Có một nghề… sởn da gà (2): Sống có tâm ăn lộc… âm phủ
Người ta vẫn bảo, lúc sống thì phân biệt sang hèn, còn trước cái chết con người bình đẳng như nhau. Cái chết chẳng phân biệt giàu nghèo, quyền chức, càng không thể là nguyên nhân tạo nên những lý do để có thể làm hại người sống bằng những chuyện ma quỷ, hồn, vong. Có chăng chỉ là chính người sống mượn cái chết để hại lẫn nhau mà thôi.
Anh Ngọc với công việc hàng ngày
Ám ảnh nhân tình thế thái
Khác với ông Dũng, anh Đặng Trần Ngọc có thâm niên làm bảo vệ tại nghĩa trang phường Bồ Đề – quận Long Biên từ năm 2004 nhưng với anh những “chuyện ma quỷ chỉ là tầm phào”. Bắt đầu nghề bốc mộ từ năm 1996 sau khi ra lính, anh Ngọc bảo: “Tớ sống nhờ… ma đã 15 năm nay, ăn lộc ma cũng chừng ấy thời gian nhưng bị ám ảnh bởi cõi âm thì không phải chuyện ma quỷ mà ngược lại toàn vì những chuyện nhân tình thế thái của những người đã chết”.
Theo anh Ngọc kể thì cũng vài lần anh đã nhìn thấy những “hồn ma bóng quế” chập chờn trên các ngôi mộ sắp cải táng, thường thì đó là hình hài một con người ngồi ủ rũ ở đầu các ngôi mả cũ. Nhưng theo kinh nghiệm của anh cứ ngôi mộ nào xuất hiện các “hồn ma bóng quế” đó thì về đối chiếu với sổ sách chôn cất, y như rằng sắp tới ngày phải cải táng. Bóng người đó chỉ hiện lên trong mắt tôi độ vài giây rồi tan biến ngay. Và khi thấy như vậy là anh biết rằng đó chỉ là những dấu hiệu mà người nằm dưới mộ muốn được “chuyển sang một ngôi nhà mới”. “Mỗi lần thấy… ma như vậy anh có sợ không?”, chúng tôi hỏi. Anh Ngọc gạt đi ngay: “Có gì mà sợ, chỉ có người sống hại người sống chứ người đã chết thì làm sao mà làm điều ác được”.
Nghĩa trang Bồ Đề nằm sát ven sông Hồng nên bảo vệ ở đây ngoài cái nghề chôn cất, sang cát, xây mộ còn có thêm “nghề phụ” là vớt người chết đuối bởi có khá nhiều xác chết trôi dạt vào địa phận phường. Anh bảo: “Nếu với nhiều người việc bốc hót hài cốt chỉ nghe cũng đủ rùng mình thì tớ còn phải vớt lên những xác chết trương phình mà chẳng có bất cứ phương tiện bảo hộ nào ngoài chiếc găng tay. Đầu tiên thì cũng hãi, có những xác chết nửa người thâm đen vì phơi nắng, nửa người thì trắng bợt vì ngâm dưới nước lâu ngày, vớt lên xong về ám ảnh cả tuần, cơm không nuốt nổi. Thế nhưng năm nào cũng vài vụ như vậy nên cánh công nhân ở nghĩa trang này làm mãi thành quen. Mà mình không làm thì còn ai? Thôi thì làm phúc cho người xấu số vậy.
Video đang HOT
Làm phúc để đức về sau
Thắp hương cho những ngôi mộ người chết đuối vô chủ
Không hiểu sao trong số những vụ vớt người chết đuối của anh Ngọc thì đại đa số nạn nhân là nữ giới. Một nửa trong số đó là những xác chết không có người nhận và đều còn khá trẻ. Có những xác người bị chân vịt tàu thủy cuốn vào chém tơi tả không thể nhận diện được. Thường thì công việc của anh Ngọc sẽ bắt đầu khi xác chết dạt vào bờ được người dân phát hiện và báo cho công an, chính quyền. Lúc này nhiệm vụ của anh là phải đưa được tử thi lên bờ, lấy một mảnh nilon đặt xác chết lên rồi trông giữ đợi pháp y đến khám nghiệm và làm các thủ tục. Sau khi khám nghiệm xong, pháp y rút đi thì anh bắt đầu công việc khâm liệm rồi đưa lên nghĩa trang của phường chôn cất.
