Có nên kỷ luật hàng loạt sinh viên vì không đóng BHYT?
Nhiều trường đại học và cả sinh viên ở TP HCM có quan điểm chưa thống nhất về việc kỷ luật sinh viên chưa đóng bảo hiểm y tế (BHYT).
Vừa qua, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) công bố danh sách 568 sinh viên có nguy cơ nhận kỷ luật cảnh cáo trong năm học 2015-2016 vì chưa đóng BHYT bắt buộc. Sự việc nhận được nhiều ý kiến từ phía sinh viên trong và ngoài trường.
Mang câu chuyện này đến lãnh đạo một số trường đại học tại TP HCM,Zing.vn nhận được quan điểm, cách xử lý khác nhau.
Đóng BHYT là quy định bắt buộc đối với sinh viên.
Chưa có chế tài xử phạt cụ thể
Theo TS Phan Ngọc Anh – Hiệu trưởng ĐH Văn hóa TP HCM, việc đóng BHYT bắt buộc với sinh viên luôn được Phòng Công tác Sinh viên Giáo dục của trường nhắc nhở ngay từ đầu năm, nhằm bảo bảo đúng luật BHYT và quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho chính các bạn sinh viên. Đến nay, trường chưa đưa ra hình thức kỷ luật nào đối với người không đóng BHYT.
TS Ngọc Anh cho biết thêm, hàng năm, Bảo hiểm quận 2 vẫn thường xuyên nhắc nhở đơn vị trường đóng BHYT cho sinh viên không đầy đủ, như năm ngoái chỉ chiếm khoảng hơn 80% sinh viên. Năm học này, nhà trường vẫn chưa tổng hợp.
“Luật BHYT quy định học sinh, sinh viên bắt buộc đóng BHYT, nhưng không đưa ra quy định chế tài, xử phạt đối với những trường hợp không đóng, khiến nhà trường khó xử lý vấn đề này. Hiện nay, chúng tôi vẫn cố gắng động viên, nhắc nhở để sinh viên tự nguyện đóng”.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP HCM), cho biết, nhà trường đã bắt đầu áp dụng hình thức kỷ luật sinh viên không đóng BHYT từ năm 2012. Những sinh viên không đóng sẽ bị trừ 10 điểm rèn luyện, riêng trong năm học này trừ 25 điểm rèn luyện trong mục “Vi phạm pháp luật”.
“Chính nhờ mạnh tay mà tỷ lệ sinh viên đóng BHYT trên 90%”, ông Toàn nói.
Các trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TP HCM, ĐH Công nghệ TP HCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, đến nay, vẫn chưa đưa ra hình thức kỷ luật đối với những sinh viên không đóng BHYT.
Theo thầy Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng ĐH Hồng Bàng, dù luật quy định bắt buộc, tuy nhiên ở mức độ trường, ĐH Hồng Bàng chỉ động viên, nhắc nhở quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên khi tham gia BHYT. Đến nay, trường chưa áp dụng hình thức kỷ luật nào.
Sinh viên cũng nhiều quan điểm
Khi được hỏi về vấn đề kỷ luật nếu không đóng BHYT, sinh viên nhiều trường đại học tại TP HCM tỏ ra bức xúc, cảm thấy hình thức kỷ luật không đáng có.
“Nếu chỉ vì không đóng BHYT mà nhà trường hạ hạnh kiểm, không xét học bổng hay khen thường thì thiệt thòi cho sinh viên. Điều đó làm ảnh hưởng quá trình rèn luyện đạo đức trong suốt 4 năm học, ảnh hưởng CV khi xin việc”, bạn Nguyễn Thị Mỹ Linh (sinh viên năm ba, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM) nói.
Còn Lê Thanh Bình (sinh viên năm hai một trường đại học ở quận 2, TP HCM), cho biết, có nhiều bạn hoàn cảnh khó khăn, cố gắng lắm cũng đóng đủ tiền học phí, nên việc không đóng BHYT hay đóng BHYT hết hạn mà bị kỷ luật thì cũng hơi nặng. Môi trường giáo dục phải có cái tình, áp vào quy định để kỷ luật sinh viên thì không hợp lý lắm.
Nhưng cũng có nhiều quan điểm kỷ luật là đúng, đảm bảo tính pháp lý mà quy định của Luật BHYT đưa ra. Một phần nữa để sinh viên có ý thức bảo vệ sức khỏe, cũng như góp phần an sinh xã hội.
“Các bạn đừng nghĩ mất bò phải lo làm chuồng. Tiền đóng bảo hiểm chỉ bằng bữa ăn nhậu hay đi chơi với bạn bè thôi, nhưng khi hoạn nạn hoặc đau ốm mới biết nó giá trị thế nào”, Lâm Thị Thanh Nhàn (sinh viên năm 2, ĐH Tài chính Marketing TP HCM) nhắn nhủ.
