Cô giáo tặng quà tiếp sức sĩ tử
Sau mỗi buổi đi dạy, cô Bích Huyền, giáo viên Ngữ văn trường THCS-THPT Mỹ Thuận, lại cùng chồng làm quà tặng học sinh.
Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 một tuần, cô Phan Thị Bích Huyền mua 35 bộ đồ dùng gồm bút chì, tẩy và bút bi mực xanh cho mỗi học sinh lớp 12A4, lớp cô chủ nhiệm, để mang theo trong ngày thi. Sợ học trò làm rơi, phải mang nhiều đồ lỉnh kỉnh, cô mua thêm 35 kẹp đựng tài liệu trong suốt (clear bag).
Để học sinh thích thú với món quà, cô giáo lên mạng, tìm kiếm hình ảnh của nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng, sau đó cùng chồng vẽ lại bằng mực đỏ lên mỗi kẹp. “Thấy học sinh quan tâm đến quần áo, thời trang nên tôi học cách vẽ các nhãn hiệu. Tôi muốn học trò biết thầy cô luôn cố gắng hiểu và đồng hành cùng các em”, cô Huyền nói.
Do bận ôn tập cho học sinh cuối cấp, mỗi ngày cô Huyền chỉ làm được khoảng 10 kẹp, sau hơn ba ngày mới hoàn thành. Tự nhận những hình vẽ của “vợ chồng U40″ không được đẹp và sành điệu, cô giáo vẫn tin rằng học sinh sẽ thích và trân trọng vì hiểu tấm lòng của cô giáo.
Những chiếc kẹp đựng tài liệu cô Huyền làm tặng học trò. Ảnh: Hoàng Định
Trong 6 tuần luyện thi tốt nghiệp THPT, cô Huyền lồng ghép lời dặn dò vào mỗi buổi học. Cô khuyên học trò trước khi thi không nên ăn những món lạ, ăn ngoài cửa hàng để tránh rối loạn tiêu hóa. Lúc này, học sinh không cần quá sức ôn tập, ngủ đủ 7 tiếng một ngày, dành thời gian giải trí và xem TV.
Trong ngày thi, các em cần uống thuốc hỗ trợ tiêu hóa đề phòng đau bụng; tuân thủ hướng dẫn của giám thị, cán bộ và nhân viên y tế về các biện pháp phòng dịch, chuẩn bị vài chiếc khẩu trang.
Với môn Văn, cô giáo dặn học trò mang nhiều bút cùng màu, có thể dùng chiếc bút bi mực xanh mà cô tặng để làm bài. “Cô đã gửi gắm niềm tin của mình vào đây để cùng đồng hành với các em. Các em hãy làm bài hết mình vì luôn có cô bên cạnh”, cô giáo nói với học trò.
Video đang HOT
Khi trường tổ chức ôn tập, cô Huyền chia sẻ nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, nhà trường và mạnh thường quân cùng giáo viên đóng góp, học sinh khối 12 được ăn nhẹ tại trường Mỹ Thuận ba buổi một tuần. Đồ ăn thường là các loại bánh dân dã như bánh bò, bánh mì khoai lang, bánh mì thanh long cùng nước sâm dứa, được chính giáo viên chuẩn bị và rán ngay tại trường.
Cô Phan Thị Bích Huyền, giáo viên dạy Văn của trường THCS-THPT Mỹ Thuận, Vĩnh Long. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tại trường THCS – THPT Mỹ Thuận, gần 140 học sinh khối 12 sẽ đến trường THPT Bình Minh, cách trường khoảng 6-7 km, để dự thi tốt nghiệp THPT. Giáo viên được chia thành hai nhóm coi thi và tiếp sức. Thầy cô không làm nhiệm vụ trong kỳ thi sẽ đứng ngoài cổng trường Bình Minh, mang theo dụng cụ học tập, ước uống để hỗ trợ nếu em nào quên đồ.
Là thành viên của đội tiếp sức, cô Huyền cũng chuẩn bị “túi đồ nghề” của mình, sẵn sàng giúp đỡ học trò. Ngoài dụng cụ, cô giáo tự tin sẽ tiếp sức các em về tinh thần. “Tôi muốn trước khi học trò thi có cô chủ nhiệm động viên. Nếu lỡ bài khó, các em không đạt kết quả như ý, tôi cũng có thể hỏi thăm và chia sẻ khi các em ra đến cổng trường”, cô nói.
