Cô giáo vùng cao với mô hình “Đôi bạn cùng tiến”
Dạy học cho học sinh vùng dân tộc đã khó, nhưng để dạy được tiếng Anh còn khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, cô giáo Trần Thị Thanh Thùy, Trường PTDTNT THCS Văn Chấn, huyện Văn Chấn ( Yên Bái) đã có phương pháp dạy học riêng, giúp các tiết học Tiếng Anh trở nên sinh động, hấp dẫn và hiệu quả đối với học sinh.
Cô giáo Trần Thị Thanh Thùy cùng HS trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: NVCC
Bỡ ngỡ và lúng túng lúc ban đầu
Năm 2012, cô giáo Trần Thị Thanh Thùy trúng tuyển kỳ thi tuyển viên chức và được phân công về làm giáo viên dạy tiếng Anh tại Trường PTDTNT THCS Văn Chấn. Với đặc thù 95% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số chưa từng học tiếng Anh, vì thế việc dạy và học của các em còn nhiều khó khăn.
Trong khi đó, việc sử dụng tiếng Việt của các em còn nhiều hạn chế, khả năng nhận thức cũng chậm hơn đa số học sinh khác. Việc tiếp cận thêm một ngôn ngữ mới là vô cùng khó khăn và nhiều trở ngại, đặc biệt trong việc phát âm cho chuẩn, việc diễn đạt cũng không dễ dàng. Học sinh cũng không có điều kiện để tiếp cận các phương pháp học hiện đại, không có môi trường giao tiếp chuẩn, ngoại trừ giáo viên bộ môn. Cả giáo viên và học sinh đều có bỡ ngỡ và lúng túng trong việc dạy và học.
Suy nghĩ làm sao để nâng cao kiến thức ngoại ngữ cho HS dân tộc luôn thường trực trong cô Thùy. HS trường dân tộc nội trú học tập và ăn ở tại trường. Các em lại học 2 buổi/ngày. Buổi tối học sinh tự học trên lớp nên thời gian các em học tập và sinh hoạt cùng nhau là phần lớn. Do đó, các em có nhiều thời gian để học hỏi và trao đổi lẫn nhau.
Từ những suy nghĩ đó, cô Thùy bắt tay vào tìm hiểu tài liệu và tham khảo các cách thức của đồng nghiệp, cố gắng cho học sinh có nhiều nguồn kiến thức tin cậy nhất. Câu hỏi lớn nhất đặt ra lúc này là: Với thời gian học sinh học tập trên lớp có giáo viên trực tiếp hướng dẫn và định hướng cho học sinh, còn ngoài thời gian đó, những học sinh yếu, kém sẽ tìm sự giúp đỡ ở đâu?
Xây dựng những “đôi bạn cùng tiến”
Sau những tìm tòi, nghiên cứu, cô đưa ý tưởng xây dựng những “đôi bạn cùng tiến”. Với mô hình này, những học sinh có lực học khá, giỏi môn Tiếng Anh sẽ giúp đỡ, kèm những học sinh yếu kém trong cùng một lớp. Để những “đôi bạn cùng tiến” này hoạt động hiệu quả, cô Thùy phải định hướng cho học sinh nắm được những nội dung trọng tâm, những kiến thức cần đạt được sau mỗi bài. Sau mỗi giờ học, học sinh cần ôn tập lại những nội dung nào, cô giao bài tập cụ thể. Từ đó những học sinh khá giỏi sẽ biết cần phải giúp đỡ các bạn yếu hơn.
Với những bạn khá giỏi trong lớp gặp khó khăn hoặc chưa nắm chắc bài, cô Thùy kết hợp với mô hình “nhóm chuyên gia”. Không chỉ tận dụng những học sinh khá giỏi trong lớp mà có sự kết hợp với các học sinh khá giỏi ở các lớp khác. Nhóm những học sinh giỏi này gọi là “nhóm chuyên gia”; các em ở các lớp trên sẽ hướng dẫn bài cho các em lớp dưới.