Năm 2010 anh vớt được 3 trường hợp, trong đó có 2 cô gái trẻ nhảy cầu Long Biên tự vẫn và một trường hợp từ nơi khác dạt về. Hai cô gái đầu tiên có người nhà đến nhận xác ngay. Còn cô thứ 3 thì cho tới lúc hạ huyệt chỉ có duy nhất anh Ngọc cùng đội công nhân nghĩa trang phường Bồ Đề lo hương khói. Cô gái ấy còn rất trẻ chỉ độ
20-21 tuổi, tóc nhuộm vàng, quần bò, áo da sành điệu, móng tay, móng chân sơn đỏ chót, dưới bụng xăm một con rồng nhỏ, nhìn bề ngoài chắc lúc còn sống cũng không đến nỗi, vậy mà không hiểu làm gì để đến nỗi phải đón nhận cái chết lạnh lẽo dưới đáy sông. Đôi lúc nghĩ cám cảnh cho một bóng hồng bạc mệnh, anh Ngọc lại đến thắp cho kẻ xấu số một nén hương.
Rời nghĩa trang phường Bồ Đề, chúng tôi ghé qua nghĩa trang xã Thụy Phương, Từ Liêm tìm gặp anh Hải, một người chuyên xây mộ. Đúng dịp bận rộn, ngồi chuyện trò một lúc mà thấy liên tục có người gọi điện, tìm đến hỏi anh việc xây mộ cho người thân. “Vì sao anh theo nghề này?”, chúng tôi hỏi. “Tự nhiên thôi, sau này mới nghe một thầy tướng số nói mình có “căn” phục vụ người âm”, anh Hải hồn nhiên. “Đắt khách thế, chắc thu nhập của anh cũng khá?”. Chúng tôi vừa dứt lời, anh Hải cả cười: “Làm nghề này đừng tính chuyện tiền nong, tích đức để cho con cái thôi. Xây một ngôi mộ bình dân hết chừng 10-12 triệu đồng, gia chủ muốn sang hơn thì chi phí cũng đắt hơn, nhưng có khi gặp người làng, gia cảnh khó khăn, muốn cho “các cụ” có nhà mới tươm tất, mình sẵn sàng “tặng” luôn công xá. Sống có tâm, ăn lộc âm chẳng bao giờ sợ thiệt…”.
Theo ANTD
Có một nghề... sởn da gà (1): Sống cõi dương, làm việc cõi âm
Người ở với ma, ăn cùng ma, ngủ cũng cùng ma thì ngoài khoản bạo gan, hẳn phải có thêm một sự "giao cảm" thầm kín nào đó với những vong linh, người trần mắt thịt khó thấy được... Đa số những nhân vật chúng tôi tiếp xúc để cho ra đời bài phóng sự dưới đây đều thừa nhận: Trước khi lựa chọn cho mình cuộc sống gắn liền với cõi âm họ chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ "gần cái chết đến như thế".
Nghề chọn người
Để có những "cảm nhận chân thực nhất" về cái "nghề" quản trang, chúng tôi tìm đến nghĩa trang phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Đêm cuối năm không trăng sao, bao trùm lấy khu nghĩa trang nằm giữa cánh đồng là bóng tối rợn người, đứng cách vài bước chân cũng không nhìn thấy nhau. Căn nhà quản trang ở ngay cổng vào được thắp một bóng đèn vàng vọt, tù mù. Trong nhà không có ai, nghe nói đêm nay có mấy nhà cải táng nên chắc mọi người đã ra ngoài đó, chỉ có con mèo đón chúng tôi bằng một tiếng "ngoào" nghe dựng tóc gáy. Đứng đợi một lúc, ông quản trang đã qua tuổi 70 Hồ Xuân Dũng mới lò dò xuất hiện. Mặc áo mưa, trên đầu đeo chiếc đèn kiểu thợ lò, ông xoa xoa hai tay cho biết vừa bốc xong một ngôi mộ. "Tháng cuối năm bao giờ cũng nhiều nhà làm cải táng cho người thân, có đêm đông nhất tới 8 nhà, thức trắng đêm là chuyện bình thường", ông Dũng cho biết.
Ông Hồ Xuân Dũng có khuôn mặt hơi đặc biệt, khuôn mặt khiến người ta cảm giác ông được chọn để làm cái nghề cũng rất đặc biệt này. Mà quả đúng vậy. Hồi trẻ đi bộ đội, hòa bình lập lại thì giải ngũ, lấy vợ, sinh con. Năm 1989, người em rủ đấu thầu san lấp, dọn dẹp khu đất vốn là nơi sơ tán của trường đại học Sư phạm bị bom cày xới tan hoang, ông nhận việc mà không biết nơi đó được xã quy hoạch làm nghĩa trang. Chính tay ông đã đào cái huyệt đầu tiên chôn người chết ở đây. Khu trường cũ còn lại duy nhất một ngôi nhà ngói thấp tè đã xuống cấp, lụp xụp. Ông dọn hẳn đến ở trong đó, thỉnh thoảng mới về nhà.
