Cô giáo trẻ đầy tài năng và rất duyên dáng
Với kiến thức phong phú, nói hay múa đẹp, cô Hà Thị Diệu Thúy được mời làm MC, diễn viên trong nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật…
Sinh ra và lớn lên tại thành phố thủy điện Hòa Bình, cô Hà Thị Diệu Thúy từng là học sinh chuyên Văn của Trường Trung học phổ thông Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) nhưng lại đam mê Địa lý.
Với giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn Địa lý, cô được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội với tấm bằng Giỏi của lớp Cử nhân tài năng Địa lý, cô Hà Thị Diệu Thúy được chuyển tiếp học thẳng lên Cao học.
Hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sĩ, cô giáo trẻ Hà Thị Diệu Thúy về Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội) công tác; đến năm học 2008-2009 cô chuyển vào Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Về trường Chuyên Lê Quý Đôn, cô Hà Thị Diệu Thúy tích cực tham gia phong trào do Công đoàn ngành tổ chức như “Tìm hiểu luật an toàn giao thông đường bộ”; “Cô giáo tài năng duyên dáng lần II”; “Cô giáo tài năng duyên dáng Toàn quốc”; “Vũ điệu mùa xuân”; “Chúng tôi là chiến sĩ”; “Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” v.v…
Cô Hà Thị Diệu Thúy đạt giải Nhất trong hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng lần II” của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Ảnh: CTV)
Cô Hà Thị Diệu Thúy là MC “cộng tác viên” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Ảnh: CTV)
Với kiến thức phong phú, nói hay, múa đẹp cô Hà Thị Diệu Thúy được mời làm MC, diễn viên trong các chương trình văn hóa, nghệ thuật, liên hoan phim… diễn ra ở thành phố Vũng Tàu.
Cô Hà Thị Diệu Thúy tham gia múa minh họa trong chương trình giao lưu giữa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với Tiểu khu quân sự Preah Vihear – Quân đội Hoàng gia Campuchia (Ảnh: CTV)
Video đang HOT
Cô Hà Thị Diệu Thúy làm MC trong chương trình Giao lưu nghệ sĩ điện ảnh với sinh viên tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Ảnh: CTV)
Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn không có lớp chuyên Địa lý như một số trường Chuyên trên cả nước, đây cũng là khó khăn, thách thức với cô Hà Thị Diệu Thúy. Làm sao để học sinh yêu thích môn học đây? Câu hỏi cứ trăn trở với cô giáo trẻ.
Từ thực tế của mình, cô Thúy hiểu hơn ai hết muốn học sinh đam mê Địa lý, trước hết phải làm sao học sinh yêu thích, trông đợi tới tiết học Địa lý mỗi tuần. Do đó cô Thúy luôn có sự chuẩn bị tốt nhất cho mỗi giờ lên lớp, đảm bảo rằng mỗi giờ học là một niềm vui.
Từ hình thức, trang phục khi lên lớp phải chỉ chỉn chu, đúng mực mà còn phải làm sao để luôn đẹp trong mắt học trò, bởi đó cũng là một cách để gây sự chú ý và tạo cảm hứng cho các em.
Cô tạo dấu ấn với học sinh bằng ngôn ngữ cá nhân (một giọng nói đều đều, vô cảm sẽ hết sức nhàm chán), cô cố gắng tập luyện để khi nói có sự lên bổng xuống trầm; sự tư duy mạch lạc trong ngôn ngữ viết; sự biểu cảm và có hồn của ngôn ngữ cơ thể; chắc chắn sẽ tạo cho học sinh những hứng thú không hề nhỏ.
Trong mỗi tiết dạy, cô luôn cố gắng liên hệ từng nội dung của bài học với thực tiễn cuộc sống.Thay vì truyền thụ kiến thức một chiều, trong mỗi tiết học, cô thường tổ chức các hoạt động như: làm việc nhóm, trò chơi đóng vai, ô chữ, khai thác công nghệ thông tin… một cách linh hoạt, để các em có thể tự mình lĩnh hội kiến thức; các em rất hào hứng và thích thú khi tham gia các hoạt động; cô luôn lấy học sinh làm trung tâm giáo dục.
Điều đó không chỉ giúp cho bài giảng trở nên hấp dẫn mà còn kích thích trí tò mò, sự khám phá của các em về một thế giới tưởng như quen thuộc nhưng thực chất lại luôn luôn mới mẻ.
Chính sự liên hệ thực tế sinh động, làm cho học trò thấy kiến thức trở nên gần gũi, cần thiết và muốn tìm hiểu, muốn học Địa lý.
