Cô giáo trẻ viết thư dặn học trò sống tử tế và thiện lương
“Xếp hàng lên nhà ăn để tránh bị “ tắc đường” con nhé, ăn phải hết suất cơm của mình tránh lãng phí (khi bỏ suất cơm, con hãy nghĩ đến những bạn cùng trang lứa mong một bữa cơm trắng). Khi có thể hãy giúp đỡ những người bên cạnh con. Bởi khi làm được việc tốt, tâm trạng chúng ta sẽ rất hân hoan.”
Trước thềm năm học mới, cô Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 1987, giáo viên dạy Sử tại một trường liên cấp THCS-THPT ở Hà Nội) đã viết một lá thư với lời dặn dò, gửi gắm của một người lái đò đến với học trò. Cô Thảo nhấn mạnh, sự tử tế của mỗi con người phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Cô giáo trẻ Nguyễn Phương Thảo.
Những nội dung dặn dò của cô bao gồm cả những giá trị sống, thái độ sống và kỹ năng sống trong sinh hoạt hàng ngày và cả trong học tập. Ngoài ra, cô cũng chia sẻ những điều thú vị, bổ tích của từng môn học.
Dưới đây xin trích lá thư cô giáo Phương Thảo gửi học trò:
“Thân gửi các trò!
Vậy là một năm học mới lại sắp bắt đầu, cô biết sẽ có nhiều điều bỡ ngỡ và khó khăn với những cô cậu học trò đầu cấp của cô. Từ việc làm quen với trường mới, lớp mới, bạn mới, cô giáo mới và đặc biệt là phương pháp học tập mới, đến những nội quy trường học…
Nhưng các bạn trò nhỏ của cô ơi! Những vị khách trên chuyến đò thứ 4 trong sự nghiệp giáo dục của cô ơi! Cô có một vài điều tâm sự cùng các con, mong các con hãy cùng cô đi thật vui vẻ và hạnh phúc ở chặng đường mới này!
Các trò yêu quý! Cô sẽ dành hết sự tâm huyết, khả năng cùng những gì cô tích lũy ở những chuyến đò trước để đưa các con khám phá những miền đất mang tên hạnh phúc. Cô sẽ cùng các con đi đến những vùng đất của sự tử tế và thiện lương.
Hãy cùng cô đi chuyến hành trình ấy từ những việc nhỏ nhất nhé:
Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
Kê lại bàn ghế ngay ngắn và để rác đúng nơi quy định (điều ấy sẽ giúp các cô lao công rất nhiều đấy).
Xếp hàng lên nhà ăn để tránh bị “tắc đường” con nhé, ăn phải hết suất cơm của mình tránh lãng phí (khi bỏ suất cơm, con hãy nghĩ đến những bạn cùng trang lứa mong một bữa cơm trắng).
Khi có thể hãy giúp đỡ những người bên cạnh con. Bởi khi làm được việc tốt, tâm trạng chúng ta sẽ rất hân hoan.
Hãy cố gắng tăng thêm những hiểu biết xã hội bằng cách dành dù chỉ 30 phút mỗi ngày để đọc những cuốn sách (những điều mà trên lớp các thầy cô không thể dạy hết cho các con được).
Khi mắc lỗi hãy khoan tìm lý do biện minh mà hãy nghiêm túc xem xét lại chính bản thân (cô muốn chúng ta cùng nhau xóa bỏ văn hóa đổ lỗi, xây dựng văn hóa đối mặt và vượt qua khó khăn).
Học tập với tinh thần tự giác đừng vì sợ bị ai đó phạt, ai đó kỉ luật mà ngồi vào bàn học. Hãy ngồi vào bàn học vì sợ bị bỏ lỡ những điều thú vị mà những trang sách sẽ mang lại cho các con.
Hãy nghĩ Toán học là những người bạn hài hước và vui tính vì sự biến hóa của những con số.
Văn học là những câu chuyện tha thiết về tình đời, tình người.
Ngoại ngữ là một kênh truyền hình tuyệt vời đưa con đến những vùng đất với những nền văn hóa khác nhau.
Vật lý và Hóa học như những người bạn mới sẽ mang đến những điều mới mẻ, thú vị trong cuộc sống của chúng ta.
Sinh học sẽ như một người bạn thiên nhiên giúp con yêu và trân trọng sự sống và đôi khi sẽ như một vị “bác sĩ” giúp các con hiểu bản chất của những sự thay đổi của vạn vật và của chính cơ thể mỗi chúng ta.
Lịch sử giống như một phi thuyền thời gian đưa chúng ta quay ngược lại quá khứ để chứng kiến những giây phút sống động và chân thật nhất những gì đã diễn ra.
Địa lý như một tấm bản đồ lớn chỉ dẫn cho các con những vùng đất tươi xinh cùng đặc trưng kinh tế xã hội ở nơi mà con có thể sẽ có cơ hội được đặt chân đến.
