‘Cơ hội trúng tuyển đại học của thí sinh cao hơn năm ngoái’
Theo TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM), lượng thí sinh dự thi giảm và đề thi phân hóa tốt tạo thuận lợi cho các trường xét tuyển đại học.
Đến ngày 11/7, hầu hết các trường đại học phía Nam đã chấm xong phần thi trắc nghiệm. Ghi nhận nhiều hội đồng thi, năm nay, ít thí sinh đạt điểm cao. Một số hội đồng thi chưa xuất hiện bài có điểm 10.
2015 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức gộp 2 kỳ thi thành một, đề thi được cho rằng tương đối dễ, điểm của thí sinh khá cao, nhưng mức độ phân hóa không rõ. Vì thế, nhiều trường gặp khó khăn trong việc xét tuyển, phải dùng các tiêu chí phụ.
Năm nay, nhiều chuyên gia tuyển sinh của các trường đánh giá đề thi phân hóa khá tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét tuyển.
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Ngân hàng TP HCM cho rằng, nếu năm ngoái phổ điểm tập trung mức 6 – 7, năm 2016, điểm sẽ rải đều ở các mức khác nhau. Đề Toán được đánh giá khó hơn mọi năm, tuy nhiên tổ hợp điểm của từng khối thi khó có biến động mạnh.
Thí sinh háo hức khi hoàn thành môn thi Hóa Học tại TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng
Theo TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Sài Gòn, chấm thi theo cụm nên rất khó đoán mặt bằng chung điểm trúng tuyển của trường. Tuy nhiên, ông Sơn dự đoán, điểm chuẩn của ĐH Sài Gòn khó biến động lớn. Thí sinh cũng nên cân nhắc khi chọn các tổ hợp xét tuyển, ngành có nhân hệ số.
Nhiều trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực cũng có những dự đoán mức điểm chuẩn cho năm nay tùy vào đặc thù của từng trường. TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông Lâm TP HCM, dự đoán, điểm chuẩn của trường sẽ tăng so với năm ngoái.
Ông Lý cho biết, điểm chuẩn từng ngành có thể thay đổi do việc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, trường tăng chỉ tiêu các ngành khối công nghệ và giảm chỉ tiêu ngành sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, các ngành thuộc 2 phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận.
Đối với ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng, đề thi có sự phân hóa rõ như năm nay sẽ thuận lợi cho các trường tuyển sinh mà không cần dùng tiêu chí phụ. Tuy nhiên, điểm chuẩn rất khó dự đoán.
Cũng theo ông Dũng, đến nay, nhà trường cơ bản chấm xong các môn trắc nghiệm, không nhiều thí sinh đạt điểm cao.
TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng, việc đề phân hóa tốt hơn sẽ không tác động quá lớn đến điểm xét tuyển của các trường.
“Điểm chuẩn các trường chỉ bị tác động bởi phổ điểm cao hoặc thấp của thí sinh (trong trường hợp chỉ tiêu không đổi). Năm nay, yếu tố có thể tác động điểm trúng tuyển là ít thí sinh dự thi hơn năm ngoái, giảm tới gần 20%. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển không đổi, cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ cao hơn”, tiến sĩ Thông nói.
Cô Trịnh Minh Huyền, Phó chủ tịch Hội đồng thi ĐH Tôn Đức Thắng lại cho rằng, điểm chuẩn không thể hạ thấp được, mà phải phụ thuộc từng ngành nghề “hot”.
Video đang HOT
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, năm nay, tỷ lệ thí sinh đạt điểm cao khá thấp, phổ điểm được trải đều rất thuận lợi cho các trường xét tuyển. Ảnh: Thành Tùng
Tại ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, Phó hiệu trưởng Đồng Văn Hướng, thông tin, năm nay, trường xét 2.700 chỉ tiêu, bằng mức năm ngoái với tổ hợp xét tuyển không đổi. Vì vậy, khả năng điểm chuẩn các ngành khó tăng.
Năm 2015, một số ngành khối kinh tế có điểm trúng tuyển ở mức 19 – 20 (3 môn), trong khi ngành có điểm chuẩn thấp nhất thuộc khối kỹ thuật chỉ cao hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT.
Ông Hướng lưu ý, năm 2016, trường bỏ việc nhân hệ số môn chính khi xác định điểm chuẩn cho tất cả khối ngành. Dù không tác động đến sự thay đổi điểm chuẩn, thí sinh có điểm môn toán cao hơn sẽ ít lợi thế hơn so với cách tính có nhân hệ số.
Lãnh đạo của một trường ĐH khối Kinh tế tại TP HCM cũng nhận định, điểm thi môn Toán thấp hơn năm ngoái, tuy nhiên môn tiếng Anh khá dễ nên phổ điểm của tổ hợp khối A1 (Toán – Vật lý – Tiếng Anh) hay khối D (Toán – Ngữ văn – Tiếng Anh) cũng khó thay đổi.