Cô thường động viên các em: “Mỗi lần các em hướng dẫn bài cho người khác, là mỗi lần các em được ôn lại bài, được tái hiện kiến thức. Bởi vậy, việc này có lợi cho cả hai”. Phong trào này đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho các bạn học sinh dân tộc nội trú giúp đỡ nhau cùng học tập tiến bộ.
5 năm qua, mô hình “Đôi bạn cùng tiến” trở thành phong trào được phổ biến rộng trong trường học. Phong trào này đã giúp cho các em học sinh vươn lên đạt thành tích cao và đem lại hiệu quả thiết thực. Hiệu quả của phương pháp dạy học theo mô hình khá tích cực. Học sinh không còn sợ học Tiếng Anh như trước nữa, chủ động hơn về kiến thức.
Hơn nữa, chất lượng bộ môn được nâng lên khá đáng kể so với trước. Có những thời điểm tỉ lệ yếu kém là gần 30%; đến nay hầu như không còn hoặc chỉ còn dưới 5%.
Video đang HOT
Hàng năm, cô Thùy đều có học sinh tham gia các cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh của huyện, của tỉnh. Thành tích của đội tuyển trong các năm vừa qua gồm: 1 giải Khuyến khích cấp quốc gia; 1 giải Nhất tỉnh; 2 giải Ba cấp tỉnh; 5 giải Khuyến khích cấp tỉnh, và rất nhiều giải cấp huyện hàng năm trong các cuộc thi tiếng Anh trên mạng và thi viết.
Tạo cho học trò một sự hứng khởi
Theo cô Thùy, để có một tiết học Tiếng Anh có chất lượng tốt, tạo cho học trò một sự hứng khởi khi tiếp thu bài học thì người giáo viên phải thực sự có những phương pháp độc đáo, hấp dẫn (đặc biệt đối vớihọc sinh vùng cao). Giờ học sẽ trở nên nhàm chán và kém hiệu quả nếu như phương pháp dạy của thầy không tác động tích cực đến phương pháp học của trò. Nếu như vốn từ vựng của các em hạn chế, giáo viên cũng gặp những khó khăn về truyền tải kiến thức cũng như hiểu biết xã hội.
“Ngoài ra, để các tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn, tôi thường tổ chức các trò chơi đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với mỗi bài học, đáp ứng yêu cầu học mà chơi – chơi mà học của học sinh” – cô Thùy trao đổi.
Mô hình “Đôi bạn cùng tiến” ở Trường PTDTNT THCS Văn Chấn đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho các bạn học sinh dân tộc nội trú giúp đỡ nhau cùng học tập tiến bộ. Không chỉ HS nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn xây dựng tình thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong môi trường nội trú.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Tan giấc mộng đổi đời và những chuyện đau lòng ở vùng quê nghèo
Rời căn nhà của chị Bàn Thị Khé, bước chân của Thượng tá Nguyễn Thị Kim Ngân và các trinh sát Phòng An ninh Đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái, càng thêm trĩu nặng.
Gương mặt khắc khổ của người phụ nữ Dao, với giọng nói mếu máo bằng tiếng mẹ đẻ, mỗi khi nhắc đến cậu con trai mất tích cứ ám ảnh trong tâm trí của chị và đồng đội.
Những chuyến đi không hẹn ngày về
"Cháu theo mấy người cùng xã, bảo sang Trung Quốc làm thuê để kiếm tiền giúp bố mẹ. Mấy tháng đầu mới sang cũng thấy gửi tiền về nhưng sau đó vợ chồng tôi không còn nhận được tin tức gì của con nữa. Tôi có nghe những người bên đó về nói lại là cháu đã bị Công an Trung Quốc bắt giam rồi. Bây giờ chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng tìm giúp đưa được cháu về nhà thôi", người cán bộ xã thuật lại.
Gia đình chị Bàn Thị Khé với nỗi lo không có tin tức về con.