Là giáo viên chủ nhiệm, cô Huyền sẽ nắm được thông tin liên lạc của cha mẹ học sinh. Vĩnh Long đang vào mùa mưa, đường trơn trượt, nếu không may em nào bị ngã hoặc gặp sự cố trên đường đi thi, giáo viên có thể gọi phụ huynh hoặc đến đón và đưa các em đến điểm thi đúng giờ.
Cô Huyền kể thêm, một giáo viên của trường Mỹ Thuận nhà gần trường Bình Minh, các thầy cô đã bố trí chỗ nghỉ buổi trưa cho các em ở xa, gia đình khó khăn tại nhà cô giáo này, tránh đi lại mất sức, ảnh hưởng tâm lý đến buổi thi chiều.
So với các năm trước, lứa học trò sinh năm 2002 vất vả hơn, dịch bệnh khiến kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ. Do đó, tinh thần của các em ít nhiều bị ảnh hưởng. “Các biện pháp phòng dịch đã được chính quyền quan tâm. Tôi và đồng nghiệp chỉ biết làm hết sức có thể để hỗ trợ, giúp học trò yên tâm, thoải mái bước vào kỳ thi”, cô Huyền nói.
Cô Huyền và học trò trường THCS-THPT Mỹ Thuận, Vĩnh Long. Ảnh: Hoàng Định
Do Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được lùi một tháng rưỡi và chia thành hai đợt. Đợt một ngày 8-10/8, đợt hai dành cho thí sinh ở Đà Nẵng, một số nơi đang cách ly xã hội ở Quảng Nam và thí sinh diện F1, F2. Thời gian thi do các địa phương đề xuất, khi đã kiểm soát được Covid-19.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT sẽ phải làm ba bài bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Trừ Ngữ văn, các bài thi còn lại đều được ra dưới hình thức trắc nghiệm. Kết quả thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là cơ sở để xét tuyển đại học.
Để con có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 giữa đại dịch COVID- 19 tốt, cha mẹ hãy dừng ngay việc làm này
Chỉ còn vài ngày nữa diễn ra kì thi tốt nghiệp THPT 2020. Đây là giai đoạn nước rút khá căng thẳng đối với các sĩ tử. Năm nay đặc biệt hơn khi có dịch COVID - 19, để con đạt kết quả tốt cho kì thi sắp tới cha mẹ đừng làm những điều này với con.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng đối với cuộc đời học sinh nên tâm lý lo âu trước kì thi là điều không thể không xảy ra với cả thí sinh cũng như các bậc cha mẹ. Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, GS.TS. NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng, để giảm bớt tình trạng lo âu này, trước hết mỗi học sinh cần phải chuẩn bị cho mình kiến thức vững vàng để đủ tự tin khi bước vào phòng thi.
Vai trò của cha mẹ trong những thời điểm này là rất quan trọng. Nó ảnh hưởng đến tâm lý của con khi không biết cách sát cánh cùng con. Để con đạt kết quả tốt cho kì thi tốt nghiệp THPT 2020 sắp tới, cha mẹ đừng làm những điều này với con:
* Tạo áp lực cho con
Ảnh minh họa
Điều nguy hiểm nhất đối với trẻ chính là luôn bị cha mẹ tạo áp lực. Học và thi của trẻ, cha mẹ tạo điều kiện cho trẻ môi trường, không gian để học, nhắc nhở đừng quá sức... là sự quan tâm rất tốt. Việc so sánh với con em nhà khác, đưa những tấm gương người anh người chị để nói "nếu không đạt được sẽ thế này thế kia" gây cho trẻ áp lực rất lớn về mặt tâm lý. Có những đứa trẻ không phải là học lực kém nhưng khi stress, tâm lý áp lực lại không đủ bình tĩnh, phân tán tập trung để xử lý việc học tập, làm bài thi tốt. Khi thi bị "rơi" là điều bình thường.
