với ngành sư phạm và y tế".
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng xác định khối ngành sức khỏe có mức điểm sàn là hợp lý. "Riêng với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm nào cũng lấy mức trên điểm sàn từ 4 - 5 điểm và mức điểm trung bình thường là 20 cho ngành dược. Đây là một trong những khối ngành liên quan đến chuyên môn tốt nghiệp sau này của sinh viên. Vì vậy chúng tôi thống nhất và ủng hộ ý kiến xác lập mức điểm sàn cho giai đoạn sắp tới".
PGS-TS Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng năm ngoái Bộ GD-ĐT có quy định điểm sàn cho khối ngành đào tạo giáo viên. Trường không gặp khó khăn trong việc tuyển sinh. Trường chỉ tuyển sinh một lần là đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Vì vậy, đặt ra ngưỡng chất lượng đầu vào là điều cần thiết. Thí sinh sẽ nộp hồ sơ vào ngành mà mình có khả năng trúng tuyển cao hơn, chất lượng đào tạo đồng đều hơn.
Việc Bộ GD-ĐT giữ tính ổn định của kỳ thi là điều quan trọng vì sẽ giúp thí sinh yên tâm hơn, các trường cũng có sự chuẩn bị tốt hơn.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cho rằng: "Về quy định điểm sàn, trừ khối ngành sư phạm và sức khỏe, Bộ GD-ĐT đưa ra ngưỡng, chính các trường phải tự định điểm sàn bảo đảm chất lượng cho mình một cách tốt nhất. Năm 2018, có một số trường đưa ra điểm sàn quá thấp, sau đó phải tự điều chỉnh do dư luận xã hội. Vì vậy, các trường cũng cần nâng điểm sàn, điểm chuẩn lên để đảm bảo chất lượng đầu vào".
Mong ổn định tuyển sinh
Có mặt tại buổi tọa đàm, đại diện các trường ĐH cho rằng việc đổi mới tuyển sinh là vô cùng cần thiết để giúp thí sinh có được những kỳ thi, xét tuyển thuận lợi hơn. Tuy nhiên, vấn đề đổi mới trên cơ sở giữ ổn định tương đối cũng rất quan trọng, để tránh xáo trộn cho thí sinh.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Đức, cho biết: "Chúng ta nên cải tiến chứ không nên đổi mới. Cải tiến nội dung để từng bước nâng cao chất lượng cho các mùa tuyển sinh, giải quyết những mặt hạn chế trong những năm qua. Theo đó, mỗi trường ĐH cần có sự tự chủ trong tuyển sinh và đảm bảo chất lượng đào tạo. Tùy theo đặc trưng của các ngành nghề mà các trường cần có phương thức tuyển sinh phù hợp đáp ứng yêu cầu của thực tế".
Còn tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, đánh giá: "Kỳ thi THPT quốc gia là cần thiết, để làm nền cho việc tuyển sinh, sau đó các trường khác nhau sẽ có những điều chỉnh phù hợp. Tôi cho rằng, cần khuyến khích đảm bảo tính ổn định, bên cạnh đó, các trường cần có phương pháp để đánh giá sinh viên theo hướng sáng tạo...".
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, đề nghị: "Bộ nên có khoảng không gian về những thay đổi vì sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh".
Đồng tình với ý kiến này, tiến sĩ Lê Lâm, Chủ tịch Hệ thống giáo dục Đại Việt, cho rằng để cải tiến thi cử thì nên đặt ra một lộ trình, có thể là 6 - 8 năm để các trường ĐH, trường phổ thông và đặc biệt là thí sinh có đủ thời gian, tâm lý để chuẩn bị cho sự thay đổi. Quan trọng nhất là đổi mới sao để ngày càng giảm áp lực thi cử cho thí sinh, giúp các em bước vào kỳ thi với tâm trạng "hạnh phúc" nhằm có được kết quả tốt nhất.
Theo thanhnien
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Xây dựng trung tâm khảo khí độc lập về ngoại ngữ Để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh đạt hiệu quả, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ xem xét việc xây dựng trung tâm khảo thí độc lập, uy tín, có thể mời các tổ chức kiểm định quốc tế có kinh nghiệm để đánh giá chất lượng của các trung tâm giảng dạy ngoại ngữ tại...