Hơn 2 năm kể từ khi cậu con trai là cháu Triệu Quý Vìn theo một số người ở địa phương xuất cảnh trái phép đi làm thuê ở một xưởng sản xuất thuốc lá tại Trung Quốc và mất tích, chưa bao giờ chị Bàn Thị Khé nguôi ngoai nỗi thương nhớ con. Cứ bưng bát cơm lên là chị lại khóc... Nửa đêm, một tiếng động mạnh cũng khiến người mẹ ấy ngỡ con trai trở về. Có đêm đang ngủ, chị bất ngờ ngồi dậy, thẫn thờ ôm những thứ đồ dùng của cậu con trai rồi khóc nức nở.
Qua những người từng sang Trung Quốc làm thuê, chị Khé dò hỏi thông tin về con trai nhưng tất cả đều chỉ là con số không tròn trĩnh. Chị cho biết: Bao đời nay, nhiều thế hệ trong gia đình chị kiếm sống bằng mấy sào ruộng và việc trồng rừng... thiếu ăn vào những ngày giáp hạt cũng là bình thường thôi. Dạo đó, người dân trong xã lũ lượt bỏ sang Trung Quốc làm ăn.
Một số trở về đã có "bát ăn bát để" nên người này rỉ tai người kia, nhiều người đang trong độ tuổi lao động bỏ đi làm ăn xa, để lại những căn nhà trống huơ trống hoác... Cũng như bao người khác, con trai chị Khé đang ở cái tuổi khỏe mạnh, trai tráng nhất cũng xin đi làm ăn xa nhưng sau đó thì bặt vô âm tín. Cái khổ nhất của chị là không biết con trai giờ đang ở đâu, cuộc sống thế nào.
Rời căn nhà của chị Bàn Thị Khé, các cán bộ Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái tìm đến nhà của anh Đàm Văn Hậu (trú tại xã Phù Nham, huyện Văn Chấn), một người trước đây đã từng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Nhắc lại câu chuyện cũ, nỗi lo sợ vẫn còn hiện hữu trên gương mặt của người đàn ông.
Theo lời kể của anh Hậu thì khi đặt chân lên đất Trung Quốc làm thuê chẳng được bao lâu, anh bị bắt về hành vi nhập cảnh trái phép. Khi đi thì trốn chui lủi, còn trở về được đưa theo con đường chính ngạch... Sau khi trở về nước, anh cùng vợ con kiếm sống bằng việc lao động trên quê hương, cuộc sống tuy còn muôn vàn vất vả nhưng cảm thấy yên bình.
Các cán bộ Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái đã không quản vất vả, lặn lội tìm đến cả gia đình những người không may có con cái phải bỏ mạng ở nơi đất khách quê người. Hoàn cảnh thương tâm của họ đã khiến người nữ trưởng phòng và các trinh sát cùng đi khảo sát thực tế không khỏi ngậm ngùi.
Một trong số đó là trường hợp của chị Đặng Thị Chung (trú tại xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, Yên Bái). Chưa bao giờ tình cảnh của chị Chung trở nên khốn đốn như bây giờ. Cùng lúc, chị vừa phải oằn lưng trả khoản vay khoảng 200 triệu đồng, lại phải gồng gánh nuôi dạy hai con nên người.
Giống như các trường hợp khác, thấy người dân trong xã phất lên một cách nhanh chóng, vợ chồng chị cũng bàn nhau sang nước ngoài làm một chuyến để đổi đời... Bàn đi tính lại, họ dứt ruột để những đứa con thơ cho ông bà nuôi dưỡng rồi vượt biên trái phép sang nước ngoài. Nhưng ở đời đúng là chẳng ai học được chữ ngờ! Khi vợ chồng chị vừa đặt chân đến nơi đất khách quê người chưa được bao lâu thì anh bất ngờ mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời.
Các cán bộ Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái thăm hỏi gia đình có người xuất cảnh trái phép bị tử nạn.