* Ra tối hậu thư
Tuyệt đối không nên ra tối hậu thư cho trẻ như bắt buộc phải đỗ, bắt buộc phải đi học cái này cái kia... Cũng giống như các cầu thủ, có những cầu thủ rất giỏi ở cả quốc tế hay Việt Nam đứng trước quả sút penalty 11m vẫn trượt là do áp lực quá mà không thể tập trung. Điều này xảy ra thường xuyên. Khi trẻ vào một tình huống thử thách, người lớn cần động viên tạo điều kiện cho trẻ vượt qua thử thách chứ không đặt mục tiêu bắt trẻ hoàn thành mục tiêu đó là điều rất quan trọng.
Nhà trường, thầy cô chủ nhiệm cũng như cha mẹ phải biết tâm lý của trẻ để chuẩn bị cho trẻ trước, sau khi thi. Sau khi thi chỉ một bài làm chưa tốt, trẻ báo cáo với chủ nhiệm, bố mẹ lại khiển trách, áp lực thì buổi chiều hoặc hôm sau thường làm bài không tốt. Ngược lại động viên để trẻ ôn thi, bình tĩnh lại thì buổi chiều và hôm sau lại làm tốt sẽ bù cho bài thi trước. Cơ hội đỗ của trẻ cao hơn.
* Cho con học thâu đêm suốt sáng
Một hiện tượng tâm lý phổ biến của hầu hết các bạn học sinh là càng gần kì thi càng trở nên lo lắng, hoang mang. Các em sợ kiến thức của mình chưa chưa đủ cho kỳ thi mà chọn cách ôn luyện thâu đêm suốt sáng, ôn tới đầu óc mơ màng, không còn tập trung được nữa... Cha mẹ lại lấy việc con học thâu đêm suốt sáng là niềm hãnh diện, an tâm. Điều này rất không tốt cho thể chất, tinh thần của trẻ trước kì thi. Cha mẹ cần quan sát con trong những ngày này, kịp thời nhắc nhở con nghỉ ngơi, nói chuyện, động viên con khi quá căng thẳng để con có thể thoải mái hơn.
Kì thi THPT năm 2020 lại đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã dẫn tới những xáo trộn, thay đổi trong hình thức thi... Bởi vậy, cha mẹ càng cần phải quan tâm hơn đến trẻ. Cha mẹ cần động viên, tạo điều kiện cho các em có sức khỏe tốt, nhất là trong mùa dịch COVID- 19 này, nhắc nhở các em chuẩn bị những điều cần thiết tránh lây nhiễm trong kì thi.
Theo chuyên gia tâm lý Dạ Thảo, trong giai đoạn này các bậc cha mẹ cần hỗ trợ về mặt thể chất cho các con, bao gồm về chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, chất lượng giấc ngủ cũng như quá trình sinh hoạt hàng ngày thật tốt. Cần đảm bảo cho trẻ chế độ dinh dưỡng, thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và hướng con tới việc giải trí, thể thao lành mạnh. Cùng với đó, phụ huynh hỗ trợ cho con em mình về mặt thông tin chính xác, hỗ trợ về mặt tinh thần.
Các chuyên gia nhấn mạnh, kiến thức của học sinh được tích lũy cả một quá trình, yếu tố quan trọng nữa góp phần để thí sinh đạt kết quả thi tốt là trước khi đi thi cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết (bút bi, bút chì, tẩy, các loại giấy tờ...). Chẳng may bước vào phòng thi mà bị quên vật dụng, giấy tờ thường rất dễ mất bình tĩnh, ảnh hưởng đến tâm lý làm bài.
Nếu khi đi thi mà quá lo âu, để giúp mình ổn định lại tâm lý hãy hít thật sâu, thở nhẹ nhàng. Trong trường hợp làm bài môn thi đầu tiên không đúng với năng lực thực sự của mình, các em cũng không nên nghĩ quá nhiều về nó mà cần dồn sức cho những môn thi sau. Thường nếu làm bài môn thi đầu tiên không tốt như kỳ vọng, thí sinh thường rất dễ lún sâu vào trạng thái lo âu nhiều hơn.
Hai đợt thi tốt nghiệp THPT sẽ thực hiện ra sao? Bộ GD-ĐT đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ theo hướng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thành 2 đợt. Học sinh lớp 12 trong những ngày ôn tập cuối cùng chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT Phân thí sinh thành 4 nhóm Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng...