Cô hiệu trưởng tâm huyết với giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật
Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người là bấy nhiêu năm cô Bùi Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Châu I (Di Linh, Lâm Đồng), trăn trở tìm ra giải pháp để đẩy mạnh công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.
Với cô, mọi trẻ em dù khuyết tật nhưng vẫn có những năng lực nhất định. Đủ yêu thương, đủ kiên nhẫn sẽ tạo được “hạt giống” tốt.
Cô Bùi Thị Nguyệt (bìa trái), Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Châu I, tâm huyết với công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.
Hiểu được những khó khăn trong công tác giáo dục hòa nhập, cô Nguyệt đã nghiên cứu “Một số giải pháp giúp giáo viên chủ nhiệm làm tốt công tác giáo dục trẻ khuyết tật học hoa nhập”. Đề tài nghiên cứu này của cô đã được áp dụng vào thực tiễn từ 2 năm nay và đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Năm 2020, đề tài được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là Sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp tỉnh.
Tại sao cần cho trẻ khuyết tật hòa nhập?
Theo cô Nguyệt, giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chung trẻ em khuyết tật với trẻ em bình thường trong cơ sở giáo dục tại nơi trẻ sinh sống . Giáo dục hòa nhập cần dựa trên quan điểm tích cực. Mọi trẻ em dù khuyết tật nhưng vẫn có những năng lực nhất định. Cộng đồng xã hội cần tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động và hòa nhập xã hội, tạo ý chí vươn lên trong khả năng của mỗi em.
Công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Giáo viên chủ nhiệm áp lực nhiều về công việc nên sự quan tâm sâu sát chưa nhiều. Một số nơi cơ sở vật chất phục vụ cho việc giáo dục trẻ hòa nhập còn nhiều thiếu thốn.
Gia đình học sinh thường mặc cảm không muốn cho trẻ đến trường hoặc tiếp xúc với người ngoài… Vì vậy, số lượng trẻ em khuyết tật không được ra lớp hoặc chỉ đến lớp một thời gian ngắn sau đó bỏ giữa chừng còn rất nhiều, nhất là trẻ khuyết tật ở nông thôn.
Cô Nguyệt chỉ ra rằng: “Việc huy động trẻ khuyết tật ra lớp học hòa nhập luôn được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm nhưng hiệu quả đem lại chưa như mong đợi. Đội ngũ giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Năng lực của môt sô cán bộ quản lý còn hạn chế trong các khâu điều hành. Gia đình học sinh chưa phối hợp tốt. Vậy nên, tôi quyết tâm đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật ngay tại trường của mình”.
Video đang HOT
Từ tháng 10/2018, khi về làm Hiệu trưởng Trường TH Tân Châu I, cô Nguyệt có nhiều thuận lợi hơn để giúp trẻ khuyết tật hòa nhập. Các giải pháp của cô đã bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, năm học 2018 – 2019, trường có 8/570 học sinh khuyết tật học hòa nhập, chiếm tỷ lệ 1,4% (cuối năm có 2 em hoàn thành chương trình bậc Tiểu học). Năm học 2019 – 2020 có 6/553 học sinh khuyết tật học hòa nhập, chiếm tỷ lệ 1,1%, gồm nhiều dạng khuyết tật như câm điếc, trí tuệ chậm phát triển, khuyết tật về ngôn ngữ…
Cô Bùi Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Châu I, tâm huyết với công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.
Nỗ lực “gieo mầm trên đất khó”
Để có được những phương pháp giảng dạy hiệu quả và tìm kiếm giải pháp cho công tác giáo dục hòa nhập, cô Nguyệt đã không ngừng học hỏi khắp nơi. Cô tham gia nhiều lớp tập huấn trong và ngoài tỉnh về trẻ khuyết tật, kể cả các chương trình tập huấn của chuyên gia nước ngoài về công tác giáo dục hòa nhập. Càng đi nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh thiệt thòi thì cô lại quyết tâm giúp đỡ các em khuyết tật như người nông dân “gieo mầm” trên đất khó.
Trong quá trình nghiên cứu của mình, cô Bùi Thị Nguyệt đã đề ra 5 nhóm giải pháp để thực hiện gồm: công tác quản lý của Hiệu trưởng; Tổ khối chuyên môn; giáo viên chủ nhiệm; Công tác phối hợp với các đoàn thể trong nhà trường; Sự phối hợp giữa nhà trường – gia đình và cộng đồng.
