Có nên du học ở “high school”?
Đang học lớp 11 của một trường quốc tế ở quận 2 ( TP. Hồ Chí Minh), Hoài Anh nằng nặc đòi ba mẹ cho du học ở châu Âu hoặc châu Mỹ.
Thấy con từ năn nỉ, khóc lóc đến giận hờn, ba mẹ Hoài Anh cũng xiêu lòng nhưng nhiều ý kiến bàn ra, tán vào khiến họ bàn tính mãi vẫn chưa thể ra quyết định “phê duyệt” cho con du học bậc trung học ( high school).
Sợ con thành “trái chuối”
Ngày càng có nhiều thiếu niên muốn “tung cánh sổ lồng” du học nước ngoài trong khi các bậc phụ huynh chưa sẵn sàng cho con em mình “bay” khỏi gia đình. “Đi học ở lứa tuổi 15-17, liệu có sớm quá không?” là câu hỏi đầu tiên các bậc cha mẹ này đặt ra với các chuyên viên tư vấn du học. Bên cạnh đó là những lo lắng nặng trĩu tâm tư, sợ con em chưa chín chắn, trưởng thành trong suy nghĩ, hành động, dễ bị sốc văn hóa, quên tiếng Việt…; sợ con mình thành… “trái chuối” (bên ngoài “da vàng” nhưng trong suy nghĩ, hành xử không khác gì người phương Tây, quên mất cội nguồn Việt).
Học sinh du học bậc trung học không bắt buộc phải đạt điều kiện điểm tối thiểu của IELTS hay TOEFL nhưng các em phải có vốn tiếng Anh đủ để theo học ở trường. Ảnh minh hoạ
Nhiều người cho rằng nếu đi du học ở high school, các em sẽ được làm quen với môi trường giáo dục bản xứ, nâng cao khả năng tiếng Anh và dễ tìm trường (có học bổng càng tốt) ở bậc đại học (ĐH) sau này. Các em sẽ được trau dồi những kỹ năng học nhóm, thảo luận, trình bày vấn đề, cách tư duy… là những kỹ năng cần thiết khi bước vào ĐH. Các em cũng có thời gian thích nghi và hòa nhập với lối sống, văn hóa của người dân bản địa. Do vậy, gia đình có điều kiện nên cho con em du học từ một đến hai năm (lớp 11 hoặc lớp 12) trước khi bước vào bậc ĐH.
Thế nhưng, gia đình không nên chiều theo ý thích của con nếu những em này chưa có tính tự lập, chưa biết tự chăm sóc bản thân; đặc biệt, chưa khao khát thật sự ra nước ngoài chiếm lĩnh tri thức mà chỉ là do “a dua” theo bạn bè. Nếu bỏ qua những yếu tố này, có thể cha mẹ sẽ vô tình đẩy con em mình vào con đường “đơn thân độc mã” nơi xứ người; còn các em nếu thiếu bản lĩnh lại rước họa vào thân.
Học sinh du học bậc trung học không bắt buộc phải đạt điều kiện điểm tối thiểu của IELTS hay TOEFL nhưng các em phải có vốn tiếng Anh đủ để theo học ở trường. Giỏi tiếng Anh là yếu tố thuận lợi giúp các em sớm hòa nhập vào môi trường mới. Vấn đề là làm sao xác định được khả năng Anh ngữ của học sinh đang ở mức nào? Các tấm bằng, điểm số loại giỏi của các em đạt được ở Việt Nam chưa thể khẳng định đúng giá trị thực tế của nó.
Một học sinh THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) du học ở Mỹ bậc trung học viết thư kể cho cô giáo cũ của mình: “Em học chuyên Anh nên tự hào “vốn” ngoại ngữ của mình thuộc dạng “đỉnh”. Thế mà qua Mỹ mới thấy còn lẹt đẹt lắm. Hai tháng đầu tiên em thật sự sốc khi chẳng hiểu bài giảng của thầy cô, không thể trao đổi, thảo luận với bạn bè. Để tự cứu mình, em xin phép giáo viên cho em ghi âm bài giảng, về nhà “rã” băng ra nghe. Trước mỗi bài mới, em đều phải coi sơ lược để nắm nội dung chính của bài.