Hơn 20 năm ông làm quản trang, xã thành phường, qua tới 3 thế hệ chủ tịch, nhưng đến giờ ông vẫn chưa được hưởng lương từ bất kỳ nguồn ngân sách nào, "lễ tết cũng chẳng được suất quà mang về cho bà nhà phấn khởi", ông Dũng tặc lưỡi. Gắn bó với nghĩa trang, trông nom người chết, ông sống nhờ vào "lộc cõi âm". Nhà nào có đám ông đứng ra cùng lo chôn cất, ít nhiều tùy gia chủ cảm ơn. Nhà nào cải táng, theo quy định cũng chỉ phải nộp cho quản trang 40.000 đồng, nên đến điện thắp sáng cũng phải dè sẻn đến mức tối đa. "Lộc" thì nhiều, nhất là dịp tết, thanh minh tảo mộ, người ta đến thăm mộ, xôi thịt, bánh trái thắp hương xong thì để biếu ông một phần, gọi là đắp đổi qua ngày.
Những chuyện rùng mình
Hơn 20 năm đó, những chuyện mà thiên hạ cho là rùng rợn ông Dũng gặp cũng không ít, nhưng với ông mọi thứ cứ dửng dưng như không. Đứa con trai lớn, Hồ Xuân Long theo ông từ khi còn bé tí, giờ cũng theo "nghề" của bố, sống trong nghĩa trang nhiều, nhưng như lời ông nói, anh "cứng vía" nên chẳng hề gì. Song cậu con thứ, Hồ Xuân Tuấn thì khác. 12 tuổi, Tuấn đến ở cùng bố trong ngôi nhà mục nát ngay cổng nghĩa trang. 6 năm liền không có chuyện gì xảy ra, cho đến một ngày Tuấn nhất quyết đòi bố cho về nhà ở. Gặng hỏi mãi, anh mới nói: đêm nào ngủ cũng thấy có "người" dựng giường dựng chiếu lên, không sao ngủ được. Sau lần đó, ông Dũng cùng con trai chuyển sang ngủ trên trần nhà để xe đòn. Lạ một cái, hễ quay đầu sang hướng Nam là lại bị bóng đè, chuyển sang hướng Bắc thì thôi.
Có một dạo, ông Dũng nằm ngủ hay thấy một người đàn bà chừng 48 tuổi, chít khăn mỏ quạ, mặc áo bà ba đen đứng ở cửa nhà, chỉ cười mà không nói, đến khi ông ngồi dậy thắp hương thì bỏ đi. Sau này anh Tuấn đi xem bói, mới nghe thầy phán ông có bà chị chết trẻ đi theo che chở, nên gặp chuyện đó không phải lo lắng gì. Quả thật, có lần đang đêm ông dậy đi tiểu, bị trúng gió ngã gục ở nhà xí phía sau tưởng chết, nhưng cứ thấy có tiếng nói ở bên tai "đừng dậy, đừng dậy". Lúc ấy đang còn lơ mơ nên ông cố nằm im một lát, được độ 30 phút ông dần dần hồi tỉnh rồi dậy được bình thường. "Mình chăm sóc người âm, giữ cái tâm nên chắc được họ che chở", ông Dũng bảo vậy, nhưng trước cửa nhà quản trang, ông cũng phải trồng mấy cây dâu để trừ tà.
Do nghe mấy người sống quanh đó kể về chuyện mới đây thôi, một cô bán xôi ở chợ Thanh Trì bị vong linh một thanh niên chết trẻ tên Long "nhập" suốt 1 tuần, sau phải đến nhà mẹ đẻ anh này nhờ thắp hương cúng bái mới hết, chúng tôi hỏi ông về chuyện ấy. "Thì cũng có", ông Dũng thủng thẳng, "có lần bốc mộ, cháu gái người đã chết đứng cạnh huyệt đã mở tự dưng xưng bà với người thân, cứ nói "vẫn còn", cho đến khi xương cốt dưới mộ đã được đưa lên đầy đủ mới nói "hết rồi". Nghe mà thấy sởn da gà.
* Tên nhân vật đã thay đổi
Theo ANTD
'Đốt' cả ôsin phục vụ bố mẹ dưới cõi âm "Năm nay vợ chồng tôi mua được xe hơi nên muốn sắm cho các cụ cái lễ tươm tất một chút. Năm ngoái mua nhà lầu, SH rồi thì năm nay đổi biệt thự, xe hơi cho các cụ mừng. Sắm đủ bộ bao gồm biệt thự, xe hơi, máy giặt, điều hòa, quần áo, tiền vàng cùng với một cô osin mất...