Một sinh viên khác chia sẻ, sao bạn trẻ không nghĩ tới bảo hiểm là hình thức nhân văn, lấy của người giàu gánh một phần cho người nghèo. Nếu mình không sử dụng thì số tiền đóng được chia cho người khác khi cần.
“Nhà trường cũng chỉ mới đưa ra hình thức, những bạn nào đã đóng bảo hiểm ở nơi khác rồi có thể đem nộp photo. Đến cuối tháng 2, trường mới có hình thức kỷ luật”, sinh viên này nói.
Theo Zing
Sinh viên bị cấm thi vì nhuộm tóc lòe loẹt
Thời gian gần đây, hiện tượng sinh viên bị cấm thi, bị mời ra khỏi lớp học chỉ vì nhuộm tóc hoặc sơn móng tay màu nổi rộ lên.
Mới nhất là trường hợp của Thanh, sinh viên Cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn - bị cấm thi vì lỗi nhuộm tóc. Nữ sinh bức xúc: "Trong đợt thi học kỳ vừa qua, lớp có khoảng 15 bạn bị cấm thi vì lý do nhuộm tóc quá sặc sỡ...".
Một sinh viên khác nêu quan điểm: "Dù trong nội quy có quy định nhưng chúng em muốn được thể hiện phong cách riêng, muốn thay đổi để tạo sự tươi mới khi dự tiệc và lên lớp".
Tương tự, trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist cũng quy định, học sinh phải mặc đồng phục, không được nhuộm tóc sặc sỡ, nam không được đeo khuyên tai. Học sinh nữ học nhóm ngành phục vụ nhà hàng - khách sạn cũng phải hạn chế đeo trang sức, sơn móng lòe loẹt... khi đến trường. Nếu không chấp nhận nội quy, học sinh có thể "học trường khác".
Nhiều sinh viên bị cấm thi chỉ vì nhuộm tóc quá lòe loẹt. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống.
Một số học sinh, sinh viên cho biết, họ cảm thấy bị kiểm soát quá mức về ý thức thẩm mỹ, sở thích thời trang, không được thể hiện bản thân. Ngược lại, phía nhà trường cho rằng, sinh viên khi rời khỏi môi trường phổ thông lên đại học thường có tư tưởng được cởi trói, dẫn đến sự tự do không giới hạn, nên trường phải đặt ra quy định để "kìm cương".
Thạc sĩ Phan Bửu Toàn - Phó hiệu trưởng Cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn - cho biết, trường có cấm thi nhưng không phải với tất cả sinh viên nhuộm tóc mà chỉ phạt những em nhuộm màu quá lòe loẹt, mặc đồng phục không đúng.
Ông Toàn lý giải thêm, trong ngành nhà hàng khách sạn có quy định, nhân viên không được nhuộm tóc, đeo quá nhiều khuyên tai hay sơn móng tay quá nổi. Ngay khi nhập học, nhà trường đã khuyến cáo các em không được nhuộm tóc lòe loẹt xanh, đỏ... Nếu nhuộm tóc màu nhẹ nhàng vừa phải thì vẫn được chấp nhận.
Phía trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist, thầy Trần Văn Hùng, Hiệu trưởng, giải thích: "Làm ở lĩnh vực du lịch - nhà hàng khách sạn là làm văn hóa, là bộ mặt của đất nước để tiếp xúc du khách. Vì vậy, tác phong cũng như ngoại hình của học sinh, sinh viên phải thể hiện tính chuyên nghiệp, nghiêm túc, tạo được thiện cảm. Ngành này có những quy định cụ thể. Quy định đặt ra là để hướng tới tạo cho các em có một tác phong tốt thực chất, chứ không phải chỉ ở trong khuôn viên trường".
Như vậy, mục đích của nhà trường khi đặt ra các quy định nhằm giúp học sinh, sinh viên có được ý thức thẩm mỹ chuẩn mực và phù hợp trong môi trường làm việc tương lai là điều cần thiết. Thời trang luôn cần có sự phù hợp với bối cảnh, đầu tóc xanh đỏ có thể nổi bật ở các lễ hội nhưng trở nên "chói mắt" khi ngồi trên giảng đường...
Nhưng việc phải phạt học sinh, sinh viên bằng cách chế tài như cấm thi, cấm vào lớp... suy cho cùng cũng chỉ giải quyết được phần ngọn. Để giải quyết được cái "gốc" - sự nhận thức đúng về cái đẹp - các trường phải có cách trao đổi một cách căn cơ để học sinh, sinh viên dần thay đổi nhận thức và tự điều chỉnh hành vi, cảm thấy không bị "mất tự do".
* Tên sinh viên đã thay đổi.
Theo Gia Tuệ/Phụ Nữ TP HCM
Sai phạm tại 8B Lê Trực: Đề xuất kỷ luật 8 cán bộ thanh tra xây dựng Liên quan đến những sai phạm trong việc buông lỏng quản lý hoạt động xây dựng sai phép tại công trình 8B Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề xuất hình thức kỷ luật khiển trách và cảnh cáo đối với: Đội trưởng, Đội phó Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình;...