Trong hai tháng đầu tiên, mỗi ngày thật sự là cơn ác mộng Anh văn, không có đêm nào em ngủ trước hai giờ sáng nếu chưa review (xem lại) bài giảng cũ. May mà cuối cùng mọi chuyện đã tốt đẹp hơn, sau một thời gian dài vật lộn với Anh ngữ, giờ đây em đã thật sự tự tin”.
Học gì ở bậc trung học?
Video đang HOT
Khi đã quyết chí học ở nước ngoài, học sinh nên liên hệ trực tiếp với trường mình muốn học. Nếu chấp thuận đơn xin học đó, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh thi kiểm tra trình độ. Kết quả bài thi sẽ quyết định học sinh được vào học lớp nào.
Thế nhưng, trước hết, các em phải điều nghiên trước chương trình bậc trung học của quốc gia mình muốn học vì hệ thống giáo dục, chương trình học nước ngoài khác với Việt Nam. Nếu học sinh trung học chúng ta phải học 13-14 môn học thì học sinh các nước chỉ học 4-6 môn học bắt buộc, ngoài ra có nhiều môn học tự chọn phù hợp với năng khiếu và nhu cầu của học sinh.
Đối với nước Mỹ, học sinh thường có hai kỳ nhập học trong năm: tháng 1 và tháng 9. Theo tư vấn của Trung tâm tư vấn Giáo dục Mỹ (Education USA), nếu học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 11 ở Việt Nam, các em có hai con đường chọn lựa.
Con đường thứ nhất đi theo chương trình Cao đẳng cộng đồng (hai năm) hay còn gọi là chương trình kép. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, các bạn có thể học liên thông lên ĐH trong hai năm nữa.
Ở con đường thứ hai, học sinh có thể học lớp 12 ở trường trung học, sau đó nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, vì chỉ học một năm ở bậc THPT, học sinh sẽ không được cấp bằng tốt nghiệp mà chỉ có giấy chứng nhận cùng bảng điểm đã hoàn thành chương trình lớp 12.
Cách tốt nhất để tìm học bổng ở bậc trung học là liên hệ trực tiếp với các nhân viên phụ trách về học bổng của trường. Ảnh minh hoạ.
Nếu quan tâm đến giáo dục trung học Canada, các bậc phụ huynh có nhiều sự chọn lựa cho con em mình ở các trường công, trường tư, trường bán trú, trường nội trú, trường dành cho nam sinh hay nữ sinh, trường Công giáo… Tuy nhiên, cần hỏi xem chương trình trung học kết thúc ở lớp 11, 12 hay 13. Vì ở Canada, chính sách giáo dục trung học giữa các bang khác nhau về hệ thống cho điểm, số năm học, chương trình và nội dung môn học.
Ở xứ sở sương mù, đại diện Hội đồng Anh ở TP.HCM cho biết, học sinh học trường phổ thông ở Vương quốc Anh trước 16 tuổi có thể học đến 12 môn học để thi lấy bằng tốt nghiệp phổ thông GCSE (trung bình, học sinh thường thi tám môn). Một số môn bắt buộc bao gồm tiếng Anh và Toán, ngoài ra, học sinh có thể lựa chọn Âm nhạc, Kịch, Địa lý và Lịch sử…
Học sinh trung học còn phải thi lấy chứng chỉ AS và chứng chỉ A (tiếp sau GCSE), như là tiêu chuẩn đầu vào của trường ĐH. Các bạn có thể chọn các chuyên ngành như Nhân văn, Nghệ thuật, Khoa học và Khoa học xã hội, cũng như các ngành thực tiễn như là Kỹ thuật và Quản lý du lịch. Kỳ thi AS diễn ra vào cuối năm học thứ nhất (được gọi là “lower sixth”) và chứng chỉ A vào cuối năm thứ hai (được gọi là “upper sixth”).
