Cô giáo người Mông vượt khó, gắn bó với trẻ
Vượt qua vô vàn khó khăn trong cuộc sống, những cô giao trẻ người Mông, ngày qua ngày, vững vàng bám trụ nơi có những điểm trường “4 không” ở huyện Mù Cang Chải ( Yên Bái).
Cùng các em nhỏ vùng cao vượt khó trong từng bữa ăn để tới trường tìm cái chữ.
“Càng gắn bó với học sinh vùng cao, cô càng thấy yêu nghề, mến trẻ và muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho giáo dục miền núi”, đó là tâm sự của cô giáo Chang Thị Giàng và Cứ Thị Pàng Dinh tại 2 điểm trường khó khăn của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).
Bắt đầu nghề cô giáo mầm non từ năm 2011, tại điểm trường Xéo Mả Pán (xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải) cách điểm trường chính 8 km, cô giáo Chang Thị Giàng đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bởi ở đây chưa có điện, dân trí thấp, việc huy động học sinh ra lớp rất vất vả. Khiến cô giáo trẻ thường xuyên phải đi bộ đến từng nhà vận động các em đi học từ sáng sớm.
Suốt 9 năm làm nghề, đã có rất nhiều thế hệ học sinh được cô Giàng vận động, giúp đỡ để đến trường và học cái chữ. “Có những hôm đi bộ chùn cả chân, có những lúc khóc một mình và rất nhiều lúc bản thân thấy nản chí. Nhưng rồi hình ảnh các em thiếu thốn lại khiến mình có thêm quyết tâm, nghị lực để tiếp tục công việc”, Giàng chia sẻ.
Và trong suốt 9 năm qua trong nghề cô giáo mầm non ở vùng cao, Chang Thị Giàng luôn tâm niệm lời dạy của Bác: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Những lúc khó khăn, lời dạy ấy giúp cô giáo trẻ người Mông thêm động lực với mong muốn được góp sức nhỏ bé của mình vào việc trồng những “cây non” trên vùng cao này, để chính những em nhỏ người dân tộc Mông như Giàng có được thêm những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Hay như tại Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Nậm Có) là một trong điểm trường khó khăn nhất nhì của huyện Mù Cang Chải. Bởi nhiều điểm trường lẻ, cách xa xã, không có điện, không sóng điện thoại… Được biết, từ năm 2015 khi nhận công tác tại đây, cô giáo Cứ Thị Pàng Dinh (35 tuổi) được phân đứng lớp ở các điểm lẻ.
Cô Cứ Thị Pàng Dinh (giữa) được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.
Vì đường xá xa xôi, không thuận tiện, cô đều phải ở lại bản. Thời gian đứng lớp ở bản Mú Cái Hồ, thương hai em học sinh trong lớp nhà xa trường, cô Dinh ở cùng và chăm sóc cho hai em, một em lớp 4, một em lớp 5, trong điều kiện cuộc sống rất nhiều khó khăn. “Đêm đến chỉ có ánh sáng từ chiếc đèn pin. Thức ăn không đủ cho cả tuần, chủ yếu phải ăn rau… Những ngày cuối tuần mưa gió, ba cô trò phải dắt xe đi bộ về nhà vừa ướt, vừa bùn bẩn khắp người”, cô Dinh nhớ lại những ngày cắm bản ấy.
Biết dạy học trên bản nhiều vất vả, đường đến trường xa, những hơn 30 cây số, vừa khó khăn, thậm chí là rất nguy hiểm trong những ngày mưa to, gió lớn, nhưng năm học 2019 – 2020, cô Dinh vẫn quyết tâm gửi lại đứa con nhỏ, để tình nguyện lên đứng lớp ở điểm trường Lùng Cúng “4 không”: không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch, không trạm y tế.
Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng Dinh vẫn kiên cường, bám điểm trường, cùng đồng nghiệp động viên nhau vượt qua, bằng cách tự tìm nguồn nước sạch để kéo nước về, tự làm vườn trồng rau cỏ, làm đồ chơi ngoài trời như bập bênh, xích đu, ống chui… cho các em.
Để các em đi học, cô Dinh cùng đồng nghiệp không những phải đến tận từng nhà vận động mà còn phải tự tay lo thủ tục giấy tờ cho các em. “Thậm chí nhiều gia đình ở đây giấy tờ thiếu đủ thứ như chưa có giấy đăng kí kết hôn, chưa có sổ hộ khẩu hay chưa có giấy khai sinh cho con… Gặp những trường hợp đó, mình lại phải vận động họ và đưa xuống xã để làm thủ tục, giấy tờ luôn”, cô Dinh chia sẻ.