Trong đó, giáo viên chủ nhiệm được xác định là nhân tố đóng vai trò quyết định. Vì vậy cô đã cho ứng dụng “Một số giải pháp giúp giáo viên chủ nhiệm làm tốt công tác giáo dục trẻ khuyết tật học hoa nhập” ra ngoài thực tế. Theo đó, mỗi lớp được phân bố không quá 2 học sinh khuyết tật, và chọn giáo viên có kinh nghiệm để dạy các lớp này.
Cô Nguyệt cho biết: “Giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi với các em vì vậy họ phải là người hiểu rõ nhu cầu và năng lực của từng trẻ khuyết tật để xây dựng mục tiêu giáo dục phù hợp, tổ chức các mối quan hệ giữa học sinh bình thường với học sinh khuyết tật. Từ đó xây dựng chương trình học phù hợp cho từng em”
Cô Phan Thị Thắm, giáo viên chủ nhiệm của lớp 4A3,Trường TH Tân Châu I chia sẻ: “Tôi đã áp dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy từ cô hiệu trưởng hướng dẫn. Ví dụ như giáo viên phải đặt câu hỏi dễ để khuyến khích em trả lời. Qua mỗi lần trả lời sẽ giúp các em mạnh dạn hơn. Đặc biệt là phải hiểu cảm xúc của từng em. Nhờ vậy mà thời gian qua, nhiều em đã có những chuyển biến rõ rệt và tiến bộ nhiều về mọi mặt, đặc biệt là những kỹ năng hòa nhập cộng đồng”.
Bằng trái tim yêu thương của người mẹ và kiên nhẫn của người cô giáo, công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật ở địa phương của cô Nguyệt đang từng ngày được quan tâm. Phụ huynh cũng đã bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của giáo dục hòa nhập. Quan trọng hơn, nhiều trẻ em khuyết tật đã vượt qua mặc cảm và khó khăn của tật nguyền mà mạnh mẽ vươn lên với ý thức “tàn nhưng không phế”.
Cô hiệu trưởng tâm huyết với giáo dục chuyên biệt
Cô Đỗ Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường GD chuyên biệt Tương Lai (Quận 1 - TPHCM) luôn không ngừng học hỏi và dành nhiều tâm huyết, sáng kiến, giải pháp để giáo dục trẻ khuyết tật phát triển, hòa nhập cộng đồng.
Cô Đỗ Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai - Quận 1, TPHCM. Ảnh: NVCC
Tâm huyết với nghề
Giáo dục chuyên biệt không phải là ngành chính mà cô Đỗ Thị Hiền chọn khi mới ra trường. Trước đây, cô Hiền từng công tác hơn 22 năm ở khối mầm non, trong đó 19 năm trực tiếp đứng lớp, 3 năm làm quản lý. Đến tháng 9/2009, được điều động luân chuyển giữ chức Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai, cô Hiền mới bắt đầu làm quen với giáo dục trẻ khuyết tật.
Dù đã có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm nhưng những ngày đầu qua môi trường mới làm quản lí, cô Hiền không khỏi lo lắng. HS trường khuyết tật khó khăn khi hòa nhập, quá khác so với nơi trước đó cô công tác. Nhiều em không biết đi vệ sinh hay có những biểu hiện khác với trẻ bình thường. Có em lớn hơn tuổi đi học rất nhiều mới được vào trường. Riêng việc dạy cho các em biết đi vệ sinh cũng là cả một quá trình. Tận mắt chứng kiến hoàn cảnh của trẻ, không ít lần cô Hiền rơi nước mắt vì thương cảm.
Có một kỷ niệm lúc mới về trường cô vẫn không quên. Ấy là khi cô bị một HS đang bộc phát bệnh cắn chảy máu, đến bây giờ ở tay vẫn còn vết sẹo. "Thời gian đầu vì không có kiến thức, không có chuyên môn về giáo dục đặc biệt nên tôi khá lúng túng khi các em lên cơn động kinh, co giật, la hét, sùi bọt mép... Để hiểu và giáo dục các em tôi phải tự tìm tài liệu nghiên cứu tìm cách xử lý. Lúc đó cũng chưa có nhiều chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho GV, tôi phải đi học hỏi kinh nghiệm từ các thầy cô trường chuyên biệt khác", cô Hiền cho biết.