Các trường trung học ở Úc, theo tổ chức IDP Việt Nam, giảng dạy các bộ môn chính là Anh văn, Toán, Khoa học, Mỹ thuật, Kỹ thuật và Ngôn ngữ. Ngoài ra, HS còn có thể theo học một số môn như Truyền thông số, Nông nghiệp, Thiết kế đồ họa, Âm nhạc và Kế toán. Một số trường trung học của Úc giảng dạy chương trình tú tài quốc tế (IB) như ở Mỹ và Canada (chương trình này là bước chuẩn bị để vào ĐH.
Kết thúc hai năm học, học sinh có thể nộp đơn vào học thẳng ở tất cả các trường ĐH trên thế giới. Học sinh trung học Úc được trường tư vấn hướng nghiệp chọn môn học phù hợp với dự định về ngành học ở bậc ĐH. Nếu chọn các khóa học về Kỹ thuật, học sinh cần học thêm môn Lý và Hóa.
Nếu chọn các khóa học về Y, Nha, Dược hay Khoa học về sức khỏe, học sinh cần học thêm môn Hóa và Sinh. Chương trình trung học khai giảng vào cuối tháng Giêng. Một năm học được chia làm bốn kỳ học, mỗi kỳ học kéo dài 10 tuần và sau mỗi kỳ học, các em sẽ được nghỉ hai tuần.
Cách tốt nhất để tìm học bổng ở bậc trung học là liên hệ trực tiếp với các nhân viên phụ trách về học bổng của trường. Tuy nhiên, học bổng dành cho học sinh quốc tế bậc trung học hiếm hơn cả ĐH và tính cạnh tranh rất cao. Do vậy, hầu như học sinh quốc tế đều đi học theo diện tự túc, ngoại trừ các chương trình giao lưu văn hóa như ở Mỹ, Canada… Chi phí cho chương trình giao lưu văn hóa khoảng 10.000 USD/năm.
Nếu học ở trường tư, tùy thuộc vào danh tiếng của trường, khu vực trường trú đóng, chi phí bao gồm cả ăn, ở dao động từ 18.000 USD – 50.000 USD. Điều kiện vào học high school: học lực từ khá, trung bình – khá trở lên, trình độ Anh văn nghe và nói được. Trước khi vào học chương trình chính khóa, học sinh sẽ tham gia các khóa học Anh ngữ tăng cường (giống như chương trình dự bị), dành cho học sinh trung học (English for High School Preparation) từ 20-40 tuần.
Chương Vũ
Theo nguoidothi
Phân tích sức hấp dẫn hàng trăm năm không giảm của du học châu Âu: Tại sao Pháp, Đức, Ý, Phần Lan, Tây Ban Nha luôn hấp dẫn hơn các quốc gia khác?
Trong thời buổi hiện nay, xu hướng du học ngày càng tăng lên vì bố mẹ luôn muốn cho con cái có cơ hội đi xa để học hỏi, trải nghiệm và trưởng thành hơn thì du học châu Âu là một giải pháp tiềm năng cho bài toán kinh tế của những gia đình không quá khá giả.
Xu hướng du học châu Á tới những nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... hiện nay đang khá thịnh hành. Các nước này có nền văn hóa khá phù hợp và gần gũi đối với người Việt. Tuy vậy, xu hướng đi du học tới những nước phương Tây nói tiếng Anh bản địa như Anh, Mỹ, Úc, New Zealand, Canada,... vẫn rất phổ biến. Tuy nhiên phần lớn khi nhắc đến chuyện du học, nhiều người đều phải từ bỏ ước mơ bởi khả năng tài chính không cho phép. Nếu không có học bổng và gia đình không thuộc dạng khá giả thì việc đi du học tới những nước kể trên sẽ luôn là một bài toán kinh tế đau đầu cho các bậc phụ huynh.
