Cơ hội vàng đổi mới giáo dục
Việc thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá là cơ hội vàng tạo cơ chế, thu hút trí tuệ tham gia vào đề án này và triển khai ngay từ đầu năm 2013.
Quan trọng nhất là sự trung thực
“Lạc hậu lớn nhất của giáo dục Việt Nam so với thế giới, theo tôi, đó là cách dạy và học” – ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐHDL Hải Phòng nhận xét. Cũng theo ông Nghị, học sinh Việt Nam hiện nay không tự tin, chịu sức ép lớn và đặc biệt tính trung thực không cao. Việc này bắt nguồn từ giáo viên, từ những việc như khi có đoàn kiểm tra, cô giáo yêu cầu cả lớp phải giơ tay phát biểu nhưng bạn nào thuộc bài thì giơ tay kiểu khác, bạn không thuộc giơ tay kiểu khác. “Tôi kêu gọi những trường sư phạm, nơi sinh ra đội ngũ giáo viên, phải làm thế nào để các thầy cô giáo từ bậc học mầm non trở đi phải coi việc giáo dục sự trung thực, thật thà cho học sinh là nhiệm vụ số một”. Ông Trần Hữu Nghị cũng cho rằng chương trình học, mục tiêu học tập chưa thực sự tốt là nguyên nhân dẫn tới việc quay cóp, gian lận thi cử phổ biến, nhờ nhau đi thi, người đi học không cần kiến thức, chỉ cần cái bằng.
Ông Nguyễn Xuân Trạch, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp Hà Nội đánh giá, vấn đề hiện nay là sức ỳ ở trong tư duy, nhận thức và đặc biệt có những cán bộ, giáo viên nhận thức được nhưng không muốn đổi mới vì sợ “mua dây buộc mình”.
Trước hết các giáo viên cần tâm huyết với đổi mới phương pháp dạy học (Ảnh minh họa)
Thiếu sức hút đầu vào ngành sư phạm
Video đang HOT
Đổi mới giáo dục cũng được đa số các nhà quản lý giáo dục nhấn mạnh ở khâu đào tạo giáo viên. Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, ông Nguyễn Văn Tuấn kiến nghị cần có chính sách để thu hút học sinh giỏi vào sư phạm. Chỉ rõ cần thay đổi chính sách thu hút đầu vào giỏi với ngành sư phạm, ông Tuấn phân tích: “Trước đây chúng ta thu hút học sinh giỏi vào sư phạm bằng cách miễn học phí. Tuy nhiên, gần đây chúng ta lại có chương trình cho sinh viên được vay tiền để đi học. Vì vậy đầu vào của sư phạm hiện nay không còn là sinh viên có điểm cao mà thí sinh có điểm trung bình cũng có thể vào được. Sau 4 năm đào tạo, không thể biến được một sinh viên trung bình thành một người giỏi” – ông Tuấn khẳng định. “Nếu không có giáo viên giỏi, chất lượng giáo dục không thể mạnh lên như chúng ta mong muốn”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Ngọc – Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng lo ngại về tình trạng các địa phương đào tạo giáo viên tràn lan, chất lượng ra trường không đảm bảo. Ông Phan Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa cho biết, trong số 600 hồ sơ thi tuyển giáo viên mà Sở này nhận được trong năm qua thì trên 100 hồ sơ có kết quả tốt nghiệp xếp loại giỏi nhưng trong số đó không rơi vào những trường sư phạm trọng điểm. Kết quả là có những em điểm tốt nghiệp rất cao được tuyển về dạy ở trường chuyên nhưng rất chật vật khi lên lớp. Sở buộc phải đề xuất nếu sau 1 năm không dạy được thì không ký hợp đồng.
Cơ hội tập trung đổi mới giáo dục
Về những tồn tại của giáo dục, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng yếu kém của giáo dục là chưa tạo ra lợi thế cạnh tranh. “Ngoài vấn đề cơ chế, địa lý thì vấn đề con người là yếu tố quan trọng. Chúng ta chưa hài lòng với chất lượng nhân lực. Nguyên nhân do tư duy giáo dục chậm đổi mới. Do chưa nhận thức được quy hoạch nhân lực phải đi kèm với quy hoạch kinh tế. Giáo dục còn nặng về hành chính, chưa tạo được sự chủ động, đòi hỏi từ bên trong của ngành giáo dục, đó chính là sức ỳ lớn”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Kết luận 51 chính là cơ hội vàng để tạo cơ chế, thu hút mọi trí tuệ tham gia vào việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Vì vậy Bộ GD-ĐT cần có lộ trình tạo sự đồng thuận trong ngành và xã hội để có tính khả thi, hiệu quả. Phó Thủ tướng yêu cầu trước mắt ngành giáo dục địa phương có kế hoạch quản lý, kiểm tra làm rõ trách nhiệm các cấp trong việc khắc phục 3 vấn đề: thu chi, dạy thêm học thêm và thi tuyển sinh.
Ngay từ đầu năm 2013, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận yêu cầu riêng khối trường sư phạm đặc biệt tập trung định hướng đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non sau năm 2015… Bộ trưởng cũng cho biết sẽ quy hoạch nhân lực ngành sư phạm, sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm trong cả nước, điều chỉnh chỉ tiêu các trường sư phạm phù hợp với quy hoạch, giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên sư phạm, tập trung đầu tư trọng điểm cho hai trường ĐH Sư phạm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…
Theo Vinh Hương (An ninh Thủ Đô)
Giáo viên trung bình, làm sao có học trò giỏi?