Cô Đỗ Thị Hiền (thứ 2 bên trái) cùng giáo viên trong trường.- Ảnh: NVCC
Không chỉ vất vả trong dạy học và quản lý đối tượng học trò đặc biệt, cô Hiền còn phải đối mặt với những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất. Ngày cô mới nhận công tác, Trường chuyên biệt Tương Lai khá xập xệ, trang thiết bị thiếu thốn. Khó khăn chồng chất, nên gia đình cũng ái ngại thay, khuyên cô nên chuyển sang trường khác. Nhưng tình thương với những đứa trẻ kém may mắn đã níu giữ cô ở lại.
Đau đáu với tâm nguyện làm thế nào để xây dựng lại ngôi trường mới được khang trang hơn, các em được chăm sóc tốt hơn, năm 2009 cô mạnh dạn đề xuất xây trường mới lên UBND Quận 1. Thời điểm đó, có nhiều ý kiến trái chiều: "Trường chỉ vài chục em học sinh làm gì phải xây dựng mới với hàng tỷ đồng...".
Nhưng nhờ kiên trì thuyết phục và tầm nhìn xa cùng tình yêu thương, tâm huyết của cô với trẻ khuyết tật, đề xuất trên đã nhận được sự ủng hộ cao của các cấp lãnh đạo. Cuối năm 2009 UBND Quận 1 đã cử cán bộ xuống khảo sát và đến tháng 7/2011 trường chính thức được xây mới với kiến trúc hiện đại và khang trang.
Nhiều sáng kiến đổi mới
Cô Hiền cùng các đồng nghiệp hướng dẫn HS tham gia thi vẽ tranh tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19.-Ảnh: NVCC
Cho đến nay, ở Trường chuyên biệt Tương Lai, mọi thứ đã đi vào nề nếp. Gắn bó bao năm với HS, biết được hoàn cảnh gia đình của từng em, cô Hiền càng thấy mình phải san sẻ, yêu thương các em nhiều hơn. "Các em rất vô tư, cho dù là khuyết tật trí tuệ nhưng HS rất giàu tình cảm, ngộ nghĩnh và đáng yêu. Có em để dành từng viên kẹo từ mấy ngày trước chỉ để tặng cho cô, bắt cô ăn cho bằng được. Nhiều em ngồi chờ chỉ để gặp và chào cô rồi về, kể cả những hôm cô đi họp chiều về muộn", cô Hiền chia sẻ.
Chính bởi tình thương và tâm nguyện nâng cao chất lượng chăm dạy đối với trẻ khuyết tật mà những năm qua, cô Đỗ Thị Hiền không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo tìm ra các giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lí. Để GV trường có điều kiện giao lưu học hỏi với các đồng nghiệp, cô đã hỗ trợ tổ chức nhiều hoạt động như Hội thi GV dạy giỏi HS khuyết tật trí tuệ, Hội thi đồ dùng dạy học - đồ chơi HS khuyết tật, Hội thao HS khuyết tật cấp thành phố...
Một số sáng kiến, chuyên đề cấp quận của cô cũng đã được các ban ngành, trường học quan tâm chia sẻ, ứng dụng như: "Một số giải pháp chỉ đạo thực hiện công tác tư vấn, tuyên truyền can thiệp sớm trong trường chuyên biệt"; "Một số biện pháp rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật trí tuệ ở lớp can thiệp sớm", "Một số phương pháp hướng dẫn trẻ tự kỷ tập trung chú ý, giao tiếp bằng mắt"...
Để trò hòa nhập tốt hơn, cô Hiền còn tích cực tổ chức các hoạt động lễ hội, kỉ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam và Ngày Người khuyết tật Thế giới, ngày hội trẻ Tự kỉ, ngày hội chứng Down... Gần đây nhất, Hội thi vẽ tranh tuyên truyền phòng chống Covid-19 do cô khởi xướng đã tạo ra sân chơi lành mạnh bổ ích cho HS, giúp các em hoà nhập tốt với bạn bè, với cuộc sống...
Nỗ lực đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục chuyên biệt trong 13 năm qua, cô Đỗ Thị Hiền đã vinh dự nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp thành phố, nhận Bằng khen của UBND TPHCM, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhận giải thưởng Võ Trường Toản, cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.
Sử dụng sách giáo khoa lớp 1 tại "ngôi trường đặc biệt" Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh (Trung tâm), sách giáo khoa (SGK) lớp 1 đã được sử dụng theo cách riêng để giảng dạy cho các em. Xây dựng chương trình riêng Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh là cơ sở giáo dục duy nhất trên địa bàn tỉnh sử dụng SGK...