Với kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình, cô giáo Thúy được giao nhiệm vụ Lãnh đội tuyển Địa lý thi Quốc gia trong 5 năm qua của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; năm nào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý cũng đạt giải. Kết quả trong 5 năm qua đã có 15 giải: 1 giải Nhất, 5 giải Nhì, 5 giải Ba, và 4 giải Khuyến khích.
Với trường không có lớp chuyên Địa lý, thành tích đạt được như thế là sự nỗ lực vượt bậc của cô và trò; niềm tự hào lớn của cả địa phương.
Ông Trần Văn Tuấn – Phó chủ tịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (bìa trái) và cô Hà Thị Diệu Thúy cùng em Hoàng Ngọc Mỹ Tiên giải Nhất môn Địa lý, kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2019-2020 (Ảnh: CTV)
Nói về kinh nghiệm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, cô Thúy tâm sự “Không có lớp chuyên Địa lý nên rất khó chọn nguồn học sinh giỏi. Chọn được nguồn cho đội tuyển đã khó, giữ được nguồn và muốn thi đạt kết quả cao lại càng khó hơn gấp bội thầy ạ.
Giaó viên bồi dưỡng môn Địa lý chúng em thường có “bí quyết” vui rằng: Dạy đội tuyển Địa lý là phải 4.D, tức là: dạy – dụ – dọa – dỗ.
Dạy làm sao để các em yêu thích, dụ làm sao để các em đam mê, dọa làm sao để các em có động lực học và dỗ làm sao để các em yên tâm theo đuổi.
Trong mỗi đợt bồi dưỡng em thường chia thành từng chặng; ở chặng đầu, mỗi tuần thường cho các em làm 1 hoặc 2 bài kiểm tra; chặng sau tăng lên 2 hoặc 3 bài.
Điểm của tất cả các bài thi đều được ghi lại, kết thúc mỗi chặng em nào có điểm cao nhất sẽ được thưởng và em có điểm thấp nhất sẽ bị “phạt”.
Nhờ phương pháp này mà các em học và làm bài kiểm tra đều hết sức nghiêm túc, ngay cả khi không có giáo viên ở đó.
Mặt khác do thi đua với nhau nên các em cũng có sự quyết tâm hơn trong quá trình bồi dưỡng, đặc biệt là quá trình tự học, tự tìm tòi bồi dưỡng của các em học sinh”.
Với đóng góp của mình, cô được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh; 5 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua cơ sở; 4 bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi Quốc gia; cùng nhiều giấy khen, bằng khen các cấp khác.
Đam mê, nhiệt huyết, yêu nghề sẽ tìm ra biện pháp tối ưu nhất để giáo dục; chúc cô giáo trẻ đầy tài năng và rất duyên dáng Hà Thị Diệu Thúy gặt hái được những thành công mới trong sự nghiệp giáo dục mình đã chọn lựa.
Sơn Quang Huyến
Theo giaoducthoidai
Giáo sư trẻ nhất VN 2019: Học sinh giỏi Văn mê Toán học, 38 tuổi vẫn độc thân
Thầy giáo Sĩ Đức Quang - giảng viên Khoa Toán - Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (sinh năm 1981) vừa được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn Giáo sư 2019. Anh là giáo sư trẻ nhất của năm 2019.
Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, thầy Sĩ Đức Quang là con út và cũng là người duy nhất được đi học đến nơi đến chốn. Ở tuổi 11, cậu có tư duy thích học. Được người bạn thân cùng lớp cho mượn một số cuốn tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, Quang thích thú nghiền ngẫm từng trang.
Vốn ở trong đội tuyển môn Ngữ văn, nhưng những con số thú vị và cả những câu chuyện trong các cuốn tạp chí khiến cậu cảm thấy mê mẩn.
"Đó là lý do tôi quyết tâm thi vào lớp chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình)" - giảng viên tuổi 38 chia sẻ.
Thầy Sĩ Đức Quang là giáo sư trẻ nhất trong 75 người được công nhận chức danh này của năm 2019. (Ảnh: Thúy Nga)
Trong lớp chuyên Toán của thầy Quang ngày ấy, hầu như ai cũng đều từ các lớp toán trường chuyên của huyện lên, có lẽ chỉ mình thầy là từ học sinh lớp thường trường thường nên việc học toán của Quang khá chật vật trong học kỳ đầu tiên.