Nguyên nhân được coi là "tảng đá" chắn đường đổi mới giáo dục lại nằm trong chính chất lượng đội ngũ giáo viên.
Tại hội nghị Triển khai chiến lược phát triển giáo dục ngày 23/1, đa phần ý kiến đều tập trung mổ xẻ nguyên nhân chất lượng giáo dục các cấp bao năm vẫn không đạt chuẩn.
Các chuyên gia cho rằng, chính việc "thoáng" đầu vào, hẹp cửa ra của các trường sư phạm đã khiến thí sinh có năng lực thật sự không còn mặn mà với nghề "gõ đầu trẻ".
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, những năm trước, để thu hút sinh viên vào ngành Sư phạm, nhà nước đã có chính sách miễn học phí, rồi cho sinh viên vay vốn nhưng đầu ra lại không giải quyết được. Hậu quả là hàng ngàn sinh viên sư phạm ra trường không kiếm được việc làm.
"Hiện nay, đầu vào các trường sư phạm không phải là những học sinh có điểm cao mà là những học sinh có điểm trung bình, thậm chí lấy bằng điểm sàn. Đương nhiên, qua 4 năm đào tạo, một học sinh có kết quả học tập phổ thông trung bình thì không thể trở thành giáo viên giỏi sau này được", ông Tuấn nhận định.
Ngành sư phạm không còn sức hút đối với thí sinh có năng lực
Cho rằng "có bột mới gột nên hồ", ông Tuấn nhấn mạnh việc cần thiết phải có cơ chế "hút" thí sinh giỏi vào ngành sư phạm. "Có thầy giỏi mới có trò giỏi, ngay từ khâu đào tạo giáo viên không được đầu tư đúng mức thì không thể đòi hỏi có được chương trình hay, cách dạy tốt", ông Tuấn nói.
Từ một nghịch lý khác trong đào tạo đội ngũ giáo viên, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Hải Phòng, cho biết: "Hiện nay sách giáo khoa của học sinh đang được cải tiến rất nhiều, nhưng chương trình cải tiến này lại không được đưa vào giảng dạy trong các trường sư phạm. Vậy là khi giáo viên ra trường lại phải mất thời gian đào tạo lại từ khâu... tiếp cận với sách giáo khoa mới".
Ông Trường kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có định hướng cụ thể hơn trong việc đổi mới cách dạy thầy sau đó mới đến đổi mới cách dạy trò. "Quy trình tuy dài hơi nhưng như thế mới giải quyết được tận gốc của vấn đề", ông Trường nói.
Từ góc độ thu nhập, GS Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng ĐH Giao thông-Vận tải cho rằng, chế độ chính sách còn bất cập, đời sống giảng viên trẻ gặp nhiều khó khăn cũng là nguyên nhân ngành sư phạm không thu hút được những người giỏi.
Bất cập còn thể hiện ngay cả trong chế độ khi thực hiện luân chuyển giáo viên về vùng khó khăn. Giáo viên ở những vùng này chỉ được hưởng phụ cấp vùng miền trong 3 năm đầu, sau đó bị cắt. Từ đây xảy ra mâu thuẫn, những giáo viên làm việc lâu năm ở vùng núi lại có thu nhập thấp hơn so với những người mới ra trường.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận: "Hiện học phí và học bổng không còn sức hút đối với học sinh giỏi vào các trường Sư phạm nữa mà phải là giải quyết việc làm. Sắp tới, Bộ sẽ có những chiến lược cụ thể nâng cao đầu vào, chất lượng đào tạo gắn liền với giải quyết việc làm cho giáo viên sau khi ra trường để tăng sức hút sinh viên giỏi cho ngành này".
Thứ trưởng Ga cũng cho biết, Bộ GD-ĐT đang quy hoạch lại đội ngũ giáo viên sư phạm mà các cấp học cần. Trên cơ sở đó sẽ quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm, tập trung nguồn vào tại những trường trọng điểm. "Cần tính đủ nguồn nhân lực, sao cho sinh viên sư phạm học xong ra có việc làm ngay", Thứ trưởng nói.
Lắng nghe những ý kiến thảo luận tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận: "Muốn đổi mới giáo dục khâu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Bản thân người thầy cũng phải thường xuyên đổi mới, đánh giá, cập nhật kiến thức để không tụt hậu so với học sinh. Chương trình giảng viên đánh giá sinh viên, sinh viên đánh giá giảng viên phải được thực hiện nghiêm túc, đúng hướng trong các nhà trường để đẩy mạnh chất lượng dạy học".
Tuyết Mai (Khampha.vn)
Đột phá từ đội ngũ giáo viên Các chuyên gia giáo dục hầu như có chung một đề xuất phải xem công tác xây dựng đội ngũ giáo viên là giải pháp cốt lõi, quan trọng nhất. Vì chính đội ngũ này quyết định sự thành bại của việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Ứng viên Nguyễn Thị Diễm Phước được phỏng vấn tuyển dụng giáo...