Giữa những làn sóng phân vân và lo toan, vẫn có một hi vọng vừa vặn đáng cân nhắc nổi lên, đó chính là du học châu Âu mà đại diện tiêu biểu là Pháp, Đức, Ý, Phần Lan, Tây Ban Nha,... (Nước Anh không được liệt kê vào danh sách này vì nó thuộc danh sách những nước nói tiếng Anh bản địa). Có rất nhiều lí do khiến cho lục địa già này tuy đã gạo cội những vẫn đầy sức hấp dẫn đối với người ngoài và vẫn là một mảnh đất đáng mơ ước đối với nhiều người nếu có ham muốn được học hỏi, trải nghiệm hay khám phá.
Thứ nhất về giáo dục, châu Âu phát triển không thua kém gì các châu lục khác. Một số nền giáo dục ở các nước Bắc Âu còn đạt đến mức độ hoàn hảo tới nỗi các nước bạn luôn luôn muốn học hỏi.
Ngoài ra khi đi học ở các nước châu Âu, du học sinh phần lớn sẽ luôn sở hữu khả năng song ngữ - một thứ tiếng bản địa, và tiếng Anh. Người châu Âu học tiếng Anh như ăn cơm, trình độ tiếng Anh của người dân phần lớn ít nhất đều đạt được đến trình độ đủ để giao tiếp hoặc cao hơn.
Thêm một điểm cộng nữa là khi đi du học châu Âu, du học sinh vẫn có cơ hội đi du học ở các nước khác thông qua các chương trình học trao đổi, học tiếp lên thạc sĩ hay tiến sĩ ở các nước nói tiếng Anh bản địa, ở Nhật, Hàn hay Trung Quốc,... và thông qua đó nâng cao trải nghiệm cá nhân, mở rộng khám phá tới nhiều nơi trên thế giới.
Hơn nữa, nếu muốn nghiên cứu về văn hóa châu Á, châu Mỹ hay châu Úc, du học sinh vẫn có thể lựa chọn tới châu Âu để học. Ở các trường đại học danh tiếng tại châu Âu vẫn luôn có những ngành nghiên cứu về văn hóa các nước khác nhau (ví dụ ngành Hán học, Nhật học, Việt Nam học...) Chất lượng của các ngành học này được đánh giá cao, sinh viên tốt nghiệp ra trường trình độ học vấn và hiểu biết sâu rộng, có nhiều cơ hội việc làm. Có một sự thật không thể phủ nhận, là người nước ngoài đôi khi còn hiểu rõ về văn hóa nước nhà hơn chính người bản địa nếu họ thật sự nghiên cứu và tìm hiểu. Cho nên ví dụ nếu học ngành Việt học thì sang Đức học cũng không phải một lựa chọn tồi.
Thứ hai về kinh tế, so với mặt bằng chung thì học phí và chi phí sinh hoạt ở các nước châu Âu rẻ hơn các nước khác rất nhiều. Một phần là do các chính sách khuyến học của chính phủ châu Âu đặc biệt hỗ trợ sinh viên và người đi học. Nếu không hỗ trợ thẳng bằng tài chính thì cũng là giảm thuế, vé tàu, chi phí ngân hàng, bảo hiểm, trả góp điện thoại, hỗ trợ mua đồ dùng học tập.
An sinh xã hội ở các nước châu Âu đạt đến mức ổn định, nên mức sống cao và đảm bảo được cho người dân không thiếu thốn. Hơn nữa, các nước châu Âu dân số ít nên nền kinh tế đặc biệt mở cửa và khuyến khích người nước ngoài đến học và ở lại tìm việc. Trong thời gian đi học cũng có thể tự đi làm tăng thu nhập hoặc trang trải cuộc sống, sau khi tốt nghiệp được phép ở lại tìm việc trong vòng 18 tháng,...
