Có giáo viên Sinh dạy Lý, Hóa, học sinh giải bài cách khác là thầy cô bó tay
Đổi mới phải đi đôi với công tác đào tạo, dùng người cũ làm việc mới thì lấy đâu ra chất lượng? Cuối cùng, chỉ khổ cho học sinh, thầy dạy thế nào vẫn phải chịu.
Năm học 2021 – 2022, lớp 6 bậc trung học cơ sở đã chính thức triển khai 2 môn học mới được gọi là môn tích hợp ( Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý) lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy trong ngành giáo dục ở nước ta.
Chương trình năm 2018 có thêm một số môn học mới (Ảnh minh họa: VTV.vn)
Môn Khoa học tự nhiên, được thiết kế thành 3 mạch chủ đề Vật lý, Hóa học, Sinh học; Hai môn học độc lập Lịch sử, Địa lý trước đây sẽ được gộp thành môn Lịch sử và Địa lý. Nội dung của mỗi mạch chủ đề, phân môn, vừa có tính độc lập vừa liên kết và hỗ trợ cho nhau.
Điều đáng lo lắng nhất hiện nay chính là đội ngũ giáo viên dạy tích hợp bậc trung học
Về điều này, cựu Bộ trưởng Bộ Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận, tích hợp không chỉ phương pháp mà còn cần kiến thức. “Các thầy cô dạy các môn tích hợp phải được bồi dưỡng nhịp nhàng, không phải chỉ cơ học về mặt phương pháp. Bộ sẽ có hướng dẫn chi tiết”.
Đồng quan điểm với Bộ, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cũng cho rằng, muốn dạy học được tích hợp, không phải chỉ nói đến phương pháp mà chương trình bồi dưỡng giáo viên phải chú trọng phần kiến thức của họ.
“Chúng ta dạy tích hợp nhưng đội ngũ giáo viên hiện có thì vốn được đào tạo theo từng môn. Do đó khi bồi dưỡng giáo viên, nếu chỉ đặt vấn đề về phương pháp là chưa chuẩn, bởi cái gốc của phương pháp vẫn là kiến thức.
Do đó, chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp cần chú trọng việc trang bị cho giáo viên một lượng kiến thức nhất định, khi giáo viên có những kiến thức cơ bản thì mới nhìn thấu được chương trình”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên kiến nghị.
Tiếng nói từ thực tế
Hiện năm học mới đã gần kết thúc học kỳ 1, nhìn lại thời gian giảng dạy 2 môn tích hợp vừa qua ở bậc trung học cơ sở, người viết bài được khá nhiều đồng nghiệp của mình chia sẻ. Có giáo viên cười cho biết, nếu là trả lời phỏng vấn công khai danh tính và nơi công tác thì sẽ phải trả lời khác.
Sau khi đồng ý sẽ không nêu tên và trường học trong bài viết, chúng tôi mới được nghe những tiếng nói chân thật từ đáy lòng.
Thật buồn khi nghe một số đồng nghiệp khẳng định chắc chắn một điều, để dạy môn tích hợp được thì dễ nhưng dạy hiệu quả thì không nhiều giáo viên làm được điều này dù có được tập huấn nhiều lần.
Cũng cần nói thêm rằng, những giáo viên chúng tôi trò chuyện là giáo viên cốt cán của tỉnh, là tổ trưởng chuyên môn, là giáo viên dạy giỏi bộ môn Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý (của chương trình cũ, trước khi trở thành phân môn trong môn tích hợp mới).
Cô giáo H. nói rằng: “Tôi là giáo viên dạy Sinh gần 20 năm, giờ phải dạy Lý, Hoá sẽ vô cùng khó khăn”. Nói rồi cô khẳng định như đinh đóng cột: “Có tập huấn bao nhiêu đi nữa cũng khó dạy tốt”.
Thầy giáo M. dạy Địa nói nếu phải dạy Sử thì nhìn giáo án cũng dạy được. Nhưng dạy hay, dạy tốt đúng yêu cầu thì vô cùng khó”.
Cô giáo L. dạy Lý nói tập huấn chỉ học thêm về phương pháp, nhưng để dạy Hóa, dạy Sinh giáo viên phải cần kiến thức. Nhưng học sư phạm thì học đơn môn, bao năm đi dạy cũng chỉ dạy đơn môn, nay bảo dạy thêm Hóa, Sinh làm sao có thể dạy được?
Nói rồi, cô dạy Lý kể rằng có một vài lần mình bận việc nên nhờ giáo viên dạy môn Sinh dạy hộ sau khi đã đưa giáo án có kèm những bài giải chi tiết một số bài tập trong sách giáo khoa. Vậy mà, cô dạy Lý liên tục nhận được điện thoại “giải cứu” của cô giáo dạy Sinh.
Hóa ra, học sinh lớp ấy không giải bài tập bằng cái cách mà cô dạy Lý ghi trong giáo án, em học sinh có cách giải hoàn toàn khác. Cô giáo dạy Sinh chẳng biết có đúng không nên gọi cô dạy Lý xác nhận trước khi công bố với học trò.
Cũng đã có giáo viên dạy Lý khi dạy giúp môn Hóa không đồng ý với cách giải khác của trò và tranh cãi lại nổ ra cho đến khi giáo viên dạy môn ấy “phân xử”.
Cái khó nằm ở kiến thức
Video đang HOT
Cái mà những giáo viên này thiếu, là yếu về kiến thức chứ không phải yếu kĩ năng.
Trong giáo dục, giáo viên yếu kĩ năng sẽ được bù đắp bằng việc tập huấn, việc học hỏi đồng nghiệp, nhưng đã yếu về kiến thức “xem như bó tay”.
Lứa thầy cô giáo trước đây, vào sư phạm có được mấy ai thật sự giỏi và đam mê nghề giáo? Nếu hầu hết đều là người giỏi và tâm huyết, có lẽ đã không có câu cửa miệng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
Nhiều thầy cô vào trường sư phạm nhưng không được học môn sở trường, môn mình yêu thích mà bị nhà trường ép buộc vào khoa còn thiếu chỉ tiêu.
Đã có trường hợp trái khoáy, có cô thích học môn xã hội nhưng môn tự nhiên thiếu được chuyển qua học Sinh, Lý. Có thầy đang học Hóa bị chuyển qua học Địa, học Sử…
Thế là theo những giáo viên này, chủ yếu tập trung đầu tư cho mình môn học ấy và ra trường bao nhiêu năm cũng chỉ dạy một môn này.
Nhiều năm trở lại đây, học sinh thi 9 điểm đỗ vào cao đẳng, 13 điểm vào đại học.
Xin thưa, những học sinh thi 3 điểm một môn thế này ở trường phổ thông chỉ toàn là học sinh yếu kém, cùng lắm là trung bình.
Thế nên các em có học 3 năm cao đẳng, 4 năm đại học khi ra trường đi dạy cũng vô cùng vất vả.
Người viết đã gặp, cũng đã nghe một số đồng nghiệp dạy bậc trung học phổ thông kể rằng, có giáo viên (lớp học sinh trước đây được tỉnh cử tuyển đi học đại học sư phạm vì thời đó thiếu giáo viên trầm trọng) ra một đề kiểm tra Hóa không được.
Dạy toán thì chỉ biết một cách làm đã chuẩn bị, ngộ nhỡ có học sinh thông minh có cách làm khác thì thầy cô giáo này cũng không biết đúng hay sai.
Đã có những giáo viên dạy Lý rất tốt nhưng khi được đồng nghiệp nhờ dạy một tiết Hóa đã rất vất vả hướng dẫn học sinh cân bằng phản ứng. Có thầy cô dạy là thạc sĩ môn Sinh nhưng không thể giải được bài tập Lý của học sinh lớp 9.
Những giáo viên này, dạy tích hợp có nỗi không?
Muốn dạy tốt thì đương nhiên phải biết 10 dạy 1 nhưng biết ít hoặc biết vừa đủ thì chắc chắn những bài dạy cũng chỉ đạt mức trung bình. Như thế, sẽ rất khó cho việc dạy học phát huy năng lực cho học sinh đặc biệt là những học sinh giỏi.
Thầy giáo T. (đề nghị không nêu tên) tổ trưởng chuyên môn một trường trung học ở Bình Thuận cho biết: “Chỉ mới lớp 6 kiến thức cơ bản mà nhiều trường học đã rối tung lên khi xếp giáo viên dạy tích hợp. Không biết những năm học sau lớp 10,11,12 đòi hỏi kiến thức sâu hơn thì tích hợp sẽ dạy ra sao nữa?”
Thầy giáo H. giáo viên sinh có thâm niên nghề hơn 30 nói thẳng: “Học sư phạm thì chuyên sâu một môn, ra trường dạy hơn 30 cũng chỉ dạy một môn. Nay, yêu cầu dạy thêm môn Lý, Hóa thì dạy làm sao được? kiến thức lớp 6 còn nhẹ, học sinh cũng nhỏ nên dạy không vấn đề gì. Kiến thức lớp 8, lớp 9 chắc chắn không thể dạy nổi đâu. Kiểu này phải xin về hưu sớm”.
Ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ phó vụ giáo dục trung học cho biết việc tập huấn trước mắt đối với các giáo viên đang thực hiện chương trình hiện hành với các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.
“Việc tập huấn này đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Song song với đó, chương trình đào tạo trong các trường sư phạm cũng sẽ được thiết kế theo hướng xây dựng mã ngành này để bắt đầu tuyển mới, đào tạo phần kiến thức của môn Khoa học tự nhiên chứ không phải kiến thức riêng của từng môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Dần dần chúng ta sẽ có lứa sinh viên mới ra trường thực hiện giảng dạy môn Khoa học tự nhiên”, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Thế nhưng ngay trong mùa tuyển sinh vừa qua, nhiều trường đại học sư phạm vẫn chiêu sinh giáo viên đơn môn Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý.
Vì thế đến bao giờ, ngành giáo dục mới có sinh viên tích hợp ra trường? Với lớp 6, lớp 7 kiến thức còn nhẹ nên việc dạy tích hợp vẫn chưa áp lực nhiều. Tuy nhiên, lớp 8, lớp 9 kiến thức ngày mỗi khó nếu vẫn chưa có giáo viên tích hợp thì thật sự đáng lo ngại cho ngành giáo dục chúng ta.
Thiết nghĩ lộ trình đổi mới sách giáo khoa, thì phải đổi mới bồi dưỡng tích hợp cho giáo viên từ 5 năm trước để giờ không bị lúng túng về con người.
Đổi mới nó phải đi đôi với công tác đào tạo chứ dùng người cũ làm việc mới thì lấy đâu ra chất lượng? Cuối cùng, chỉ khổ cho học sinh, thầy dạy thế nào vẫn phải tiếp nhận. Với cách tuyển chọn sinh viên sư phạm và đào tạo giáo viên như trước đây mà đòi có giáo viên dạy tích hợp tốt thì thật khó lắm thay.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/boi-duong-giao-vien-day-tich-hop-lien-mon-hien-dang-rat-mo-ho-post194825.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Tôi e kế hoạch bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp cho các thầy cô dễ phá sản
Việc 2, 3 giáo viên dạy một môn học thì dễ cho trường trong phân công, thời khóa biểu, nhưng lại rất khó cho giáo viên trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh.
Dạy và học các môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2021-2022 như thế nào vẫn đang là chủ đề nóng được rất nhiều thầy cô giáo bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật bậc trung học cơ sở quan tâm.
Trong bài viết này, người viết tiếp tục bàn thêm về vấn đề rất nhiều bất cập, bất hợp lý khi triển khai môn học tích hợp trên thực tế, nó cho thấy chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo khi ban hành và thực hiện.
Người viết đã thử gõ từ khóa "bất cập tích hợp" trên Google trong vòng 0,4 giây cho 112.000.000 kết quả cho thấy sức nóng của nó như thế nào.
Trên các diễn đàn mạng xã hội thì vấn đề môn tích hợp được mọi người tranh luận sôi nổi, đa số phản ánh bất cập của môn tích hợp khi triển khai cho các trường, chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy học sinh sẽ học tốt hơn mà chỉ thấy phức tạp, rắc rối, bất hợp lý khi "tích" 2, 3 môn thành môn mới.
Các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật là một môn học, nhưng không có giáo viên dạy, việc dự định đưa giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng để tiến tới dạy được cả môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý lại cho thấy khó thành hiện thực, khó khả thi.
Thời gian qua, kể từ khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến nay chưa có bất kỳ một sinh viên nào được đào tạo các môn tích hợp, cũng chưa thử nghiệm một giáo viên nào đi bồi dưỡng để dạy được cả 2, 3 phân môn.
(Ảnh minh họa: Nhandan.vn)
Một giáo viên dạy 2, 3 phân môn bất khả thi, không hiệu quả
Ngày 23 tháng 6 năm 2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số: 2613/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.
Theo Công văn 2613 và các Quyết định 2454, 2455 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì một giáo viên dạy các phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý được bồi dưỡng 20-36 tín chỉ tiến tới dạy cả 2, 3 phân môn trong môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý hay môn Nghệ thuật trong tương lai.
Tuy nhiên, phương án mỗi giáo viên "gánh" toàn bộ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Nghệ thuật thì người viết cho rằng có thể "phá sản", không khả thi.
Bản thân người viết là giáo viên, tổ trưởng chuyên môn Vật lý nhưng tôi thấy cả đơn vị tôi có hơn 10 giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học có lớn tuổi, có giáo viên mới ra trường, với kiến thức lớp 6, 7 sau khi đào tạo, bồi dưỡng có khoảng 50% giáo viên dạy được, còn đối với kiến thức lớp 8, 9 thì tôi nghĩ không đến 20% giáo viên sau khi bồi dưỡng (vừa dạy vừa bồi dưỡng) có thể dạy được.
Người viết dùng từ có thể dạy được tức là nghiên cứu dạy kiểu "mì ăn liền", tức là tìm hiểu trong sách giáo khoa, sách hướng dẫn bấy nhiêu dạy bất nhiêu, chứ việc nắm kiến thức dạy chuyên sâu của cả 3 môn ở lớp 8, 9 là 0%.
Bản thân người viết trước đây cũng là một học sinh giỏi, chuyên ban A: Toán - Vật lý - Hóa học, đi dạy 20 năm, cũng có nhiều năm liền bồi dưỡng học sinh giỏi đạt cấp tỉnh, huyện, về tuổi đời cũng trên dưới 40 tuổi về kiến thức Vật lý để dạy bậc trung học cơ sở thì tạm ổn (vẫn cần bồi dưỡng, học tập thêm rất nhiều), qua nhiều năm thì kiến thức Hóa học, Sinh học thì chỉ còn khoảng 10-20%.
Khả năng tiếp thu suy giảm rất nhiều, rất mau quên, những kiến thức khó về Hóa học, Sinh học tôi sẽ rất khó tiếp thu, nghiên cứu để biết thì được chứ để nhớ để dạy thì tôi cho rằng bản thân mình không thể.
Giáo viên môn Sinh học sẽ khó hơn rất nhiều, trong khi đó nhiều giáo viên trên 50 tuổi học để dạy được cả 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học tôi cho là không có.
Môn Lịch sử và Địa lý, sau khi đào tạo cũng khó có giáo viên dạy giỏi, tốt cả 2 môn trên.
Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nghĩ ra được vài chủ đề tích hợp nhưng lại ghép các môn với nhau để thành một môn làm cho sự việc rắc rối, phức tạp và chưa có lối thoát.
Cả nước hiện nay có hàng chục ngàn giáo viên đơn môn các môn tích hợp thì sau khi đào tạo bồi dưỡng 20-36 tín chỉ thì cũng khó tìm được giáo viên có đủ kiến thức chuyên sâu kiểu "biết mười dạy một", để dạy học sinh, bồi dưỡng học sinh giỏi cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Một sinh viên học đến 4-5 năm đại học, đến khi đi dạy một phân môn còn phải bồi dưỡng thường xuyên, rèn luyện thêm mà vẫn chưa đảm bảo thì việc quy định một giáo viên (nhiều người đã lớn tuổi) học 20 - 36 tín chỉ (300-540 tiết) để dạy cả 2, 3 phân môn là bất khả thi, nhất là đối với môn Khoa học tự nhiên.
Một giáo viên lớn tuổi đi tập huấn 3 tháng, 540 tiết hay thậm chí hơn nữa để được sâu kiến thức để dạy cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học là trái với quy luật, không phù hợp pháp lý đã được phân tích trong các nhiều bài viết trước đây.
Học sinh không được học với giáo viên chuyên sâu, thì liệu có biết mình yêu thích môn nào, có năng lực sở trường môn nào để mà định hướng chọn môn, định hướng nghề nghiệp khi học ở bậc trung học phổ thông, vì bậc trung học phổ thông vẫn các môn riêng Vật lý, Hóa học, Lịch sử,...
2, 3 giáo viên dạy cùng dạy một môn thì quá vô lý, phức tạp
Mới nhất ngày 27/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số: 3699/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022.
Theo công văn 3699 cùng với những hướng dẫn trước đó cho phép 2, 3 giáo viên cùng dạy một môn (giáo viên "phân môn" nào nào dạy "phân môn" đó), đây cũng là phương án được các cơ sở giáo dục đang triển khai hiện nay.
Triển khai chương trình nhiệm vụ năm học thì yêu cầu giáo viên dần tiến tới đảm nhận được cả 2, 3 phân môn (qua bồi dưỡng), còn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thì lại đề nghị các trường phân công đồng thời, song song giáo viên các phân môn dạy.
Việc 2, 3 giáo viên dạy một môn học thì dễ cho trường trong phân công, thời khóa biểu, nhưng lại rất khó cho giáo viên trong việc dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh,...
2, 3 giáo viên "phân môn" cùng dạy học đồng thời môn tích hợp theo tôi là cách làm khiên cưỡng, áp đặt và không có ý nghĩa gì của việc tích hợp, có thể dạy chủ đề 5, 6 trước chủ đề 3, quá vô lý về bản chất của việc thiết kế môn học theo chủ đề tích hợp liên thông.
Điều này cho thấy sự lúng túng của Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi triển khai thực hiện các môn tích hợp trên.
Thực tế các chủ đề hiện nay được xây dựng trong các chương trình tích hợp hầu như thuộc các phân môn riêng.
Đối với môn Khoa học tự nhiên hầu như được thiết kế gồm các chủ đề thuộc các phân môn vật lý, Hóa học, Sinh học chung 1 quyển sách, ở môn Khoa học tự nhiên không thấy chủ đề tích hợp, chỉ có các chủ đề của các đơn môn hiện nay.
Môn Lịch sử và Địa lý thì thiết kế hẳn hoi 2 phần, phần I: Lịch sử, phần II: Địa lý, được thiết kế chung 1 sách giáo khoa, tách 2 phần riêng biệt.
Môn Nghệ thuật thì gồm 2 sách Âm nhạc và Mĩ thuật riêng.
Cả 3 môn Nghệ thuật, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên đều chỉ có 1 cột kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, có 1 nhận xét.
Khi thì môn, phân môn, nhóm môn cả cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh đều bị "rối não".
Cả phương án 2, 3 giáo viên dạy đồng thời 1 môn hay 1 giáo viên dạy 2, 3 phân môn đều vô cùng rắc rối, phức tạp và khó triển khai, khó khả thi rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại vấn đề này.
Điều gì đúng thì tiếp tục phát huy, việc gì hạn chế, thiếu sót, không phù hợp thì nên được tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn thiện đảm bảo khi triển khai, thực hiện mang lại hiệu quả, không gây khó cho địa phương, các trường, giáo viên và học sinh.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Trường tôi 3 thầy cô Lý, Hóa, Sinh cùng dạy nối tiếp môn KHTN theo từng chương Hầu hết các trường hiện nay chưa có điều kiện cần và đủ để một giáo viên đảm nhiệm dạy toàn bộ môn Khoa học tự nhiên mà vẫn bố trí 2 - 3 giáo viên cùng dạy. Từ năm học này, cả nước đã bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt là lần đầu tiên có...