Có nên… nói hay không?
Chúng ta cần thay đổi cách sống ngay bây giờ, đơn giản nhất là… xung phong phát biểu.
Không biết từ bao giờ các bạn đánh mất đi sự nhiệt tình năng nổ của tuổi trẻ. Câu khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” xem ra nhiều bạn đã không còn nhớ. Chưa yêu cầu bạn phục vụ ai vì ngay cả lợi ích của chính bản thân mình bạn cũng lười đón nhận.
Điểm qua một lượt các trường phổ thông trung học, ta sẽ nhận thấy sự nhiệt tình đó càng giảm. Khi được giáo viên yêu cầu phát biểu, có lớp chỉ vài cánh tay giơ lên (và thường đó là ban A), có lớp các bạn chỉ nhìn nhau cười mỉm chi cọp (lại thường rơi vào các lớp ban C). Không phải các bạn không biết mà phần đông đều cho rằng “Trời ơi ai cũng biết hết rồi. Có giỏi giang gì đâu mà cần phải xung phong nữa”.
Cô bạn H của tôi thì đã từng nghĩ “đâu phải thời cấp hai đâu mà xung phong phát biểu để lấy điểm thưởng”. Các bạn đâu biết mỗi lần phát biểu sẽ rèn luyện cho mình cách tư duy diễn đạt và hơn thua là ở cách trình bày vấn đề ai cũng biết ấy thuyết phục đến mức nào. Riết rồi hình thành thái độ tiêu cực trong học tập, biết ít, biết nhiều, biết sơ sơ hay không biết thì cũng để trong bụng. Và nản chí với tình trạng “một câu hỏi lớn không lời đáp” đó mà đôi lúc giáo viên cũng chẳng thèm hỏi nữa.
Tôi đã từng đi dạy kèm môn Văn lớp 9. Ngày đầu tiên cô bé đã yêu cầu tôi đọc cho cô bé chép lần lượt các câu trả lời của một bài đọc hiểu trong sách. Tôi nói “đâu cần phải thế, em hiểu và tự diễn đạt theo cách mình là được rồi”. Cô bé lắc đầu: “đọc chép mới nhớ, để vô lớp còn giơ tay phát biểu, phát biểu đúng hết mới được cộng điểm”. Tôi lắc đầu ngao ngán và thầm nghĩ dạy kiểu này thì biết chừng nào em mới tự động não để trả lời một câu hỏi mà giáo viên đưa ra bằng sự xung phong của mình.
Ảnh minh họa
Tình trạng trên không chỉ diễn ra ở cấp 3 mà khi lên Đại học các bạn càng thụ động hơn. Khi được giảng viên yêu cầu chia sẻ hay cảm nhận về vấn đề đó như thế nào là ôi thôi đủ trò kẻ nhìn tường, người nhìn sách, kẻ thả hồn ngoài cửa sổ…. Nói tóm lại là nhìn đâu cũng được miễn nhìn nơi đó mà không chạm phải ánh mắt giáo viên thì ổn. Giờ thì cộng với tâm lý “ai cũng biết hết rồi nói làm gì” còn có thêm tâm lý sợ sai, sợ chê cười vì phát âm không chuẩn (vì học Đại học có rất nhiều bạn đến từ những vùng miền khác nhau) và hơn hết là sợ bộc lộ sự dốt của mình. Việc xung phong phát biểu đã ít, việc chia nhóm thuyết trình còn nản hơn vì quanh năm suốt tháng chỉ được nghe những giọng nói quen thuộc trên míc. Có khi cả 4 năm trời trên giảng đường Đại học có bạn chưa từng đứng trước lớp phát biểu một vấn đề gì một cách tự nguyện.
Hoạt động ngoại khóa các bạn cũng không mặn mà gì cho lắm. Bạn T năm nay thi đơn ca bài “Người thầy” thì sang năm cũng chỉ mỗi bạn T tham gia văn nghệ với bài hát khác. Bạn ấy vô tình làm vật thế thân để cho lớp không bị Đoàn Khoa trừ điểm thi đua. Tôi còn nhớ buổi cắm trại cách đây hai năm, trong khi mọi người đều hưởng ứng trò chơi chuyền dây thun bằng tăm, đố vui có thưởng và vượt chướng ngại vật lấy quà thì vẫn có một số bạn đăng ký tham gia nhưng đến đó lại núp chỗ mát, thả hồn theo ngọn gió hiu hiu trên chiếc võng mắc sẵn…
Tôi viết những dòng này vì tôi cũng đã từng như vậy và thấy vô cùng mệt mỏi với cách sống đó. Ra trường mới thấy thua thiệt với người ta. Bạn nghĩ sao khi mai mốt đây bạn đi xin việc làm nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn “sở trường của em là gì? Em có tham gia hoạt động ngoại khóa nào không? Và họ liên tiếp nhận được những cái lắc đầu từ bạn. Tất nhiên vị trí cần tuyển dụng sẽ dành cho những bạn năng động hơn bạn. Nào chúng ta cần thay đổi cách sống ngay bây giờ, đơn giản nhất là xung phong phát biểu bạn nhé!