Thứ ba về văn hóa, châu Âu là đại diện tiêu biểu cho nền kinh tế tư bản, thượng nguồn của các xu hướng thay đổi về kinh tế chính trị trên thế giới nhưng vẫn giữ được cho mình nét văn hóa truyền thống lâu đời. Âm nhạc cổ điển phát triển mạnh mẽ trong giới thượng lưu châu Âu thời xưa và cho đến ngày nay nó đã được bình dân hóa đi phần nào, người ta vẫn nghe nhạc cổ điển như một món ăn tinh thần cần có trong cuộc sống. Hay văn hóa ẩm thực châu Âu ví dụ như ẩm thực Ý, ẩm thực Pháp hoặc Tây Ban Nha vẫn mang đậm những dấu ấn không lẫn lộn, dù cho hội nhập toàn cầu cũng ảnh hưởng nhiều tới chúng. Lịch sử ở châu Âu thú vị với những câu chuyện từ xa xưa thời Hy Lạp, La Mã, Vikings hay gần hơn thì là Con đường tơ lụa, Thế chiến I, II,... rất phù hợp với những ai ưa thích tìm hiểu văn hóa phương Tây.
Một lợi thế cực lớn cho những ai đi du học châu Âu đó là đi du lịch còn rẻ hơn về quê hương! Thật vậy, tiền mua vé máy bay khứ hồi về Việt Nam một chuyến đủ cho bạn đi du lịch châu Âu nhòe mấy nước. Chính sách mở cửa biên giới của khối liên minh châu Âu cho phép đi lại tự do giữa các nước thuộc khối Schengen mà không cần phải xin Visa, giống như kiểu người Việt được đi lại tự do trong khối ASEAN vậy (nhưng mà Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Hungary, Áo, Thụy Điển,... nghe vẫn cool ngầu hơn là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar,... đúng không?). Với cả từ châu Âu xin Visa du lịch tới các nước khác trên thế giới cũng đều dễ dàng hơn. Bởi bạn sẽ có lợi thế là hồ sơ của bạn sẽ được gửi từ một trong những nước thuộc dạng ưu tiên trong việc sử lí giấy tờ.
Điều cuối cùng, nhịp sống ở châu Âu thường không quá hối hả và áp lực. Ở những nước mà bạn phải trả nhiều tiền cho việc học như ở Mỹ, bạn sẽ có áp lực phải học cho nhanh. Hay ở Nhật bạn sẽ gặp phải những trường hợp bị trầm cảm vì áp lực làm việc tăng ca, hoặc ở Hàn thì những ca tự tử do cả gánh nặng học hành, bươn trải đè nén. Tât nhiên không ai bảo cuộc sống ở các nước châu Âu là dễ dàng và đơn giản. Nhưng nhìn chung môi trường châu Âu vẫn là một môi trường ôn hòa, nhẹ nhàng, khá là dễ sống và hòa nhập, song song với đó vẫn sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện để khám phá, mở mang cho những ai chịu khó học hỏi và tìm tòi.
Du học ở đâu cũng sẽ có ưu và nhược điểm nhất định. Tuy nhiên trong thời buổi mà xu hướng du học ngày càng tăng lên, bố mẹ muốn cho con cái có cơ hội đi xa để học hỏi, trải nghiệm và trưởng thành hơn, thì du học châu Âu vẫn là một lựa chọn tiềm năng rất đáng cân nhắc.
Theo Helino
Du học sớm: "Mẹ ơi, cho con về nhà!" "Ngay từ những giờ lên lớp đầu tiên, học với người bản ngữ, tối ấy khi trở về phòng trọ với 4 bức tường màu nhờ nhờ ... mình đã muốn quay về. Sau đó, là cả những chuỗi ngày, câu duy nhất mình muốn nói là "mẹ ơi, cho con về nhà"... Mẹ ơi, con muốn về nhà! "Mình thấy mọi người...