"Học sinh trường chuyên có nhiều kiến thức các bạn ai cũng biết hết rồi (do được học chuyên từ bé), mà tôi lại chưa hề biết gì, thầy giáo lại quen dạy cho học sinh chuyên nên lướt rất nhanh. Vì thế nên tôi phải tự học, tự đọc. Sang học kỳ 2 năm lớp 10 thì tôi đuổi kịp các bạn, đến lớp 11 thì mọi chuyện suôn sẻ hơn, lớp 12 thì được vào đội tuyển của tỉnh đi thi học sinh giỏi toán cấp Quốc gia và đạt giải Nhì", thầy Quang kể.
Suốt 3 năm THPT, cậu học sinh Sĩ Đức Quang luôn đau đáu rằng nếu thi ĐH thì phải chọn trường nào để bố mẹ không bị áp lực về việc nuôi con học ĐH nên đã chọn Học viện Kỹ thuật Quân sự. Lý do là học ở đó thì được hỗ trợ các chi phí ăn ở, đi lại, hơn nữa không phải lo đến vấn đề việc làm trong tương lai. Nhưng sau đó, một cánh cửa khác mở ra với Giáo sư Sĩ Đức Quang. Vì đoạt giải Nhì trong Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia nên thầy được tuyển thẳng đại học và vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thầy Quang tâm sự: "Hồi đó tôi được học lớp chất lượng cao nên có học bổng khoảng 200.000 - 240.000 đồng/tháng. Cơm căng tin thì chỉ 3.000 đồng/suất, được ở KTX miễn phí. Mà hồi đó nhu cầu của tôi cũng chỉ đủ ăn với có thời gian để học nên 4 năm học đại học của tôi trôi qua êm đềm. Thậm chí hè về quê, tôi còn thỉnh thoảng biếu bố mẹ được khoảng một trăm nghìn đồng".
Sau khi tốt nghiệp Đại học năm 2003, Giáo sư Sĩ Đức Quang tiếp tục học thạc sĩ. Năm 2007, anh học tiến sĩ tại Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) và về nước vào năm 2010, công tác ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Ở tuổi 39, GS Sĩ Đức Quang vẫn đang độc thân. "Tôi vẫn chưa có dự định thời điểm nào sẽ lập gia đình vì với tôi bất kỳ khi nào tôi gặp được tâm đầu ý hợp thì sẽ kết hôn. Anh Lê Bá Khánh Trình, chuyên gia toán học nổi tiếng và cũng là người anh lớn khuyên tôi không nên lấy vợ gấp gáp. Năm nay, tôi đã gần 40 tuổi và theo anh ấy thì tuổi này lấy vợ vẫn còn... sớm.
Mọi người đừng nghĩ tôi chỉ suốt ngày ở phòng nghiên cứu nên bị... ế vợ. Khi nghiên cứu ở bậc cao hơn, không phải lúc nào tôi cũng ngồi trong phòng làm việc. Muốn nghiên cứu khoa học cần phải có sự sáng tạo, cũng phải ra ngoài mới bật ra được ý tưởng. Muốn sáng tạo thì cần một chút tự do và lãng mạn. Cho nên, những lúc áp lực, tôi thường đọc tiểu thuyết của Jack London hay những truyện dã sử của Trung Hoa, truyện kiếm hiệp.
Ngoài thời gian lên lớp giảng dạy, nghiên cứu, tôi cũng ngồi cà phê, đọc sách, đi leo núi... chứ không chôn chân trong phòng nghiên cứu như mọi người hay nghĩ", Giáo sư Quang tâm sự.
Giáo sư Sĩ Đức Quang chia sẻ thêm: "Sau khi trở thành giáo sư thì tôi sẽ phải có ý thức hơn về sự đóng góp của mình với cộng đồng khoa học, với việc nâng cao chất lượng đào tạo các thế hệ kế cận như thế nào... Khi dạy sinh viên, chúng tôi rèn sinh viên theo hướng yêu cầu các em cố gắng tự mình tư duy mỗi khi được giao bài tập, không nên đưa ra lý do là vì dạng bài này thầy chưa chữa nên bọn em không làm được. Để làm thầy thì các em phải cố gắng tự tư duy thì sau này mới dạy cho học trò phương pháp tư duy. Mình phải tự làm thì mới dạy người khác được".
Theo infonet
Tân giáo sư trẻ nhất năm 2019: Cậu học trò chuyên văn rẽ sang "nghiệp toán" nhờ "vé vớt" Trước khi được bổ nhiệm chức danh Giáo sư, trở thành người dẫn đầu cho một lĩnh vực nghiên cứu của trường đại học, ít người biết được, thầy Sĩ Đức Quang đã từng là học sinh chuyên văn, bất ngờ chuyển sang "nghiệp toán" nhờ "vé vớt". Trước khi theo đuổi môn Toán học, Giáo sư Sĩ Đức Quang từng nhiều năm...