Có nên giữ 2 cụm thi?
Sẽ chỉ còn 63 cụm thi tại 63 tỉnh, thành như đề xuất của một số sở giáo dục và đào tạo hay số lượng cụm thi giữ ổn định như năm 2015 là điều còn gây tranh luận
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có nhiều cuộc họp riêng với các trường ĐH, CĐ cũng như tổ chức riêng hội nghị trực tuyến liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia.
Bất công với thí sinh vùng sâu
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc có bao nhiêu cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 vẫn là vấn đề còn nhiều bàn cãi. Lãnh đạo một sở GD-ĐT cho biết nên thay đổi theo hướng mỗi địa phương tổ chức một cụm thi do trường ĐH chủ trì, bỏ cụm thi địa phương do sở GD-ĐT tổ chức. Lý do là việc tổ chức 2 cụm thi như năm 2015 gây nên những bất hợp lý, không công bằng với thí sinh vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Theo chuyên gia này, những thí sinh có điều kiện ở các thành phố, tỉnh lỵ không phải di chuyển nhiều, trong khi học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa lại phải di chuyển về thành phố để dự thi, chi phí ăn ở đi lại trong mấy ngày thi không hề nhỏ.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại một cụm thi do trường ĐH tại TP HCM chủ trì Ảnh: TẤN THẠNH
Thầy Nguyễn Minh Tuấn – giáo viên một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội – cũng cho rằng nên có những cải tiến để việc tổ chức cụm thi hợp lý hơn. Giáo viên này đề xuất nên tổ chức mỗi tỉnh một cụm thi do trường ĐH chủ trì, như vậy cả cả nước chỉ còn 63 cụm thi thay vì hơn 90 cụm thi như năm 2015. “Tất nhiên, việc các trường ĐH đưa giảng viên, cán bộ của mình về các tỉnh sẽ tốn kém hơn nhưng sự tốn kém này sẽ không thể so được với những chi phí mà các gia đình, phụ huynh phải bỏ ra để con em mình di chuyển về tỉnh, thành khác dự thi” – thầy Tuấn tính toán.
Tăng cường giám sát cụm thi địa phương
Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng nên giữ ổn định số cụm thi như mùa thi năm 2015, tức là nên có 2 cụm thi, một do trường ĐH chủ trì dành cho thí sinh xét tuyển vào ĐH, một do Sở GD-ĐT chủ trì, dành cho thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Độ, cho rằng tiếp tục tổ chức cụm thi do địa phương chủ trì để tạo thuận lợi cho người học bên cạnh cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì. Ông Độ cho rằng cần phải tăng cường giảng viên, cán bộ các trường ĐH tham gia cụm thi do địa phương chủ trì, bởi năm 2015, số lượng này quá ít và chủ yếu làm nhiệm vụ giám sát. Quan điểm này của ông Độ nhận được nhiều sự ủng hộ của lãnh đạo các Sở GD-ĐT khác. Các chuyên gia giáo dục khi được hỏi đều cho rằng việc chỉ có 3 cán bộ của trường ĐH làm nhiệm vụ giám sát là quá ít và không hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh năm 2016 sẽ tăng cường sự tham gia của các trường ĐH và cán bộ, giáo viên trường ĐH phải làm công tác coi thi và chấm thi để kết quả ở cụm địa phương có tính khách quan cao hơn.
Một lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho hay việc tổ chức bao nhiêu cụm thi vẫn đang được lấy ý kiến các sở, trường nhưng tinh thần là vẫn giữ nguyên các các cụm thi như năm 2015. Theo tính toán của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, việc tổ chức các cụm thi do trường ĐH chủ trì rất khó thực hiện bởi nhiều lý do khác nhau. Chính Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận việc tổ chức cụm thi tại địa phương do ĐH chủ trì mà không tổ chức cụm thi do địa phương chủ trì đã từng được tổ chức từ giai đoạn năm 1970-1990 nhưng sau đó đã thay đổi với việc trường nào tự tổ chức tuyển sinh cho trường nấy.
“Có nhiều chuyện xảy ra, nhiều gia đình vì con cái họ nên đã có nhiều hành động không đúng đắn, không bảo đảm an toàn cho các giảng viên về địa phương làm nhiệm vụ. Thêm vào đó, việc điều chuyển giảng viên về các địa phương cũng rất tốn kém” – một chuyên gia tuyển sinh phân tích.
Theo NLĐO