Ở nơi đất khách quê người, tiền không có, lại bất đồng về ngôn ngữ, chị chẳng biết xoay xở ra sao. Trong khi đó, vợ chồng chị xuất cảnh lao động trái phép nên việc đưa thi hài chồng về Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn... Để có thể đưa thi thể người chồng xấu số về nước, chị đã phải vay mượn số tiền gần 200 triệu đồng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý và chi phí cho các dịch vụ đi lại. Cuộc sống của gia đình vốn đã khó khăn lại càng vất vả hơn gấp bội phần.
Gia cảnh anh Đinh Văn Long cùng ở thôn Năm Hăn, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cũng thương tâm không kém. 3 năm trước, họ đã bán đi đàn lợn nái của gia đình để lấy tiền làm lộ phí sang Trung Quốc làm thuê. Trong những ngày sống chui sống lủi ở xứ người, họ đã phải chịu bao khổ cực...
Nhưng "họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai", sau khoảng 3 tháng lao động quần quật, nơi vợ chồng chị làm việc đã bất ngờ bị cơ quan chức năng của Trung Quốc kiểm tra. Chị bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ, còn anh thì bị chủ quỵt tiền không trả. Không còn cách nào khác, vợ chồng anh buộc phải trở về địa phương với hai bàn tay trắng.
"Sang bên đó khổ lắm, tôi thường xuyên bị chủ bỏ đói, ăn cũng không được no, lại phải làm việc quần quật 14 tiếng một ngày, Thứ bảy, Chủ nhật cũng không được nghỉ...", anh Đinh Văn Long kể lại sự việc với các cán bộ công an.
Trăn trở của người làm án
Trở về đơn vị hôm đó, hình ảnh những căn nhà xơ xác, những đứa trẻ gầy guộc, thiếu vắng bàn tay của cha hoặc mẹ, rồi gương mặt thẫn thờ của người đàn bà mất con sau chuyến đi tìm cơ hội đổi đời... khiến Thượng tá Nguyễn Thị Kim Ngân và đồng đội không khỏi day dứt, với câu hỏi phải làm gì để ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép ra nước ngoài trên địa bàn tỉnh Yên Bái?
Trong năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái, trong đó chủ công là lực lượng công an đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức nhằm cảnh báo về những rủi ro, nguy hiểm khi đi lao động trái phép ở nước ngoài; đồng thời điều tra, làm rõ nhiều đường dây tổ chức người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động nhưng không ít người dân vẫn nhẹ dạ tin theo những lời hứa đường mật trốn sang Trung Quốc làm thuê. Rất nhiều người trong số đó đã phải trả giá đắt về hành vi phạm tội đã gây ra do không có bất kỳ sự bảo hộ nào từ nước sở tại...
Không dừng lại ở đó, việc xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc còn để lại những hệ lụy khôn lường về mặt xã hội. Đó là những đứa trẻ thiếu thốn vòng tay chăm sóc của gia đình trở lên hư hỏng, lao vào các tệ nạn xã hội; nhiều gia đình tan vỡ; một số thanh niên sau khi trở về địa phương đã mang theo các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc...
Gia đình chị Bàn Thị Khé trình bày sự việc với cơ quan chức năng.
Những cuộc họp được Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái triển khai. Thượng tá Ngân và đồng đội đã đến từng địa bàn gặp gỡ, thu thập các số liệu. Từ đó, họ bước đầu hình dung được "bức tranh toàn cảnh" về tình trạng xuất cảnh lao động trái phép, một thực tế đã và đang diễn ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng. Từ đó, tìm được nguyên nhân của sự việc trên, đây là chìa khóa để xây dựng các văn bản tham mưu cho ban giám đốc, trình lãnh đạo UBND tỉnh các giải pháp.