Dinh bảo, ám ảnh nhất và xót thương nhất với cô, là những này đông giá rét, có khi có băng tuyết mà những em nhỏ không có áo ấm, chân không giầy dép. Cũng bởi vậy mà cô Dinh càng thương lũ nhỏ nhiều hơn, muốn làm được nhiều điều hơn cho chúng. Bởi vậy khiến cô yêu nghề hơn, yêu thương những đứa trẻ ở những bản làng vùng cao xa xôi này hơn.
Nhờ vượt qua từng đó khó khăn mà hai cô giáo Cứ Thị Pàng Dinh và Chang Thị Giàng là đại diện của tỉnh Yên Bái trong số 63 giáo viên toàn quốc được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào trung tuần tháng 11/2020.
Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ của các giáo viên người dân tộc thiểu số. Đặc biệt là những dân tộc có quy mô dân số dưới 10.000 người, đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Phụ huynh làm gì khi học sinh nghỉ tết sớm do dịch Covid-19?
Cho con tham gia các lớp học trực tuyến nhẹ nhàng để con vừa học vừa chơi, đồng thời để 'giết' thời gian và không bị nghiện game... là cách nhiều phụ huynh thực hiện khi con được nghỉ tết sớm do dịch.
Chiều 1.2, học sinh TP.HCM đã mang đồ đạc về nhà nghỉ tết sớm để phòng chống dịch Covid-19 - N.L-T.Đ
Tạm hoãn mọi kế hoạch đi chơi tết ở xa
Chia sẻ về kế hoạch nghỉ tết dài ngày, chị Nguyễn Thị Bích Châu, phụ huynh em Hồng Hân, học sinh (HS) lớp 7 Trường THCS Quang Trung (Q.Tân Bình), cho biết khá bất ngờ khi nhận được thông tin TP.HCM cho HS nghỉ học từ ngày 2.2.
Nhà chị Châu có 3 con, 2 con lớn học ở Trường THCS Quang Trung, còn bé út học ở Trường tiểu học Trần Văn Ơn nên việc nghỉ học sớm khiến chị khá bối rối. "Mình buộc phải xin nghỉ làm và đưa công việc về nhà để vừa làm việc vừa trông chừng 3 đứa. Bọn trẻ còn nhỏ, nếu để các con tự học trực tuyến thì không ổn tí nào, vì chúng rất dễ bị hấp dẫn bởi các trò chơi, phim ảnh trên máy tính nên vẫn phải cần người lớn hướng dẫn và quản lý", chị Châu chia sẻ.
Học sinh TP.HCM nghỉ học từ ngày 2.2 để phòng dịch Covid-19
Bắt đầu từ hôm nay, khi tụi nhỏ nghỉ học, chị vẫn dặn dò con dậy sớm đúng giờ như thường lệ, chuẩn bị bài vở để chuyển sang học trực tuyến theo yêu cầu của trường. Các tiết học vì thế vẫn diễn ra bình thường. Riêng bé út, chị phải hỗ trợ nhiều hơn vì bé chưa quen thao tác máy tính.
Tuy nhiên, nói về kế hoạch nghỉ tết "dài hơi" trong mùa dịch, chị Châu cho biết gia đình chị trước đó đã dự tính về quê đón tết cùng hai bên gia đình nội ngoại và cũng để con trải nghiệm, tận hưởng không khí tết cổ truyền ở quê. Tuy nhiên, trước diễn biến mới của dịch bệnh, chị Châu cho biết tạm hoãn mọi kế hoạch, gia đình sẽ ở lại TP.HCM để đón năm mới.
Xin nghỉ phép cùng con nghỉ tết sớm
"Dù vậy nghỉ ở nhà cả 2 tuần thì dài lắm, nếu nhốt tụi trẻ con ở nhà mãi cũng không được. Rút kinh nghiệm từ việc nghỉ học kéo dài trong năm trước, lần này mình sẽ đăng ký cho con tham gia các lớp học trực tuyến với các chủ đề nhẹ nhàng để con vừa học vừa chơi, bổ trợ thêm kiến thức mà cũng không có quá nhiều thời gian để chơi game. Nếu thả lỏng, các con nghiện game khi quay trở lại học sẽ khó lòng tập trung mà cũng quên hết bài vở", chị Châu chia sẻ thêm.