Còn Thể dục, Âm nhạc và Mỹ thuật, nếu không thể trở thành vận động viên thì hãy là một công dân với cơ thể khỏe mạnh. Nếu không thể trở thành một nghệ sĩ thì hãy để âm nhạc và hội họa làm các con trở nên tinh tế và thiết tha với cuộc đời này hơn”.
Cô giáo Nguyễn Phương Thảo (ngoài cùng bên trái) và học sinh.
Là một cô giáo trẻ, cô giáo Nguyễn Phương Thảo có quan niệm rất nhân văn và sâu sắc về giáo dục. Cô cho rằng: “Giáo dục là để trẻ được tự sống cuộc đời của mình, tự mình tìm và thụ hưởng hạnh phúc của riêng mình. Là thứ hạnh phúc được xây đắp từ suốt những tháng năm hồn nhiên, vui tươi và được tôn trọng của tuổi học trò. Là được cống hiến và cho đi những gì mình đã từng được thụ hưởng. Cuối cùng, cao cả nhất là để xây dựng một con người với nhân tính thiện lương!”.
Được biết, ngoài thời gian lên lớp, cô Phương Thảo rất năng nổ trong các hoạt động xã hội, thiện nguyện.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Quảng Nam: Cô giáo hơn 25 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo
Suốt hơn 25 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Thanh (SN 1961, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đã miệt mài dạy chữ miễn phí cho những trẻ em nghèo, khuyết tật trong xã và các xã lân cận. Cả đời hết lòng vì nghiệp trồng người, niềm vui duy nhất của cô là được nhìn thấy học trò của mình biết được con chữ, từng bước hiện thực hóa ước mơ của các em.
Cô Thanh nhớ lại, năm 1978 cô tốt nghiệp ra trường, cô xin về công tác tại các trường tiểu học Trà Nam, Trà Tập thuộc huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam).
Đến năm 1984, cô Thanh chuyển về công tác gần nhà dạy tại trường tiểu học Trần Ngọc Sương (bây giờ là trường tiểu học Tiên Thọ).
Tại đây, chứng kiến cảnh các em học sinh khuyết tật không được đến trường, không nhận biết con chữ, cô ấp ủ mở một lớp dạy học cho các em, đồng thời dạy bổ túc cho các em học sinh chậm tiến bộ, hoàn cảnh khó khăn.
Lớp học miễn phí hơn 25 năm qua của cô giáo Thanh. Học trò đến đây không cần đóng học phí mà còn được cô hỗ trợ bút viết hay ăn uống bằng tiền lương hưu của mình
Năm 1993, xin được vài ba bộ bàn ghế cũ, tận dụng khoảnh sân trong vườn, phòng khách, thậm chí cả phòng ăn để đặt bàn ghế, cô Thanh kêu gọi các em đến học. Ban đầu chỉ lác đác vài em, sau thấy cô dạy hiệu quả nhiều phụ huynh dắt con đến gửi. Dần dà, học trò của cô đông dần, có khi không đủ bàn ghế để ngồi.
Theo cô Thanh, mình không thể làm được những việc to lớn để giúp đời thì mình làm theo cách khác đó là "gieo" con chữ cho những học sinh khiếm khuyết, hoàn cảnh khó khăn để các em được tiếp thêm hành trang trên chặng đường thực hiện ước mơ tương lai
Cô Thanh chia sẻ: "Năm 1997, có đoàn từ thiện nghe tin về lớp học, họ đến xem xét thấy điều kiện dạy học khó khăn nên ngỏ ý giúp đỡ. Họ xây 2 phòng học ở trung tâm xã Tiên Thọ, động viên các em đến lớp và mời cô giảng dạy. Học sinh đến trường ngày một đông, tiếng tăm cô Thanh dạy miễn phí ngày một truyền xa. Có phụ huynh ở tận Tiên Châu, Tiên Lộc, Tiên Cảnh (thuộc huyện Tiên Phước) cách trường gần chục cây số cũng dắt con đến gửi".
Đến năm 2002, xã xóa bỏ lớp học vì có chủ trương cho các em khuyết tật học hòa nhập cộng đồng.
"Sau khi giải thể lớp, cô cũng theo sát các em khuyết tật, nhận thấy các em học chậm tiến không theo kịp bạn bình thường nên rất lo lắng. Thế là cô quyết định mở lại lớp học, lúc đó chỉ biết tận dụng tấm bảng đen cũ rồi vài ba bộ bàn ghế xin được, vậy là thành lớp học. Căn nhà lại vang lên tiếng học bài mỗi ngày, học sinh lại tìm đến cô ngày một đông" - cô Thanh bồi hồi nhớ lại.