Hầu hết những người này đều còn hạn chế nhận thức nên không những vi phạm quy định pháp luật về xuất nhập cảnh mà nhiều người còn phải gánh chịu những hậu quả, hệ lụy về kinh tế, thậm chí cả sức khỏe và tính mạng của mình. Một số do mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin nên thường tự đi khỏi địa phương hoặc bị các đối tượng môi giới, rủ rê đưa sang nước khác làm thuê trái phép...
Phòng An ninh đối ngoại đã báo cáo với Ban giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp căn cơ để làm giảm tình trạng này. Lãnh đạo Công an tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chủ động nắm bắt tình hình, quản lý chặt chẽ những đối tượng có dấu hiệu tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, trong đó tập trung vào các trường hợp không có việc làm ổn định, dễ bị các đối tượng cò mồi rủ rê, lôi kéo, hứa hẹn về một mức thu nhập cao khi xuất cảnh trái phép đi làm thuê.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh Yên Bái đã phát hiện 121 vụ, 156 trường hợp, so với cùng kỳ năm 2018 đã giảm 17,4%. Tình trạng xuất cảnh trái phép trên địa bàn đã giảm 10%. Đây là những con số ấn tượng, ghi nhận sự nỗ lực của Công an tỉnh Yên Bái nói chung, Phòng An ninh đối ngoại nói riêng.
Con số đó bước đầu cho thấy các giải pháp của UBND tỉnh, của Công an tỉnh Yên Bái và Phòng An ninh đối ngoại đã phát huy được hiệu quả. Đối với những trường hợp xuất cảnh trái phép bị nạn, cán bộ của đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh và phía nước bạn, hướng dẫn, hỗ trợ gia đình người bị hại tiến hành làm các thủ tục cần thiết đưa về gia đình.
Tháng 9-2018, 3 trường hợp là Mai Văn Tới (SN 1997), Lò Văn Niên (SN 1988) và Lò Văn Chiến (SN 1997, cùng trú tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê. Vào khoảng 22h ngày 25-7, 3 người này đi xe máy điện đâm vào đuôi xe container đi cùng chiều, làm cả 3 ngã bất tỉnh. Sau khi đưa vào bệnh viện cấp cứu, Lò Văn Chiến đã bị tử vong. Ngày 17-8, gia đình đã đưa tro cốt của Chiến về mai táng theo phong tục của người địa phương...
Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp với Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái điều tra, làm rõ đường dây tổ chức cho người khác trốn đi hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Một trong số đó là đường dây do Hoàng Văn Thiên (SN 1988) và Hoàng Văn Hồng (SN 1983, ở xã Phù Nham, huyện Văn Chấn) điều hành. Căn cứ vào kết quả đấu tranh, đến nay Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối tượng về hành vi phạm tội.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất, góp phần vào thành công của Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái đó là đặt mình vào vị trí của người lao động, hiểu rằng kiếm tiền là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân, nhất là ở vùng cao, nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn... song phải hướng dẫn người dân làm theo các quy định của pháp luật.
Thông qua các buổi họp dân phố cùng các cán bộ công an cắm bản, họ đã tuyên truyền và hướng dẫn người dân làm đầy đủ các thủ tục xuất cảnh theo quy định của pháp luật. Phòng cũng báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh tham mưu với UBND tỉnh triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ dạy nghề, việc làm, phát triển sản xuất cho vùng nông thôn, đặc biệt đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số...
Từ những việc làm và những giải pháp trên, hiệu quả đạt được thấy rõ rệt. Tỷ lệ người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê trái phép trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong năm 2019 đã giảm hơn 10%; nhận thức của người dân về những hệ lụy xuất cảnh trái phép cũng được nâng cao.
Theo Xuân Mai (Báo Công an nhân dân/ANTG)
Cảm phục người thầy hơn 20 năm gieo chữ nơi rẻo cao Suốt hơn 20 năm gieo chữ ở xã Nậm Tha - một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, thầy giáo Trần Đình Phúc cùng các giáo viên nơi đây đã kiên trì bám bản, bám lớp, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người ở nơi rẻo cao. Thầy Trần Đình Phúc...