Tương tự, có con học tại Trường mầm non Hoa Hồng (TP.Thủ Đức, TP.HCM), chị Nguyễn Hoàng Yến cho biết cũng phải nghỉ việc để ở nhà trông con dịp này. "Con nghỉ sớm thì mẹ cực nhưng mình cũng đỡ lo lắng, vì dịch đang phức tạp nên trước mắt gia đình mình chưa có kế hoạch nào", chị Yến nói.
Nhà có con lớn đang học lớp 9 chuẩn bị thi lên lớp 10 nên việc nghỉ học tập trung chuyển sang học trực tuyến cũng khiến chị Yến không khỏi lo lắng vì "nếu thả máy tính ra là cu cậu lại tranh thủ chơi game". Do vậy, từ hôm nay chị đã cùng con lên kế hoạch học tập rõ ràng, ngoài những giờ học trực tuyến theo lịch của trường con chỉ được dùng thêm máy tính 1 giờ/ngày. Thời gian còn lại chị giao thêm việc nhà, trông em và mua thêm sách vở để con đọc.
Về kế hoạch ngày tết, chị cho biết sẽ tranh thủ đưa các con đi chơi một số địa điểm du lịch gần TP, để cả gia đình vẫn có thời gian nghỉ ngơi sau một năm học tập và làm việc. "Mình vẫn phải tuân thủ các quy tắc phòng dịch, chứ không thể không đón tết, đi đâu thì mang khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên. Và nhà mình cũng chọn nghỉ ngơi ở những nơi ít khách du lịch để hạn chế tiếp xúc trong thời gian này", chị Yến nói thêm.
Sáng 2.2: Thêm 1 ca mắc Covid-19 ở Hải Dương
Tận dụng thời gian dạy con những điều hay về tết
Do không phải đến trường từ ngày hôm nay nên với HS mầm non thì gần như được coi là nghỉ Tết Nguyên đán sớm hơn một tuần so với quy định trước đây. Tuy công việc cuối năm khá bận rộn, nhưng chị Trương Mộng Tuyền, phụ huynh HS Trường mầm non Sao mai (Q.8, TP.HCM), cho biết: "Để đảm bảo an toàn cho con thì dù bận cũng phải cố gắng để chăm lo cho con. Tôi sẽ lên kế hoạch nghỉ tết cho bé vui và ý nghĩa để bù đắp cho lễ hội xuân ở trường phải tạm dừng".
Chị Mộng Tuyền chia sẻ: "Tôi cho con đi siêu thị mua sắm đồ dùng, vật phẩm cho ngày tết, trò chuyện để con hiểu vì sao bày mâm ngũ quả cho đẹp, cắm hoa cho không khí nhà được tươi mới... Tôi sẽ cùng con đi nhà sách vào buổi tối, chọn cho con các cuốn sách có nhiều hình ảnh về phong tục tết cổ truyền, như hoa đào, bánh chưng...".
Chị Tuyền chia sẻ tết là thời gian đặc biệt để mọi người trong gia đình nghỉ ngơi, vui chơi, sinh hoạt cùng nhau sau một năm. Vì vậy, chị cho rằng việc nghỉ ngơi, uống trà, xem phim, nghe nhạc, cho con trò chuyện với ông bà nhiều hơn, đó cũng là một cách tăng thêm tình cảm gia đình.
Còn anh Dương Hiếu Lai, có con đang học THCS tại Q.1, TP.HCM, thì cho biết các cháu chỉ thay đổi việc học ở trường bằng học tại nhà qua ứng dụng công nghệ thông tin. Do vậy, gia đình cũng đỡ lo khi các bé không đến trường, nghỉ ở nhà, nhớ trường, nhớ bạn bè. Sau tuần học trực tuyến thì đến thời gian nghỉ tết của gia đình và nếu điều kiện di chuyển an toàn về phòng chống dịch Covid-19 thì bé sẽ về quê với ông bà nội.
Phụ huynh này chia sẻ: "Thật ra, trẻ con ở TP ít có điều kiện sinh hoạt những nền nếp của ngày tết truyền thống như đi thăm, chúc tết ông bà, các sinh hoạt lễ hội mang bản sắc địa phương... Vì vậy, hằng năm gia đình đều cho bé về quê, tuy nhiên năm nay sẽ chờ đợi diễn biến dịch như thế nào để có quyết định cụ thể". Phụ huynh này cũng nói thêm, nếu không về quê được thì giao thừa, tôi sẽ điện thoại để bé gặp, chúc tết ông bà nội như truyền thống gia đình từ bao năm nay.