Tủ sách cũ kỹ được cô dựng sát tường khỏi đổ, những quyển sách một phần do cô mua và một số được quyên tặng. Cô chia sẻ: "Các em rất ham học, yêu quý sách vở. Trong lớp có em Hoàng Oanh rất chăm ngoan, viết chữ đẹp đã giành được giải trong kỳ thi viết chữ đẹp của tỉnh. Đó là niềm tự hào của cô và của lớp học"
Đến với lớp học các em không chỉ được học thêm kiến thức, mà còn được học làm người. Cô Thanh vừa là cô giáo, vừa là người bạn tâm tình chia sẻ cùng các em điều hay, lẽ phải.
Nhiều em hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bận bịu làm ăn thì mang con đến gửi cho cô cả ngày. Cô cho hay, hơn 25 năm kèm cặp, dạy từng con chữ cho các học sinh mới thấu hiểu hoàn cảnh của từng em. Nhiều em vì điều kiện gia đình khó khăn, không thể tới lớp, cô phải đón đưa tới tận nhà. Có em khuyết tật, không chịu đi học, cô còn phải đến nhà dỗ dành, vận động ra lớp. Đôi khi cô còn lo cả sách vở, bút thước cho từng em, có nhiều em, cô phải dạy 4 năm ròng rã mới viết được chữ.
Chiếc bảng đen cũ kỹ, bàn ghế xiêu vẹo được cô cột vào lại với nhau để khỏi nghiêng ngả. Cô không mong gì hơn là học trò của mình có được bàn, ghế tốt hơn để ngồi yên tâm học.
"Nhiều em khuyết tật ngày hôm nay cô dạy, đến mai lại quên hết nên phải dạy lại từ đầu. Đối với những em này thì mình phải chịu khó, kiên nhẫn từng li từng tí. Các em bình thường thì mình dạy bổ túc thêm kiến thức, em học khá hơn sẽ kèm lại cho em học yếu để cùng nhau tiến bộ. Các em dù nghèo vật chất nhưng lại giàu tinh thần, em nào cũng siêng năng cố gắng; phụ huynh cũng luôn ý thức được tầm quan trọng của việc học, nên luôn cố gắng đưa các em đến lớp mỗi ngày" - cô Thanh cho biết thêm.
Thời gian được đứng trên bục giảng, được nhìn đám học trò ê a đọc chữ với cô là khoảng thời gian đẹp nhất. Giờ về hưu, nỗi nhớ trường, nhớ lớp khiến cứ khắc khoải trong cô. Nên lớp học miễn phí ra đời cũng giúp cô vơi đi nỗi nhớ thời gian cầm phấn.
Cô giáo hơn 25 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo
Hàng ngày, thấy các em ríu rít học chữ trong lòng cô thấy phấn khởi, dù có đau ốm cũng ráng mà dạy. Cô kể, nhiều học sinh của cô giờ ra trường có công việc ổn định, có em làm kế toán, xây dựng... đủ cả. Lâu lâu các em lại ghé lớp, hỏi thăm tình hình sức khỏe cô và lớp học. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến cô vui vẻ, càng thêm tâm huyết với sự nghiệp "đưa đò" miễn phí này.
Sau cuộc trò chuyện, chúng tôi chia tay cô Thanh để cô còn kịp giờ đến bệnh viện ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) tập vật lý trị liệu. Theo cô kể, năm 2016 cô gặp tai nạn giao thông khiến chân trái bị tổn thương nặng phải nằm viện một tháng điều trị, bác sỹ khuyên hạn chế cử động. Nhưng vì nhớ lớp, thương học trò cô lại cố gắng xin về tiếp tục dạy.
Cô Thanh chia sẻ: "Thương học trò quá mà cô lại xin về vì sợ mình cho lớp nghỉ lâu sẽ ảnh hưởng đến việc học của các em, nhất là các em khuyết tật. Mới đây cô lại bị vấp ngã, chân trái chưa kịp lành thì lại nứt xương nên phải tập trị liệu. Bây giờ mỗi ngày cô chỉ dạy buổi sáng, buổi chiều thì đến bệnh viện. Cô sẽ cố gắng để vào năm học mới mở lớp cả ngày, vì các em có thời khóa biểu khác nhau nên phải phân chia để không sót em nào. Cô sẽ cố duy trì lớp học cho đến khi không thể tiếp tục".
Nói về lớp học này, ông Nguyễn Văn Quý - Chủ tịch xã Tiên Thọ cho biết: "Hơn 25 năm nay, cô Thanh đã giúp đỡ rất nhiều trẻ em khuyết tật, nghèo khó ở địa phương bằng một cái tâm trong sáng. Cô đã đóng góp rất lớn cho công tác khuyến học của xã và đã được tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cùng huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh".
N. Linh
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Hè về, hãy buông con ra! Cả năm đã học hành đầy áp lực, hè về chúng ta nên tạo điều kiện để con cháu được học những thứ mà không có trường lớp, giáo trình, giáo viên nào dạy được, hãy buông chúng ra, để cuộc sống làm "thầy" của chúng. Nhà thầy giáo tôi ở nông thôn, gần sông, gần biển, có ao cá, chuồng bò... Vì...