Trao đổi với lãnh đạo nhiều trường đại học ở khu vực phía Nam, hầu hết các thầy đều đánh giá cao đề thi năm nay. Tuy nhiên, mỗi trường có một hình thức tuyển sinh, tổ hợp và phụ thuộc ngành nghề đang “hot”, thí sinh nên cân nhắc trước khi đăng ký xét tuyển.
Theo Zing
Ba cha con ở Sài Gòn cùng quyết tâm thi đại học
Sau nhiều ngày ôn luyện, ba cha con ông Văn Bá Thọ ở Hóc Môn, TP HCM dậy sớm, sửa soạn đồ đạc đến điểm thi THPT quốc gia 2016, bắt đầu hành trình vượt vũ môn kéo dài 4 ngày.
Ông Văn Bá Thọ (51 tuổi, quê Quảng Nam) và hai con trai là Văn Bá Chương, 22 tuổi (đã tốt nghiệp THPT), Văn Thiên Tường 19 tuổi, (học sinh Trung tâm GDTX huyện Hóc Môn, TP HCM) cùng đăng ký thi THPT quốc gia 2016. Ba cha con ở trong ngôi nhà vắng vẻ ở ấp 5, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP HCM.
Ông Thọ vừa là người cha vừa là thầy chỉ dạy cho 2 con trai. Ông nói, dù tuổi cao nhưng vẫn muốn thi để có được cái nghề ổn định, có được bằng cấp uy tín để hành nghề.
Trong những ngày chuẩn bị diễn ra kỳ thi, ông Thọ và các con không ngừng ôn luyện.
Ông cho biết, ông tự chấm mỗi môn mình được 7 - 8 điểm, cố gắng để thi lấy điểm 9 -10. Người cha già sẽ thi khối B vào ngành Y cổ truyền tại ĐH Y dược TP HCM.
Con trai lớn Văn Bá Chương (phải) thi để xét tuyển vào ngành công nghiệp thực phẩm mà năm ngoái em bị thiếu 0,75 điểm. Chương cho biết, do đợt thi năm 2015 xét tuyển hồ sơ, em phải chạy đôn đáo như chơi chứng khoán. "Vì thiếu kinh nghiệm nên em không cập nhật được trường vừa với điểm thi của mình dù điểm khá cao. Và Chương đã lỡ hẹn với giảng đường một năm. Văn Thiên Tường (trái) cũng dự định thi vào ngành Y như cha nhưng năm sau mới đăng ký xét tuyển đại học.
Trong lúc hai cậu con trai đi chơi cho thư giãn đầu óc, ông Văn Bá Thọ vẫn miệt mài ôn lại kiến thức cũ.
Ngôi nhà lụp xụp, thiếu ánh đèn là nơi nuôi dưỡng ước mơ của ba cha con người Quảng Nam. Tối 30/6, trước ngày thi Toán và Ngoại ngữ, tranh thủ trước khi đi ngủ, Chương và Tường cùng ôn lại bài.
Ông Thọ rất thích học trực tuyến. Nhờ đó, ông tiếp cận được nhiều cách giải hay, mới lạ và dễ hiểu. Ông chia sẻ, có một trang web học trực tuyến nói chỉ cần ông thi đậu, trung tâm sẵn sàng kêu gọi người giúp đỡ ông tiếp tục học.
5h sáng ngày 1/7, cha con chuẩn bị đồ đạc đến phòng thi.
Ông Thọ tỉ mỉ ủi áo để chuẩn bị cho kỳ thi ông chờ đợi rất lâu này.
Ông và các con thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị đi thi vì sợ kẹt xe, trễ giờ.
Hai cha con còn tranh luận một phép tính khi chuẩn bị ra khỏi nhà.
Ông Thọ cùng hai con lên đường chinh phục giảng đường đại học.
Sinh viên tình nguyện tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy thí sinh rất già.
Thí sinh đặc biệt trình bày với giám thị khi bước vào phòng thi trong sự ngạc nhiên của nhiều người.
Để đậu vào ĐH Y dược TP HCM, ông Thọ phải đạt mỗi môn ít nhất 8 điểm.
Ông ghi thông tin tại điểm thi trường THPT Hùng Vương, quận 5, TP HCM.
Ông chia sẻ, nhiều khi ước mơ của mình là vậy nhưng lỡ không như ý mọi người lại nghĩ ông háo danh. "Có khả năng và muốn thực hiện ước mơ mà ngày xưa không có dịp thực hiện. Gần một đời người, tôi mới có dịp ngồi nơi giảng đường đại học, rất vui mừng và hồi hộp", ông nói.
Theo Zing
ĐH Quốc gia Hà Nội công bố điểm chuẩn 2016 Ngày 30/6, các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội công bố điểm chuẩn hệ chính quy đợt 1 năm 2016. Trước đó, giữa tháng 5, thí sinh làm bài thi Đánh giá năng lực vào trường. Điểm đạt ngưỡng xét tuyển đầu vào (điểm chuẩn) các ngành đào tạo đại học chính quy ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia...