Cô giáo vật lộn thích nghi với giảng đường du học
Giỏi tiếng Anh nhưng khi sang Pháp và Australia học, Nguyễn Như Ý, hiện 30 tuổi, vẫn sốc tâm lý, mất thời gian dài mới nghe, hiểu được bài giảng.
Nguyễn Như Ý đạt IELTS 8.5, tiếng Pháp trình độ A2, hiện là giám đốc một trung tâm luyện IELTS ở TP HCM. Sau khi học Đại học RMIT tại Việt Nam, cô sang Pháp du học thạc sĩ trường Paris School of Business với học bổng Merit Grant dành cho sinh viên ưu tú năm 2012. Ý có thời gian dạy Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM, sau đó trở lại Australia học thạc sĩ ngành Sư phạm, Đại học Monash.
Từ trải nghiệm của bản thân, Ý chia sẻ những rào cản khi du học và cách thức để vượt qua.
Rào cản ngôn ngữ và bất đồng văn hóa
Khi còn ở Việt Nam, tôi đã rất ý thức đầu tư học tiếng Anh vì hiểu được tầm quan trọng của việc giỏi ngoại ngữ, đặc biệt khi đã đề ra mục tiêu du học. Tuy nhiên, những ngày đầu sang Pháp và Australia, tôi bị sốc tâm lý.
Tiếng Anh của tôi ở Việt Nam được đánh giá tốt bao nhiêu thì sang đó chỉ dừng lại mức tạm đủ dùng cho giao tiếp thông thường. Trước khi du học, tôi cố gắng học thật tốt kỹ năng nghe, nhưng sang nước ngoài, với các giọng địa phương và ngữ điệu khác nhau của bạn bè đến từ nhiều quốc gia, tôi đã vật lộn để làm quen.
Tôi phải trau dồi khả năng nghe qua việc theo dõi tin tức trên truyền hình, nghe báo đài địa phương trên radio, luyện các video học tiếng Anh trên YouTube hoặc trang web Tedtalk nổi tiếng. Ngoài ra, việc kết bạn với bạn bè quốc tế, trò chuyện và thực hành tiếng Anh nhiều ngày, nhiều giờ đã giúp tôi không còn quá ám ảnh và tự ti khi giao tiếp cũng như trong quá trình học ở trường nữa.
Một mẹo nhỏ là các bạn nên đăng ký vào các câu lạc bộ ở trường phổ thông hay đại học mình đang theo học. Bạn bè ở câu lạc bộ thường không ngại hỗ trợ cho bạn mới và khi chia sẻ cùng một sở thích chung nào đó, mối quan hệ dễ dàng khăng khít. Ngoài vốn tiếng Anh được cải thiện, bạn còn có thêm những người bạn. Khi còn ở Australia, tôi từng tham gia câu lạc bộ hùng biện của trường, nhờ đó khả năng thuyết trình trước lớp của tôi tiến bộ trông thấy.
Tôi có nhiều trải nghiệm trong thời gian học lớp quản trị doanh nghiệp ở Australia. Với những học phần có nhiều sinh viên châu Á, giáo viên sẽ giảng bài khá chậm và slide cũng được chuẩn bị kỹ, rõ ràng và cụ thể để chúng tôi có thể hiểu bài tốt. Nhưng môn quản trị doanh nghiệp lại khác. Lớp này khá ít bạn châu Á, chủ yếu là sinh viên bản địa. Tôi bị “ngợp” khi học bài trên lớp hay tham gia thảo luận nhóm vì giáo viên và các bạn nói nhanh, sử dụng nhiều idioms (thành ngữ) tôi không được học trong chương trình phổ thông.
Nhưng nhờ luyện IELTS nhiều từ trước, tôi không quá khó khăn để nắm bắt các idioms hay hiểu lối nói chuyện, diễn đạt của các bạn Australia. Nếu đang chuẩn bị du học, bạn cần kiên trì học theo đúng phương pháp thì IELTS chắc chắn là giấy thông hành đưa bạn ra thế giới.
Video đang HOT
Như Ý hiện mở trung tâm tiếng Anh. Ảnh: NVCC.
Thích nghi với phương pháp học tập mới
Môi trường và phương pháp học tập tại nước ngoài rất khác biệt so với Việt Nam. Nhiều bạn lầm tưởng học đại học ở nước ngoài dễ thở và nhàn hạ. Thực tế, các giáo sư, giáo viên nước ngoài đề cao tính tự nghiên cứu, viết bài luận phân tích vấn đề và bày tỏ quan điểm cá nhân. Bạn sẽ thất vọng và nản chí nếu mong chờ giáo viên cầm tay chỉ việc vì họ lên giảng đường chỉ chú trọng việc chia sẻ câu chuyện và kinh nghiệm thực tế. Các bạn phải chủ động nghiên cứu, đọc sách, tài liệu, để có thể hoàn thành bài tập được giao và các kỳ thi giữa, cuối kỳ.
Kỹ năng đọc hiểu tài liệu tiếng Anh, tìm và tổng hợp thông tin cũng như kỹ năng viết một bài luận theo đúng chuẩn văn phạm, chính tả tiếng Anh là bắt buộc với tất cả sinh viên nếu muốn vượt qua các môn học. Nhiều sinh viên quốc tế khá bỡ ngỡ và không thích ứng được với mô hình học tập đòi hỏi nhiều sự chủ động, khả năng phản biện cao này. Có bạn thậm chí còn bỏ về vì không theo được.
Tôi may mắn đã học IELTS từ khá lâu nên những kỹ năng của môn Reading rèn luyện cho tôi là khả năng đọc nhanh, nắm ý chính tốt. Học tập tại nước ngoài thì việc viết luận là thường xuyên. Để viết được một bài 2.000 chữ, tôi sẽ phải đọc 20 cuốn sách, sau đó thầy cô sẽ yêu cầu tổng hợp và phân tích những gì đã đọc được từ sách và học trên lớp vào tình huống cụ thể của từng doanh nghiệp hay công ty.
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc du học, các bạn đừng quên rèn luyện kỹ năng Reading và Writing. Ngoài ra, bạn hãy tận dụng những dịch vụ hỗ trợ tân sinh viên quốc tế của trường, đặc biệt khi đến hạn nộp bài luận hay dự án nhóm, giáo viên sẽ giới thiệu những dịch vụ trợ giảng hoàn toàn miễn phí.
Trường Monash, một trong top 8 những đại học ở Australia, nơi tôi học, có dịch vụ hướng dẫn và xem sửa bài luận, các lớp học viết tiếng Anh trang trọng và cách để nguồn tài liệu đã tham khảo theo chuẩn.
Một điểm hay về văn hóa ở nước ngoài là khi khó khăn, chỉ cần bạn chủ động xin giúp đỡ với lý do phù hợp, các giáo sư sẽ hỗ trợ hết mức có thể. Đôi lúc vì đau ốm hoặc trường hợp khẩn cấp khiến tôi không nộp bài đúng hạn, tôi chỉ cần email trình bày rõ ràng và trung thực, giáo sư sẽ vui vẻ đồng ý gia hạn ngày nộp bài cũng như đề nghị hỗ trợ thêm nếu cần.
Thêm một kỹ năng mềm tôi cho là cực kỳ cần thiết với du học sinh và cả sau này khi ra trường đó là khả năng quản lý thời gian. Thời gian đầu, điểm số của tôi không tốt vì chưa phân bổ tốt thời gian giữa việc đọc tài liệu và viết luận. Sau khi được các thầy cô sửa bài và góp ý, tôi đã cải thiện được vấn đề này và điểm số cũng lên đáng kể. Khi đã biết quản lý thời gian, tôi vừa tham gia hoạt động tại câu lạc bộ, hội sinh viên trường, vừa có thể đi chơi với bạn bè. Nhờ vậy, cuộc sống sinh viên của tôi thật vui và nhiều màu sắc.
Làm quen với cuộc sống một mình
Du học là trải nghiệm thú vị về cuộc sống, về nền văn hóa mới và khám phá khả năng cũng như giới hạn bản thân. Tuy nhiên, du học không phải là giấc mơ màu hồng chỉ có du lịch shopping. Du học có niềm vui, nỗi buồn, có sự tủi hổ, nhớ nhà. Tôi từng nhiều lần khóc vì áp lực và tâm lý tự ti, cô đơn.
Thời gian mới đặt chân đén một đất nước mới, tôi háo hức, nghĩ sẽ rất yêu đất nước này và có đủ thứ để làm tại đây, không bao giờ chán. Nhưng chỉ sau tháng đầu tiên, tôi đã muốn bỏ tất cả để về Việt Nam vì học ở trường khó quá, thời tiết và món ăn không hợp khẩu vị, nhớ ba mẹ, nhớ bạn bè…
Tôi từng trầm cảm và ý nghĩ bỏ cuộc xuất hiện trong đầu nhiều lần. Những lúc ấy, tôi phải nhắc bản thân nhớ lại lý do du học, là để không phụ lòng bố mẹ đã đầu tư cho tương lai của mình, là để trở thành một công dân toàn cầu có năng lực, để kết nạp kiến thức tân tiến, để tìm được việc đãi ngộ tốt và tương lai ổn định.
Tôi cũng được tiếp thêm sức mạnh rất nhiều từ những lời động viên của ba mẹ và bạn bè. Việc mở rộng quan hệ xã hội với các bạn đồng hương cũng như quốc tế đã giúp tôi cảm thấy hòa nhập cuộc sống xa xứ ở nước ngoài tốt hơn. Qua các hoạt động ngoại khóa hoặc từ thiện cho cộng đồng này, kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo, quản lý thời gian của tôi cũng tăng đáng kể.
Hãy cố gắng vì tương lai phía trước là điều tôi luôn dặn dò bản thân trong suốt quá trình du học.
Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung đáp ứng yêu cầu dạy, học
Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2021-2022, trong đó điểm nhấn là tiếp tục chú trọng môn ngoại ngữ song hành với các môn học khác trong các nhà trường.
Cùng với đó, thành phố đã, đang tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp để đáp ứng nhiệm vụ dạy và học, cũng như yêu cầu phát triển của thành phố trong tình hình mới.
Ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy, học của các lớp đầu cấp. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12). Ảnh: Như Hùng
Chú trọng môn ngoại ngữ
Điểm nổi bật trong Kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2021-2022 được UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành tại Quyết định số 977/QĐ-UBND ngày 22-3-2021, là việc chú trọng môn ngoại ngữ trong tuyển sinh các lớp đầu cấp.
Cụ thể, với học sinh lớp 1, các nhà trường tuyển sinh lớp tăng cường ngoại ngữ, gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung. Với học sinh lớp 6, các trường xét tuyển môn tiếng Anh theo các chứng chỉ quốc tế. Riêng Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), theo Phó Hiệu trưởng Phạm Thanh Yên, việc tuyển sinh lớp 6 sẽ thực hiện xét tuyển và làm bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh trong 90 phút.
Với kỳ thi vào lớp 10, học sinh sẽ thi viết ba môn: Ngữ văn, toán và ngoại ngữ. Điểm mới là cả 3 môn đều tính điểm hệ số 1 (trước đây, điểm ngữ văn và toán tính hệ số 2); thời gian thi môn ngoại ngữ tăng từ 60 phút lên 90 phút.
Đánh giá về thay đổi này, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (quận 10) Huỳnh Thanh Phú chia sẻ: "Ngoại ngữ đang có vai trò ngày càng quan trọng trong xã hội. Việc cùng tính điểm hệ số 1 sẽ giúp học sinh học đều cả ba môn văn, toán, ngoại ngữ".
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu thông tin, việc ưu tiên môn ngoại ngữ nhằm mục tiêu đến năm 2025, thành phố có 50% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt được trình độ ngoại ngữ bậc 2 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; 30% học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế.
Đáp ứng tốt hơn nữa chỗ học cho học sinh
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp, trong đó "nóng" nhất là việc triển khai mục tiêu bảo đảm huy động 100% trẻ 6 tuổi đang cư trú trên địa bàn được vào lớp 1. Theo đó, các khu dân cư đã thông báo tới từng hộ dân phối hợp thống kê số trẻ 5-6 tuổi trên địa bàn để phục vụ công tác tuyển sinh đầu năm học mới theo tuyến.
Trao đổi về việc này, chị Phương Ngọc Diệu Thúy (ở hẻm 66 đường Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng, quận 7) cho biết: "Vợ chồng tôi làm công nhân, quê ở tỉnh Vĩnh Long nên cũng lo chỗ học cho con gái năm nay vào lớp 1. Từ khi nhận được thông báo của phường, biết con được đi học đúng tuyến, chúng tôi rất phấn khởi".
Trong khi đó, tại quận 1, UBND phường Bến Nghé đã triển khai việc rà soát trẻ đến tuổi vào lớp 1 và huy động trẻ 5 tuổi học mẫu giáo. Theo đó, tất cả trẻ em có hộ khẩu thường trú hay người ngoại tỉnh tạm trú tại phường đều nằm trong danh sách tuyển sinh. Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé Tạ Hoàng Sự thông tin: Công tác rà soát nói trên sẽ tiến hành đến hết tháng 3-2021, sau đó phường có báo cáo gửi UBND quận để phục vụ xây dựng kế hoạch tuyển sinh trong tháng 7-2021.
Cùng với việc chuẩn bị tuyển sinh lớp đầu cấp, thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp để sẵn sàng tiếp nhận học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố đã đạt được 292 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học so với mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân vào năm 2025.
Để đáp ứng tốt hơn nữa chỗ học cho học sinh, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao ngành Giáo dục thành phố chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới trường lớp. Với những địa phương còn khó khăn về quỹ đất, cần rà soát, tham mưu để thành phố điều chỉnh, bổ sung cho kỳ quy hoạch đất đai giai đoạn 2021-2030.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh: Trong năm học 2021-2022, thành phố quyết tâm tạo điều kiện tốt nhất bảo đảm 100% học sinh lớp 1, lớp 2 và khuyến khích học sinh lớp 6 được học 2 buổi/ngày để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài chú trọng việc dạy và học môn ngoại ngữ, thành phố cũng khuyến khích các trường trung học tổ chức dạy môn toán và các môn khoa học tự nhiên bằng ngoại ngữ, dạy tăng cường tiếng Anh nhằm thực hiện chủ trương chủ động hội nhập và đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong những năm tới.
ĐH Xây dựng dùng kết quả bài kiểm tra tư duy của Bách khoa để xét tuyển Năm 2021, trong số các phương thức xét tuyển, Trường ĐH Xây dựng dành một phần chỉ tiêu ở một số ngành cho việc sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh minh họa Trường ĐH Xây dựng dự kiến sẽ tuyển 3.400 chỉ tiêu trong năm 2021, dựa trên 3...