Cô giáo thắp sáng tình yêu âm nhạc với học sinh dân tộc
“Dù ở bất kỳ vị trí nào thì cái tâm và niềm say mê với nghề sẽ giúp cho mỗi giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, cô Hà Thị Hồng chia sẻ.
Cô Hà Thị Hồng hiện là giáo viên âm nhạc tại trường tiểu học thị trấn Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Cô là một trong những giáo viên giỏi của tỉnh có mặt trong lễ vinh danh các thầy cô giáo có nhiều đóng góp “Vì sự nghiệp đổi mới giáo dục” năm 2016.
Luôn gần gũi với học sinh
Sinh năm 1980, có sở thích, năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, cô Hà Thị Hồng đã thi vào trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Sau khi tốt nghiệp ra trường cô luôn gắn bó tha thiết với nghề dạy học của mình.
Cô tâm sự: “Mặc dù là giáo viên dạy môn chuyên biệt nhưng tôi thường xuyên quan tâm đến tình hình học sinh của từng lớp thông qua các giáo viên chủ nhiệm.
Video đang HOT
Cô giáo thắp sáng tình yêu âm nhạc với học sinh dân tộc.
Bởi có hiểu rõ được hoàn cảnh, năng lực của từng học sinh thì người giáo viên mới có thể đưa ra các biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giảng dạy của mình.
Bản thân tôi không ngừng nghiên cứu tài liệu, dự giờ thăm lớp, học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn mà Bộ GD&ĐT tổ chức.
Chính việc tiếp cận với những phương pháp dạy học mới và vận dụng linh hoạt các phương pháp này tôi đã tạo được hứng thú cho các em học sinh. Từ đó các em cũng yêu thích môn học hơn và mạnh dạn tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nhà trường”.
Trong quá trình giảng dạy, cô giáo Hà Thị Hồng luôn quan tâm đến mọi đối tượng học sinh, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, những học sinh thiếu tự tin, chưa mạnh dạn trong học tập để tạo cho các em có niềm tin và tham gia học tập tốt hơn.
Cô luôn gần gũi, động viên các em, tổ chức cho các em nhiều hoạt động khác nhau nhằm giúp các em mạnh dạn, tự tin thể hiện khả năng của bản thân cũng như năng lực trong học tập.
Sáng tạo trong dạy học
“Với sự phát triển của xã hội hiện đại thì công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng trong cuộc sống. Trước yêu cầu đó tôi đã không ngừng học hỏi và mạnh dạn thử nghiệm vào bài giảng của mình.
Chuyên đề ‘Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy môn Âm nhạc’ của tôi đã thực hiện thành công tại trường tiểu học thị trấn Trùng Khánh.
Chuyên đề đã được được các đồng nghiệp, ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao và ghi nhận được áp dụng tốt trong công tác dạy và học tại nhà trường.
Một trong những rào cản đối với học sinh người dân tộc đó là ngôn ngữ tiếng Việt. Để trau dồi và tạo hứng khởi cho các em khi học môn học này trong những giờ âm nhạc cũng như những giờ học ngoại khóa tôi đã dạy cho các em những bài hát dân ca bằng tiếng Việt.
Với những giai điệu mượt mà, ngôn ngữ trong sáng dễ hiểu đã giúp các em không chỉ vui vẻ năng động mà còn có thêm nhiều vốn từ tiếng Việt phong phú”, cô giáo dạy âm nhạc Hà Thị Hồng tâm sự.
Qua những hội thi “Tiếng hát học sinh tiểu học”, cô Hà Thị Hồng đã nhận thấy không phải học sinh thờ ơ hoàn toàn với dân ca, mà cái chính là làm sao mỗi giáo viên âm nhạc phải khơi gợi được tình yêu này của các em trong mỗi giờ dạy của mình.
Vì vậy cô đã lựa chọn đề tài nghiên cứu trong sáng kiến kinh nghiệm của mình là: “Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy hát dân ca cho học sinh tiểu học”.
Khảo sát thực tế tại trường tiểu học thị trấn Trùng Khánh, cô nhận thấy biểu hiện về năng lực âm nhạc của các em học sinh còn rất khác biệt.
Ở lớp học, các em tập tích cực và các em chưa tích cực trong học hát các bài hát dân ca là do niềm đam mê âm nhạc của các em không hoàn toàn giống nhau, đặc biệt là sự cảm thụ các làn điệu dân ca trong chương trình học.
Có một số em chỉ yêu thích và thích hát các làn điệu dân ca Tây Nguyên nên hát tốt các bài dân ca Ba Na, Hrê, một số khác thích hát dân ca Nam Bộ… nên rất ít em thể hiện đúng sắc thái tất cả các vùng miền.
Trong quá trình giảng dạy, cô Hà Thị Hồng đã kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển tải các điệu múa, các điệu nhảy của các vùng miền đến gần hơn với các em.
Việc sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đã tạo ra không khí tươi mới hơn trong lớp học. Các em học sinh cũng năng động và tiếp thu hiệu quả hơn.
Theo cô Hồng, trong quá trình dạy các bài hát dân ca cho học sinh thì người giáo viên cần sử dụng phương pháp diễn xướng; bởi nếu chỉ dạy theo sách giáo khoa, kết quả sẽ dừng lại ở việc thuộc lòng lời bài hát cũng như làn điệu.
Theo Châu Anh / Giáo Dục & Thời Đại