Bản tin Covid-19 ngày 1.2: Hà Nội thành 'điểm nóng' mới, Bắc Giang xuất hiện lây nhiễm cộng đồng
Học sinh nghỉ tết sớm để phòng dịch Covid-19
Trưa 1.2, UBND TP.HCM ban hành công văn khẩn đến tất cả các trường học thông báo cho HS tạm dừng việc học tại trường từ ngày 2.2 để đảm bảo một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Chiều 1.2, bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, đã ký công văn hỏa tốc gửi các phòng GĐ-ĐT và các đơn vị trực thuộc sở về việc điều chỉnh thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của HS các cấp học trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ ngày 2.2, sớm hơn 4 - 5 ngày so với kế hoạch để phòng dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, ngày 5.1, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp ban hành công văn thông báo cho HS bậc mầm non và tiểu học nghỉ tết kể từ ngày 6.2, HS bậc THCS, THPT và giáo dục thường xuyên nghỉ tết từ ngày 7.2.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhiều nơi trên cả nước, chiều cùng ngày, ông Trần Tuấn Khanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, đã ký thông báo cho HS nghỉ tết từ ngày 2.2, sớm hơn một ngày so với kế hoạch trước đây.
Trần Ngọc
Học sinh nửa vui, nửa buồn
Trước thông tin UBND TP.HCM có văn bản cho HS, sinh viên, học viên TP ngừng đến trường nhằm phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 2.2, HS đã có nhiều cảm xúc trái ngược nhau, vui mừng và lo lắng lẫn lộn.
Nguyễn Trần Tường Vy, HS lớp 12, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (H.Hóc Môn), cho biết "nửa buồn, nửa vui". Vui vì có thể chủ động học ở nhà, hạn chế tiếp xúc để phòng bệnh nhưng buồn vì phải bỏ lỡ cơ hội tham gia các chương trình hội xuân cuối năm cũng như tụ tập bạn bè.
"Năm trước học trực tuyến nhiều tháng liền nên giờ tụi em quen rồi, chỉ cần thầy cô lên lịch là tụi em vào học thôi. Các thao tác cũng như cách học đã được làm từ trước nên không có gì khó khăn. Em chỉ hơi buồn vì tết này phải hoãn, hủy nhiều kế hoạch do ảnh hưởng của dịch. Chỉ mong tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát, ra tết có thể quay trở lại trường vì năm nay là cuối cấp rồi, bọn em muốn tập trung học tốt để còn thi tốt nghiệp và xét vào đại học", Tường Vy chia sẻ.
Đoàn Công Vinh, HS lớp 10 tại Trường THPT Tây Thạnh, cho biết: "Sau khi nghe tin, trong em có hai cảm nghĩ trái ngược nhau. Lúc đầu em rất lo vì nghỉ học nhiều sẽ mất kiến thức, nhưng đồng thời cũng cảm thấy vui vì giữ được an toàn cho mỗi cá nhân trong việc chống dịch".
Một HS khác cùng trường cho biết: "Cảm xúc của em khi nghe tin nghỉ sớm là rất vui vì HS có thể đảm bảo sức khỏe. Nhưng em cũng lo lắng vì dịp tết sắp tới mà dịch bùng phát trở lại sẽ làm mất niềm vui tết của tụi em". "Nghỉ học sớm thì các em rất vui, vì có thêm nhiều thời gian phụ giúp cha mẹ đón tết. Nhưng em vẫn thích đi học những ngày giáp tết vì được gặp bạn bè thầy cô, được bạn bè thầy cô lì xì. Em mong mau hết dịch để chúng em đi học lại sau tết", một nữ sinh cũng của trường này cho hay.
Năm nay nhiều trường cũng đã có kế hoạch tổ chức ngoại khóa, lễ hội xuân về tết cổ truyền dân tộc nhưng đành phải gác lại. Nếu năm ngoái, dịch bùng phát ngay sau thời gan nghỉ tết, làm phá vỡ kế hoạch năm học. Thì năm nay, dịch tái bùng phát sớm hơn, ngay trước tết, phá vỡ niềm vui xuân của các em.
Ngọc Tuấn - Nguyễn Loan
Nâng cánh ước mơ của học sinh nghèo Yên Bái Ngày 29/1, Tỉnh Đoàn Yên Bái phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái tổ chức chương trình Nâng cánh ước mơ số 1 năm 2021. Bốn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận học bổng với trị giá 5 triệu đồng/suất. Bắt đầu từ năm 2021, Tỉnh Đoàn Yên Bái phối hợp Đài...